Bali Vào Hạ
Indonesia dân số khoảng 269.448.804 triệu người. Diện tích: 1.812.108 km², gồm 17.508 đảo lớn nhỏ và có 120 núi lửa. Thời tiết ở Bali chia thành hai mùa, mùa khô bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 9, còn mùa mưa bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau. Tháng tư vào hạ chúng tôi du lịch đến vùng cao nguyên Ubud Bali, cách xa phi trường Depansar 45 km, Bali còn 3 núi lửa đang họat động là núi: Agung, Bromo, Merapi.
Đảo Bali diện tích 5700 m², dân số hơn 3,8 triệu. Đời sống ở Bali theo truyền thống tôn giáo Hindu[1]. Ubud là trung tâm văn hóa, phát triển hàng thủ công rất hưng thịnh, các làng xung quanh Ubud như: Campuhan, Penestanan, Peliatan và Batuan chuyên nghề thủ công, điêu khắc, bán trên khắp đảo.
Chợ Ubud (Art Market) nơi bày bán rất nhiều mặt hàng lưu niệm điêu khắc tinh xảo bằng: gỗ, tre, dừa và đá, giỏ xách, các sản phẩm từ vải lụa… với du khách họ thường nói giá cao, nếu thích nên trả giá từ 1/3. Trung tâm của Ubud, nhiều cây xanh mát mẽ, dọc theo đường phố nhiều đền thờ, tượng các vị thần lớn nhỏ, ngày đêm luôn nhộn nhịp du khách.
Bản sắc văn hóa ở Bali được thể hiện qua đời sống và các lễ hội. Đạo Hindu thờ đa thần, các vị thần khác nhau, trong đó ba vị thần quan trọng nhất là thần Shiva – đấng tạo hóa; thần Vishnu – đấng bảo vệ muôn loài và Brahma. Tín hữu đạo Hindu rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến đền. Khi bình minh vừa ló dạng đã có từng nhóm đàn bà đội lễ vật đi cúng đền. Lễ vật là những cánh hoa vạn thọ, hoa sứ, cái bánh nhỏ hay cây kẹo, điếu thuốc, cục xôi nhỏ như ngón tay trên lá chuối… và cây nhang để trong cái dĩa vuông làm bằng lá dừa tươi 4 cạnh đều nhau. Họ đến từ cổng nầy qua cửa khác, đặt các lễ vật đó lên thành đá hay ngưỡng cửa, có khi ngay cả trên vỉa hè, vệ đường để tạ ơn một thần linh nào hay để cầu khấn ma quỷ đừng quấy nhiễu…
Người dân Bali ăn mặc khá kín đáo, do vậy khi vào đền, chùa du khách phải mặc áo che kín vai, dù mặc quần dài nhưng phải quấn khăn (selendang) hay xà-rông (kain kamben). Indonesia là quốc gia theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên khác với Malaysia và Brunei, trong Hiến pháp Indonesia không chọn tôn giáo này là quốc giáo. Người dân cũng như chính quyền Indonesia hơn 3-4 thập niên trước đã từng mở rộng vòng tay nhân ái đã đón nhận thuyền nhân Việt Nam. Người Việt đi định cư nước thứ 3 nhưng không bao giờ quên ơn. Những năm qua Indonesia bị thiên tai Tsunami người Việt đã quyên góp tiền gởi cứu trợ nạn nhân.
Môi trường sống ở Bali trong sạch không bị ô nhiễm, nhiều rừng cây xanh, sông suối phong cảnh thiên nhiên đẹp không bị công nghiệp hóa. Nổi bật nhất ở Ubud là ruộng bậc thang, (Tegallalang Rice Terraces) được bao quanh bởi những hàng dừa xanh bát ngát. Ubud Palace (cung điện Ubud), từng là nơi sinh sống của các hoàng gia Ubud, cung điện kiến trúc theo đạo Hindu độc đáo nhiều cây cổ thụ xanh tươi sum xuê bóng mát. Show ở Ubud palace, diễn tối thứ 5 hàng tuần, trình diễn các điệu múa truyền thống.
Những khu nhà màu nâu sậm của mỗi gia đình kề nhau, đều có cửa ngõ hẹp riêng luôn xây bức bình phong ngăn chận ma quỷ, quanh nhà và vườn được xây tường hay vách đất để bảo vệ sự ấm cúng gia đình. Mỗi khu nhà là một đại gia đình qua nhiều đời, ông bà nội, cha mẹ anh em ở chung với nhau. Anh tài xế kể, nhà anh ở trải qua 9 đời.
„Nhập gia tùy tục“ đến Bali phải biết một phần phong tục tập quán. Người Bali không sử dụng giấy vệ sinh mà dùng nước để rửa và họ thường dùng tay trái để làm vệ sinh. Vì vậy, tay trái được coi như không sạch sẽ, du khách không nên dùng tay trái để chạm vào ai đó hoặc đưa thứ gì cho ai. Tuy nhiên khi mình dùng hai tay thì điều này lại rất được trân trọng. Trước khi bước vào lễ chùa thì cần bỏ giày dép ở ngoài. Khi bắt tay làm quen với người dân Indonesia cần dùng cả hai tay để bắt không nên bắt một tay đây là phép lịch sự tối thiểu. Không nên dùng ngón trỏ để chỉ hoặc ra dấu cho người khác, không được chạm vào đầu người khác.
Thịt heo thường bị cấm ở các nước Hồi giáo, nhưng Bali phần đông theo đạo Hindu nên có món thịt heo quay đặc sản gọi là Bali guling (Roasted Pig) rất ngon. Heo sữa được ướp hương vị gồm hành củ, tỏi, gừng, củ riềng, nghệ, một loại hạt có vị giống như macadamia, ớt hiểm, rau thơm, tiêu đen, lá salam, muối và mắm tôm sệt trộn lẫn vào nhau. Trước đây, babi guling thường chỉ dành cho những dịp trọng đại trong cuộc đời như đám cưới hoặc đám tang. Ngày nay, có lẽ do làn sóng du khách làm thay đổi, những nhà hàng bình dân phục vụ du khách món heo quay không còn giới hạn. Ngoài ra món vịt bebek Betuu gói trong lá chuối hay món tôm cay Sate Lilit, Ikan bakar (cá nướng), Be siap sambal matah (Gỏi gà sambal), món trộn thập cẩm Lawar …
Du khách nên đổi tiền ở Phi truờng trước, ở ngoài đến quầy PT. Dirgahayu (kiosque sơn màu xanh lá cây) hoặc PT Kuta Central (màu xanh dương). Không nên đổi ở những cửa hàng tạp hóa hay ở chợ dễ bị lừa, đừng bao giờ đưa tiền trước cho họ cầm các nơi nầy thường để hối xuất cao nhưng đổi thì không trả đúng giá, Du khách sau khi qua cửa kiểm soát Passport, nhớ vào quầy lấy tờ Immigration card điền vào là mình không mang theo hàng lậu thuế để đưa cho nhân viên quan thuế khi ra khỏi cửa.
Taxi cũng phải trả giá, từ Phi trường DPS đi Ubud tối đa 250 ngàn IDR. Chúng tôi thuê xe có tài xế buổi sáng từ 9 đến 18 giờ chiều, trả 50$ tài xế nói tiếng anh rất giỏi đón đưa đúng giờ, làm hướng dẫn viên luôn. Đi vào các đền, rừng Khỉ (Monkey Forest) ruộng bậc thang, suối phải trả mỗi người từ 10 ngàn đến 40.ngàn IDR. Hố xuất thay đổi (1$ = 14.109 IDR). Chúng tôi không thích đi theo tour, xem các danh lam thắng cảnh trước trên Internet (Sehenswürdigkeit in bali) và lên chương trình đi chơi tự do không lệ thuộc người khác. Phải mua Sim card 4G, 200 ngàn IDR để xử dụng Internet, Google Maps.
Những danh lam thắng cảnh của Bali
Thác Nungnung (waterfall) phong cảnh thiên nhiên, nhiều bông hoa tuyệt đẹp đa dạng, hữu tình của rừng núi và đồn điền cà phê hoà quyện với mùi thơm cà phê giữa bầu không khí trong lành. phải đi xuống hơn 500 bậc thang có vài chòi để ngồi nghĩ hít thở mùi hương tươi mát của rừng mưa nhiệt đới. Thác Nungnung là một trong những thác nước đẹp nhất ở Bali trên độ cao 900m so với mực nước biển, nếu người sức khoẻ kém đau chân thì không nên xuống thác. Độ ẩm của rừng các bậc thang đá gần suối mọc rêu trơn trợt dễ té phải cẩn thận.
Thác Tegenung nhỏ có phong cảnh thơ mộng nhìn xuống thác đẹp, có nhiều tổ chim nhân tạo để du khách chụp hình, những bậc xuống thác không cao nếu mang theo quần áo tắm có thể tắm nước suối mát mẽ, có những dòng suối nhỏ chảy vào ống tre. Theo quảng cáo Bali có hơn 10 thác nước, nhưng nếu du khách đã đến Niagara Falls (Ontario Canada) thì thác ở đây không có gì hùng vĩ! Ở Việt Nam còn có nhiều thác đẹp hơn hấp dẫn cho du khách, nhưng phải để cảnh quang theo thiên nhiên tươi đẹp không nên Beton hóa.
Sacred Monkey Forest Sanctuary
Khu rừng nguyên sinh nhiều cây cổ thụ, rể từ cành, thân cây rủ xuống như những tấm lưới, trong rừng có đường, cầu qua suối nước chảy róc rách từng đàn khỉ lông xóm đùa dỡn với nhau, trong bản chỉ dẫn khuyên du khách phải cẩn thận không nên chọc phá thì bị nó cắn hay mang theo thức ăn bị nó theo moi túi xách…Nhân viên bảo vệ trông coi đàn khỉ rất cẩn thận, du khách không bị nó giật kính hay máy hình.
Những ngôi mộ Gunung Kawi huyền bí
Những ngôi mộ hoàng gia (Königsgräber von Gunung Kawi) nằm trên vách đá dựng đứng trong hốc đá hình vòm cung, được coi là di sản văn hóa lâu đời của đảo Bali, đã tìm thấy năm 1920. nằm trong thung lũng ruộng lúa màu mỡ của sông Pakerisan. Khoảng 300 bậc đường dẫn xuống sông đến những ngôi mộ. Hai bên đường bậc thang, có ghế dài để du khách ngồi nghỉ. Nhiều cửa hàng lưu niệm bán một sản phẩm: sarong và khăn templar, giỏ và bát dừa và gỗ, rồng, điêu khắc nhỏ hàng may mặc và có thức ăn nước uống. Đi xuống đến cầu bằng đá sang bên kia sông, là lăng mộ hoàng gia Gunung Kawi, nơi nầy có nhiều huyền thoại được xây từ thế kỷ 11 dưới thời vua Anak Wungsu… Ở phía đối diện của dòng sông có những ngôi mộ đá khác, dành cho các nữ hoàng và phi tần nhỏ hơn. Gần đó là những ngôi đền đá có một ẩn thất tu viện cũ với những lối đi hẹp và những nhà nghỉ của các sư có từ thế kỷ thứ 9 và được coi là một bằng chứng của thời tiền sử của người Bali.. https://bit.ly/2WVI005
Ruộng bậc thang Tegalalang Rice Terrace
Khu ruộng bậc thang này chỉ là một khu ruộng nhỏ trên đảo nhưng được canh tác đẹp mắt, nằm trong khu vực du lịch nên được chú ý. Có lịch sử hơn 2000 năm, ruộng bậc thang ở Tegalalang mang một vẻ đẹp thiên nhiên với màu xanh của rừng dừa, chuối có những mái nhà tranh nhỏ.
Ruộng bậc thang Jatiluwih nằm ở phía Bắc làng Tegallalang tên gọi “Jatiluwih” có nghĩa là “thật đẹp”. Điểm đặc biệt và độc đáo của hệ thống ruộng bậc thang Jatiluwih là nó nằm trên sườn của ngọn núi lửa Batukaru, năm 2012 được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những thửa ruộng bậc thang là niềm tự hào của người dân địa phương. Ngày xa xưa nông dân Bali xử dụng các công cụ thô sơ và canh tác truyền thống để phát triển nông nghiệp. Nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hệ thống ruộng bậc thang Jatiluwih hơn 600 ha, không chỉ là điểm đến nổi tiếng ở Bali mà còn là vựa lúa lớn nhất Indonesia, thu hoạch 3 vụ lúa hàng năm, họ áp dụng kết hợp kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và “Subak” theo truyền thống từ thế kỷ thứ 9! Những mương nước chảy từ núi về làm tươi tốt ruộng đồng không phải tác nước vất vả.
Đền Pura Ulun Danu Beratan
Ngôi đền độc đáo này nằm bên bờ phía tây của hồ Bratan ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, ngôi đền linh thiêng này được xây dựng từ năm 1633. Vẻ đẹp của ngôi đền nhờ bên làn nước của hồ Bratan, không khí mát mẻ của vùng núi và cả làn mây trắng bay quanh. Những ngôi đền nước trên đảo Bali hầu hết dành riêng cho nữ thần nước Dewi Danu. Thần chịu trách nhiệm cung cấp nước cho ngành nông nghiệp.
Ăn trưa ở Kintamani ngắm núi lửa và hồ Batur
Địa điểm đẹp trên núi của cao nguyên Ubud là Kintamani, tại đây có các quán ăn mà từ đó có thể nhìn ra phong cảnh thoáng đãng mênh mông, yên tĩnh gió mát nhìn núi lửa Bratan và hồ Bratan. Thức ăn đơn giản là những món cá nướng ướp nhiều gia vị và ớt cay cay rất ngon.
Pura Lempuyang
Pura Lempuyang là ngôi đền xa nhất mà mình đã đi ở Ubud, cách trung tâm tầm hơn 80km và đường đi phần lớn lên dốc, ôm cua nhiều, đường được xây dựng khá tốt, hai bên đường đều là cây cối, ruộng bậc thang, không khí vô cùng thoáng đãng cho việc ngắm cảnh từ trên cao. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất và cũng là nơi có chiếc cổng đá được mệnh danh “Cổng trời / Heaven Gate”
Đền Pura Tirta Empul / die Heilige Quelle)
Tirta Empul là ngôi đền đẹp và độc đáo được xây từ thế kỷ thứ 10 trên núi thánh, nằm ở làng Manukau của trung tâm Bali, đền thờ để tôn vinh thần Shiva, Vishnu. Tirta Empul nghĩa là “suối nước thánh”, hồ nước lớn hình chữ nhật chạm khắc đá, nơi 12 vòi phun nước từ mạch nước ngầm được xem như nước thánh chảy vào hồ. Tín đồ Hindu đến đền để cầu nguyện và xếp hàng xuống hồ thanh tẩy mình trong hồ nước. Họ đứng dưới vòi nước chảy trên đầu để thanh tẩy tội lỗi hồng trần. Nếu ai tin mà không thể xuống hồ có thể rửa tay dưới vòi nước, rửa mặt, hai bàn tay hứng nước đổ lên đầu và uống nước. Từ rửa tay đến uống nước tất cả đều phải làm 3 lần (3×4) thì sẽ sạch bớt tội lỗi.
Trong đền nầy có thờ Shiva linga[2] tượng sinh thực khí của thần Shiva (Thần Hủy Diệt và Tái Tạo) tượng trưng cho sức sáng tạo của thần Shiva, sức sáng tạo thiêng liêng, được phái Shaivite thờ khắp nơi. Tượng linga đi liền với tượng yoni (sinh thực khí nữ), tượng trưng cho sự hòa hợp của tự nhiên và năng lượng vũ trụ. Tượng này thường được làm bằng đá (giống như tượng thờ ở trong tháp Chàm ở miền Trung VN) Shiva linga có ba phần. Dưới cùng là một phiến đá phẳng hình vuông, ở giữa là bệ đỡ hình bát giác hoặc hình bầu dục (biểu tượng của yoni), trên cùng là một hình trụ đầu tròn – tức là linga. Linga (Sanskrit लिङ्ग linga) có thể cố định (achal) hoặc có thể di chuyển được (chal). Nhiều khi đền thờ chỉ cần có tượng linga mà không có tượng thần Shiva.
Pura Luhur in Uluwatu
Đền Uluwatu nằm ở vị trí đặc biệt trên vách đá cao 70 m. Ulu và watu ghép lại trong tiếng Indonesia cũng có nghĩa là vách đá. Vì thế Uluwatu còn được gọi là ngôi đền trên vách đá. Đến đây ngoài ngôi đền thì cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi và biển. Trên vách đá cao sừng sững nhìn xuống những con sóng to, trắng xóa đập vào bờ, nhiều đàn khỉ chạy quanh đền Pura Luhur Uluwatu nghịch ngợm, chúng giật mũ, kính, máy hình…tôi bị con khỉ trốn trên bờ tường giật lấy cái nón rồi chạy lên cây, phải đi dưới trời nóng chang chang. Ban đêm show ở Uluwatu với các tiết mục đi trên than hồng, diễn lại các câu chuyện thần thoại của Indonesia khá thú vị.
Tanah Lot
Đến buổi sáng có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh này, buổi chiều rất đông và thủy triều lên. Đền Tanah Lot còn được người dân địa phương gọi là Đền Thiêng, tại Tabanan cách Kuta 13km, ngôi đền được xây cách đây 600 năm, nằm ở 1 mỏm đá sát bờ biển, nối với đất liền bằng 1 dải san hô. Chỉ buổi chiều khi thủy triều rút thì mới có thể ra được đền để cầu nguyện thần linh ban phước lành. Nơi đây cũng là nơi lý tưởng đón hoàng hôn ở Bali.
Biển Sanur
Biển Sanur là một trong những khu vực phát triển du lịch tiên phong của Bali, Sanur yên bình nhẹ nhàng không ồn ào, náo nhiệt như Kuta. Sanur trải dài khoảng 5 km dọc theo bờ biển phía Đông, với các khu vườn kiểng tươi tốt và nhiều cây xanh dọc bãi biển đầy cát trắng, nhiều Hotel, Restaurant, quán cà phê, quán có ghế Massage, các cửa hàng bình dân bán áo quần, mũ dép. Bãi biển Sanur buổi sáng từ 9 giờ thủy triều dâng lên nước từ ngoài khơi chảy vào rất mạnh mang theo rong biển, buổi chiều từ 16 giờ thuỷ triều xuống từ bờ ra xa khoảng 1 vài km có thể đi bộ trên rêu xanh. Nhìn chung các bãi biển ở Sanur – Kuta chỉ ngồi hưởng gió biển không thể tắm vì sóng cao chỉ dành cho giới lướt ván trên đầu sóng
Bãi biển Kuta
Bãi biển Kuta nơi có nước biển trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy, địa điểm du lịch thích hợp cho giới trẻ vui chơi lướt ván và lặn ngắm san hô. Kuta thu hút nhiều khách vì dọc theo biển là phố nhỏ, có nhiều trung tâm buôn bán lớn hàng hoá đa dạng. Nhiều Restaurant của Nhật ăn ngon như bên Tokyo nhưng rẻ tiền hơn. Về chiều các quán ăn dọc theo bãi biển người ta kê sát bàn ngoài biển, ăn nhậu vui vẻ, giá bình dân với các món hải sản, xiên gà satay, sườn nướng thơm ngon, Nasi Campur …Hai tuần lễ ở Bali ăn uống không bị đau bụng ra đường không sợ giật Iphone, môi trường sống không bị ô nhiễm, mua bán không lôi kéo chặt chém, không nhiều du khách từ Tàu lục địa ồn ào… Đó cũng là lý do nhiều du khách Tây Phương thích tới Bali.
Xa xa núi lửa Agung đã phun trào, kéo theo cột tro bụi dày, cao tới 2 km, núi lửa này từng hoạt động mạnh tháng 6/2018, gây gián đoạn nhiều ngày tại sân bay Denpasar. Năm nay may mắn chúng tôi không bị ảnh hưởng trở về Đức an toàn.
Nguyễn Quý Đại:
Tài liệu tóm lược đọc thêm
[1] Đạo Hindu không có một Giáo chủ riêng, cũng không có một kinh thánh riêng mà dựa theo một số các bản kinh như Vedas, Upanishads, Puranas, Bhagavad Gita và các thiên sử thi Mahabharata và Ramayana đã đưa ra các hướng dẫn về tôn giáo và thực hành nghi lễ.
Đạo Hindu bắt nguồn từ khoảng 3.000 năm trước trong thời kỳ Văn minh Lưu vực sông Ân của Ân Độ cổ đại (2800-1900 tr.CN). Nó có nhiều giáo lý và nghi thức thực hành khác nhau nhưng xoay quanh Brahman, một đấng siêu nhiên được thờ cúng dưới nhiều hình thức. Brahman là một linh hồn bất tử hiện diện trong tất cả mọi thứ và được đại diện bởi một nhóm ba vị thần bao gồm Brahman- đấng Sáng tạo, Vishnu – người Bảo quản và Shiva- đấng Hủy diệt và Tái tạo. Lakshmi, vợ của Vishnu là nữ thần giàu sang, kiến thức, tinh khiết và là một vị thần được thờ cúng phổ biến trong các đền thờ bách thần của đạo Hindu cùng với Rama, Hanuman và Krishna, mỗi một vị thần đều là hiện thân các mặt khác nhau của Brahman.
Người theo đạo Hindu tin vào việc thờ cúng thần linh. Nhiều tín đồ mộ đạo có bàn thờ tại nhà với hình ảnh của vị thần mà họ tôn thờ nhất để hàng ngày họ làm lễ cầu nguyện và dâng hương, hoa, trai cay …Tín đồ Hindu đến đền thờ hàng tuần hoặc trong các dịp Iễ hội đặc biệt, tại đó ngoài việc dâng đồ cúng cho các vị thần họ còn nghe các thầy tu tụng kinh. Sông (Hằng) Ganges được những tín đồ Hindu tôn sùng và thờ cúng như là nữ thần Ganga. Người ta tin rằng nếu dược tắm ồ dòng sông này sẽ rửa sạch hết tội lỗi, nghi thức tắm được cử hành mỗi 12 năm một lần tại Lễ hội Kumbh Mela ở thành phố miền bắc Allahabad, nơi hợp lưu của sông Ganges và sông Yamuna.
[2] Linga (tiếng Phạn: लिङ्गं liṅgaṃ, có nghĩa là “dấu hiệu”) là một biểu tượng thờ phụng của vị thần Ấn Độ giáo Shiva. Tuy nguồn gốc của nó chưa được xác định, biểu tượng thờ phụng này ở Ấn Độ đã được sử dụng ít nhất là từ thời kỳ đầu của nền văn minh thung lũng sông Ấn. Đây là một trong hai vật thờ linh thiêng (cùng với yoni) của Ấn Độ giáo.
-Linga tượng trưng cho dương tính, có hình khối trụ đặt trên yoni (hình khối vuông, đại diện cho âm khí).
-Linga và yoni biểu thị cho tính âm-dương kết hợp, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ.
-Linga biểu hiện cho dương vật của thần shiva và còn yoni biểu thị cho âm hộ của nữ thần Shakti
Theo Hoa Munich
No comments:
Post a Comment