THƯỢNG ĐỈNH TRUMP-KIM II TẠI HÀNỘI
Cuộc họp đình đám giữa TT Trump và CT Kim đã kết thúc trong bất ngờ khi hai bên không đạt được thỏa thuận gì. TT Trump đã rời Hà Nội ngay sau khi ra trước báo chí tuyên bố vài câu ngắn gọn, đại ý cho biết hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào ngoài hai việc: hai bên sẽ tiếp tục thương lượng ở cấp thấp hơn trong khi BH tiếp tục ngưng thử nghiệm bom hay hỏa tiễn.
Kết cuộc ngoài dự đoán của tất cả mọi người.
Nói trắng ra là TT Trump đã thất bại, đi không về không. Cả triệu người lo buồn vì mối đe dọa hạch tâm vẫn còn lủng lẳng trên đầu, nhất là dân Nam Hàn. Không ít người khác hớn hở vui mừng, vì đối với họ, Trump thất bại quan trọng hơn xa đe dọa chiến tranh hạch tâm chết cả triệu người.
Một cụ tỵ nạn bị DƯT nặng, ngay sau khi tin đàm phán bị ngưng được loan báo, đã vội vã nhẩy lên gửi emails tứ tung, hể hả viết “Vũ Như Cẩn, vẫn như cũ, ha ha ha!”. Không biết đầu óc cụ này có vấn đề gì? Việc cuồng chống Trump đã khiến quá nhiều người mất hết lý trí. Vui mừng vì cậu Ấm Ủn vẫn còn giữ được bom nguyên tử đe dọa cả thế giới!
CNN phán ngay “Âm mưu của Trump, muốn lái dư luận ra khỏi những tố giác của Cohen bằng cuộc đàm phán rình ràng với Kim đã thất bại”.
Nhìn dưới lăng kính tích cực thì ta có thể nói TT Trump đã chứng tỏ cho thế giới thấy ông sẵn sàng chấp nhận về tay không chứ không nhường nhịn vô lối chỉ để lấy tiếng.
Quyết định bỏ về của TT Trump đã gặp phản ứng khác biệt. Nam Hàn tiếc là đã không có kết quả tốt hơn. Nhật hoan nghênh quyết định của TT Trump. Trung Cộng hứa sẽ giúp làm trung gian tiếp tục. Các lãnh tụ DC trong quốc hội có vẻ ủng hộ, như bà Pelosi thở phào nhẹ nhõm, tuyên bố “thà Trump bỏ về vẫn hơn là ký một thỏa ước xấu”. Đúng ra bà Pelosi trong bụng nghĩ “thà Trump bỏ về vẫn hơn là ký một thỏa ước... TỐT!”
Tại sao thất bại?
Theo ý kiến cá nhân kẻ này, khó có chuyện cả hai ông lãnh đạo này chịu khó bỏ thời gian và uy tín đi gặp nhau lần thứ hai nếu đã không có được một thỏa thuận nào đó, một thỏa thuận có thể không được công bố trước để tránh mất mặt cho cả hai bên nếu lỡ không thực hiện được. Nhìn vào diễn tiến, dường như những thỏa thuận nếu có, đã gặp khó khăn giờ chót.
Hình như cậu Ấm Ủn giờ chót đã thay đổi ý kiến, trở nên cứng rắn hơn trong đòi hỏi Mỹ phải tháo bỏ cấm vận toàn diện và ngay lập tức trước khi bàn tán tiếp, đổi lấy việc phá bỏ căn cứ nguyên tử Yongbyon. Đề nghị này, Mỹ không thể chấp nhận được vì BH có bao nhiêu căn cứ tương tự, không ai biết rõ, hủy một còn lại không ai biết bao nhiêu, đổi lấy việc thu hồi cấm vận trọn vẹn ngay lập tức? Tuy nhiên, không biết đây có phải là lý do thật không vì BH đã phủ nhận tin họ đòi hỏi tháo gỡ cấm vận trọn vẹn và ngay lập tức, mà cho biết họ chấp nhận tháo bỏ cấm vận từng phần theo tiến trình giảm vũ khí hạch tâm.
Không ai biết sự thật tại sao cậu Ấm đổi ý. Cũng không ai loại bỏ được việc cậu đổi ý có thể vì trước những tấn công tàn bạo chống TT Trump của phe đối lập DC và TTDC, nhất là qua việc cho LS Cohen điều trần, nhục mạ TT Trump trong khi ông đang đàm phán, cậu Ấm đã nghi ngờ khả năng TT Trump có thể nắm quyền trong sáu năm nữa để bảo đảm việc tôn trọng những cam kết lâu dài của Mỹ trong những năm tới, do đó muốn tháo bỏ cấm vận ngay. Cậu cũng có thể nghĩ TT Trump rất cần một thỏa hiệp để chống đỡ những tấn công nội bộ nên ra tay ép Trump. Nếu đây quả là lý do cậu Ấm cứng rắn đưa đến thất bại giờ chót, thì đảng DC và TTDC sẽ phải nhận trách nhiệm trước lịch sử nếu có đại họa nào xẩy ra tại bán đảo Hàn Quốc.
Đối với BH, đây là vấn đề sống còn lâu dài. Cậu Ấm, cả ông nội và ông bố đều hiểu rất rõ là họ muốn gia tộc nhà Kim cầm quyền muôn đời tại BH, nhưng có thể bị Nam Hàn, với sự tiếp tay của Mỹ, san bằng trong chớp mắt, nên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã bỏ không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào việc thành lập một lực lượng nguyên tử, trước là phòng thân, sau là may ra có cơ hội chiếm luôn Nam Hàn.
Bây giờ cậu Ấm nghĩ đã đủ sức để NH hay Mỹ phải suy nghĩ 5 phút trước khi tấn công BH, do đó, tự tin để có thể điều đình tay đôi với NH và cả Mỹ về điều kiện tồn tại của gia tộc nhà Kim.
Nghĩ cho cùng, một giả thuyết nữa, không thể loại bỏ được là biết đâu người đổi ý không phải là cậu Ấm mà là TT Trump thì sao? Có thể ông đã được CIA báo cáo việc cậu Ấm đi nói chuyện với Mỹ và ngưng thử bom và hỏa tiễn chẳng phải là do thiện chí ‘yêu chuộng hòa bình’ gì của cậu Ấm, mà là cấm vận đã khiến BH gặp khó khăn lớn, mất khả năng thử nghiệm bom, kiểu như hết ngoại tệ nặng mua nguyên liệu, dầu xăng, uranium, plutonium, kim khí,... Từ đó, TT Trump ‘hét giá’ quá cao, cậu Ấm không chịu được, đi đến bế tắc?
Không ai biết rõ câu trả lời tại sao thất bại, chỉ biết đây sẽ là cuộc đấu chưởng lâu dài, không phải là chuyện năm ba tháng. Thử nhìn lại xem, Hội Nghị Paris để giải quyết chiến tranh VN đã kéo dài gần 5 năm trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục một cách đẫm máu nhất (tổng công kích Tết 69, mùa hè đỏ lửa 72, dội bom Hà Nội mùa Giáng Sinh 72), mới đi đến một ‘thỏa hiệp’ mà phe CS xé nát ngay khi mực chưa khô.
Ta không nên quên mọi thỏa thuận giữa TT Trump và CT Kim cũng cần phải có hậu thuẫn mạnh của Trung Cộng, Nam Hàn và Nhật. Chưa kể Liên Hiệp Quốc với danh nghiã là phe chính thức đối đầu với BH chứ không phải NH hay Mỹ, cũng sẽ phải hậu thuẫn hay ít nhất là chấp nhận, qua Hội Đồng Bảo An, trong đó chắc chắn Putin sẽ muốn có tiếng nói. Riêng với TT Trump, ông còn cần hậu thuẫn của dân Mỹ, của Thượng Viện, và Hạ Viện do DC kiểm soát nữa. Không phải chỉ là chuyện đơn giản giữa hai cá nhân. Có nghiã là TT Trump và CT Kim, ngoài việc điều đình với nhau, còn phải thương lượng với các đồng minh nội ngoại của họ nữa.
Nước Mỹ theo thể chế dân chủ nên khó khăn của TT Trump lớn hơn của cậu Ấm nhiều. Thử tưởng tượng xem phe đối lập và TTDC sẽ phản ứng như thế nào nếu TT Trump chấp nhận tháo bỏ hết cấm vận ngay, đổi lấy việc hủy bỏ đúng một căn cứ nguyên tử của BH? Trong khi đó, tại BH, cậu Ấm có thể toàn quyền quyết định, ai phản đối sẽ lãnh đại bác phòng không bắn tan xác ngay.
Trước cuộc đàm phán, TTDC đã đón nhận cuộc họp này với bi quan tuyệt đối nếu không chống đối hay chê bai.
Theo Fox News, là cơ quan thường ít công kích TT Trump nhất, việc đáng lo sợ là TT Trump lại rơi vào cái bẫy mà các TT Clinton và Bush con đã rơi vào: tức là vì nhu cầu chính trị Mỹ, mau mắn ký cho có một văn kiện chẳng nghĩa lý gì hay thật tệ hại, để lấy tiếng.
Sự thật, TT Trump khác xa các TT Clinton và Bush con, không có thỏa thuận, bỏ về ngang mà chẳng sợ gì, chẳng thấy nhu cầu phải ký đại một cái gì cho có, cho khỏi mất mặt. Chẳng cần biết sẽ mất cơ hội được giải Nobel Hòa Bình. Cũng chẳng cần một thành quả vĩ đại để hóa giải báo cáo có thể rất tai hại của công tố Mueller. Tóm lại, thông điệp của TT Trump, điều đình này là chuyện sống còn của cậu Ấm chứ không phải chuyện sống còn của Trump. Còn cấm vận thì cậu Ấm còn nhiều khó khăn sống còn.
Nói chung, TTDC vừa dựa trên kinh nghiệm của các TT Clinton và Bush con, vừa có gian ý muốn tìm mọi cách công kích TT Trump, có thái độ nghi ngờ tất cả, cho rằng ông thần Trump đã, đang hay sẽ bị cậu Ấm “quay như dế”.
Cái điểm lạ lùng là dường như TTDC đánh giá Trump rất thấp trong khi lại thổi cậu Ấm lên mây xanh như là một đại ma đầu cao thủ võ lâm, mà Trump không thể là đối thủ xứng tay. Họ không nhìn vào thực tế là ông Trump đã ‘đánh nhau’ trong thương trường tàn khốc New York cả đời, rồi vung chưởng hạ cả gần hai chục đại chính khách CH rồi hạ luôn cả bà hoàng DC, trong khi cậu Ấm là anh nhóc lớn lên trong sự bảo vệ của một chế độ độc tài nhất lịch sử cận đại, chỉ giỏi giết tất cả ai khác ý, chưa bao giờ có kinh nghiệm điều đình gì với bất cứ ai.
Câu hỏi: nếu ông Trump ngây ngô hay tầm thường như vậy thì những chính khách CH và bà Hoàng DC đã từng bị Trump hạ sát ván còn tệ hơn đến mức nào? Thử tưởng tượng ông Trump mà còn bị “quay như dế” thì còn chính khách Mỹ nào khác đủ khả năng đấu chưởng với cậu Ấm nữa? Tờ báo thiên tả The Guardian của Anh có lẽ là tiếng nói ‘trái chiều’ duy nhất trong truyền thông cấp tiến thế giới, nhìn nhận chiến lược của TT Trump trong vấn đề BH dường như đã thành công lớn.
Trong khi đó, ngược lại với TTDC, dân Mỹ có vẻ có thiện cảm với cuộc họp mặt này.
Theo một thăm dò mới nhất của tuần báo TIME, chưa bao giờ là một tạp chí có thiện cảm với TT Trump, TIME đã xác nhận đa số dân Mỹ muốn chính phủ bớt can dự vào chuyện bao đồng thiên hạ, tìm cách hạ hỏa trên thế giới như nói chuyện với BH, rút quân tại Trung Đông,… để tập trung nỗ lực nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ. Tóm lại, chính sách đối ngoại của TT Trump là điểm ông được dân Mỹ hậu thuẫn mạnh nhất.
Nôm na ra, dân Mỹ khôn ngoan hơn TTDC và tất cả những người hùng hục chống Trump: họ thấy rõ bất kể cuộc điều đình mang lại thành quả cụ thể gì hay không, chỉ nội một chuyện hai ông thần nói chuyện với nhau, BH ngưng thử nghiệm bom và hỏa tiễn, tránh cho thế giới một đại chiến nguyên tử chết cả triệu người đã là cái giải thưởng cả thế giới mong đợi rồi, tất cả những công kích chỉ là chuyện chống đối Trump chết bỏ, nhỏ mọn và vớ vẩn.
Vì cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại VN nên lần này thu hút sự chú ý của dân Việt nhiều hơn lần trước.
Tại Hà Nội, chính quyền đã treo cờ ba xứ Mỹ-BH-CSVN khắp nơi, kèm theo vô số kể khẩu hiệu đấm ngực khoe thành tích ngoại giao. Thật ra, chính quyền CSVN chẳng có một ly công trạng gì trong việc Hà Nội được chọn làm địa điểm họp. Chỉ là giữa hai kình địch Mỹ và BH, chỉ có hai ba địa điểm trên thế giới hai bên có thể đến để gặp nhau. Singapore là một, VN là hai. Ngoài ra nhiều người đã nghĩ đến Mông Cổ. Hết!
Họ không thể gặp nhau trên một nước đồng minh của BH như Nga hay Trung Cộng, cũng không thể họp mặt trên một xứ đồng minh lâu đời của Mỹ như Phi Luật Tân, Thái Lan,... Càng không thể họp mặt tại Nam Hàn hay Nhật chứ đừng nói tới BH hay Mỹ. Âu Châu là chuyện không thể có vì cậu Ấm Ủn rất sợ đi máy bay cũng như rất lo đi xa lâu quá sẽ có đảo chánh ở nhà. Cậu muốn VN vì có thể đi xe lửa, băng qua Trung Cộng là xứ anh cả rất tin tưởng được, và vì CSVN đã là một đồng minh thân cận với BH từ thời chiến tranh VN. TT Trump cũng có thể chấp nhận Hà Nội để gửi một thông điệp cho BH, khuyến khích BH từ bỏ vũ khí nguyên tử, chấp nhận cải tổ từng bước, sẽ được tư bản Mỹ đổ tiền vào giúp xây dựng BH cũng như giúp cậu Ấm có tiền mua cognac Pháp là thứ cậu rất mê. Gia tộc nhà Kim lại có thể giàu sụ như các lãnh tụ CSVN. Một miếng mồi nhử của TT Trump để mưu tìm một giải pháp hòa bình lâu dài cho Á Châu.
Ta cũng không nên quên Hà Nội được cả hai bên đồng ý vì yếu tố an ninh. Chế độ công an trị của CSVN khắt khe chỉ thua có BH, nên vấn đề an ninh tương đối bảo đảm cho cả hai quốc trưởng bị đe dọa nhất thế giới.
Ngoài ra, trong tính toán của Mỹ, việc tìm hòa bình, giải giới vũ khí nguyên tử của BH là chuyện quan trọng gấp bội việc Nguyễn Phú Trọng khoe khoang bất cứ chuyện gì. Gọi là Mỹ sổ chấp cho VC nổ.
Đảng CSVN huy động mọi phương tiện để tung hô cuộc đàm phán tại Hà Nội như một bằng chứng cụ thể về vai trò lớn mạnh của CSVN trên chính trường thế giới. Một “điểm son vĩ đại cho các lãnh đạo đại tài của ta”. Nhưng cuộc viếng thăm này cũng phơi bày ra cho các nhà báo trên thế giới thấy chẳng phải chỉ những mưu mánh đấm ngực khoe công của Hà Nội thôi, mà còn lộ ra cái bất tài của đám quan chức chỉ giỏi tham nhũng. Một ngày trước khi cậu Ấm tới Hà Nội, mấy trăm nhà báo quốc tế đang trụ trì tại khách sạn Melia, bất ngờ bị ‘trục xuất’ hết, bắt phải dọn qua khách sạn khác vì ban tổ chức giờ chót khám phá ra đã ‘nhầm lẫn’ ghi danh cho đám nhà báo này ở cùng khách sạn với phái đoàn BH và cậu Ấm trong khi ai cũng biết đám nhà báo không thể ở chung khách sạn với hai quốc trưởng và đoàn tùy tùng của họ.
Chuyện Hà Nội đấm ngực quá dễ hiểu, không có gì lạ. Chuyện lạ là bên Mỹ cũng có một nhóm người làm y chang như Hà Nội vậy. Một cụ tỵ nạn đã phán cuộc họp Trump-Kim tại Hà Nội đã “tô sơn trác phấn đánh bóng cho Cộng Sản Hà Lội thêm uy tín" [nguyên văn].
Quý độc giả có để ý thấy hai ‘ca sĩ’, một tại “Hà Lội”, một tại Bolsa, cùng hát một bài “Hà Lội tăng uy tín” không? Cùng tung hô thành tích vĩ đại của CSVN trên chính trường quốc tế không? Họ có quan hệ gì với nhau không thì chỉ có họ biết thôi. Thậm chí, ca sĩ Bolsa còn phổ biến lại nguyên văn không thiếu một chữ các bài ca đấm ngực nổ hơn kho đạn của các ‘lãnh đạo đại tài của ta’, ẩn núp dưới cái tít “Xạo Hết Chỗ Nói’. Đã biết là xạo, sao lại làm loa phổ biến tiếp cho chúng?
Trong khi cả thế giới hồi hộp nghĩ đến cơ hội tránh được chiến tranh nguyên tử có thể chết cả triệu người như chơi, chẳng ai để ý chứ đừng nói chuyện quan trọng hóa việc họp tại đâu, thì Hà Nội và vài cụ tỵ nạn bị bịnh DƯT nặng vẫn chỉ lo hô hoán địa điểm họp, việc TT Trump gặp Trọng – Phúc, và việc hai hãng máy bay VietJet và Bamboo ký hợp đồng lèo với hãng Boeing (Lèo vì đây là lần thứ ba VietJet ký hợp đồng mua cả trăm máy may phản lực lớn; hai hợp đồng trước với Boeing và Airbus đều đã được... lộng kiếng, trong khi Bamboo là hãng máy bay mới toanh vừa ra mắt, không ai biết thọ được bao lâu. Những hợp đồng lớn loại này đều có điều khoản cho cả hai bên rút ra trong những điều kiện thỏa thuận). Xin lỗi, who cares ba cái chuyện lắt nhắt này?
Ta có thể trông đợi gì?
Cuộc điều đình sẽ tiếp tục trong hậu trường. Một thỏa thuận phi hạch tâm BH một cách trọn vẹn sẽ không thể nào có được vì BH không thể nào ngớ ngẩn vứt bỏ trọn vẹn cái áo giáp sinh tử này của họ, nhưng cậu Ấm, đã từng du học tại Thụy Sỹ, cũng hiểu rất rõ tình trạng kinh tế thảm hại của BH và nhìn thấy nhu cầu phải thoát cấm vận và thay đổi, có thể theo mô thức CSVN, cởi mở kinh tế để thu hút tiền tư bản nhưng vẫn nắm chắc cái gọng kìm của đảng và lãnh tụ. Mặt khác, Liên Hiệp Quốc, Nam Hàn và Mỹ cũng không thể nào chấp nhận tháo gỡ cấm vận hoàn toàn ngay lập tức, để BH tiếp tục gây dựng sức mạnh hạch tâm không giới hạn, đe dọa thường trực cả Á Châu nhưng cũng không thể đòi hỏi BH đầu hàng 100% và vô điều kiện bất kể TT Trump ‘hét giá’ như thế nào.
Trong hai thế đứng đó, nếu có ai nghĩ rằng một giải pháp ổn thỏa có thể đạt được trong một hai cuộc họp thượng đỉnh phải là những người ngu ngơ nhất vũ trụ. Thực tế nhất là chúng ta chỉ có thể hy vọng hai bên sẽ tiếp tục nói chuyện trong hậu trường, đưa đến giải pháp ngưng leo thang, án binh bất động của cả hai bên, rồi đồng ý một lộ trình xuống thang từ từ trong năm ba năm, theo một thời khoá biểu khá dài, dựa trên việc thực hiện những cam kết từng bước để tạo niềm tin giữa đôi bên. Việc làm đầu tiên và cụ thể nhất có thể là việc mở một văn phòng liên lạc ngoại giao để hai bên có thể trực tiếp nói chuyện với nhau một cách liên tục để sau đó cùng nhau giám sát việc thi hành ‘lộ trình’ đã được thỏa thuận. Chuyện thống nhất bắc-nam, nếu có, là chuyện ít ra cũng một hai chục năm nữa mới bàn tới.
Mỹ đã từng ‘sống chung hòa bình’ với Stalin và Mao, cả hai đều có bom nguyên tử, không có lý do gì không thể chấp nhận cho cậu Ấm có hai ba quả bom nhí nếu đó là cái giá phải trả để có hòa bình lâu dài tại Á Châu.
Một cụ tỵ nạn khác, cũng bị bịnh DƯT nặng, phán TT Trump khi chịu gặp cậu Ấm, đã “đưa CT Kim lên hàng vĩ nhân của thế giới”. Một câu nói quái lạ chỉ phản ảnh tính ghét Trump, tìm mọi cách bôi bác thôi. Cậu Ấm có bom nguyên tử và hỏa tiễn chở bom, trở thành mối đe dọa cho sinh mạng cả chục triệu người, nói chuyện với hắn để tìm cách tránh đại nạn cho nhân loại, sao lại gọi là “đưa hắn lên hàng vĩ nhân” được? Thế cụ muốn gì? Muốn làm như Clinton, Bush và Obama, không cho cậu Ấm thành “vĩ nhân”, không nói chuyện với hắn, để yên cho hắn tha hồ làm bom, rồi sau đó đánh Nam Hàn luôn, thống nhất cả nước dưới bàn tay sắt máu của hắn sao? Trước khi viết câu “thành vĩ nhân”, cụ đã suy nghĩ kỹ chưa? Việc cậu Ấm thành “vĩ nhân” so với sinh mạng cả chục triệu dân Nam Hàn, chuyện nào quan trọng hơn?
Vấn nạn bom nguyên tử BH là gia tài bết bát của biết bao nhiêu đời tổng thống để lại từ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. TT Trump lãnh đủ vai trò phải tìm cách quét dọn. Trước khi công kích bất cứ việc gì ông này làm, nên suy nghĩ lại cho kỹ nguyên nhân và hậu quả. Và nhất là nhìn vào thực tế. Chửi suông chỉ là hành động của những người vô ý thức, không biết gì khác hơn là... chửi suông.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment