Wednesday, July 6, 2016

Từ Phượng tím tới Phượng hồng!


Image result for jacaranda photos
Đoàn xuân Thu
Thưa nhà văn, nhà thơ là những người làm văn nghệ, là những người chữ nghĩa cùng mình… từ đầu tới chưn, nên rất đáng kính… nể?!
Vì thế cho nên người viết, chữ nghĩa đựng chưa đầy cái lá mít… không bao giờ dám nghĩ tới, chớ nói chi là dám viết để chọc quê mấy ổng… cho nó lành!
Vì trong bụng cứ nơm nớp lo sợ là chọc quê, khèo, móc chút đỉnh cho vui mà mấy ổng không vui, lại giận, nổi xung thiên lên vì mình dám vuốt râu hùm… vác chữ ra chọi mình… lỗ đầu thì khốn!
Đời muốn an toàn trên xa lộ là cứ hợp âm, mình đờn, áo thụng vái nhau vậy thôi. Phẻ!
Nhà thơ, nhà nhạc đang hòa âm mà mình ‘khơ huyền khờ’ chơi vô cái nhịp chỏi… là trước sau gì cũng lòi bản họng!
Phần cày như trâu vì chén cơm manh áo cho em yêu và sắp nhỏ ở xứ lạ quê người nầy, bận rộn quá, hỏng có thời giờ nhậu… Rảnh chút đỉnh viết cái gì đó mua vui cho mình khỏi bị ‘trầm cảm’ vậy thôi!
Chớ còn bút chiến hà rầm trên web, nếu ai xúi biểu nhào vô… thì thú thiệt… tui hỏng dám đâu!
Bạn văn, bạn thơ viết được bài nào là gởi trước cho bạn văn nghệ đọc, có phê bình gì hông? Để tui sửa chữa… rồi mới gởi báo đăng, kiếm chút tiền còm nhuận bút, hú nhau ra quán nhậu mà bù khú.
(Nhậu ở nhà hoài; con vợ nó cho ăn chổi chà! Chạy không có kịp!)
Rào trước đón sau như vậy mục đích chỉ xin quý độc giả thân mến kiên nhẫn tiếp tục xem hồi sau sẽ rõ!
Thưa anh bạn thơ của người viết, từ Brisbane, thủ phủ ‘the Sunshine State’, tiểu bang Queensland, tràn nắng ấm của Úc, mới vừa ‘gmail’, gởi cho người viết hai câu thơ tình hay hết biết!
“Em là cơn mưa bất ngờ cho vùng đất khô hạn trong tim anh!”
(Câu nầy dù là thơ nhưng trúng về địa lý, không chỗ nào tui dám chê trật; vì ai cũng biết Úc là một đại lục khô hạn nhứt trên thế giới; vũ lượng bình quân mỗi năm chỉ vài milimét)
“Em là ánh nắng của đời anh! Không có em trời đầy mây xám!”
Người viết bèn hỏi lại (cho ảnh chửi mình chơi): “Anh ơi! Thơ tình của anh hay là bản dự báo thời tiết vậy cha nội?!”
Sau đó hỏng nghe ảnh trả lời trả vốn gì ráo! Chắc giận tui rồi! Giỡn chơi một chút ai dè giận sao?
Ảnh ở Brisbane, tiểu bang đầy nắng ấm!
(Vái trời cho nắng ấm lên… để ảnh ra bãi biển coi mấy em Úc mặc bikini… mà nhễu nước miếng?)
Nhưng tui lại khoái gọi Brisbane là Thành phố Hoa Phượng tím! Cho nó thơ!
Thưa các bậc làm Cha, làm Tía (người Việt mình) xưa giờ khi có con gái đều thích đặt tên cho cô công chúa nhà ta, mới chào đời khóc oa oa bằng tên của loài hoa. Khóc oa oa… đặt tên loài hoa là chí phải, khỏi cãi?
Và cũng có lẽ mấy Tía con nít nầy đều rất tài hoa, đào hoa và yêu hoa. Nên đặt tên con là Lan!
(Xin nhắc nhỏ mấy cha hộ tịch! Lan nha, Lan không có chữ ‘g’. Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo! Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi; xin đừng có dốt chánh tả, lại nổi hứng ẩu, dọng thêm chữ ‘g’ vào, để Lan tên một loại hoa trở thành Lang là con chó sói nha mấy cha! Dọng thêm chữ ‘g’ vô thêm… là hại đời thôn nữ!
Vì có anh nào cả gan mà cưới ‘Lang’ về làm vợ, vì sợ lúc em ghen, em sẽ giống sài lang… là Tía tui cũng chết…giấc!)
Rồi…Huệ, Trang, Mai, Lài…Và cái tên được cực kỳ ái mộ tiếp theo sau là Phượng, hoa học trò!
Từ Phượng, mình có Phượng hồng, Phượng yêu, rồi sau nầy trôi giạt qua Úc Châu, mình có thêm Phượng tím…
Phượng tím, tên Úc là Jacaranda! Cây cao từ 10–15 m, tán lá tỏa rộng từ 7 tới 10 m, cành thưa!
Chưa tới mùa hoa trổ, nó giống cây phượng vĩ quê mình.
Trổ hoa thì khác! Hoa hình ống dài 4 tới 5 cm, từng chùm màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm, dễ bị dập, không hề giống hoa phượng. Mùa hoa dài khá lâu, từ 4 đến 6 tháng.
Thân phận em Phượng tím cũng giống như thân phận mình! Đến Úc tạm dung rồi tạm dùng luôn…
Vì em có nguồn gốc từ Nam Mỹ xa xôi. Đến đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây cũng hỏng thèm về!
Brisbane, mùa Xuân, tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Chạp …
Phượng tím nở đầy thành phố, đẹp một cách nức nở, đầy ma lực!
Lần về phương Nam, Sydney và Melbourne lạnh hơn, hoa nở muộn hơn và không nhiều bằng Brisbane.
Sân vườn nhà người viết không có Phượng tím, (vì người viết đã có Phượng yêu trong nhà rồi); nhưng thằng Úc hàng xóm thì có.
Gió! Phượng tím rơi đầy khung cửa nhà tui đó!
Phượng tím được trồng làm cây cảnh ven đường và trong các công viên.
Sau vài ngày hoa rụng, trên mặt đất sẽ có một thảm hoa màu tím ngắt.
Sau một mùa đông lạnh, chớm thấy những bông hoa tím lấp ló trên cành là báo hiệu Xuân sắp về.
Cả một góc trời chìm vào sắc tím, ngào ngạt hoa Jacaranda.
Anh đưa em yêu ra ngồi trên màu hoa tím, mĩm miệng cười duyên, rồi chụp hình… Kẻo em lại càm ràm: Tình ta về già sao khô như ngói?!
Nhưng tại sao Brisbane lại nhiều Phượng tím hơn thành phố khác vậy?
Thưa, hồi xưa là hai năm, giờ là bốn năm, bà con mình tuyên thệ vào quốc tịch Úc, (thề trung thành với Nữ hoàng Anh)…thì được ‘cáo sồ’ tặng cho mỗi công dân mới cắt chỉ đứa một cây khuynh diệp con, để về trồng trong sân nhà!
Trước là kỷ niệm ngày trọng đại của đời mình; sau trở mùa, trở gió, có ho hen gì đó… thì hái lá khuynh diệp bỏ vào thau nước nóng, khói lên nghi ngút, trùm mền kín mít với em yêu… xông cho ‘phẻ’!
Còn ở Brisbane, những năm 30 và 40 thế kỷ trước thì chơi trò khác!
Mấy bà mẹ trẻ, sanh em bé, nhà bảo sanh gởi theo bé một cành non Phượng tím, Jacaranda, để Tía trồng…
Cho cuộc đời của em sau nầy sẽ đầy thơ và nhạc?!
Chính vì vậy Thành phố Brisbane là Thành phố Hoa Phượng tím!
Phượng tím, Jacaranda, là Hoa học trò như Phượng hồng của quê mình vậy!
Phượng hồng quê mình nở mùa hè khi em nghỉ học.
Ôi! Phượng hồng thương nhớ ai trong ba tháng hè tới nỗi nhỏ máu con tim như vậy hở Trời?
Còn Phượng tím của Úc nở ngay chóc mùa thi của mấy em trường Đại học Queensland.
Và con gái Úc là Chúa dị đoan. Mấy em tin rằng: Đi dưới hàng Phượng tím mùa thi, lỡ hoa nào rơi trên tóc là em khóc, là thi môn nào cũng rớt hết trơn!
Thưa giờ đã tháng Sáu, mùa Hè đi qua… còn tui đứng lại.
Đứng lại làm gì? Dà chờ! Chờ quê mình đổi đời lần nữa, tui sẽ về lại quê, về lại Sài Gòn để xin bỏ cái tên trường Nguyễn thị Minh Khai (vì sợ nó ‘khai’).
Cho tui lấy lại cái tên trường Áo Tím nhen!
Và đem Phượng tím từ Brisbane về trồng trong sân trường nầy chơi… Cho nó thơ và mộng hỉ?
Trồng toàn Phượng tím trong sân trường, còn giữa sân mình trồng một dãy hoa Trạng Nguyên màu đỏ thắm!
Để em nào học giỏi, đậu Tú Tài hai, mấy em đứng sắp hàng giữa sân trường, mặc đồng phục áo dài màu Phượng tím. Thay vì tóc dài em cài hoa thiên lý, mấy em cài hoa Trạng Nguyên cho nó ‘oách!’
Thưa xa quê đã lâu vậy mà viết bài nào cũng nhớ tới quê nhà mới chết!
Viết về Phượng tím thì lại nhớ Phượng hồng! Lại nhớ tới nhà thơ Đỗ Trung Quân!
Sau 75, bà con mình xung phong ra biển vượt biên, thì ổng cũng xung phong vượt biên qua Kampuchia để quánh nhau với cái thằng Khmer đỏ!
Quánh nhau xong… ổng về mần thơ!
Chuyện nhà thơ từng quánh nhau với Pol Pot là chuyện của ổng; cũng như sau nầy ổng chơi thêm cái tên như Hàn quốc là Chung Do Kwan.
Tên của ổng, ông muốn làm gì thì làm, tui đâu có ‘ke’.
Ở đây khi viết về Phượng tím, thì tui lại nhớ tới bài ‘Phượng hồng’ Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân!
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.
Mối tình đầu của tôi! Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp. Là áo ai bay trắng cả giấc mơ. Là bài thơ còn hoài trong vở. Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ. Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây.
Và mùa sau biết có còn gặp lại. Ngày khai trường áo lụa gió thu bay!”
Mối tình đầu của tôi. Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi. Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu. Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại. Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa!”
Thưa cũng như bà con mình, người viết rất khoái làm thơ. Làm thơ rất dễ! Nhứt là thơ dở! Làm thơ dở hoài nên người viết khoái đọc thơ hay của người khác để coi có ‘cọp dê’ được chút nào không!
Rồi từ khoái bài thơ, tui cũng muốn diện kiến hoặc bệ kiến nhà thơ tác giả…
Vì trộm nghĩ rằng: Làm thơ hay như vậy chắc hỏng phải là người phàm rồi!
Rồi cũng trộm nghe thiên hạ nói nhà thơ Đỗ Trung Quân tức Chung Do Kwan, có mở cái nhà hàng ở Sài Gòn.
Nghe mà mừng húm cho ổng và cũng cho tui!
Tui mừng là nếu có đổi đời lần nữa… dù đi không nổi, tui cũng ráng lết về mà ủng hộ nhà hàng của ổng!
(Chắc hỏng có cha nào, thù dai, đổi đời trở lại rồi mà quánh tư sản mại bản… Kêu nhà thơ cựu thanh niên xung phong Chung Do Kwan nầy dẹp cái nhà hàng… để đi Thanh niên xung phong như hồi năm nẳm đâu?!)
Phần tui cũng muốn có cơ hội để trình với ổng cái ý kiến nhỏ như con thỏ của mình như vầy: “Phượng hồng”, Vũ Hoàng phổ bài thơ “Chút tình đầu” của ông hay lắm!
(Làm tui nhớ thời tui đi học lớp Năm! Dà hồi xưa lớp Năm, chớ hỏng chờ tới 18 tuổi như ông, là tui đã biết yêu rồi! Hỏng biết tại ăn trúng cái gì mà tui ‘dậy thì’ sớm vậy rứa?!
Thưa, tui khoái nhứt câu: “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu!”
Nhân tiện tui xin méc ông Chung Do Kwan rằng: Có một thằng Tây nó ‘chỉa’ câu thơ nầy của ông; mà không xin phép hay trả bản quyền gì ráo trọi.
Nó viết như vầy nè:
“When a girl is in love, nobody knows it except the girl! When a boy is in love…everybody knows except the girl.”
“Em đang yêu… không ai biết; trừ Em! Anh đang yêu, ai cũng biết; trừ Em”
Thiệt thằng Tây nầy bậy bạ quá; ‘chôm chỉa’ của ông mà nó hỏng biết mắc cỡ à nha!
Đoàn xuân Thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive