Công luận Hồng Kông phẫn nộ vì côn đồ phá hoại phong trào dân chủ
Thanh Hà
Cảnh côn đồ mặc áo trắng, bịt mặt, tấn công người phản đối luật dẫn độ và nhà báo ngay tại một ga xe lửa Hồng Kông, ngày 21/07/2019. Ảnh trực tuyến trên mạng xã hội.Courtesy of Stand News/Social Media via REUTERS
Cuộc tuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông ngày 21/07/2019 kết thúc trong bạo động. Hình ảnh một nhóm côn đồ mặc áo trắng tấn công người biểu tình ôn hòa, mà cảnh sát không can thiệp, làm hàng chục người bị thương, khiến công luận Hồng Kông phẫn nộ. Khủng hoảng tại đặc khu hành chính này thêm nghiêm trọng.
Phong trào phản kháng dấy lên từ đầu tháng 6/2019 tại Hồng Kông ngày càng trở nên khốc liệt. Nhiều nhóm côn đồ thuộc xã hội đen dùng gậy, gậy bóng chày, thanh sắt tấn công người biểu tình vào cuối cuộc tuần hành hôm qua. Báo chí Hồng Kông đăng tải trực tuyến trên mạng xã hội Facebook những đoạn video cho thấy các nhóm côn đồ ra tay tại quận Nguyên Lãng (Yuan Long) ở phía bắc Hồng Kông. Số này nhắm vào người biểu tình và cả các phóng viên tác nghiệp trong một trạm xe điện ngầm và trong những toa metro.
Bệnh viện Hồng Kông cho biết 45 người bị thương – trong đó có 6 người bị thương nặng, trong các cuộc tấn công trong cuộc xuống đường lần thứ 7 liên tiếp vào mỗi ngày Chủ Nhật.
Điều khiến công luận Hồng Kông bất bình hơn cả, là cảnh sát đã để yên cho những nhóm người áo trắng nói trên ra tay.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình:
“Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga gửi lời thăm hỏi đến gia đình những người bị đánh hôm qua, kể các các nhà báo và hứa là sẽ trừng trị những kẻ phạm tội. Thế nhưng bà Lâm không lên án thái độ của cảnh sát và cũng không đưa ra một thông báo nào, trong lúc công luận còn bàng hoàng vì những đòn dã man của các tay anh chị đeo mặt nạ trong chiếc áo trắng tấn công vô tội vạ vào tất cả những người có mặt tại trạm metro ở Nguyên Lãng, một quận khá xa trung tâm Hồng Kông.
Vài chục người đã bị thương trong đó có một trường hợp thập tử nhất sinh, một phụ nữ bị sẩy thai. Vai trò của cảnh sát Hồng Kông gây tranh cãi. Cảnh sát đã can thiệp rất chậm trễ khi người bị thương cầu cứu, thậm chí còn đóng cửa một số văn phòng khi có những người đến kiện. Thêm một điều đáng quan ngại khác, là người ta đã trông thấy và thu được hình một dân biểu Hồng Kông thân Bắc Kinh niềm nở chào hỏi, bắt tay các đám côn đồ sau đợt ẩu đả ngày hôm qua. Đó dường như là dấu hiệu cho thấy một số người thân Bắc Kinh đứng đằng sau vụ xung đột lần này”.
Đụng độ ngày hôm 21/07/2019 đang làm dấy lên lo ngại các băng đảng xã hội đen hoạt động tại cả Hồng Kông lẫn Hoa Lục len lỏi vào cuộc khủng hoảng chính trị tại đặc khu hành chính này. AFP nhắc lại kịch bản này từng xảy ra hồi năm 2014 khi diễn ra phong trào phản kháng Dù Vàng ở Hồng Kông.
Cũng hôm qua, tại một khu vực ở trung tâm Hồng Kông, cảnh sát đã dùng vòi rồng và lựu đạn cay giải tán người biểu tình chiếm đóng trụ sở Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc. Người biểu tình ném trứng và viết graffiti lên mặt tiền của tòa nhà. Lãnh đạo Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, Vương Chí Dân (Wang Zhimin) ngày 22/07/2019 lên án hành động nói trên, cho rằng mọi tấn công nhắm vào cơ quan đại diện của Bắc Kinh là một sự “xúc phạm đến toàn thể nhân dân Trung Quốc”.
Đài Loan giúp đỡ người biểu tình Hồng Kông ty nạn
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn họp báo tại Đài Bắc ngày 05/01/2019, kêu gọi quốc tế hỗ trợ chống âm mưu sát nhập của Trung Quốc. REUTERS/Fabian Hamacher
Chính quyền Đài Loan ngày 19/07/2019 ngỏ ý muốn giúp đỡ những người biểu tình Hồng Kông đang tìm đường xin ty nạn.
Theo thông tin từ nhật báo Apple Daily, trích dẫn nhiều nguồn tin chưa kiểm chứng, khoảng hơn 30 người Hồng Kông đã đến Đài Loan để xin ty nạn do sợ bị tư pháp Hồng Kông truy tố vì đã tham gia vào vụ đập phá Nghị Viện hôm 01/07/2019.
Hội đồng Sự vụ Hoa Lục, chuyên trách quan hệ với Bắc Kinh, không xác nhận có những đơn xin ty nạn trên. Nhưng thông cáo công bố hôm 19/07/2019 khẳng định cơ quan này sẽ « xem xét những đơn xin ty nạn dựa trên nguyên tắc bảo vệ nhân quyền và các tiêu chuẩn nhân đạo ».
Thông cáo ghi rõ : « Chúng tôi có thể cung cấp một sự hỗ trợ cần thiết cho người dân Hồng Kông nào mà an toàn và tự do bắt đầu gặp lâm nguy vì những lý do chính trị ».
AFP nhận định thái độ này của chính phủ Đài Bắc có nguy cơ làm cho Bắc Kinh nổi giận. Cam kết này được đưa ra vào thời điểm Đài Loan đang chuẩn bị bầu tổng thống, vào tháng Giêng năm 2020 và quan hệ với Trung Quốc đang là một đề tài nhạy cảm.
No comments:
Post a Comment