Wednesday, July 20, 2016

Trăm năm may rủi!

đoàn xuân thu
Thưa em yêu của người viết thường hay ‘lẩy’ thơ: “Trăm năm may rủi một chồng. Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai“.
Em yêu nói: “Thôi coi như cái phần số mình xui rủi đi!”
Đó là chuyện trong nhà với nhau; nhưng ở ngoài thiên hạ nhìn vô thấy vợ chồng tui vừa tổ chức tiệc kỷ niệm mừng sáu mươi năm ngày cưới, Lễ Kim Cương, ai nấy cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ!
Nên quý bạn nhậu của tui khi dựng vợ gả chồng cho con đều dắt sắp nhỏ đến diện kiến tui, để nghe tui chỉ bảo những lời vàng ý ngọc; làm sao để đôi trẻ ăn đời ở kiếp với nhau!
Như Tây thường nói: đám cưới là đám “Tying the knot’! Là đám cột chặt, cột gút tình ta, sau những ngày sống thử, là ngày vui nhứt đời người để ăn mừng tình yêu của hai đứa chúng ta cùng Tía má, anh chị em của đôi bên bè và bạn.
Tiệc cưới là tính toán chi li đến từng chi tiết một, nhằm đem đến niềm vui cho hết ráo bà con tốn tiền đi ăn đám cưới.
Trước hết đám nào cũng có chụp hình và quay phim để sau nầy làm kỷ niệm.
Vợ chồng sống vui vẻ cùng nhau thì thỉnh thoảng đem hình ra xem, cười hí hí. Còn cơm không lành canh không ngọt thì đem hình ra mà cắt làm đôi, hỏng thèm má tựa vai kề gì ráo, trước khi đôi ngả đôi ta!
Căn nhà kêu thợ hồ đến xây vách để chia hai. Chiếc xe thì tự tay lấy cưa máy cắt ngang ra! Chồng lãnh hai cái bánh xe trước; vợ lãnh hai cái bánh sau. Xe hết chạy!
Chén bát, tô dĩa, chia hai; mỗi người một cái! Riêng đôi đũa chia hai; người một chiếc! Hết gắp luôn!
Con chó cũng tính chia hai! Con chó nghe vậy mếu máo! “Thôi chết con rồi, Tía má ơi!”
Lần đầu tiên đóng phim, làm minh tinh màn bạc thì trang phục của cô dâu hay chú rể phải ‘kẻng’ mới được. Đâu thể nào áo vũ cơ hàn!
Chú rể thì áo vest, quần tây, giày vớ, cà ra oách! Nếu giàu thì móc túi của Tía Má ra mua! Nghèo thì đi mướn! Còn mạt thì đi mượn của bạn bè đã từng cưới vợ! Rồi cũng xong; ai biết?
Cô dâu, trang phục lỉnh kỉnh hơn nhiều! Em diện váy dài 3 thước, trắng muốt, viền đăng ten! Mang bao tay ra vẻ con nhà quý phái, chưa hề làm động đến cái móng tay để anh biết sau về đừng bắt em rửa chén nhé!
Mạng che mặt làm như em còn trong trắng lắm, mặt em chưa hề cho ai hun hít bao giờ; cho dù sự thực em đã từng nằm mấy lửa!
Nếu gia đình em thủ cựu, theo truyền thống thì áo cưới, kiểu xưa, em mặc ngày vu quy vốn là của Má mình ngày lấy Tía; hay của bà Ngoại mình ngày về với ông Ngoại.
Các phù dâu bây giờ cũng phải đi kiếm đồ của phù dâu năm cũ mượn mà mặc cho nó giống hệt hồi xưa! Đã bảo truyền thống gia đình mà!
Xưa Má hay bà Ngoại còn đói, ốm nhom, ốm nhách; giờ mấy em mập ú ù! Mặc khín quần áo là hai trái bưởi Biên Hòa cứ chực ló ra ngoài!
Rồi xe đi rước dâu, chở em yêu đến nhà thờ để: “Will you marry me?” và: “I do!”
(Tới giờ nầy mà còn bày đặt hỏi có chịu lấy anh không? Thiệt cái thằng cha ngu hết biết. Hỏng chịu, em tới đây làm chi hả?)
Xe cưới để rước cô dâu, mà tài xế kiêm chú rể khoái chơi đồ cổ kiểu xưa như Chevrolet có trang hoàng những băng rua màu trắng.
(Hồi mới qua tui cứ tưởng xe đưa đám ma không hè. Ai dè là xe đưa đám cưới. Vì với người Tàu hay người Việt màu trắng là trắng khăn tang là tiếc thương cái gì vừa mới mất!
Hay là trong thâm tâm chú rể Tây nầy cũng tiếc thương thuở độc thân, thuở tự do không cần đi thưa về trình ai hết ráo… giờ đà chết ngắc!?)
Có tân lang vốn coi phim cao bồi nhiều quá thì thay vì xe, chàng mướn một con ngựa! Đèo em phía sau. Nhớ ôm eo cho thật chặt kẻo té lòi bản họng!
Anh tập cỡi ngựa là vừa; kẻo sau về gặp em hơi bị ‘ngựa’ thì mình biết cách mà ‘khớp khớp con ngựa ô’ chớ!
(Thưa nghe nói trong nước bây giờ, mấy đại gia cưới vợ, gả chồng cho con khoái chơi nguyên một hàng xe xịn Ferrari, Lamborghini. Toàn là xe của Ý.
Đối lại, dân ngu khu đen rước dâu bằng xe đạp nếu là dân nghèo thành thị; còn nếu dân mạt ở nông thôn thì rước dâu bằng chiếc xe bò. Chỉ tốn công cắt cỏ cho bò ăn chớ không tốn tiền xăng gì hết ráo!
Còn cái vụ rước dâu bằng đò, bằng xuồng ba lá, nếu có chỉ để quay phim cho mấy chàng ca sĩ làm DVD bán nhạc; giờ ít ai dám vì cô dâu nôn quá, tim đập thình thịch làm chìm đò, chìm xuống bất tử.)
Còn nơi tổ chức đám cưới, bên mình hồi xưa thì chẻ lá dừa dựng rạp; đốn đủng đỉnh làm cổng tân hôn; còn bên nầy thì mướn mấy cái hall rộng mênh mông chỗ ngồi lên tới 5, 6 trăm người! Đông khách chừng nào mình thu hụi chết nhiều chừng ấy!
Nên có chuyện vầy. Tiệc cưới vừa xong, đôi ta dắt nhau vô phòng hoa chúc. Chàng nói với nàng: “Thôi ta bắt đầu đi!”
Em e thẹn: “Anh tắt đèn trước đã!”
Chàng cự lại: “Tắt đèn làm sao thấy đường mà đếm tiền trong bao thơ bà con bạn bè đi mừng đám cưới chớ!”
Thưa bà con bất cứ cái gì trên cõi đời ô trọc nầy đều phải có tiền mới được. Cưới vợ không là một ngoại lệ trừ trường họp bạn là chú Bảy Chà Và, Cà ri Ấn Độ! Bên đó cưới vợ là trúng mánh, có thêm tiền; vì phong tục gả con là bù của, của hồi môn!
Cha kiếp sau, khi đi đầu thai, chắc tui xin Diêm Vương cho tui làm Ấn Độ.
Chớ làm người Việt mình cưới vợ coi bộ ‘ưu tư’ quá nhứt là chuyện tiền.
Một chú em muốn cưới vợ bèn hỏi: “Tía à! Lập gia đình tốn tổng cộng bao nhiêu?”
“Tía chưa kết sổ được con à! Vì Tía vẫn còn đang tiếp tục cày (như trâu) để trả!”
Thưa vì cưới vợ là nghèo ba năm, như ông bà mình thường nói. Nên tui khuyên mấy chú em mình cưới vợ nên cưới một lần thôi. Chớ đừng có bắt chước mấy thằng Tây, cứ ba năm cưới vợ một lần, là suốt cuộc đời sẽ mạt.
“Nè con! Hãy bắt chước y hệt như Tía. Khi đã cưới vợ về rồi, mỗi lần vợ chồng có thảo luận bất cứ chuyện gì từ nhỏ tới lớn như cách tiêu xài, cách dạy dỗ con cái, cách ăn ngủ, đi đứng của chính bản thân mình thì câu cuối cùng, con nên nhớ là: “Em yêu nói rất đúng!”
Một hôn nhân hạnh phúc chỉ nằm trong hai chữ cho và nhận. Chồng cho và vợ nhận!
Tía đã từng có kinh nghiệm đau thương rằng: “Có một cách chuyển tiền từ tài khoản nầy sang tài khoản kia nhanh hơn điện. Cái đó gọi là cuộc hôn nhân!”
Bảo đảm mấy chú em nghe lời tui chỉ giáo là không sống cùng nhau 5, 6 chục năm mà tình tới trăm năm nữa đó! (Nghe dài dằng dặc sao mà oải quá?!)
Nhưng nếu quý chú em hỏi ngặt rằng: Mình không bỏ em mà em muốn bỏ mình thì sao?
Tui xin truyền vài cái bí quyết như vầy nhe: Hai vợ chồng ở với nhau được tới 60 năm nuôi dưỡng 11 đứa con và 22 đứa cháu. Hỏi tại sao cuộc hôn nhân nầy dài lâu phá kỷ lục như thế. Thì người vợ cho biết rằng: “Hồi mới cưới nhau, vợ chồng tui có ra một điều kiện nếu ai mở miệng đòi thôi trước, bỏ ra đi là phải mang theo tất cả các đứa con; nên tui với ổng hỏng ai dám hết!”
Khi được hỏi ngoài ra còn có bí quyết nào để cuộc hôn nhân được dài lâu. Ôi dễ ợt hè! Dù đã cột gút với nhau rồi cũng đừng nên cột chặt quá, lỏng lỏng một chút… để cho chàng và nàng có tí không gian và không khí… mà thở dốc.
Tuần nào cũng đi nhẩy đầm tức là đi vũ trường khiêu vũ đó. Cứ ôm nhau xà nẹo là xong hết.
“Nhưng nhớ kỹ! Em đi tối thứ Ba; còn mình đi tối thứ Sáu!”
Thưa bà con đó là lời khuyên tui dành cho mấy chú em mình can đảm chấm dứt đường tình với ai kia mà đi lấy vợ.
Còn sau đây là lời khuyên của tui dành cho mấy em cũng can đảm chấm dứt đường tình với ai kia mà đi lấy chồng!
Em lấy chồng nhưng sợ sau nầy em già háp, phấn nhạt hương phai sẽ bị chồng em bỏ để chạy theo con bồ nhí, thì em nên lấy nhà khảo cổ! Vì em càng già nó càng trân quý.
Đừng đặt yêu cầu cao quá như em đầm nầy đây mà ế nhé!
“Thằng chồng trước của em lấy bụng ở đời vì uống bia nhiều quá. Nó giống như cái máy cắt cỏ! Rất khó khởi động. Mà em ráng khởi động cho cái bu gi của nó nẹt lửa rồi… thì nó chạy nửa chừng là nghỉ. Hỏi có tức hông?”
Thế nên em quyết không bao giờ lấy chồng nữa! Vì nhà em có nuôi một con két, một con chó và một con mèo. Thế là đủ rồi!
“Cả ba đều giống hệt chồng em! Con két thì chửi thề luôn miệng. Con chó thì tru lên mỗi sáng sớm. Còn con mèo, trời đã quá nửa đêm, mới vác cái bản mặt về nhà!”
Còn bây giờ nếu em muốn đi bước nữa người chồng thứ hai của em phải đáp ứng những tiêu chí quan trọng sau đây mới được:
“Ảnh phải biết hát hay như ‘Quang Lê’, phải biết nói đùa cho thâm trầm ý nhị như ‘Hung Le’, khiến em cười bò lăn bò càng mới đặng, phải biết nấu ăn tuyệt vời như ‘Luke Nguyen’ và quan trọng nhứt là đêm đêm nào cũng phải ở nhà thủ thỉ cùng em không ngưng nghỉ!”
Nhân vật mà em thầm mơ như vậy không hề hiện hữu trên cõi đời ô trọc nầy đâu. Theo ý tui em nên đi lấy… cái ‘ti vi’!
Thưa quý chú em sắp đi lấy vợ tui không cản mà còn khuyến khích! Vì lấy vợ không bao giờ bị lỗ; mặc dù đôi khi cũng hơi bị khổ!
Vì triết gia Hy Lạp, thời Cổ đại, Socrates đã từng phán rằng: “Nếu bạn lấy nhầm con vợ ngoan, hiền, giỏi giắn… bạn là người hạnh phúc vì may mắn (táp phải ruồi).
Cầm bằng bạn lấy nhầm con vợ dữ như bà chằn… thì bạn sẽ trở thành một triết gia như tui vậy!”
Còn lời khuyên cuối cùng dành cho mấy chú em nào bị tình phụ:
“Nhận được thư em lúc nhá nhem/ Mừng mừng tủi tủi mở ra xem/
Trong thư em viết dăm ba chữ/ Anh hỡi ngày mai nó lấy em”
Rồi: “Hôm nay ngày cưới em… Hân hoan tay em mang đến tôi cây đàn/ mà rằng để mừng xin hát cho một lần/ ngượng ngùng dạo đường tơ cũ tôi ca rằng: ngày xưa đưa em sang sông / ngày nay đưa em bước sang ngang…”
Dù cay đắng, cứ nhậu cho đã, dịp hỏng tốn tiền mà; bỏ qua rất uổng.
Chớ đừng vì thua cuộc, thù dai, chơi đểu, lên sân khấu, cầm ‘mi cà rô’, chúc em bản: “Ngày mai đi nhận xác chồng” là chắc chắn sẽ bị ‘phù mỏ’ đó nhe!
đoàn xuân thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive