Sunday, September 29, 2019

Khi Con Bướm Trở Về

Trần Ngọc Ánh

Sẽ không công bằng khi tôi nhắc rất ít về nó trong cuốn nhật ký của mình. Có lẽ tôi mặc cảm về sự sai lầm đã qua, khi bước thêm bước nữa trong cuộc hôn nhân tạm bợ, vội vàng. Nó bất hạnh khi trong tờ khai sanh của nó không có họ tên cha. Tôi thấy mình cứng rắn lúc quyết định chia tay với ba nó. Đành vậy thôi, Má xin lỗi con gái nếu con cảm nhận sự thiệt thòi này. Nhưng thật tình nếu không có nó tôi không biết mình sẽ sống ra sao nữa, nó là đứa bé thông minh lanh lợi, nó đã giúp tôi nguôi ngoai trong những năm tháng cô đơn vò võ một mình.

Mới đó mà gần ba mươi năm, bây giờ nhìn nó chăm chỉ thắt bím cho con bé trong ngày đi học đầu tiên, tôi thấy lại hình ảnh của mình buổi trước. Mẹ con nó đều có mái tóc dầy đen mướt như nhau, nhưng hồi đó má nó cắt bum bê, tôi chỉ cài cái nơ con bướm là xong. Nó dạn dĩ hồn nhiên khi bước vào lớp chớ không níu áo mẹ khóc nhè. Tự dưng tôi yên tâm tin vào tương lai của nó.

Hồi trong tù, có con nhỏ ở chung trại chuyên chơi trò lấy cái vòng nhựa cột sợi chỉ rồi biểu mấy bà ngửa bàn tay ra cho nó đoán đường con cái. Nó cầm sợi chỉ đứng im thẳng băng, cái vòng nhựa tự nhiên lắc lư như có ma thuật, nếu cái vòng xoay tròn thì biểu hiện có con gái, nếu vòng xoay dọc thì con trai. Toàn những phụ nữ xa lạ gặp nhau trong tù, vậy mà bà nào nó cũng nói đúng phóc là bà này hiện nay có 3 trai 4 gái hay bà kia có 2 gái 1 trai… Dĩ nhiên là sự mua vui này mọi người đều hào hứng tham gia để coi có ai bị trật không? Khi nó đề nghị tôi xòe tay cho nó bói thì tôi từ chối, vì tôi biết chắc là chỉ có một mình Vy Dân thôi. Chồng chết, thân phận đang ở tù mút chỉ, khi mãn án cũng già chát rồi, còn chồng con gì nữa, nhưng nó nhất định bói cho bằng được. Tôi miễn cưỡng đưa tay ra, mọi người đều nín thở nhìn chăm chăm vào cái vòng. sợi chỉ như bất động, một phút, rồi hai phút, ba phút trôi qua nó mỏi tay và ai cũng mỏi mắt, tôi chỉ muốn bỏ cuộc nhưng nó ra dấu im lặng. Bất chợt cái vòng xoay tròn như chong chóng, mạnh dạn lắc lư, nó thở phào buông sợi chỉ ra rồi tuyên bố chắc nịch “chị còn một đứa con gái nữa, nhưng lâu lắm mới sanh ra, mà con nhỏ này làm chị khổ tâm dữ lắm, tin tôi đi.” Tôi mắc cười về câu nói này, chỉ giỡn thôi mà làm sao tin khi sự thật còn lâu lắm chắc gì xảy ra.

Ra tù tôi quên hẳn câu chuyện bói vui vì mải lo bận rộn mưu sinh giữa lúc còn chân ướt chân ráo nhập vào cuộc sống mới mà không có đồng xu dính túi. Nói ra thì có vẻ ngô nghê, nhưng cơm tù áo trại cả chục năm quen rồi, tự trào theo mấy ông bạn tù “sáng vác cuốc như Quan Công múa võ, chiều nhổ cỏ như Công Chúa hái hoa, ăn cơm trại giam khỏi phải tốn cơm nhà,” bây giờ phải tự lo từng lon gạo, bó củi sao mà chật vật quá. Thật tình tôi chưa từng nấu một bữa cơm ra hồn, nói chi lo cho một gia đình êm ấm.

Trong lúc cô đơn và cần một bờ vai để tựa thì tôi gặp anh, thấy tánh hiền lành dễ mến, làm công nhân trong một khu công nghiệp gần nhà. Hai đứa nghèo gặp nhau thì cũng không cần kén cá chọn canh gì, tánh tôi vốn đơn giản. Rồi khi có bầu con bé tôi mới biết anh ta đã có gia đình ở ngoài quê. Lẽ nào mình lại chấp nhận cảnh sống tạm bợ này với một người đàn ông không trung thực, làm khổ thêm người phụ nữ khác. Thế là tôi dứt khoát chia tay. Buồn bực thất vọng cho sự lầm lỡ của mình, nhưng bụng làm dạ chịu, tôi cương quyết không nghe lời chị hai tôi biểu đi phá thai để khỏi vướng bận cuộc sống còn khó khăn. Dù sao tôi cũng khao khát được làm Mẹ, tôi có cái quyền chính đáng đó mà. Tôi cấm anh ta tới lui, và dọn nhà đi chỗ khác để cắt đứt mọi liên lạc.

Ngày đưa tôi đi sanh, cả nhà đều dấu Má tôi, sợ Má biết chuyện rồi buồn giận. Từ lâu rồi tôi vẫn là nghịch tử của gia đình, cái vụ “phản động” bị tù tội Má còn chưa nguôi bụng, bây giờ thêm cái vụ chồng con lùm xùm này nữa chắc Má chửi tắt bếp. Mấy chị em gom góp tiền để trả bệnh viện, mua đồ cho em bé và xúm nhau chở sản phụ bằng xe Honda thẳng lên nhà người bà con xa để ở tạm chờ ngày hai mẹ con cứng cáp.

Thật tình trong hoàn cảnh vượt cạn trớ trêu này tôi không cảm thấy buồn tủi chút nào mà trái lại còn mừng vì mình được làm mẹ (dù ngoài ý muốn nhưng hạnh phúc vô cùng.) Tôi ôm con bé vào lòng nâng niu, đôi mắt nó to tròn và mái tóc đen nhánh xinh như búp bê, tôi tẩn mẩn xem xét từng bàn tay ngón chân. Ơn trời nó không co quắp giống như Vy Dân, khoảng thời gian mang bầu, tôi không dám nghĩ về thằng con trai tội nghiệp, tôi sợ mình nhớ thương rồi ảnh hưởng tới bào thai.

Hai mẹ con sống bình yên hạnh phúc bên nhau, tôi đã cố gắng trọn vẹn trong vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ để con bé không phải mặc cảm sự thiệt thòi. Tôi làm công nhân trong công ty Đài Loan, lương tạm đắp đổi qua ngày, nhớ những lúc tăng ca đêm không biết gởi ai đành phải mang nó vào xưởng, trải chiếu giăng mùng cho nó nằm ngủ tạm dưới sàn chờ Mẹ tan ca. Khuya về đường vắng, tiếng dép kéo lê và thấy bóng mình đổ dài trong ánh đèn hiu hắt có đứa nhỏ vắt vẻo trên vai sao mà buồn thê thiết.

Ngày nó vào lớp một cũng là lúc tôi ghi tên trở lại giảng đường đại học, tuy không nuôi mộng làm ông Nghè ông Cống nhưng ít nhất cái học cũng giúp tôi ngoi lên khỏi số phận thấp hèn hiện tại và hơn nữa là tấm gương “hiếu học” cho con bé noi theo. Sau giờ tan ca mệt mỏi, khi tôi chúi đầu vào sách vở thì nó cũng mở cuốn tập đầu đời để đánh vần ê a , cứ như vậy hai mẹ con thi đua học tập suốt mấy năm trời, dĩ nhiên con bé thông minh học giỏi hơn tôi khi năm nào nó cũng lãnh thưởng đều đều, còn tôi thì rớt lên rớt xuống mấy môn chính trị Mác Lê, thiếu vài tín chỉ… Mãi đến khi con bé vào cấp 2 thì tôi mới xong phần học đại của mình.

Hay không bằng hên nên nhờ có bằng cấp mà tôi leo lên chức trưởng phòng với mức lương khấm khá. Khi đời sống hai mẹ con bắt đầu ổn định thì tôi gặp lại anh (người thầy cũ quen biết từ 25 năm trước ) từ Mỹ trở về. Lúc đầu chỉ là sơ giao nên con bé cũng ngây thơ vui vẻ đi ăn kem hay xem phim cùng chúng tôi nhưng dần dần con bé cảm nhận ra có cái gì đó bất ổn khi biết mẹ nó chuẩn bị lấy chồng. Ở tuổi mới lớn như nó thì đây là cú sốc tâm lý khá mạnh, nó sợ ai đó dành mẹ của nó, sợ mẹ nó bỏ đi để nó ở một mình, nó nhiều lần giận dỗi bướng bỉnh vì những chuyện vô cớ… Tôi thấy mình đắn đo khi quyết định “Trời mưa bong bóng phập phồng, Mẹ đi lấy chồng con ở với ai” câu ca dao lúc này nghe sao mà buồn não nuột. Tôi nói với anh rằng tôi sẽ chọn ở lại nếu không có con bé đi cùng. Tôi đã mất một đứa con trai khi cho nó đi xa, bây giờ tôi không thể vì hạnh phúc riêng tư của mình mà bỏ con bé bơ vơ trong hoàn cảnh này. Khi anh hỏi luật sư về trường hợp bảo lãnh thì biết nếu con dưới 18 tuổi sẽ được đi cùng với mẹ, vậy là yên tâm một nỗi lo của tôi. Vấn đề còn lại phải thuyết phục con bé chấp nhận cảm tình với người đàn ông từ trên trời rơi xuống cuộc đời hai mẹ con côi cút này. Chuyện coi vậy mà cũng khó, tánh nó nhạy cảm giống tôi nên phải cần thời gian để giúp con bé mở lòng ra mà chịu gọi anh ấy bằng Daddy thân thiết.

Ngày cưới không hiểu ai đã xúi nó mua bó hoa lên tặng Cô dâu Chú rể, gương mặt nó phụng phịu như sắp khóc “hổng biết nói gì đâu à nhe” rồi quày quả trở về bàn, hai đứa tôi vội ôm nó lại mà rưng rưng xúc cảm, “Cám ơn con gái, Ba Mẹ vẫn luôn ở bên con mà” mấy bà già ngồi dưới bàn tiệc đưa tay quẹt nước mắt, chắc lại “trời mưa bong bóng phập phồng...”

Sau ngày cưới chừng một năm thì hai mẹ con được anh đưa qua Mỹ.

Anh từng bước dẫn dắt chúng tôi hội nhập vào cuộc sống mới trên đất nước này, anh đưa nó đến trường, anh dạy nó lái xe, anh hướng dẫn chuyện học hành, chỉ biểu nó chuyện nọ chuyện kia. Với bản tánh hiền lành từ tốn và trái tim bao dung chân tình, anh đã khiến con bé thay đổi cách nhìn về người thứ ba đã chen vô cuộc sống hai mẹ con. Cái tình phụ tử thiếu thốn bấy lâu nay như nắng hạn bỗng có lúc gặp mưa dầm để nẩy mầm hoa yêu thương trong căn nhà nhỏ của chúng tôi.

Thật tình tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời đến như vậy.

Có rất nhiều bạn nói với tôi không muốn cho con đi du học, bởi vì không đứa nào chịu trở về thì mình bị mất con là cái chắc. Con cái bên Mỹ khó dạy hơn bên nhà, nó không chìu theo ý mình muốn, đừng mơ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nó chỉ mong 18 tuổi để rời khỏi nhà sống riêng theo ý thích của nó, có ngoan thì vào ký túc xá, chăm chỉ học hành hay bụi hơn thì thuê phòng ở chung với bạn bè, vay tiền nhà nước để tiếp tục xong chương trình đại học, đi làm thêm để kiếm tiền chi tiêu riêng mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình.

Bọn trẻ tại Mỹ, dù là con của triệu phú hay người bán hàng thì tụi nó đều có chung một cách nghĩ cách sống tự lập như vậy. Thấy thì cũng hay khi chúng khác với mấy thiếu gia công chúa, những đứa trẻ không chịu lớn bên nhà cứ ỷ dựa vào cha mẹ giàu có địa vị, trẻ con bên Mỹ chúng ý thức được trách nhiệm đối với bản thân, đối với cộng đồng xã hội, chúng sẽ có bản lãnh để tự giải quyết mọi vấn đề khó khăn mà không phải dựa vào gia đình hay thân thế này nọ. Nhưng, với người Mẹ còn rặt máu nhà quê như tôi thì vẫn thấy không yên tâm khi để con bé sống cù bơ cù bất giữa chợ đời. Mới xong hai năm đại học nó đã xin tôi cho nó đi làm, cái nghề “mì ăn liền” mọi lúc mọi nơi như nghề Nail thì kiếm tiền không khó lắm, nó hứa sẽ học tiếp tục khi nào có điều kiện…

Nó thuyết phục tôi dai dẳng y như hồi nào tôi thuyết phục nó qua Mỹ. Cuối cùng thì tôi đành dứt áo cho nó ra đi, nhưng trong lòng ray rứt bực bội, bạn bè thấy vậy khuyên can “Nó biết xin phép là còn ngoan, chớ con tui đâu thèm nói tiếng nào, nó đi học rồi ra trường, rồi mua nhà cưới vợ lấy chồng , nó mời mình dự đám cưới như một người khách được ngồi ở ghế danh dự… That’s it! Nghe mà ngán ngẩm.

Vậy mà con bé đi cái vèo gần 10 năm, thỉnh thoảng nó chỉ ghé nhà như khách trọ, nó báo với tôi nó có chồng, rồi có con, rồi mua tiệm nail, rồi bán tiệm vì lỗ lã, rồi mua nhà, rồi đụng xe rồi bán xe… Chỉ báo tin như một qui định bất thành văn giữa hai mẹ con để biết về cuộc sống trôi nổi của nó vậy thôi, không cần can dự hay chia sẻ giúp đỡ.

Nó đâu biết rằng sau mỗi tin nhắn của nó là tôi bị mất ngủ vì thấp thỏm lo âu, hình dung những khó khăn mà nó phải chịu đựng một mình, giống như tôi ngày xưa cũng âm thầm lau nước mắt trước những gian nan cuộc đời, đôi khi lại trách mình sao không nắm chặt tay nó như hồi còn nhỏ để yên tâm hơn. Nói thì nói vậy chứ biết đâu nó gai góc hơn tôi, lạnh lùng đứng dậy sau cú vấp ngã, hay bình thản trước thất bại, chua cay.

Tôi không nghĩ là nó có một gia đình hạnh phúc, hôn nhân không có gì ràng buộc thì chỉ là tựa đỡ cái vai vậy thôi. Chưa bao giờ tôi nghe nó bày tỏ cảm xúc và yêu chân thành người đàn ông bên cạnh nó. Nếu quả thật như vậy thì nó cô đơn biết bao nhiêu. Bên Mỹ cha mẹ không có quyền xen vào chuyện riêng tư của con cái, tôi cố gắng để thích nghi cái “nội quy ngoại quốc” này, dù rất muốn biết tại sao. Thôi thì cứ nghĩ “cháu nội không chắc, nhưng cháu ngoại thì mười phần là huyết thống của mình,” hình như tôi còn kèn cựa kiểu VN. Và hai lần nó sanh, tôi đều có mặt bên cạnh nó bởi vì đơn giản: Trái tim của người Mẹ bao giờ cũng khoan dung độ lượng, và hơn thế nữa khi nó làm Mẹ nó sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng về tình mẫu tử.

Rồi một ngày nó gọi điện thoại nói ngắn gọn “Má, tháng sau con dọn về nhà nhe”, tôi chưng hửng tưởng mình nghe lầm. Cái gì đã làm nó quyết định nhanh chóng như vậy, từ Louisiana bay về California? Làm ăn thua lỗ hay bị chồng bỏ chồng chê? Tôi cũng không thể hỏi nó ngọn ngành câu chuyện. Ừ, về thì về, đó không phải là mong ước của tôi bấy lâu nay đó sao? Mỗi lần qua thăm nó, mở tủ bếp ra thấy toàn đồ Tàu, từ chai nước tương đến củ tỏi, gói mì… Cái nghề Nail không vất vả dầm mưa dãi nắng nhưng mất thời gian bận rộn từ sáng đến tối, ăn uống qua loa thất thường, có đứa chỉ mì gói only, đâu có bữa cơm nào tươm tất, lại pizza, hamburger cho qua. Nếu may mắn gặp tiệm có không khí làm việc thân thiện thì còn hăng say, chớ gặp phải đồng nghiệp ganh tỵ dành khách thì xem ra kiếm được đồng tiền chua cay lắm. Sáng tất tả đưa con đi học, trưa không tìm được người gởi phải mang thẳng vô tiệm, thảy cho nó cái ipad cho nó ngồi chơi, tối về mệt rã rời còn thời gian đâu mà chăm sóc dạy dỗ con chu đáo, nhỏ cháu ngoại ốm nhách đen thui thấy mà thương, còn thằng con gởi bà hàng xóm mà bà chuyên coi phim bộ nên để muỗi cắn chân thằng nhỏ nát hết. Mấy lần xót ruột biểu nó đem hai đứa nhỏ về đây Má nuôi dùm cho, nó dùng dằng không chịu. Bây giờ tự dưng nó muốn về, tôi mừng rỡ khoe với bạn về tin vui bất chợt này và lăng xăng dọn hai cái phòng trống dành cho gia đình nó.

Ở bên Mỹ này việc dọn nhà cũng nhanh gọn lẹ nếu mình chịu bỏ bớt những đồ dùng không cần thiết, mà khổ nổi không cần thiết thì mua vô chi? Tôi mất hai ngày để bán Yard Sale mà lòng tiếc hùi hụi vì phải bỏ những cái mình thích, nhưng có lẽ đến lúc tôi phải làm trống cái nhà để đón con cháu trở về.

Gần 10 năm đi giang hồ, nó trở về thành một con người khác, không còn cái dáng học trò thanh mảnh hồi nào. Mất tiêu luôn nụ cười răng khểnh mà lúc mới qua Mỹ gặp ông bạn tôi cứ tấm tắc “răng khểnh có duyên lắm, con đừng bắt chước mấy đứa bên này đi niềng răng nhe, uổng lắm con ơi. Vậy mà nó ráng đi làm kiếm tiền niềng răng cho được, hàm răng trắng đều cũng đẹp, nhưng mà tôi vẫn thích nụ cười răng khểnh của nó hồi xưa.

Đừng tưởng con cái bên Mỹ cần gia tài của cha mẹ mà lầm. Những đứa trẻ được nuôi dạy tử tế vẫn thích tự lập từ lúc nhỏ, muốn tự mình làm ra tiền một cách lương thiện trong tâm trạng vui vẻ, chúng không có tánh tham lam ích kỷ. Bà bạn tôi kể là bà định cho các con căn nhà nhưng không đứa nào muốn nhận, tụi nó nói ba mẹ cứ bán rồi lấy tiền đi du lịch, tiêu xài thoải mái. Đứa nào cũng trưởng thành và tự lo cho gia đình mình được rồi, đâu phải như bên VN anh em xung đột dành nhau từng tấc đất. Nghe thì cũng hợp lý, nuôi chúng nó ăn học thành đạt là tài sản lớn nhất mà ba mẹ đã tặng, chúng nó đâu cần lấy thêm nhưng mà bà bạn tôi không ngớt thở than theo giọng của Kim Cương trong tuồng cải lương Lá Sầu Riêng “hồi nhỏ mình cho nó cục kẹo nó cũng mừng , đi đâu nó cũng đòi theo, bây giờ mình cho nó cả cuộc đời mà nó cũng không thèm nhận!”

Căn nhà của chúng tôi bấy lâu nay vốn yên tinh, gia đình nó trở về chợt náo động hẳn lên. Tiếng trẻ con chạy giỡn cười nói bi bô, thấy không khí cũng vui vẻ ấm cúng của gia đình sum họp, nhưng đối với tuổi già ngót nghét như chúng tôi thì quả là hơi mệt. Nó cũng thẳng thắn theo kiểu Mỹ “Tụi con chỉ ở tạm trong nhà này vài tháng thôi, nếu việc làm ổn định, tụi con sẽ mua nhà trong vùng này, gần Ba Má hơn.” Tôi lại chưng hửng với chữ Nếu của nó. Bên VN hay nói “an cư lạc nghiệp”, còn bên này thì ngược lại “lạc nghiệp mới an cư.” Hổng lẽ nó lại muốn xuyên bang lần nữa?

Tôi chợt nhớ câu nói của con nhỏ trong tù hồi nào “đứa con gái này luôn làm chị khổ tâm”.

Đúng là y chang!

Trần Ngọc Ánh

No comments:

Blog Archive