Người tính không bằng Trời tính, tính toán quá dễ rước họa vào thân
Theo Đại Kỷ Nguyên
Một số nhà tâm lý học đã nhận định rằng những người quá thông minh và có khả năng tính toán giỏi thực ra lại là người bất hạnh, thậm chí là ốm yếu, nhiều bệnh và có cuộc sống ngắn ngủi.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người hay so đo tính toán thì dễ bị mắc các bệnh về tâm thần. Nói cách khác, mặc dù họ có khả năng tính toán, có thể thành đạt, nhưng đổi lại, họ khó có được một ngày nào an vui.
Người tính toán thiệt hơn thường hay mất bình tĩnh, lo lắng lợi ích bản thân mình bị tổn hại. Chúng ta thử nghĩ xem, một người luôn trong trạng thái lo lắng thì có thể ăn ngon, ngủ yên sao?
Những người thích tính toán cũng khó có được sự cân bằng và hài lòng trong cuộc sống. So đo quá mức sẽ sinh ra tâm bất bình và oán giận đối với mọi người. Dẫu một chuyện nhỏ thôi cũng dễ nảy sinh tranh cãi, ủy khuất mãi không nguôi, nội tâm mang đầy mâu thuẫn.
Bụng dạ của người tính toán cũng ngày càng trở nên hẹp hòi. Mỗi ngày chỉ có thể sống quanh quẩn trong những điều được mất mà không thể tự thoát ra được.
Người tính toán quá nhiều, cũng là người muốn được thật nhiều. Khi tham vọng lớn như vậy thì khó có thể sống thanh thản. Dự tính quá mức có khi lại dẫn đến những tổn thất bất ngờ và gia tăng phiền phức.
Người tính toán quá nhiều, bản chất chính là tham lam. Họ sẽ nghĩ ra thật nhiều biện pháp; nó nhanh chóng trở thành một phản xạ trong tư tưởng. Đầu óc lúc nào cũng cuồn cuộn suy nghĩ, chẳng có được một giây phút bình yên. Lâu dần, lòng nặng trĩu và áp lực như một ngọn núi. Cuộc sống trở nên thật vô vị và không màu!
Một người tính toán quá nhiều cũng thường chú trọng đến mặt tiêu cực của vấn đề. Đâu đâu cũng tìm ra lỗi lầm, lo lắng khắp nơi, phòng vệ mọi chuyện, trong tâm luôn là một bầu trời u ám. Người như vậy rất hoài nghi và thường đặt mình vào thế giới đối nghịch. Đây quả thực là một bất hạnh không hề nhỏ!
Người tính toán vì lợi ích mà dễ dàng vứt bỏ các mối quan hệ trong công việc, tình cảm và gia đình, do vậy dần trở nên cô lập với mọi thứ.
Quá nhiều tính toán ở trong lòng chẳng khác nào tích tụ độc tố. Bạn thử nghĩ chưa, một người chất chứa phiền não như vậy liệu có được một cuộc sống tốt không?
Người mà tính toán quá nhiều, cả một đời lao tâm khổ chí. Vì sao vậy? Chỉ vì bản thân quá khôn ngoan, một chút lợi nhỏ cũng không muốn thiệt hại, trong lòng cứ mãi tranh tranh đấu đấu. Đối với người khác, có những chuyện lẽ ra không nên tính toán thì lại đi tính toán, những chuyện nên bao dung thì lại không thể bao dung. Sống như vậy lẽ nào không mệt mỏi ư? Bệnh lẽ nào không sinh ra ư? Tâm và thân chẳng có ngày nào yên.
Có lẽ ai cũng muốn mình là người thông minh, cho rằng càng thông minh càng tốt, càng thông minh càng thấy bản thân mình đối nhân xử thế thật cao siêu. Mỗi người là khác nhau, có người thông minh nhiều, có người thông minh ít, có người thực sự hồ đồ cũng có người giả hồ đồ. Chỉ có những ai dùng “chân tâm” đối đãi mọi chuyện mới có thể tạo nên một kết quả tốt đẹp!
Những người thực sự thông minh thì rất khiêm nhường, họ đủ thông minh để che dấu sự thông minh với mọi người xung quanh. Với bề ngoài đơn giản, đôi khi người ta còn lầm tưởng rằng họ “khờ khạo”, thật ra trong tâm họ rất sáng suốt, họ nhìn nhận vấn đề rõ ràng và thấu đáo. Đây chẳng phải là nghệ thuật sống hay sao, khéo léo giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
Trong xã hội hiện đại đang thay đổi chóng mặt này, nếu bất cứ chuyện gì cũng muốn đạt đến kết quả cuối cùng, đôi khi cũng không thực tế. Từ một khía cạnh khác, lắm lúc khăng khăng làm cho bằng được lại không phải là một cách hay, bởi vì chúng ta vô tình đã tạo nên một áp lực khá lớn, một cái ‘tôi’ hoàn hảo che lấp bản chất chân thật của con người chúng ta. Hãy thả lỏng một chút, ít quan tâm một chút, hãy để mọi ồn ào náo nhiệt bên ngoài khung cửa sổ, hãy cho bản thân một chút bình yên. Bảo đảm trước mắt chúng ta sẽ là một cảnh quan hoàn toàn khác.
Tiểu Diệp
No comments:
Post a Comment