Sổ Tay Ký Thiệt / Báo Đời Nay
Ngày 11 tháng 9 vừa qua, nước Mỹ đã làm lễ long trọng tưởng niệm gần ba ngàn thường dân vô tội tuổi từ 2 tới 85 đã chết trong cuộc tấn công khủng bố của Hồi Giáo quá khích 18 năm trước vào trung tâm nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên nội địa nước Mỹ bị tấn công, mà lại tấn công vào đầu não siêu cường Hoa Kỳ.
Ngày 11.9.2001, lợi dụng những sơ hở của mạng lưới an ninh tình báo Mỹ, những tên khủng bố Hồi giáo đã giả dạng hành khách để cùng một lúc, xuất phát từ những phi trường khác nhau, cướp bốn chiếc máy bay phản lực với đầy xăng và biến chúng thành những hỏa tiễn có người điều khiển.
Hai chiếc phi cơ-hỏa tiễn đã làm sụp đổ hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm Thương Mại Thế giới (World Trade Center) ở New York, biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ, cùng với hàng ngàn người đang có mặt trong giờ làm việc tại đây.
Chiếc phi cơ-hỏa tiễn thứ ba lao vào Ngũ Giác Đài (Pentagon) ở thủ đô Washington, tổng hành dinh sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
Chiếc phi cơ-hỏa tiễn thứ tư nhắm hướng Tòa Bạch Ốc, đầu não của chính quyền Hoa Kỳ, nhưng đã không tới được mục tiêu do sự kháng cự dũng cảm của hành khách trên máy bay, rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania và bốc cháy.
Al Qaeda, tổ chức Hồi giáo quá khích đã ăn mừng chiến thắng, tự nhận là tác giả của chiến công long trời lở đất này và cho biết chỉ tốn khoảng nửa triệu đô-la để lên kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công. Về phía Mỹ, thiệt hại vật chất được ước tính hơn ba ngàn tỉ đô-la ($3,000,000,000,000.00). Chưa kể tổn thất nhân mạng, 2,977 người vô tội, lớn hơn số nạn nhân trong trận tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng năm 1941. Chưa kể tổn thương danh dự và tinh thần của siêu cường Hoa Kỳ do vụ này. Vụ mà, mới đây không lâu, cô Ilhan Omar, một di dân gốc Trung Đông, người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ năm ngoái, đã diễn tả chỉ là chuyện nhỏ khi “Vài người đã làm vài việc” (Some people did something). Omar, dân biểu của Minnesota, đảng Dân Chủ, đã chỉ gặp vài phản ứng nhẹ nhàng về phát ngôn “ngây thơ” của cô.
"Some people did something" - Ilhan Omar
Nhưng, trong dịp tưởng niệm lần thứ 18 của “Ngày 9/11 không bao giờ quên”, nhiều người Mỹ đã viết những bài cho thấy vết thương của ngày 11.9.2001 vẫn còn hằn sâu trong lòng họ. Ông Scott Walker, cựu thống đốc Wisconsin, đã mở đầu như sau cho bài mang tựa đề “United we stand”:
“Buổi sáng ngày 11 tháng 9, 2001, tôi đang đổ cereal vào đầy tô cho mấy đứa con trước khi đưa chúng tới nhà trường. Tonette gọi về từ sở làm, bảo tôi hãy mở ti-vi nơi phòng khách. Tôi liền làm như vậy.
“Peter Jennings đang tường trình về vụ một chiếc phi cơ đã đâm vào một trong hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới. Thoạt đầu, người ta nghĩ rằng đó là một tai nạn khủng khiếp. Rồi, một chiếc phi cơ nữa lao vào tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới. Thật là khó tin rằng hai phi cơ hành khách lại có thể gặp tai nạn và cùng đâm vào hai tòa tháp cao này.
“Tất cả chúng ta đều đã quá ngây thơ.”
Chắc hẳn ông Walker không có ý nói tới cùng một loại “ngây thơ” như của cô Dân biểu Omar.
Trong một bài khác, Cliffort D. May, Chủ tịch sáng lập của Foundation for Defense of Democracy (FDD) viết rằng ngay sau vụ 11.9.2001, Tổng thống George W. Bush đã phát động một cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố, gọi tắt là GWOT (Global War on Terrorism), nhưng không coi khủng bố là kẻ thù. Khủng bố chỉ là khí giới trong tay của kẻ thù! (?)
Đến thời Tổng thống Obama thì GWOT của TT Bush bị dẹp bỏ, thay bằng CVE (Countering Violent Extremism), chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động, loại bỏ chữ “khủng bố” và không bao giờ nói tới “khủng bố Hồi giáo”.
Do đó, cuộc chiến tranh tại Afghanistan chống tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban, loạn quân đỡ đầu và che chở cho Al Qaeda, sau 18 năm vẫn chưa thấy ngày chấm dứt, mặc dầu Osama bin Laden, thủ lãnh của Al Qaeda đã bị hạ sát năm 2011. Hamza bin Laden, con trai của Osama, lên thay cha, mới đây đã lên tiếng trên website của Al Qaeda đe dọa sẽ tấn công lần Mỹ nữa nhân ngày 11.9.2019. Nhưng, không bao lâu sau, Tổng thống Donald Trump, trong một bản tuyên bố ngày 14 tháng 9 vừa qua, cho biết Hamza bin Laden đã bị giết chết trong một cuộc hành quân chống khủng bố của Hoa Kỳ tại vùng biên giới Afghanistan/Pakistan. Ông Trump không cho biết thời điểm của cuộc hành quân nhưng nói rằng “cái chết của Hamza bin Laden không chỉ loại bỏ khỏi Al Qaeda kẻ cầm đầu có khả năng và biểu tượng nối kết với cha của y, nhưng còn làm giảm thiểu những hoạt động quan trọng của nhóm này.”
Cùng trong lúc ấy, một cuộc mật đàm với thủ lãnh Taliban tại Camp David ở ngoại ô Washington được dự trù vào dịp nghỉ cuối tuần trước ngày 11.9.2019 với kỳ vọng chấm dứt “cuộc chiến tranh vô tận” của nước Mỹ, nhưng đã bị ông Trump hủy bỏ vào giờ chót khi có tin quân Taliban đã đánh bom gần Tòa Đại sứ Mỹ tại Kabul giết chết một lính dù Mỹ, một binh sĩ Rô-ma-ni thuộc lực lượng NATO và ít nhất mười thường dân.
Cuộc chiến tại Afghanistan lại sẽ còn kéo dài và máu còn đổ không biết đến bao giờ. Và, đây chỉ là một trong những “di sản” mà ông Trump đã... thừa hưởng từ các người tiền nhiệm. Những di sản khác gồm có Iran, Bắc Hàn, cùng bao nhiêu chuyện đau đầu nhức óc khác, mà nặng nề, nguy hiểm nhất là nước Tàu cộng với “giấc mơ Trung quốc” của “hoàng đế không ngai” Tập Cận Bình trong đó đế quốc Đại Hán với một tỉ rưỡi dân sẽ qua mặt Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới vào năm 2050.
Nhưng, giấc mơ thần tiên này đã trở thành ác mộng khi bà Hilarry Clinton đã không trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 2016, như tiên đoán và mong đợi của nhiều kẻ thù của nước Mỹ trên thế giới.
Donald Trump là một ông vua “điêu” (deal), một cáo già trên thương trường nên khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống tại Tòa Bạch Ốc, ông thấy ngay nước Mỹ đang bị cả thù lẫn “bạn” trên khắp thế giới xúm vào rút rỉa, chơi cửa cha, như vắt sữa con bò không thương tiếc. Đứng đầu sổ trong những nước này là Trung cộng, đã lợi dụng sự “ngây thơ” của các nhà lãnh đạo Mỹ trong quá khứ, và nhờ gian thương bất chánh, trộm cắp trí tuệ, từ một đất nước nghèo khổ, lạc hậu, chỉ chưa đầy 30 năm đã trở thành một nước hùng mạnh có nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới và một bộ máy chiến tranh ngang ngửa với siêu cường Hoa Kỳ, và đe dọa cả thế giới.
Nhưng với những gì đã gây dựng được trong 30 năm do làm ăn bất lương gian xảo đang có nguy cơ sụp đổ sau 3 năm đương đầu với cuộc “thương chiến” của ông tổng thống Mỹ không còn... ngây thơ. Bằng cớ là tối hôm 9 tháng 9 vừa qua, Tổng thống Trump đã nhận định rằng năm 2019 là năm tồi tệ nhất cho đám cầm quyền nước Tàu, kể từ 57 năm qua.
Không ai ngạc nhiên khi truyền thông dòng chính Mỹ không loan tải gì về tin tức quan trọng này, cũng như những tin tức về nền kinh tế Mỹ đang vững mạnh, về công ăn việc làm gia tăng, số người thất nghiệp giảm tới mức thấp nhất so với nhiều năm trước. Trái lại, họ tung ra những phỏng đoán bi quan có mục đích hù dọa về một cuộc suy thoái kinh tế không tránh khỏi, vui mừng bình luận về tin Ủy ban Tư pháp Hạ viện vừa biểu quyết tiến hành thủ tục “đàn hặc”, truất quyền TT Trump.
Truyền thông dòng chính, thiên tả Mỹ không hề che đậy sự thù ghét ông Trump từ ngày ông ta đắc cử tổng thống năm 2016, và cũng từ đó đã là đồng minh gắn bó với cái gọi “quyền lực ngầm” (Deep State), làm mọi cách để loại trừ một tổng thống được dân bầu ra hợp pháp, hợp hiến.
Họ đã cùng nhau tạo ra câu chuyện về sự thông đồng giữa ông Trump và ban vận động tranh cử của ông với người Nga để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử năm 2016, đưa đến sự thua đau của bà Hillary Clinton. Dựa vào một hồ sơ gồm những sự việc không có thật do Christopher Steele, một cựu điệp viên người Anh, lập ra với phí tổn được thanh toán bằng tiền quỹ của đảng Dân Chủ và quỹ vận động tranh cử của bà Clinton, một số viên chức cao cấp tại Bộ Tư pháp và FBI nằm trong “quyền lực ngầm” đã tạo ra một cuộc điều tra rộng lớn do tham vấn đặc biệt Robert Mueller đảm trách kéo dài gần hai năm, đốt hết hơn 30 triệu đô-la tiền dân đóng thuế, với kết quả hoàn toàn tay không. Không có thông đồng và không có ai bị truy tố về tội thông đồng.
Như vậy mà ông Trump chưa được buông tha và cho ông được yên để hành xử trách nhiệm tổng thống nặng nề của ông. Ủy ban Tư pháp Hạ viện do đảng Dân Chủ kiểm soát vẫn cáo buộc ông đủ thứ tội với sự cổ vũ hăng say của truyền thông báo chí thiên tả. Và, ngày 12 tháng 9 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Hạ-viện đã bỏ phiếu 24-17 đồng ý xúc tiến thủ tục điều tra để đàn hặc, truất quyền Tổng thống Trump.
Quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ đảng Dân Chủ, mà nhiều người cho rằng cũng sẽ không đi đến đâu vì chuyện đàn hặc truất quyền Tổng thống Trump sẽ không thể xảy ra. Hai mươi bốn dân biểu trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện chỉ làm lấy được, làm cho bõ ghét và sẽ đưa nước Mỹ vào một cuộc phiêu lưu chính trị nguy hiểm, thay vì phục vụ thiết thực cho cử tri đã bỏ phiếu cho họ. Kết quả các cuộc thăm dò ý dân khác nhau cho thấy đa số dân Mỹ cũng không tán thành việc đàn hặc, truất quyền Tổng thống Trump chỉ vì lý do chính trị, phe đảng.
Chính trường nước Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ chưa từng thấy. Hiện tượng thù ghét ông Trump trong truyền thông Mỹ và trong đảng Dân Chủ đã một mặt xóa mờ truyền thống văn minh tốt đẹp của nền Dân Chủ Mỹ, mặt khác đã làm suy giảm hiệu năng của guồng máy công quyền Mỹ trong giai đoạn đầy thách thức nguy hiểm trong một thế giới nhiều bất trắc mà kẻ thù của nước Mỹ thì không ít.
Nếu ví bộ máy công quyền một nước như thân thể con người thì nước Mỹ hiện nay như thân thể một con người vóc dáng to lớn, lực lưỡng nhưng có một cái bụng đầy... giun, sán, ung nhọt có thể làm suy yếu hay gây bệnh bất ngờ cho toàn thân. Cái bụng bệnh hoạn ấy cần một sự “soi ruột” và tẩy rửa sạch giun sán, cắt bỏ những ung nhọt độc hại.
Việc đó dường như sắp xảy ra khi có tin cuộc điều tra của Bộ Tư pháp do Chưởng lý John Durban cầm đầu để... điều tra về nguồn gốc của cuộc... điều tra do ông Mueller đặc trách, sắp kết thúc và một phần của cuộc điều tra đã được trình lên ông Bộ trưởng William Barr.
Trong thời gian rất ngắn tới đây, có lẽ trước mùa thu năm nay, tất cả sự thật về cái gọi là “thông đồng với Nga” sẽ được phơi bày trước ánh sáng như giun sán, ung nhọt dưới ống kính của một cuộc “soi ruột”, những sự thật ghê tởm mà Sử gia Victor Davis Hanson diễn tả trước đây vài tháng như sau: “Những người ấy đã xây dựng một vụ án cho sự kết tội của chính họ bằng hành vi của họ một cách trực tiếp hay bằng cách theo sát hành vi của những người phần lớn là vô tội.”
Nói rõ hơn, chính những người có hành vi thông đồng với Nga lại cấu kết với nhau, nhân danh công lý, nhân danh đạo đức, nhân danh hiến pháp và nhân danh nước Mỹ để gán tội ấy cho kẻ vô can.
Những người này là ai? Và hình phạt nào xứng đáng với họ để phục hồi công lý, phục hồi niềm tin của dân Mỹ vào nền dân chủ văn minh bền vững từ ngày lập quốc?
Tổng thống Trump, “nạn nhân hụt” của âm mưu ghê gớm ấy, đã định nghĩa khá chính xác khi ông nói: “Đây là phản quốc. Đây là trọng tội. Đây là tất cả mọi điều xấu xa theo định nghĩa mà người ta muốn biết.”
Đây sẽ là một vụ “soi ruột” thật sự và cần thiết để nước Mỹ phục hồi sức mạnh xứng đáng với vai trò siêu cường trên thế giới.
Sau vụ này, chắc không còn ai nhắc tới vụ Watergate mấy chục năm trước. Chuyện không có gì mà làm ầm ĩ!
Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 20.9.2019)
No comments:
Post a Comment