Saturday, July 20, 2019

Kim Jong Un và đường đi ngoằn ngoèo của những chiếc Rolls Royce


Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Le Figaro cho biết « Làm thế nào Kim Jong Un mua được những chiếc Rolls Royce ». Nhờ nhiều cách thức phức tạp, nhà độc tài Bình Nhưỡng né được cấm vận đối với các mặt hàng xa xỉ.
Khi gặp gỡ tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hay ngoại trưởng Mỹ tại Bình Nhưỡng, tổng thống Nga Vladimir Putin ở Vladivostok, Kim Jong Un luôn sử dụng loại xe sang trọng nhất : một chiếc Rolls-Royce Phantom hay Mercedes có kính chống đạn kiểu mới nhất. Khi Kim ra nước ngoài, có các phi cơ vận tải lo việc chuyển đi những chiếc xe đắt tiền này. Nhưng làm thể nào Kim Jong Un mua được chúng, trong khi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 vẫn luôn có hiệu lực ?

Bí mật này lâu nay vẫn khiến các chuyên gia canh cánh bên lòng, thậm chí mới đây còn gây bực tức cho các nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng của Tập Cận Bình hồi tháng Sáu, Kim Jong Un đã mời ông Tập cùng bước lên « tang vật » là một chiếc Mercedes-Maybach mui trần để vẫy chào đám đông. Trong khi chính Trung Quốc đã bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên nhập loại xe này.

Bằng thủ thuật nào mà chiếc xe sang ấy đến được Bình Nhưỡng ? Báo cáo hôm 16/7 của trung tâm nghiên cứu C4ADS ở Washington đã hé lộ một phần. Think-tank này lần theo được con đường ngoằn ngoèo từ châu Âu của hai chiếc Mercedes mà Kim Jong Un ưa thích, kiểu Maybach S600 Pullman Guard, giá khoảng 450.000 euro một chiếc.

Chuyến đi vòng vèo qua 5 nước

Chúng được nhận ra tại cảng Rotterdam của Hà Lan tháng 6/2018. Hai container niêm phong chứa hai chiếc xe sang này được chở đến một bến tàu, giao cho công ty hàng hải Trung Quốc Cosco. Chuyến hàng đến cảng Đại Liên (Trung Quốc) 41 ngày sau và ở lại gần một tháng. Đến ngày 26/8, một tàu biển chở hai container này đến Osaka (Nhật Bản), chuyển sang một tàu khác đi đến Busan (Hàn Quốc).

Vừa tới Busan, chuyến hàng được giao cho Do Young Shipping, một công ty đăng ký ở quần đảo Marshall, đưa lên tàu hàng mang cờ Togo đi đến Nakhodka, một cảng ở vùng Viễn Đông Nga, gần Vladivostok. Nhưng vừa khởi hành là chiếc tàu Togo này tắt ngay hệ thống nhận dạng tự động, khiến các vệ tinh không nhận ra được. Đến 18 ngày sau hệ thống này mới được mở lại, khi chiếc tàu lần này chở theo 2.500 tấn than từ Nga quay lại Busan.

Số than đá này dùng để đối lấy chuyến hàng quý giá chăng ? Báo cáo không thể xác định, nhưng ghi nhận có vai trò của Danil Kazatchuk, một doanh nhân Nga ở gần Vladivostok, vừa làm ăn trong ngành thương mại hàng hải vừa khai thác các mỏ than.

Vòng quay mờ ám này rất phức tạp, khiến các điều tra viên của C4ADS khó thể có được những bằng chứng thật chắc chắn. Chỉ có thể biết rằng những chiếc xe sang của Kim Jong Un từ chiếc tàu Togo sau khi đến Nga đã được đưa về Bắc Triều Tiên bằng đường hàng không. Hôm 07/10/2018, ba máy bay vận tải của hãng hàng không Bắc Triều Tiên Air Koryo đã đưa những chuyến hàng bí mật từ cảng Vladivostok về Bình Nhưỡng, và chính những chiếc máy bay này cũng phụ trách việc vận chuyển những chiếc xe sang trọng khi Kim Jong Un ra nước ngoài.

Khoảng 800 chiếc xe sang, ngoài những chiếc Mercedes của ông Kim, đã được nhập vào Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây. Như vậy lệnh cấm vận đưa ra cách đây 13 năm tỏ ra không hiệu quả lắm. Một trong những khó khăn trong việc áp dụng là do Liên Hiệp Quốc để cho các nước thành viên tự xác định thế nào là « hàng xa xỉ ».

Những thủ đoạn né cấm vận của Bình Nhưỡng còn cần được nghiên cứu vì một lý do khác : Bắc Triều Tiên sử dụng cùng một mạng lưới ngầm này để mua các nguyên liệu để làm giàu uranium hay sản xuất bom nguyên tử. C4ADS nhấn mạnh, dây mơ rễ má của hệ thống này liên quan đến ít nhất 90 nước.

Đất Việt

No comments:

Blog Archive