Bố Chồng Nàng Dâu
Đã hơn 10 giờ đêm rồi mà tôi vẫn ngồi cắm cúi đọc lần thứ hai mục “Phụ Nữ Tâm Tình” về mẹ chồng nàng dâu trên tuần báo Chí Linh. Câu chuyện nói về một bà mẹ chồng thấy con dâu quá hiền lành thật thà, chỉ chăm lo việc nhà mà thiếu trang điểm khiến con trai bà lơ là... mà bà thì cũng đang mong có cháu nội để bồng bế, nên bà mẹ chồng chỉ vẽ cho con dâu trang điểm, dẫn con dâu đi Nordstrom mua quần áo mặc sao cho đẹp, cho sexy. Kết quả là con trai ngày càng thương vợ hơn. Lúc đó con dâu mới biết ơn mẹ chồng, nên cô chạy đến chúi đầu vào lòng mẹ chồng thì thầm:
- Con cám ơn mẹ. Mẹ sắp làm bà nội.
Nội dung câu chuyện tâm tình này không bình thường như những chuyện thường xảy ra giữa “mẹ chồng nàng dâu” từ xưa tới nay. Dù thật hay hư cấu thì tôi vẫn thấy vui, thấy yêu đời, mỉm cười một mình trong đêm tối rồi đứng dậy tự thưởng cho mình một ly cafe sữa. Đúng lúc đó tôi giật mình vì cái đèn sân sau tự động bật sáng. Tôi quá đỗi ngạc nhiên khi thấy Hà đến gõ cửa, vội mở cửa ra đề hỏi xem có chuyện gì thì cô vội lách vào rồi tìm chỗ khuất trong phòng khách ngồi, thút thít khóc. Tôi biết có chuyện cơm chẳng lành, canh không ngọt giữa vợ chồng Thân-Hà nên tôi rót cho cô ly nước và ngồi chờ nghe câu chuyện.
Đứng về vai vế trong họ hàng thì tôi gọi Hà là thím, thím Thân, Vì bố tôi là con trưởng, còn chú Thân là con út, nên Thân và tôi gần bằng tuổi nhau, đánh nhau và chơi thân với nhau từ nhỏ, lớn lên đi lính cùng binh chủng, cùng sang Mỹ theo diện HO, nhà ở sát nhau nên chúng tôi “tuy hai mà một”. Hà cũng là bạn của chúng tôi trước khi lấy Thân nên chúng tôi coi nhau như bạn bè “bằng vai phải lứa”, mỗi khi “chú thím” Thân hục hặc thì Hà tìm tới tôi cầu cứu.
Chờ Hà lau nước mắt xong, tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà bà sang phá giấc ngủ của tôi giữa đêm khuya vậy?
- Chú của anh quá quắt lắm, tôi không muốn nghe chuyện ông ấy càm ràm về con Hồng nên ông ấy nổi giận. Ông ấy bảo tôi nếu không muốn nghe “tâm sự” của ông ấy thì đi đâu thì đi. Ức quá nên tôi liều, bỏ đi, tới đâu thì tới. Thấy ánh đèn, tôi biết anh còn thức nên trốn vào đây cầu cứu, nhờ anh chở tôi về nhà mẹ tôi.
- Hiểu rồi, bây giờ bà trốn vào trong phòng kia đi. Thế nào lát nữa lão già này cũng mò sang đây quấy rầy tôi cho mà xem, mọi chuyện sau đó sẽ tính.
Quả thật chừng hơn nửa giờ sau, “ông già ó” sang gõ cửa. Tôi mở rồi giả bộ cau có:
- Khuya rồi mà ông* còn phá tôi gì nữa đây?
(*Vì quen và thân nhau nên tôi xưng “ông-bà-tôi” với Thân-Hà thay vì chú-thím.)
- Hà có sang đây không?
- Cái gì? Hà nào sang đây khi khuya khoắt như thế này. Ông đừng có nghi ngờ...
- Không phải..., vì Hà bỏ đi sau khi tôi la bà ấy.
- Chán ông quá! Giờ này mà bà ấy đi đâu, lỡ có chuyện thì sao? Ông gọi cảnh sát chưa?
- Chưa, nhưng gọi thì nói cái gì?
- Ừ nhỉ, police hỏi đầu đuôi, lòi chuyện của ông “abuse” vợ là tàn đời. Có thể bà ấy về bên bố mẹ bà ấy chăng? Thôi ông về nghỉ đi, mọi chuyện sáng mai tính.
Chú thím Thân-Hà sống rất hạnh phúc với hai con, nhưng kể từ khi thằng Nam đi học ở tiểu bang Washington, tốt nghiệp ngành y rồi lấy vợ cùng lớp là con Hồng và lập nghiệp ở đó luôn. Thằng Nam không về Bolsa, California mở phòng mạch theo ý bố nữa thì bố Thân buồn lắm, quy lỗi cho con Hồng quyến rũ thằng Nam. Chú Thân “bằng mặt mà không bằng lòng”, nỗi buồn không biết tỏ cùng ai nên cứ nhè vợ và tôi trút bầu tâm sự, nghe chuyện phi lý riết rồi Hà và tôi chán khiến Thân càng cảm thấy như cô đơn.
Thông thường từ thời phong kiến và cho đến nay, dù định cư ở Mỹ, xứ tự do nhất thì chuyện “mẹ chồng nàng dâu” vẫn là đề tài không vui, tốn nhiều giấy mực. Trong chương trình hạnh phúc và gia đình của Mục Sư Thủy trên băng tần 1480AM, cô Minh Nguyên đã nêu ra 21 “nan đề” (vấn đề nan giải) giữa mẹ chồng nàng dâu và đưa ra những phương pháp giải quyết sao cho tốt đẹp. Chương trình này rất thực tế, hữu ích, phát thanh mỗi tuần một lần, trong khi đó thì không hề có vấn đề gì giữa bố chồng và nàng dâu. Vậy mà nó lại xẩy ra trong chính gia đình tôi mới đau: Chú tôi không ưa con dâu, chỉ vì con trai không chọn vợ theo ý ông!
Từ hồi còn chung đơn vị trước 1975, chú Thân, tôi và Hưng là bộ ba sống chết có nhau. Hưng có cô con gái rất xinh và ngoan, cùng tuổi thằng Nam, vì thế chú Thân và Hưng đã nhiều lần cụng ly:
- Sau này hai đứa nhỏ trưởng thành thì tụi mình làm thông gia nhá.
Không chỉ hai ông, mà hai bà cũng thuận theo ý chồng. Quả thật lúc đó tôi cũng ủng hộ ý kiến này, ngoài việc hai đứa nhỏ cùng học giỏi, ngoan, hiền xinh gái đẹp trai, cả hai “xứng đôi vừa lứa”, một gia đình lý tưởng tương lai không có gì trở ngại.
Nhưng “mất nước là mất tất cả”, cha đi tù, mẹ vất vả ven sông, vượt biển. Trên đất tạm dung thì gia đình Hưng miền Đông, gia đình Hà miền Tây. Ngày các bố ra tù và đoàn tụ thì lũ nhỏ đã trưởng thành. Cả hai đứa cùng tốt nghiệp đại học, tiểu đăng khoa thì cũng phải đại đăng khoa với bạn học, lời hứa năm xưa của hai ông bố thành lời “hứa cuội”.
Mới 7 giờ sáng, Thân đã sang gõ cửa, biết được yếu điểm của ông chú, tôi tố ngay:
- Có tin gì của bà ấy chưa?
- Chưa, không thấy gọi điện thoại, tôi gọi về bên ngoại không ai bắt máy, áy náy quá!
- Chú lú rồi, đuổi vợ ra khỏi nhà mà lại còn mong vợ gọi điện thoại báo tin. Có thể bà ấy đang nằm đâu đó ở trạm xe bus hay “ghế đá công viên”, không bị du đãng thì cũng bị cảm lạnh. Hay là chú gọi police đi, không báo bây giờ, sau này có chuyện gì mới báo là rắc rối thêm. Thà bị police hay tòa án phạt ông tội “abuse” vợ và bắt sống “cách ly” còn hơn là mất vĩnh viễn.
- Rối trí quá, không biết làm sao bây giờ!
Thực ra là tôi hù chú Thân thôi, nếu lúc đó chú mà gọi police là tôi cản liền. Bất chợt chuông điện thoại reo, nhìn cái ai-đi 1-800 là biết quảng cáo nhưng tôi giả bộ:
- Alo tôi nghe... Ai đó? Cái gì? Bây giờ bà đang ở đâu?
Liếc thấy Thân chú ý phần độc thoại của tôi, tôi làm bộ ra dấu im lặng rồi nói tiếp:
- Đừng có liều, bà đang ở đâu để tôi đến đón. Cái gì? Dứt khoát rồi hả? Trừ phi cái gì? Thì bà cứ về nhà rồi ông bà ngồi xuống nói chuyện với nhau dứt khoát một lần cho xong đi.
Tôi buông máy, tỏ vẻ chán nản, quay sang Thân:
- Bà ấy cúp máy rồi, dứt khoát không về lại nữa, không thèm ngồi xuống nói chuyện với ông nữa. Chẳng có gì mà quan trọng sinh to chuyện khiến tan nát hết, hay là ông gọi cho thằng Nam, báo cho nó biết để nó khuyên mẹ nó, hy vọng bà Hà nghe lời con trai.
- Mày điên à? Tao đang mất vợ, báo cho thằng Nam lý do tại sao để rồi tao mất con, mất cháu nội à? Tưởng mày ở ngoài cuộc thì sáng suốt.
Đây là lần đầu tiên ông chú gọi tôi là “mày”! Như vậy là ông ấy đã hoảng tột cùng rồi, đã biết sợ mất vợ, mất con và mất cháu nội, điều mà nhiều lần tôi đã giải thích, nhưng “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chưa mất vợ nên ông không hiểu lời khuyên, cứ “chó đen giữ mực”, bắt người khác chịu đựng cái bực dọc vô lý của ông ấy. Chú Thân mắng tôi “điên”, nhưng thực ra là ông trúng kế của tôi rồi. Cảm thấy đã tạm đủ, tôi đưa cho ông ly cafe rồi chậm rãi:
- Ừ thì tôi điên, nên không còn sáng kiến nào giúp ông được nữa. Tuy chưa biết bà Hà đang ở đâu, nhưng còn gọi tele về là vẫn bình an là yên tâm rồi, thế nào bà ấy cũng gọi lại cho tôi. Bây giờ ông về nghỉ ngơi đi, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ cặn kẽ ngược xuôi. Tôi đi làm. Chiều nay nếu muốn thì sang tôi ăn cơm rồi ta nói chuyện tiếp. Hy vọng lúc đó biết bà Hà ở đâu.
Không còn cách nào hơn, Thân uể oải đứng đậy, đưa tay cho tôi bắt, chỉ nói được câu: “Sorry” rồi lết cái thân già ra cửa. Tôi không nói gì thêm, nhìn theo ông mà mỉm cười:
- Cha nội sập bẫy rồi.
Sau khi Thân về, cửa vừa đóng thì Hà đi ra buông thõng một câu: “Đáng kiếp!” Tôi bàn với Hà là nên về nhà bố mẹ ruột dưới Irvine tá túc vài ngày để cho tôi đóng tiếp vở kịch bất đắc dĩ này. Hà mừng và đồng ý ngay và đây cũng là dịp tôi phải dứt khoát một lần gỡ rối cho gia đình ông chú và cũng cho chính tôi. Tuy kinh nghiệm về chuyện gia đình chẳng có bao nhiều, nhưng cái sự đời “Bố Chồng Nàng Dâu” này hoàn toàn do lỗi của chính chú Thân gây ra, nên chẳng cần phải là nhà tâm lý, cứ sự thật mà nói, nói phải “củ cải cũng phải nghe”, nói với tấm lòng chân tình thì hy vọng mọi chuyện sẽ “OK”.
Mới 5 giờ chiều, Thân đã lò mò sang tôi, tay cầm chai Martell đã khui, chắc là chàng buồn quá nên tu trước một hớp đây. Trong tình trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên chẳng cần ăn uống gì nhiều, những thứ trong nhà lúc nào cũng sẵn có, một bịch bò viên, 2 gói mì ăn liền là dư. Trông dáng Thân bồn chồn lắm, nhưng tôi cứ đủng đỉnh, chẳng có gì quan trọng.
- Hà có gọi điện thoại lại không? Có nói gì không? Hiện bà ấy đang ở đâu?
- Từ từ, uống một hớp đã, chuyện đâu còn có đó, rượu vào lời mới ra được. Ông có vẻ còn yêu bà Hà như lúc còn trẻ, ít ai được như thế. Hèn chi hồi đó ông cãi lời bố, nhất định theo bà Hà mà không chịu cưới cô Lan, con bà Chánh Đức, mặc dầu ông đã “chạm ngõ”, khiến hai bên giận nhau rồi bố ông phải xin lỗi người ta và đòi “từ” ông. Rồi ông “bất hiếu”, bỏ bố đi theo Hà. Nhưng xét về mọi phương diện thì Hà hơn Lan.
Như gãi đúng chỗ ngứa, Thân quay về với tình yêu đẹp dĩ vãng mà quên lửng hiện tại lý do nào mà ngồi đây, chẳng hiểu ức lòng hay rượu nói mà chàng cao hứng:
- Đó là lý do tao yêu Hà cho đến bây giờ. Nghĩ lại, ông già thật là quá quắt, chỉ vì cái hão môn đăng hộ đối với nhà Chánh Đức mà ghét “tao” rồi không ưa Hà. Ngay cả khi vợ chồng tao có con rồi, ông già đã có cháu nội rồi, vậy mà ông vẫn không bằng lòng với con dâu, với Hà.
Đã tới lúc tôi cần phải nói khi thấy Thân trách bố mà quên phận mình, chỉ thấy lông mi người khác mà không thấy cái xà nhà trước mắt mình, tôi phang đại một câu:
- Ối giời! Bố con ông có cái máu khinh người, thị con dâu.
Chợt nhận ra điều gì đó vô lý, Thân không nói tiếp mà nốc luôn một hơi rồi dằn mạnh cái ly xuống bàn, dựa ngửa ra salon, ngước mặt lên trần nhà, lau nước mắt, lặng thinh.
Tôi dẹp ly chai, đứng dậy đi pha bình trà Thái Nguyên, đây mới là thức uống mỗi khi chú cháu tôi ngồi trà đạo, không quên kèm theo hộp kẹo lạc mà bà Hà tự tay làm trong dịp Tết.
- Uống hớp trà nóng, nhai miếng kẹo lạc do bà Hà làm cho tỉnh lại rồi mà đi tìm vợ.
- Bây giờ tôi phải làm gì?
- Nếu thực lòng ông muốn tôi giúp ý kiến về chuyện lủng củng, bất hòa của gia đình ông thì ông phải thành thật trả lời những câu hỏi của tôi. Bỏ thứ bậc cha chú sang một bên, chúng ta nói chuyện trong tình bạn bè thân thiết, không được ngắt lời tôi.
- Ok, nói đi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến thứ bậc, mà hoàn toàn là tình bạn, đồng đội.
- Nhấp hớp nước trà đậm chát này đi rồi sẽ cảm thấy có vị ngọt. Nguyên nhân bất hòa giữa ông và bà Hà bắt nguồn từ đâu?
- Hà luôn nghịch với ý tôi, hoặc không thèm nghe tâm sự của tôi về con Hồng.
- Tại sao ông không ưa con Hồng, vợ thằng Nam, con dâu của ông? Lý do?
Khi đặt cho Thân câu hỏi này là tôi biết Thân sẽ rất khó trả lời, bởi vì không có lý do nào chính đáng cả. Hồng không có một lỗi nào, mà tất cả chỉ do cái “danh hão” kèm theo tính ích kỷ của ông bố chồng khó tính, nhưng chẳng anh đàn ông nào nhận ra cái khuyết điểm của mình.
Thấy Thân đăm chiêu ú ớ, tôi dựa vào 21 nan đề “mẹ chồng nàng dâu và con trai” trong câu chuyện gia đình của cô Minh Nguyên trong giờ phát thanh của Mục Sư Thủy, tôi bắt Thân trả lời thật ngắn gọn:
- Ông thương thằng Nam và cháu nội ông không?
- Chúng là núm ruột của tôi. Tôi thề với trời đất là xin hy sinh tất cả cho con cháu tôi.
- Nếu thằng Nam nó buồn vì chuyện vợ con của nó thì ông nghĩ sao?
- Thì nó cũng khổ như tôi hiện tại đang khổ vì bà Hà.
- Con Hồng, vợ thằng Nam nó có lỗi gì, khuyết điểm gì mà ông không hài lòng?
- ???
- Ú ớ phải không? Ồng ngại không dám nói thì vảnh tai ra mà nghe tôi nói thay cho ông đây: “Con Hồng ỷ nó đẹp, học cùng lớp với thằng Nam rồi quyến rũ con ông, giựt đứa con trai cưng ra khỏi tay ông, làm ông ghen...”
- Không phải thế...
- Yên, đã hứa không ngắt lời thì ngồi yên đó đề tôi hài tội con Hồng thay cho ông: Cái tội nặng nhất là con Hồng dám dụ thằng Nam mở phòng mạch ở bên Washington mà không về Bolsa như ý ông hằng mong ước. Ông nội, bố tôi và cả ông nữa đều là gốc nông dân, vai vác cày, tay dong trâu, nay có thằng con làm đến ông “bác sĩ” mà không “vinh quy bái tổ” thì thật là bất hiếu. Nó phải về đây, mở phòng mạch ngay trên đường Bolsa này, để mỗi sáng, ông khệnh khạng sang phòng mạch của thằng con, các cô y tá cúi đầu chào ông, rồi ông ưỡn ngực đi thẳng vào bên trong trước con mắt thèm thuồng của các bệnh nhân đang chầu chực ngồi đợi để được con ông khám bệnh. Ông giới thiệu bạn bè đến phòng mạch của con ông, không vì tiền mà ông muốn khoe ông là “bố bác sĩ”!
Thân đưa tay ra dấu muốn thanh minh, nhưng lúc này tôi không còn đóng kịch nữa, nghĩ đến thái độ ích kỷ của Thân khiến tôi nóng mặt nên nhập vai không cần suy nghĩ, bởi vì đã nhiều lần, bên bàn cafe, Thân đã tâm sự điều này với bạn bè khiến tôi nực gà với ông chú mà chưa có dịp lật tẩy. Đây là lúc phải nói thẳng, nói thật, nếu không thì chẳng còn dịp nào, tôi tấn công tiếp:
- Ngoài tình đồng đội, ông còn là chú ruột của tôi. Hạnh phúc hay bất hạnh của ông cũng ảnh hưởng tới ông bà nội, tới bố tôi, và cả tôi nữa nên bắt buộc tôi phải mổ xẻ cái ung nhọt này. Ông giao du với lão Quỷnh, lão hay nổ, một tấc bốc lên tới trời khiến ông lây cái tính hợm mình. Ông có nhớ khi thằng Nam vừa ghi danh mấy lớp “bai-ô” gì đó ở UCLA thế là ông nổ với đám bạn cafe Factory là con ông học “bác sĩ”. Chưa hết, lúc ông nội chết, thằng Nam mới nạp đơn, dù chưa có kết quả được nhận vào học ngành y ở UCLA, của mấy trường ở Washington, Texas, San Antonio v.v... mà nếu được nhận thì tối thiểu nó phải học 4 năm nữa. Vậy mà ông dám ghi thằng Nam là bác sĩ trong tờ cáo phó khiến nó xấu hổ với bà con. Nó nhờ tôi khuyên ông, tôi có hứa, nhưng rồi tôi quên đi, tờ cáo phó đó tôi còn giữ đây, ông đọc đi.
Thực sự là tôi cất tờ cáo phó lúc ông nội tôi chết, rồi quên đi, nay vì chuyện thằng Nam, tôi lôi ra chứng minh cho ông chú hết chối cái tính hợm mình. Tại vì quá khát khao thằng con là bác sĩ, khi con đạt được rồi thì lại không giúp cho ông nở mặt nở mày với chúng bạn mà lại lập nghiệp ở “quê vợ” nên ông ghét lây sang vợ nó.
Trông sắc diện ông chú đổi từ đỏ sang tím, tôi “táp-pi” luôn:
- Ông có nhớ hôm ngồi coi Paris By Night số 87, ông khen nức nở cô ca sĩ Hồng-Ngâm rằng vừa đẹp vừa hát hay rồi ông thở dài phát ra một câu hết sức vô duyên: “Hồng người ta thì thế, còn Hồng mình thì...! Tuy ông bỏ lửng câu nói, nhưng tôi hiểu ý ông muốn ám chỉ ai, chính lúc đó tôi đứng phắt dậy, bỏ về mà không thèm chào ông, ông nhớ lại đi.
Quả thật tôi không có ý định nặng lời với ông chú như thế, nhưng không còn ai đủ cam đảm vạch ra cho ông thấy, đã lỡ theo lao, trước sau cũng phải mổ xẻ một lần cho xong, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, tôi không thương ông chú bà thím mà tôi thương thằng em, thằng Nam. Nó buồn lắm, nó không có lỗi gì cả, tôi phải giúp nó như đã hứa.
Thân nhắm mắt im lặng nghe tôi dẫn chứng, tôi kết thúc “bản án”:
- Ông thương con, lo cho con ăn học thành công đúng với mong ước thế rồi nó chưa đền đáp gì cho ông mà lại đem chia vinh quang cho một người “xa lạ” khiến ông bực ông giận là đúng rồi. Nhưng người xa lạ đó chính là con dâu của ông. Nó là người giữ vai trò nối dõi tông đường cho ông. Những đứa cháu nội mà ông quý mến hơn cả bản thân ông từ đâu mà có? Điều quan trọng nhất là con Hồng nó không có lỗi hay điều gì đáng trách cả, nó đã và đang làm tròn bổn phận là con, là vợ, là mẹ, vậy thì ông còn đòi hỏi gì nữa? Suy nghĩ kỹ lại đi, ông thề ông xin hy sinh tất cả cho hạnh phúc của con cháu ông. Vậy thì nếu thằng Nam, cháu nội, chúng nó biết ông không thương vợ nó, mẹ nó, thì chúng nghĩ gì về ông? Rồi vì bên hiếu bên tình, gia đình nó lục đục thì ông vui hay buồn? Ông hy sinh cái gì? Hãy nghĩ lại hoàn cảnh của ông nội và ông ngày xưa mà bỏ thói ích kỷ đi. Tôi đã hết lời và không muốn nghe bất cứ câu giải thích hay bào chữa nào của ông nữa. Uống nốt hớp trà đậm chát lưỡi này đi, sẽ thấy nó ngọt cổ họng rồi xuống chỗ bố mẹ vợ đón bà Hà về mà xin lỗi.
Thân uể oải đứng dậy ra về, tôi không chào mà cũng chẳng bắt tay. Buổi chiều tôi đang tưới mấy chậu hoa sau nhà thì bên kia hàng rào, Hà ra đưa ngón tay cái lên trời tỏ dấu hiệu “số 1” và mỉm cười, còn chú Thân, có lẽ quê với tôi nên tránh mặt.
Đúng một tuần sau, cả hai ông bà sang chơi, gửi tôi chùm chìa khóa để nhờ thỉnh thoảng sang tưới giùm ít chậu lan sau nhà. Tôi hỏi:
- Ông bà đi hưởng trăng mật ở đâu vậy?
- Mật ngọt cái gì, đi thăm cháu nội, khoảng 3 tuần. Cám ơn ly trà đậm chát của “toi”.
Cấp Tô Văn