Tuesday, July 19, 2016

Nước Mỹ Sa Sút?




...hai đảng đều đã đưa ra ứng viên yếu nhất của đảng mình ra.

Đặt trước sự lựa chọn giữa Donald Trump và Hillary Clinton, bà Mary Ann Nolan của [thành phố] Richmond đã chọn gửi mình vào tình yêu vĩnh cửu của Thượng Đế”. Đó là nguyên văn một cáo phó do một bà Mỹ già dặn con cháu đăng trên báo sau khi bà qua đời.

Có thể bà Nolan là người duy nhất bi quan đến độ đó, nhưng cả chục triệu người Mỹ đang thật sự bi quan trước sự lựa chọn chưa từng thấy này. Như cột báo này đã viết nhiều lần, chưa khi nào trong lịch sử chính trị Mỹ lại có chuyện quái đản là phải lựa chọn giữa hai ứng viên mà xấp xỉ trong 10 người dân Mỹ thì đã có tới 6 hay 7 người thù ghét, hoặc chê bai, hoặc khinh thường. Một người bị tố là kỳ thị, mát dây, người kia bị tố là gian manh, xảo trá. Mà cái phiền là những tố giác này đều có căn bản đàng hoàng. Theo thăm dò mới nhất, trong năm người thì đã có một người muốn có một ứng viên khác xứng đáng hơn, bất cứ thuộc đảng nào hay không đảng nào.

Một chỉ dấu ngược ngạo khác. Hiện nay, các thăm dò nói chung cho thấy bà Hillary thắng ông Trump cỡ 3 điểm, nghiã là... hai bên ngang ngửa vì nằm trong xác xuất sai lầm thống kê. Nếu DC đưa bất cứ ai khác ra, như PTT Biden hay bà TNS Warren, tất cả các thăm dò cho thấy ông Trump sẽ bị đè bẹp dúm. Ngược lại, nếu CH đưa bất cứ ai khác ra như TĐ Kasich hay TNS Rubio, thì bà Hillary sẽ vô vọng. Nghiã là cả hai đảng đều đã đưa ra ứng viên yếu nhất của đảng mình ra.

Tại sao một nước hùng mạnh nhất thế giới về đủ mọi phương diện, từ khoa học, văn hoá đến kinh tế, quân sự, hoàn toàn tự do dân chủ gần như tuyệt đối, không có chuyện công an bịt miệng hay đàn áp hay cấm đoán ai bất cứ chuyện gì cả, tại sao trong cái xứ đó, trong cả hơn 300 triệu dân, đã chỉ lựa nổi hai người quá tệ như vậy?

Mà phải chi đây là một sự lựa chọn gấp rút trong một buổi họp ngắn giữa một nhúm hội viên của một hội kín thì không nói làm gì. Mà đây là kết quả của một tiến trình lựa chọn trần ai, kéo dài gần cả năm trời, trải dài từ bờ biển phiá đông cho tới phiá tây, từ sa mạc phiá nam đến núi tuyết phiá bắc, với sự tham gia của gần 50 triệu người, tính cho đến nay đã tốn ít ra là nửa tỷ đô.

Tình trạng bết bát này là hậu quả kết hợp của nhiều yếu tố, cả chính trị lẫn xã hội.

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, thôi thì bàn về khiá cạnh xã hội chung chung trước.

Nước Mỹ là thành đồng của tự do tuyệt đối, hiểu theo nghiã con người tiêu biểu của Mỹ là một anh cao bồi, một người một ngựa một súng đi phiêu bạt giang hồ, không gắn bó gì với nơi chôn nhau cắt rốn hay nơi trưởng thành. Chẳng gắn bó gì với bà con, họ hàng, hay bạn bè nối khố gì hết. Một con người thật sự không có gốc kể từ ngày rời bỏ Âu Châu hay Á Châu hay Phi Châu qua Mỹ, bất kể do tự lựa chọn hay bị ép buộc. Kể cả phần lớn dân Phi Châu qua đây vì bị bán làm nô lệ, tuyệt đại đa số cũng chẳng biết mình từ bộ lạc nào, gốc gác vùng nào của Phi Châu nữa. Dù sao, mẫu số chung vẫn là tách ra khỏi gốc, tự lựa hay miễn cưỡng.

Vì cái thiếu gốc gác, thiếu nơi gắn bó đó và vì tính tự lập đó, nên coi xã hội nói chung và cộng đồng chung quanh nói riêng chẳng có gì là quan trọng. Hầu như người Mỹ chỉ có trách nhiệm với chính mình, cùng lắm là trách nhiệm với gia đình, vợ con thôi, chứ chẳng thiết tha gì chuyện phục vụ cộng đồng, quốc gia, hay xã hội gì hết. Chủ nghiã cá nhân hiểu theo nghiã tuyệt đối nhất.

TT Kennedy ngày xưa đã nói một câu để đời “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho anh, mà hãy tự hỏi anh đã làm gì cho đất nước”. Câu nói đó đi vào lịch sử vì có lẽ đó là lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ, hay nói cho đúng, một người Mỹ, kêu gọi mọi người đóng góp nhiều hơn vào xã hội. Từ đó nẩy sinh ra các tổ chức như Peace Corps, trong đó thanh niên Mỹ đi phụng sự xã hội, từ xã hội Mỹ cho đến xã hội các nước chậm tiến.

Thời đại Kennedy có lẽ là thời đại huy hoàng nhất của tinh thần phục vụ cộng đồng trong xứ Mỹ. Sau đó, những khó khăn do chiến tranh Việt Nam gây nên dưới thời TT Johnson, và nhất là những bê bối chính trị của TT Nixon đã khiến dân Mỹ lại chán ngán chuyện vác ngà voi cho thiên hạ, trở về lo cho bản thân nhiều hơn. Các phong trào hippies của thập niên 60-70 là hình ảnh tiêu biểu cho chủ nghiã cá nhân được tôn thờ nhất, một sự nổi loạn trọn vẹn chống lại cả xã hội, bất cần đến tương lai của chính mình luôn vì chẳng ai nghĩ mình còn tương lai. Thời TT Reagan thì trở thành thời cực thịnh của chủ nghiã cá nhân dưới một khiá cạnh khác, mạnh ai nấy lo làm giàu cho riêng mình.

Sự đóng góp hay tham gia của dân chúng vào hệ thống chính quyền cũng phản ánh khuynh hướng tương tự. Càng ngày càng ít người muốn làm… công chức phục vụ thiên hạ, tranh cử các trách nhiệm trong chính quyền từ địa phương đến liên bang.

Ở đây, ta thấy rõ sự tương phản mạnh với xã hội Âu Châu, là nơi mà khuynh hướng xã hội chủ nghiã –socialism- luôn luôn lấn át chủ nghiã cá nhân. Ví dụ như tại Pháp. Một trong những đại học nổi tiếng nhất, khó vào và khó tốt nghiệp nhất, cũng là trường đào tạo tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng nhiều nhất là trường Ecole Nationale DAdministration (ENA), tương đương với Trường Quốc Gia Hành Chánh của VNCH ngày xưa. Trong con mắt của thanh niên Pháp, học xong, đi làm công chức, làm quan là một thành công lớn, một vinh hạnh. Hoàn toàn trái ngược với quan niệm của thanh niên Mỹ, học xong là phải đi làm hãng tư, chỗ nào nhiều tiền nhất, có cơ hội thăng tiến nhanh nhất. Ở Mỹ này có cả chục ngàn đại học, không có trường nào đào tạo công chức như ENA hết. Ở Mỹ, ai cũng biết thành phần công chức là thành phần yếu về khả năng chuyên môn nhất, bị coi rẻ nhất. Bởi vậy người Mỹ thường kháo với nhau “nếu anh không có khả năng làm gì ra trò cả thì đi làm công chức hay đi làm chính trị”.

Trong khi một Tổng Giám Đốc –CEO- một công ty Mỹ có thể kiếm 10 triệu đô một năm dễ dàng, thì ông công chức cao nhất ở Mỹ là tổng thống chỉ lãnh lương nguyên năm có 400.000 đô. TT Obama phải làm việc hơn 25 năm mới lãnh được lương một năm của một ông CEO. Dĩ nhiên nhiều người sẽ nói đến cái quan trọng của “chức vị”, nhưng dân Mỹ là dân thực tế nhất thế giới, ít người coi chuyện chức vị quan trọng hơn dollars.

Ngay từ điểm này, ta đã thấy căn gốc của vấn nạn chính trị Mỹ hiện nay. Quá nhiều người có tài nhưng lại không thích dính dáng đến chuyện Nhà Nước, chuyện cộng đồng, chuyện công chức, chuyện chính trị, tranh cử ra làm... quan. Tiền bạc lợi lộc chẳng bao nhiêu mà chỉ nhức đầu, bị chửi vô lối.

“Bị chửi” cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Phải nói là trong chế độ dân chủ kiểu Mỹ, không có công an trị, người dân tha hồ muốn chỉ trích ai thì chỉ trích, nhất là những người được coi là người của công chúng –public figures-. Chẳng những cá nhân họ, mà cả vợ con, họ hàng ba đời cũng bị lôi xuống bùn luôn.

Nhìn lại những tổng thống gần đây. TT Clinton bị quốc hội đàn hạch, may nhờ được hậu thuẫn tuyệt đối phe nhóm của các dân biểu và nghị sĩ DC nên thoát nạn. Đây là lần thứ nhì trong lịch sử Mỹ, một tổng thống bị đàn hạch. TT Bush là người được hơn 90% dân Mỹ hậu thuẫn ngay sau vụ 9/11. Cả hai viện quốc hội và cả nước ủng hộ ông đánh khủng bố từ trong nước cho tới Afghanistan rồi Iraq. Nhưng cuộc chiến khó hơn là đi săn nai, kéo dài quá tầm kiên nhẫn của dân Mỹ, thế là cả nước quay qua chửi. Nhẹ thì cho là ông đánh nhau quá dở, nặng thì than khóc đã bị ông lừa. Rồi bây giờ đến TT Obama được bầu lên nhờ chủ trương đại đoàn kết toàn dân, bây giờ lại bị chính báo phe ta Washington Post tố là “tạo phân hoá lớn nhất lịch sử”. Tóm lại, thành công hay thất bại gì thì không biết, chỉ biết là bảo đảm sẽ bị rủa nặng.

Chỉ trích có cái lợi hiển nhiên là giúp tránh hay sửa đổi được những cái sai. Nhưng mặt trái là chỉ trích cũng làm nhiều người “yếu bóng viá” phải chùn chân, rụt rè, hay trốn luôn, không dám thò đầu ra “làm chính trị” vì sợ bị chỉ trích hay sợ bị khui quá khứ. Nói như TT Thiệu, “làm chính trị là phải ù lỳ”. Nhiều người không muốn ù lỳ, nhiều người khác thấy cái giá phải trả không đáng.

Nhưng quan trọng gấp bội cái tự do chỉ trích cá nhân này là sức mạnh của truyền thông tân tiến. Từ báo chí đến đài phát thanh, đến TV, đến các phương tiện truyền thông đại chúng social media, như facebook, twitter,... thông tin 24/24, tranh nhau đưa tin sớm nhất, giựt gân nhất để dành khách. Tất cả đã đưa đến kết quả là chính trị đã mất hết tính cách nghiêm chỉnh, trọng đại, mà đã trở thành một thú tiêu khiển, trong đó chính trị gia muốn thành công phải biết làm diễn viên, đóng tuồng đủ kiểu, nói năng lung tung, hứa hẹn loạn xà ngầu, muá mép giỏi, chỉ cốt thu hút sự chú ý và lá phiếu, bất kể với giá nào. Thời đại này, một thái giám nịnh giỏi sẽ làm tể tướng, thứ Quản Trọng hay Khổng Minh chỉ đi làm thầy giáo làng.

Nói chính trị đã trở thành thú tiêu khiển là nói nhẹ. Nặng hơn thì phải nói truyền thông đại chúng kiểu Mỹ đã làm người dân ngu đi mới đúng. Thiên hạ ủng hộ hay chống đối, tất cả chỉ thường là qua một vài câu nói thật nổ hay thật hố, trong khi chẳng ai rảnh hơi phân tích chương trình kinh bang tế thế. TT Obama được bầu phần lớn nhờ câu “không có nước Mỹ trắng nước Mỹ đen, nước Mỹ xanh nước Mỹ đỏ, mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, một câu hoàn toàn vô nghiã mà không thật. TĐ Romney rớt đài phần lớn vì câu “có 47% dân Mỹ sẽ bỏ phiếu cho Obama, bất kể chuyện gì khác”, một sự thật nhiều người không muốn biết.

Muốn bằng chứng nữa? GS Gruber, một trong những cố vấn của TT Obama, “kiến trúc sư” của Obamacare đã công khai tuyên bố Obamacare được thông qua nhờ DC biết khai thác sự “ngu xuẩn” (nguyên văn: “stupidity”) của cử tri Mỹ!

Đã vậy, chính trị Mỹ bây giờ, sau những phân hoá trầm trọng nhất từ thời TT Clinton đến nay, nhờ công của ông tổng thống của đại đoàn kết toàn dân, đã đi vào thế cực đoan, phe đảng hơn bao giờ hết. Chỉ cần nhìn vào ứng viên tổng thống của hai chính đảng hiện nay thì rõ. Ông Trump là người có khuynh hướng phát-xít, kỳ thị rõ rệt, cả khối lãnh đạo đảng CH kinh hãi, vậy mà vẫn đắc cử đại diện cho CH. Bà Hillary nổi tiếng chính khách tham nhũng nhất, bị FBI tố là nói láo từ đầu đến đuôi cũng vẫn đắc cử đại diện DC. Cử tri “ngu” hết sao? Có thể không ngu, nhưng chắc chắn là đã bị tinh thần phe phái mù quáng chi phối.

Đó là nhìn vào khung cảnh xã hội Mỹ nói chung. Bây giờ ta nhìn qua khiá cạnh chính trị, chế độ dân chủ của Mỹ.

Mỹ có hai chính đảng cử đại diện ra tranh cử tổng thống (và phần lớn các trách nhiệm địa phương, tiểu bang và liên bang khác). Muốn được tuyển chọn thì phải qua thủ tục gọi là bầu bán sơ bộ -primaries- tức là bầu trong nội bộ để lựa đại diện cho đảng. Hình thức tổ chức đảng phái của Mỹ, cho cả hai đảng, rất lỏng lẻo, rất nhiều khác biệt từ tiểu bang này đến tiểu bang nọ, từ địa hạt bầu cử này tới địa hạt kia. Do đó, những cuộc bầu sơ bộ cũng khác biệt, từ bầu kín dành riêng cho đảng viên –closed primary elections-, cho đến bầu mở cửa cho tất cả cử tri –open primary elections-, cho đến bầu bằng cách hội thảo nhóm –caucuses-, và bầu qua đại hội đảng của tiểu bang –state conventions-.

Đã vậy, nhiều khi rất rườm rả, thủ tục rắc rối, có khi phải bầu đi bầu lại nhiều đợt. Vì tính rườm rà phiền toái, vì luật lệ rắc rối, nhiều người không rảnh tìm hiểu, cũng như vì tính sơ bộ mà kết quả nhiều khi không quan trọng lắm, nên cử tri bình thường ít chịu tham gia bầu bán. Chưa kể những cuộc bầu sơ bộ đầu tiên, mang nhiều ý nghiã nhất như tại Iowa và New Hampshire, lại thường được tổ chức vào mùa đông, dưới bão tuyết là chuyện bình thường. Ông Trump đắc cử đại diện CH với chừng 13 triệu phiếu, tức là chưa tới 4 phiếu trong 100 cử tri Mỹ, bà Hillary được 16 triệu phiếu, tức là chỉ có 5 phiếu. Tổng cộng của cả hai người chưa tới 10% dân Mỹ.

Nói cách khác, những người tham gia bầu sơ bộ phải là những người rất chú ý đến chính trị, rất có tinh thần dấn thân, tích cực, nghiã là phần lớn là những đảng viên hay cử tri có khuynh hướng cực đoan, quá khích hơn cử tri bình thường. Đưa đến tình trạng cụ thể là muốn đắc cử thì các ứng viên thường phải có thái độ khá cực đoan. Như bên DC thì ứng viên phải biểu diễn quan điểm cấp tiến mạnh, trong khi ngược lại, muốn đắc cử bên CH thì ứng viên phải bày tỏ quan điểm bảo thủ nặng. Kết quả là bầu sơ bộ thường mang lại chiến thắng cho những người nếu không phải là cực đoan nhất thì cũng là mỵ dân giỏi nhất.

Nhìn vào cuộc chạy đua bên DC, chỉ có trong cuộc bầu sơ bộ kiểu Mỹ thì một người cực đoan như cụ xã nghiã Sanders mới có thể được ủng hộ mạnh như vậy. Ra vòng chung kết, cụ không thể nào đắc cử tổng thống.

Cuộc tranh cử bên CH còn rõ ràng hơn nữa. Trong 17 ứng viên xuất quân ban đầu, có rất nhiều ứng viên đầy đủ khả năng, kinh nghiệm, và uy tín như các thống đốc, thượng nghị sĩ nổi tiếng. Nhưng phần lớn họ có tính ôn hoà, chưa đủ cực đoan, hay chưa đủ mỵ dân để rồi họ là những người đầu tiên lọt sổ. Hai ứng viên vào chung kết là ông siêu cực đoan Ted Cruz và ông siêu mỵ dân Donald Trump. Kết quả ông siêu mỵ dân thắng.

Tình trạng này đã đưa đến nhiều chỉ trích về thể thức bầu sơ bộ.

Ngay cả thể thức bầu tổng thống thực thụ cũng bị đả kích rất nhiều, đặc biệt là mỗi khi có chuyện ứng viên đắc cử lại là người thu được ít phiếu cử tri hơn. Như trường hợp TĐ Bush hạ PTT Gore mặc dù ông Gore thu được nữa triệu phiếu nhiều hơn ông Bush.

Một khiá cạnh rất đặc biệt của thể chế dân chủ là phải làm sao thu hút lá phiếu của cả mấy chục triệu người. Dưới chế độ dân chủ “ma-dzê” in America, chỉ có một cách duy nhất: nhẩy ra đấm ngực thình thịch: tôi là người giỏi nhất, nhiều khả năng nhất, có tinh thần phục vụ cao nhất,... Tất cả những cái gì “nhất”, tôi đều có hết. Xin quý vị nhìn kỹ đi, không ai bằng tôi đâu!

Cái mô thức đấm ngực ầm ầm đó dường như có cái kẽ hở là đưa đến sự thành công của những người có tham vọng cá nhân cực lớn, mắc bệnh “nói láo bẩm sinh”, sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được địa vị như bà Hillary là hình ảnh tiêu biểu nhất, hay phải có cái tôi khổng lồ tự kiêu, tự đại, tự mãn đến mức lố bịch như ông Trump đang biểu diễn.
Có thể đối với dân Mỹ, như vậy cũng chẳng sao. Nhưng đối với dân Á Đông, với truyền thống khiêm tốn tối đa, thật là chuyện khó hiểu. Chỉ có những người mà ta cho là mặt dầy hay vô liêm sỉ nhất mới chịu nhẩy ra vỗ ngực tranh cử. Để rồi đi đến kết quả là chính những người mặt dầy đó mới được tôn làm lãnh tụ. Mà điều đáng nói là thật sự, nếu đọc báo Mỹ, ta sẽ khám phá ra mặt dầy dường như là một đức tính rất quan trọng cần có nếu muốn làm lãnh tụ ở cái xứ cao bồi này. Bà TNS Elizabeth Warren suốt ngày thay bà Hillary sỉ vả ông Trump, và bà chê ông này là “thin skinned”, có nghiã là da mỏng, trái ngược với ý mặt dầy.

Năm 2008, thượng nghị sĩ Obama, sau khi được đảng DC bầu làm đại diện ra tranh cử tổng thống, đã tổ chức lễ ra mắt tại một sân vận động chứa cả trăm ngàn người. Ông đứng trên một sân khấu mà phiá sau là các cột nhà mô phỏng theo kiểu các cột đền thờ các thần thánh Hy Lạp, đại ý tự cho mình là một loại thần thánh, một Đấng Tiên Tri, mà không chút e lệ, áy náy gì. Và lạ lùng thay, cả triệu người phủ phục xuống lạy ngay.

Một thể chế “dân chủ” đưa đến việc tuyển lựa lãnh tụ trong hàng ngũ những người mánh mung, gian trá, mặt dầy trơ trẽn nhất, đầy thói hư tật xấu, nhưng với cái TÔI lớn nhất và dẻo mép nhất, thử hỏi làm sao có được lãnh tụ giỏi, thật sự vì dân vì nước chứ không phải vì cái TÔI? 

Đã đến lúc các học giả nghiên cứu lại mô thức dân chủ kiểu Mỹ chưa? Hay là cứ ngồi chờ đến ngày đế chế Cờ Hoa tan tành manh giáp như đế chế La Mã? (17-07-16)

Vũ Linh

No comments:

Blog Archive