Wednesday, July 24, 2019

Đốt sách !

Một thời kỳ đen tối cách đây hơn 44 năm, các sinh viên học sinh đốt sách vở, có cả các nam thanh nữ tú Phật tử đã lục lọi cướp phá thư viện và đốt sách cùng đồ đạc trong các toà nhà trong thời điểm này, họ vào cả nhà dân kể cả trong nhà sách hay thư viện chẳng cần biết đó sách gì, đúng là hành động thiếu suy nghĩ giống như chính xách ngu dân cũa thời Tần-Thủy-Hoàng xa xưa.

image2.png
- Sách Cũ Việt Nam Cộng Hòa 1954 -1975

Đó là những cảnh đốt sách thật tang thương 1 tháng sau năm 1975 tại Sài Gòn và cả miền Nam, đã định tâm như thế rồi, cho nên, khoảng 6 tháng trước khi về Sàigòn để thăm lại bạn bè, bà con mình, tôi đã nhờ bạn bè bên ấy tìm cho tôi những sách mà tôi muốn tìm. Thật ra ít có ai có thì giờ và có lòng để đi làm một công việc vô bổ như thế. Biết bao nhiêu phần đời tôi, biết tìm cái gì, biết mua ra sao. Rất may là tôi còn những người bạn có lòng để tâm giúp đỡ, tên anh là Hồ Công Danh. Đó không phải là đi mua sách cũ mà là một việc truy lùng, sục sạo, mò mẫm đầy bất trắc và may rủi, nhưng cũng đầy thú vị và mủi lòng. 

Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó, 6,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói xôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng.

Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.

Sách vở gì cũng sợ nên sách gì cũng phải tẩu tán. Sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mặc dầu chúng là người ngoại quốc, mặc dầu chả dính dáng gì đến chuyện chính trị hay chiến tranh Việt nam, chúng cũng chịu chung số phận. Tôi cũng có khá nhiều sách vở bằng tiếng Pháp, nhưng tôi biết rằng, trước sau gì tôi sẽ không bao giờ dùng đến chúng nó nên lôi ra bán ve chai mà không thương tiếc. Sách nhỏ bán trước, sách lớn bán sau, cuối cùng là bộ Bách Khoa tự điển bằng tiếng Anh tuần tự rơi vào tay các ông bà bán ve chai. Ở nơi ấy, chẳng mấy khi mà Aristote gặp được Kant. Cũng chẳng ai ngờ được Bùi Giáng gặp mặt được Heideigger.

Sách cũ đối với tôi là một ám ảnh mời gọi tìm về. Trong đó đặc biệt có truyện sưu tập tài liệu triết cũ. Cũng từ những sách cũ đó mà trước đây tôi lớn lên, được nuôi dưỡng và phát triển về trí năng mỗi ngày. Nếu cơm gạo miền Nam cho tôi lớn lên thì sách miền Nam nuôi dưỡng tôi thành người thông tuệ.

Đi truy lùng lại sách cũ là tìm lại một phần bản thân tôi vậy.

Nhưng khi tôi nói sách cũ thì không có nghĩa là sách cổ, mà là sách của miền Nam xuất bản trước 1975. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là :* Việc xây dựng nền Văn Hoá mới đuợc tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ Văn Hoá *nô dịch*, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động..*.

Để thực hiện nghị quyết trên. Họ đã làm mọi cách : tịch thu, tàng trữ và đốt sách và coi sách vở báo chí miền Nam chỉ là thứ rác rưởi. Phần tôi, tôi dám gọi đó là đống rác tinh thần, tài sản của tất cả trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà khoa học miền Nam trong vòng hai mươi năm đã bị đốt. Tóm lại, đó là đống rác thân yêu của miền Nam, cho người miền Nam gìn giữ lấy. (i)

Tình hình sách cũ hồi 1975.

Cộng chung số sách đã bị tịch thâu, hay bị đốt theo là bao nhiêu. Hình như chưa có ai hỏi câu hỏi đó và cũng chưa bao giờ có câu trả lời. Có thể chẳng ai biết được. Chỉ tính theo đầu sách thôi, các số liệu cũ của Bộ Thông Tin cho thấy, vào tháng 9- 1972, theo Ủy Hội Quốc Gia Unesco Việt Nam Cộng Hòa trung bình đã cấp giây phép cho 3000 đầu sách được xuất bản một năm. Cộng chung từ năm 1954 đến 1975, đã có khoảng từ 50000- 60000 đầu sách đủ loại được xuất bản, thêm vào đó 200.018 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Giả dụ mỗi đầu sách in tối thiểu 3000 cuốn. Sẽ có 180 triệu cuốn sách tiếng Việt bị tiêu hủy. Đây chỉ là một lối tính ước chừng. Và như vậy số sách bị tịch thâu, bị đốt, bị bán ra vỉa hè hay ve chai là khoảng 180 triệu cuốn trên khắp miền Nam. Miền Nam theo nghĩa từ Bến Hải vào đến Cà Mâu.

Con số này đã không còn đúng nữa khi ta đọc một bài viết của ông Vũ Hạnh, một nhà văn thời VNCH và là một đảng viên cộng sản trong bài:* Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới đăng trong tuần báo Đại Đoàn kết: Từ 1954 đến 1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam, với số bản là 800 triệu bản* Trong khi đó sách của ông Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra con số 357 ngàn loại. Và ông Đàn dám cả gan nói: Như vậy là con số của Vũ Hạnh gần như khớp với con số chúng tôi tìm được. Thưa ông Trần Trọng Đăng Đàn, con số cách nhau gần một trăm ngàn mà ông dám bảo là khớp thì tôi chịu ông. Các ông đã bao giờ biết nói thật chưa.

Cũng vậy, tờ Tin Sáng số ra ngày 1 tháng 8, năm 1976 tính rằng: Từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa trung học xuất bản cùng thời gian.[ii] Con số này, xin nhờ những vị chuyên gia về Kim Dung cho biết xem thực hư ra sao.[iii]

Độc giả thân mến, xin ghi nhận những thống kê của Ủy Hội Quốc Gia Unesco VN là tài liệu đáng tin cẩn. Tôi chỉ xin nói một điều, nước Pháp hiện nay mỗi năm xuất bản khoảng 1000 đầu sách tiểu thuyết mới. Làm sao VNCH có thể xuất bản mỗi năm hơn 20 chục ngàn đầu sách một năm. Những con số của ông Vũ Hạnh hay gì khác là một thổi phồng đến phi sự thực. Tôi không dám bảo là ông ấy nói láo khoét. Hãy trả lại các ông ấy những gì các ông ấy viết. Chỉ cần so sánh con số dự đoán giữa ông và Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra cũng cách nhau cả gần một trăm ngàn đầu sách. Điều đó muốn nói với chúng ta điều gì.

Nay tất cả những sách đó đều ra tro. Đây là một chính sách man rợ và xuẩn động của nhà cầm quyền Hànội. Dĩ nhiên, người ta đã không đốt hết mà mang bán, chính vì thế nay còn rơi rớt lại một số nhỏ nơi các tiệm bán sách.

Vì sợ hãi nên người ta mang sách vở tài liệu ra chợ bán ký, đó là thứ hàng vô dụng và nguy hiểm nhất trong lúc ấy. Người ta đốt những sách nào liên quan đến chính trị, nhất là sách vở chống Cộng. Người ta đốt những nhà văn nào liên quan đến chính trị như Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Phan Nhật Nam v.v… Người ta cũng đốt tài liệu, hình ảnh cũ, giấy tờ, huân chương, bằng khen. Đó cũng là thứ mà những người chủ mới không muốn nó có mặt.

Người ta đốt tất cả những kỷ niệm, dù đẹp nhất của đời mình.

Mọi người phải tự hiểu rằng, phải đốt tất cả những gì cần đốt, không phải chỉ đốt những kỷ niệm mà tất cả những gì liên quan đến đới sống đó. Một đời sống mà tự nó đã là một điều xấu, một bản án.

Muốn sống yên, người ta phải đốt tất cả quá khứ đời một người cùng với những kỷ niệm, những sự nghiệp từ quá khứ đó mà ra.

Sách không đốt thì được bày bán lén hoặc công khai. Sự bầy bán sách vở như thế coi như dân chúng bắt mạch được thâm ý người chủ mới muốn gì. Nhưng trong số vạn người bán, vạn người mua, vẫn có những người nhà buôn bất đắc dĩ mà đặc loại là một số nhà văn, nhà giáo chế độ cũ nắm được cái chìa khóa của nhu cầu và ý nuốn của người đọc. Họ tìm ra giữa những kẽ hở để thấy được trong hàng tấn sách báo thải loại, cái nào là thứ hàng có giá trị, có giá đối với người chủ mới. Nạn chợ đen, nạn săn tìm sách cũ cho một thị trường mới nhờ thế càng phát triển.

Một cách nào đó, chính những nhà giáo, nhà văn, những kẻ bán sách lề đường, những tên lái sách trở thành những người bảo tồn Văn hoá miền Nam.

Sách phản động càng cấm, càng có giá. Đó là phản ứng ngược chiều ở thời điểm đó. Trên báo Đại đoàn kết, ngày 10—11-1982, Đinh Trần Phương Nam thú nhận một thực tế phũ phàng như sau:* Các hoạt động của chúng ta vừa qua thật rầm rộ, thật phong phú và đa dạng, song các loại sách báo phản động đồi trụy, đã bị quét hết chưa. Xin thưa ngay là chưa.* Số Tiền Phong ngày 23-9-1985 cũng than thở* Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều đợt bài trừ sách báo xấu, nhưng hiện nay hiện tượng mua bán và cho thuê các loại sách báo xấu vẫn còn tồn tại*[iv]

Càng những sách bị cấm lại càng có giá trên thị trường đen. Trên vỉa hè phố, những sách từ ngoài đó được phép bầy bán nằm chống mốc, cong queo ít được ai ngó tới. Người ta bầy những sách trên để che mắt mà thôi. Người mua sách sành điệu chỉ cần hỏi tên một tác giả nhà văn Ngụy. Năm phút sau, chạy đi một lúc có liền.

Lại một thách đố nữa cho người chủ nhân ông mới.

Sách Ngụy trở thành một thách đố chính quyền mới, thách đố ai hơn ai chứ không phải ai thắng ai. Thách đố mang tầm vóc văn học, giá trị nghệ thuật dựa trên nhu cầu người đọc. Sách hay thì tìm đọc, sách tuyên truyền thì không đọc. 

Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui. Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt. Mà phải đốt lén vào ban đêm.

Nhưng sau đó ai cũng thấy đốt là phí phạm. Không đốt thì sách vở đó đi đâu ? Không ai biết nữa. Nhiều người nhắc nhở đến tên Tần thủy Hoàng. Nhưng chẳng ai để ý đến có mối liên hệ gì giữa chuyện xưa và chuyện nay.

Tại sao lại dị ứng với văn học như thế? Không lẽ tất cả đều là phế liệu, tàn dư Mỹ Ngụy hết sao ? Sách nào là phản động, đồi trụy ? Vì thế sách cũ ở đây được đồng hóa với sách cực kỳ phản động, không phản động thì đồi trụy, không đồi trụy thì lai căng.. Mấy chữ trên như những khẩu lệnh bao trùm và truy chụp hầu như bất cứ tác giả nào và bất cứ quyển sách nào.

- Trước hết, các nhà xuất bản sách thiếu nhi bị cấm toàn bộ.

Đó là các nhà xuất bản như Tuổi thơ, Nắng sớm, Tuổi Hoa Niên, Sách Đẹp, Viễn Du, Hùng Dũng, Hoa Hồng, Hoa Hướng Dương, Hoa Mai, 

- Các dịch giả kiếm Hiệp sau đây cũng bị cấm : Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Nam Kim Thạch, Từ Khánh phụng, Phan Cảnh Trung, Long Đức Nhân.

- Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ như : Bùi Giáng, Chu Tử, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Đinh Hùng, Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Hải Thủy, Lệ Hằng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, Thanh Nam, Võ Phiến, Văn Quang, Vũ Hoàng Chương, Vũ Tài Lục, Nguyễn Mộng Giác, Thảo Trường, Nguyễn Thị Hoàng..

Nhận xét :

- Những nhà xuất bản sách thiếu nhi này ấn hành đặc biệt các truyện dành cho thiếu nhi. Những sách đó có tính cách giáo dục, giải trí, hay nêu gương tốt cho các em thiếu nhi. Nội dung lành mạnh và có chất lượng giáo dục. Những nhà xuất bản này thường bất vụ lợi, có sự tài trợ đằng sau của những tổ chức tôn giáo, hay những nhà xuất bản có lòng như trường hợp ông Khai Trí. Vậy mà tội tình gì cũng bị cấm. Cứ cấm là cấm, cấm một cách chùy dập vô tội vạ và vô ý thức. 

Các trẻ em miền nam tự nhiên mù chữ vì không có sách đọc.

- Về các dịch giả truyện Kiếm Hiệp cho thấy đây là những sách dịch vô tội vạ, vô thưởng vô phạt xét về mặt luân lý, giáo dục. Chủ đích của người dịch trước hết có thể là giải trí người đọc. Ai đọc truyện kiếm hiệp chả thấy hấp dẫn và hay, đọc để giải trí. Sau đó mới nói tới những chủ đề tình yêu, y học, võ thuật, nhân vật truyện, chất hài, chất ghen tuông, chất giang hồ, kiếm pháp trong các truyện kiếm hiệp ấy. Sách phải được coi là bổ ích và nó là bộ phận không nhỏ trong sinh hoạt Văn học miền Nam. Trẻ đọc, già đọc, bình dân đọc, trí thức đọc.. Mỗi người tìm ra được cái thích thú cho riêng mình. Đến có thể nói, một trong những nét đặc thù trong sinh hoạt Văn Học miền Nam là sách của Kim Dung.

Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hoá ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Truyện chưởng Kim Dung "độc bá quần hùng" trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: "Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt."

Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội. Có thể từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài... đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. 

Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa (mà nghĩ đến ông tôi bắt nghĩ đến Trần Trọng Đăng Đàn của Việt Nam), đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong "tứ đại tục" bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giầu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ... Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, v.v.. mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì? 

Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa Hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính và Tà là vô thực. Trong Kim Dung, có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính Nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính Nghĩa?

Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chòng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn… đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả VN.

Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên.

- Về các tác giả, các nhà văn bị xoá sổ cho thấy tính cách tổng quát hoá và khái quát hoá đồng loạt. Tỉ dụ thơ của Vũ Hoàng Chương như Hoa Đăng, Thơ say, Tâm sự Kẻ sang Tần thì tại sao cấm. Gìn Vàng giữ Ngọc và Giòng sông Định mệnh của Doãn Quốc Sĩ thì chỗ nào là phản động, chỗ nào là đồi trụy. Duyên Anh với Hoa Thiên Lý, Sa Mạc tuổi trẻ, Ngựa chứng trong sân trường, Dấu chân sỏi đá thì chẳng những không đồi trụy mà còn có tác dụng giáo dục nữa. Thơ Nguyên Sa, Gõ đầu trẻ, Một bông hồng cho văn nghệ thì hoặc là có tác dụng giáo dục, hoặc đặt ra những vấn đề tranh luận trong văn học. Hầu hết người ta không biết hoặc quên rằng Nguyên Sa còn có tập thơ *Những năm 1960*, trong đó là thứ thơ dấn thân, nhập cuộc. Thảo trường với Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp thì có giá trị tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh. Bùi Giáng với Mưa nguồn, Đi vào cõi thơ là những chất ngọc nào phải thứ đồi trụy rẻ tiền.

Có vẻ nhà cầm quyền lúc đó muốn truy chụp tác giả hơn là tác phẩm. Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Duyên Anh, Đinh Hùng, Hoàng Hải Thủy, Nguyên Sa, Chu Tử, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Võ Phiến, Văn Quang, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Tạ Tỵ có viết gì cũng vẫn bị coi là thứ biệt kích văn nghệ.

Xin lấy trường hợp Vũ Hoàng Chương làm điển hình. Ai đã gặp Vũ Hoàng Chương rồi thì đều thấy đó là một thi sĩ gầy ốm tong teo, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng ăn mặc rất chải chuốt, tươm tất, đầu chải mượt với cà rà vạt. Tác phẩm thì tóm gọn trong hai chữ mà thôi : Thơ Tình. Cả đời chỉ biết làm thơ. Và chỉ biết có thơ. Nhưng dù chỉ làm thơ cũng bị coi là người bội phản. Ông đã đi tù như một số nhà văn khác như trường hợp Hồ Hữu Tường. Khi ra khỏi tù được vài ngày thì ông chết.

Mai Thảo dù chỉ viết truyện thuần túy văn chương như Người thầy cũ, Mười đêm ngà ngọc, Căn nhà vùng nước mặn hay Bày thỏ ngày sinh nhật cũng vẫn bị coi là tên Biệt kích văn nghệ hàng đầu của miền Nam. Thanh Tâm Tuyền dù siêu thực hay lãng đãng bí hiểm như Tôi không còn cô độc, Bếp lửa, Cát lầy cũng là kẻ cấy mầm độc tư tưởng ngoại lai thoái hoá. Hủy diệt các niềm tin thì đã có Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện. Duyên Anh có viết Dấu chân sỏi đá, Hoa thiên lý, Thằng Khoa, Gấu rừng, Giặc ô Kê cho trẻ con cũng vẫn là tên đầu sỏ văn nghệ nguy hiểm.

Người ta nhắm đánh vào người, nhắm thái độ lập trường chính trị để đánh giá tác phẩm của tác giả. Vì nhắm tác giả nên có nhiều nhà văn tự nhiên được sót tên một cách cố ý. Đó là những nhà văn một mặt nào đó có thể không chịu xếp hàng trong xã hội miền Nam cho dù thực sự họ cũng xếp hàng như mọi người. Có nghĩa là xét về mặt tác phẩm thì những nhà văn này cũng chẳng khác gì các nhà văn vừa kể ở trên. Có gì phân biệt được về phong cách viết giữa Bình Nguyên Lộc với Lê Xuyên hay với Võ Phiến. Nhưng Bình Nguyên Lộc được tha. Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung mà đôi khi ta tưởng hai người có cùng một lập trường, cùng một quan điểm và cùng một đường lối. Nhưng sách vở thì lại bị phân biệt đối xử khác nhau.

Trong số những người sót tên trong sổ đen phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thích Nhất Hạnh.

Sự đánh phá và truy chụp đó nói cho cùng là một sự muốn xoá trắng Văn học miền Nam.

Đó là cái tội đối với lịch sử văn học nói chung, chứ không phải chỉ có tội đối với miền Nam nói riêng. Xin trích dẫn vài tư liệu làm bằng cớ trong sách Văn Học VN dưới chế độ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, trang 200 : Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức, trong Nhà Văn VN, từ 1954-1975 có 286 bài viết nhằm vu khống, xuyên tạc văn học miền Nam. Chỉ thị của Lê Duẩn sau giải phóng, kỳ họp Quốc Hội khoá 5 : Sau ngày giải phóng nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hoá ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.*

Về những bài viết, xin kể vài bài : Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hoá mới. Nọc độc văn hoá nô dịch. Những tên biệt kích cầm bút. Lại bàn về nọc độc văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-75.

Tên những người viết đó là : Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Đình Ky, Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Thạch Phương, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng và cả Lữ Phương.

Miền Nam có thể thua cuộc. Nhưng cái văn học đó không có lý do gì bị xoá trắng oan uổng như thế. Bởi vì trong 20 năm sinh hoạt văn học đó, nó xác định cho thấy chỗ đứng của nó với sắc thái và cá tính của một nền Văn học đích thực. Một nền văn học mà sản phẩm của nó là kết quả của tự do suy nghĩ, tự do sáng tác. Đấy là cái ưu vượt của sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam mà trong suốt mấy chục năm chia cắt và cả sau mấy chục năm thống nhất đất nước rồi, người ta vẫn chưa thực hiện nổi một điều đơn giản đó.

Đặc biệt các giáo sư Triết, dù bị phê phán vì rao truyền chủ nghĩa Hiện Sinh, nhưng sách vở của họ lại không bị cấm lưu hành toàn bộ như Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các lớp giáo sư trẻ như Đặng Phùng Quân, Nguyễn Trọng Văn. Trừ một trường hợp đặc biệt, dù là giáo sư triết, nhưng viết văn nên cấm lưu hành toàn bộ như sách của Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Xuân Hoàng.

Phần tôi nghĩ rằng, thời kỳ sau 1975, đó là thời kỳ Văn Học bất hạnh cho toàn miền Nam, bất hạnh vì sách bị tịch thu, bị thiêu hủy. Bất hạnh vì hơn 200 nhà văn, nghệ sĩ bị đưa đi cải tạo. Bất hạnh theo suốt cả đời họ. Vì kể từ đó, họ bị khước từ là nhà văn, bản án tù cứ thế kéo dài mãi mãi vì họ không bao giờ còn có cơ hội để viết. Và kể từ đó đến sau này, ta không còn bắt gặp lại mảnh đất miền Nam với những cây trái văn học nữa, cùng lắm có những cây trái đau khổ, đọa đầy và hủy diệt, và cái người bất hạnh nhất, tiêu biểu nhất có lẽ là nhà văn Nguyễn Thụy Long mà người ta quen gọi là nhà văn *Loan mắt nhung*. Sau 1975, ông lê kiếp số phận nhà văn như một con chó đói, một loài chuột chui nhúc để kiếm sống.

Tác giả : Nguyễn văn Lục

Sài Gòn Xưa
===========
Liên kết Sài Gòn Xưa : https://www.facebook.com/oldsaigon75
Liên kết Cochinchine - Sài Gòn Xưa : https://www.facebook.com/SaigonOld75/

No comments:

Blog Archive