4 P Xanh Dương
Kim Chi
Sau gần một năm sống cực khổ ở trại ty nạn Galang (Indonesia), cuối cùng, tôi cũng được đi định cư ở thành phố Toronto, Canada. Bấy giờ là cuối tháng ba năm 1986, đang là đầu mùa Xuân ở đây.
Khi máy bay sà thấp xuống gần địa phận phi trường Toronto, qua khung cửa sổ máy bay, tôi thật háo hức, nôn nao nhìn xuống mặt đất. Chao ôi! Sao xứ sở gì mà giàu có quá, có lắm building như chen lấn nhau để vươn lên trời xanh thế kia? (Chả biết họ có bị... cúp điện, cúp nước như ở VN không?!) Tôi cũng thấy rải rác đó đây ít nhóm cây thưa thớt, trơ những cành nâu cằn cỗi, cố che chở mảnh đất không một sức sống, như cánh tay khẳng khiu của người mẹ già nua, vẫn cố gắng giương ra che chở đàn con giá lạnh. Lác đác, những nóc nhà không phải màu đất sét nung đỏ như ở quê ta, mà là màu xám xịt, màu đen mốc cời, làm cho cái thành phố Toronto trong mơ tưởng của tôi nhìn thật héo úa, cũ kỹ... Bỗng dưng, bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm từ gia đình, bạn bè và căn nhà bao dung của tôi chợt ùa về... Ôi thôi! Tôi phải sống suốt đời ở đây ư? Biết bao giờ tôi mới được thấy lại gia đình, quê hương, xứ sở nghèo khổ của tôi? Mắt tôi nhoè đi, tôi úp mặt giấu vào tay, rồi thổn thức khóc ngon lành chẳng khác chi một em bé bị mất kẹo...
Rồi, như một loài hoa dại phải vươn mình lên để sinh tồn, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, tôi bắt buộc phải tìm hiểu nếp sống nơi đây, hòa đồng với mọi người chung quanh, khắc phuc bản thân để làm quen dần với tất cả mọi thứ... Tôi kiên trì vừa học Anh văn, vừa học lái xe hơi khi cái thai đầu lòng của tôi mới ba tháng, để sau này em bé chào đời, tôi và em bé sẽ không phải tê tái đứng đón xe bus giữa bầu trời Đông giá lạnh trừ 20, 30 độ Celcius. Vừa sanh xong, tôi cũng thi lấy bằng lái ngay trong vòng chưa tới một năm. Việc đầu tiên tôi tự thưởng cho mình là tôi tự lái xe đi mua sắm ở Square One, một khu thương xá rất lớn cách nhà 30 phút mà chồng tôi và hầu như đa số các ông chồng rất ngại đi theo. Tôi đã di bằng xe bus tới đây vài lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được lái xe đi một mình.
Trước khi đi, chồng tôi vừa bế con gái chỉ mới hai tháng tuổi của tôi, vừa lo lắng, dặn dò tôi phải nhớ số xe, tên của hảng xe, tên model của xe, và nhất là phải nhớ chổ mình đậu xe. Trong lớp Anh văn của anh, có một người bạn VN học chung, vừa mới mua được một chiếc xe hơi cũ`, anh ta hí-ha hí-hởn chở cậu con trai mười tuổi đi mua sắm ngay tức khắc. Khi ra về, anh ta không thể nhớ xe của anh ta đậu ở đâu! Đi vòng vòng kiếm xe, anh ta cũng không nhớ... số xe của mình, không biết luôn cả xe mình... hiệu gì, model năm nào... Thế là hai cha con đành đau khổ ngồi chờ cho mọi người lấy xe về hết, còn chiếc xe nào sót lại trên bãi đậu xe, thì chiếc ấy... là xe của mình!
Tôi hứa với chồng của tôi rằng tôi sẽ tìm một đặc điểm dể nhớ khi đậu xe, và tôi cũng đọc bảng số xe, hiệu xe vanh-vách cho anh nghe để anh yên tâm.
Từ xa, tôi đã thấy bảng hiệu Eaton như nhấp nháy mắt rộn ràng chào đón tôi rồi.Tôi rất thích thưong hiệu Eaton. Mỗi lần cần mua sắm, tôi đều ghé cửa hàng này trước khi ghé các tiệm khác. Vì Square One quá lớn (có thể đi cả ngày vẫn chưa xem hết) nên Eaton ở trong nơi này cũng lớn hơn những Eaton ở các khu shopping khác... Tôi háo hức quẹo xe vào, tìm cho được chỗ đậu gần cửa. Lúc ấy là buổi trưa của ngày trong tuần nên cũng còn nhiều chỗ đậu xe tốt để chọn lựa. Giờ mở cửa shopping ở Canada rất thoải mái, mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, ngoại trừ thứ bảy và chủ nhật thì đóng cửa sớm hơn (6 giờ chiều) Tôi nhìn thấy cái cột đèn cao, gần cửa ra vào tiệm Eaton, thế là tôi đậu vào ngay chỗ ấy. Vì đất đai rộng lớn, nên chỗ đậu xe cũng... lớn rộng, mênh mông. Hàng ngàn xe cộ các loại, cao thấp, to nhỏ, lớn bé… đủ màu sắc, đậu ngay ngắn, thứ tự. Chỉ nhìn thấy bãi xe hơi thôi là tôi đã vui như ngày Tết rồi!
Sau bao nhiêu giờ lăn xả, miệt mài mua sắm, đến gần 9 giờ tối, mọi người lục đục ra về, tôi cũng khệ nệ xách bao bị lủ khủ theo chân mọi người vui vẻ ra bãi đậu xe. Tôi đi thẳng lại cái cột đèn để lấy xe.
Ô hay! Sao tôi đi tới, lui, nhìn quanh quất, nhưng không thấy bóng dáng cái xe của tôi đâu cả! Cái cột đèn đây mà? Cửa Eaton kia mà? Tôi lo lắng chạy lại cái cột đèn xa hơn nữa, nhìn kỹ từng chiếc xe, vẫn không thấy xe của tôi đâu... Tôi hớt hơ hớt hải chạy vòng quanh những cái cột đèn gần đấy để tìm, hy vọng mong manh là mình đã nhớ lầm... Nhưng, không thể nào được, rõ ràng tôi đậu đây mà?! Cửa vào của Eaton, và cột đèn đầu tiên... Ôi! Thôi chết rồi! Người ta đã ăn cắp xe của tôi rồi chứ còn gì nữa?!.. Khi còn ở VN, tôi đã bị mất bao nhiêu là xe đạp với xe gắn máy. Đi chơi … mất!. Đi học... mất.! Đi làm … mất! Mà để trong nhà cũng.... mất! Bây giờ phải làm sao đây? Không thể ngờ được cái xứ sở văn minh như thế này mà vẫn có trộm cắp xe hơi (!!)... Rồi làm sao để về nhà đây? Làm sao giải thích cho đấng ông chồng tôi đây? Xe mua đã trả hết tiền đâu, chúng tôi mua trả góp mà.....
Ruột gan tôi rối bời-bời. Tôi lo lắng, suy tính phải làm gì trước tiên. Tôi quyết định đi ngược vào trong thương xá. Tôi để ý tìm những người bảo vệ nơi đây và bạo dạn đến gần một người để báo rằng tôi đã bị "trộm" lấy xe. Ông ta chớp-chớp hàng lông mi dài và cong vút như con gái, với ánh mắt đầy nghi ngờ, hỏi tôi loại xe gì, số xe, màu xe... và ông ta còn nhấn mạnh rằng tôi có nhớ chắc chắn đã đậu ở đâu hay không? Tôi trả lời một cách cả quyết lại, rằng, thì là:
--Tôi đậu xe ở cửa Eaton, ngay cái cột đèn đầu tiên...
Ông ta cười mĩm, rồi nheo-nheo con mắt màu xanh nước biển, hỏi tiếp:
-- Cửa Eaton nào, lầu mấy? Car parking màu gì? Khu vực xe đậu chữ Alphabet gì? Dãy xe số mấy...
Đọc tới đây, chắc các độc giả cũng đoán ra được kết cuộc của câu chuyện: Cuối cùng, tôi đã tìm được chiếc xe hơi yêu quý của tôi sau một chuyến "dạo chơi vòng vòng" với anh chàng bảo vệ Canadian! Bấy giờ, tôi mới biết là nơi xứ người rộng lớn này, xe hơi đậu ở đâu thì phải nhớ đậu ở lầu nào, khu vực màu gì, dãy xe số mấy... Thí dụ tôi đậu ở bãi xe cột sơn Đỏ, khu vực chữ A, hàng xe số 5 chẳng hạn. Vậy thì chỉ cần nhớ: 5A, Đỏ. Thế thôi! Sau đó, tôi chỉ dẫn lại cho những người đến định cư sau tôi để họ không bị.. "mất xe" thật là tội nghiệp như tôi nữa!
*
Rồi tôi lại di dân qua Úc sống năm 2005. Vừa đến Úc, việc đầu tiên là tôi lo lấy lại bằng lái xe ngay trong tháng đầu tiên. Tôi chỉ cần đổi ngang bằng lái của Canada qua bằng lái của Úc. Luật này chỉ áp dụng cho cư dân ở Melbourne mà thôi. Luật đổi bằng lái, luật lái xe mổi tiểu bang khác nhau, mà tiền... phạt cũng khác nhau, nên tôi trước khi đi chơi xa, tôi phải xem xét cẩn thận, không thôi là sẽ nhận nhiều vé phạt của các chàng trai cảnh sát giao thông...
Xứ Úc đất cũng rộng lớn, những thương xá cũng đẹp không thua bên Canada, nhưng bãi đậu xe thì nhỏ hẹp và không được ngăn nắp thứ tự như ở bên Canada. Xe đậu ngoài đường không đúng chổ qui định là lãnh giấy phạt bạc trăm, chứ không như bên Canada muốn đậu ở đâu, đậu bao lâu thì đậu...
Trời đang vào Đông, (mùa Đông ở Úc là tháng 6, 7, 8, và Xuân là tháng 9, 10, 11) tôi chọn ngày Thứ năm để đi mua sắm, vì ở Melbourne lúc ấy, các khu mua sắm chỉ được phép mở cửa đến 6 giờ tối, ngoại trừ Thứ năm và Thứ sáu thì mở đến 9 giờ tối.
Sau khi rời nơi làm việc lúc 5 giờ chiều, tôi đến một khu shopping tên là Eastland, cách xa nơi làm việc của tôi chỉ 10 phút lái xe hơi. Tôi sắp xếp trong đầu sẽ mua một ít quần áo. Và sau khi mua quần áo xong, lúc ấy chắc cũng phải 9 giờ tối, là giờ shopping đóng cửa, thì tôi sẽ vào siêu thị (cũng nằm ở trong shopping Eastland này) để mua thực phẩm cho hằng tuần.
Khu mua sắm Eastland này không lớn lắm, các sân đậu xe cũng vắng vẻ. Từ ngoài đường cái, tôi quẹo phải vào trung tâm, rồi tôi lái thẳng xe lên lầu một. Tôi đậu ngay sát bên hông cửa ra vào để không bị lạnh và cho dễ nhớ. Khi tôi chạy xe lên có một tầng lầu là hết lầu, nên tôi không lo lắng nhiều. Tôi ra khỏi xe, nhìn quanh quất để biết mình đậu ở đâu. Đây rồi, cái cột ngay cái xe tôi đậu đây kẻ chữ màu xanh dương "4 P" tuy nho-nhỏ, nhưng cũng rõ ràng lắm. Tôi khóa xe, rồi đảo mắt nhìn chung quanh và thấy các cột bê tông trần trụi gần đó đều có chử "4P" sơn màu xanh dương. Tôi ghi nhớ trong đầu của tôi rằng: Xe đậu ở tầng lầu một, chắc là dãy xe số 4, khu P, Xanh Dương và lại ngay cửa ra vào thương xá nữa
Trời khá lạnh, nhưng tôi quyết định không mặc áo lạnh vì xe đậu ngay cửa, mà trong thương xá thì ấm áp lắm...
Vào trong thương xá, tôi vòng vo tam quốc, mua được một số quần áo. Đúng như tôi tính trước, mua xong là 9 giờ tối, các cửa hiệu bắt đầu kéo cửa nghe rét-rét khắp nơi. Tôi cầm những túi quần áo ung dung tìm siêu thị Coles, là siêu thị có ở khắp nơi trên đất Úc này, (bên Canada thì có Fortinos). Chợ Coles không gần cửa vào mà tôi đã vào cho lắm, nhưng tung tăng trong thương xá thì ấm áp, lại được ngắm nghía kỹ đồ đạc chưng bày trong tủ kiếng nên tôi thật là vui. Tôi mua thịt, cá, mua ít rau cải, ít trái cây, ít vật dụng cá nhân... Xong tôi trở về lại cái lối vào mà tôi đã vào từ car park. Vòng vòng trong thương xá độ 10 phút, tôi cũng tìm ra cái cửa mà tôi đã vào lúc ban đầu.
Ô! Lạ chưa? Vào thì được, mà bây giờ tôi muốn ra, cửa lại... khoá!!! Tôi ngơ ngác, hỏi một người Úc gần đó. Ông ta bảo tất cả cửa của thương xá đã đóng sau 9 giờ. Mà bây giờ 10 giờ hơn rồi. Chỉ còn một cửa mở là cửa của... chợ Coles. Và chợ này sẽ đóng lúc 11 giờ!...
Tôi tất tả trở lại khu chợ Coles. Tôi tìm cửa ra không khó gì. Tuy nhiên, ra tới bên ngoài trời, tôi mới thật là hối hận vì đã không mặc áo ấm. Lúc ấy, Úc đã vào Đông, đêm mùa Đông ở Úc không lạnh như Canada, chỉ độ chừng 5, 7 độ C thôi. Nhưng, tôi chỉ mặc vỏn vẹn một áo thun mỏng dài tay của mùa Xuân... Gió như nhân tình, luồn vào trong quần áo, vào tận ống chân mà "mơn trớn" da thịt của tôi. "Nhân tình" bội bạc này cũng rất tàn nhẫn, ném vào mặt tôi cái Đông giá rét. Quần áo tôi phập phồng, phất phới theo từng cơn gió. Người tôi run lập cập, tay chân tôi lạnh buốt... Tôi quyết định… chạy để ấm người lên.Tôi choàng bóp qua cổ, gom các túi đã mua sắm lại cho gọn và... chạy. Vừa chạy, vừa tự an ủi mình: “Không sao, chạy vòng quanh khu này tới khi nào thấy đường lên lầu là mình theo lên, sẽ thấy khu vực Xanh Dương, 4 P...”.
Tôi vòng gần một vòng khuôn viên khu thương xá, chắc cũng phải chạy đến 700 mét mới thấy đường lên lầu. Lúc đi trong shopping thì thấy nó nhỏ xíu, đi chỉ vài giờ là biết hết các tiệm. Mà bây giờ sao lại thấy nó xa và lớn quá, chạy tới, chạy lui mãi cũng vẫn chưa thấy khu vực màu xanh dương đâu!?! Các cột bê tông dưới ánh đèn ban đêm leo lét chỉ có một màu xi măng trần truồng, trơ trẽn mà thôi... Chân tôi thật mỏi, các ngón chân buốt đau, nhức nhối như sắp rụng ra khỏi bàn chân vì lạnh. Tim tôi đập loạn xạ vì tôi bắt đầu sợ hãi bóng tối trong bãi đậu xe mênh mông chỉ có mình tôi với đầy ắp túi đồ, là mồi ngon cho bọn gian ác Tôi quyết đinh phải chạy trở về chợ Coles, là nơi còn đông đúc người và ấm áp.
Lại phải chạy ngược về khoảng nữa cây số nữa! Răng tôi bắt đầu... khua vào nhau như điệu Fox... Những "ít" rau, "ít" thịt, "ít" trái cây... bây giờ sao vướng víu, nặng trĩu. Tôi chỉ muốn vất cả đi cho rảnh cái nợ đời... Chưa bao giờ tôi tủi thân như thế... Tại sao lại đóng cửa cả thế? Tại sao không mở cửa cho "người ta" đi về bằng những cửa mà "người ta" đã vào?.. Tại sao Úc lại "không chiụ" giống Canada thế này?... Nước mắt của tôi lả chả rơi xuống đất, tôi không buồn chùi quẹt gì cả. Bỗng dưng, tôi chợt nhớ lại cuốn phim, mà khi chị em chúng tôi còn bé, ba tôi hay chiếu cho xem. Vai chánh trong phim đi ăn cướp nhà băng, và xách cái va li đầy ngập tiền chạy lạc vào... nhà xác, rồi bị nhốt ở trong ấy. Ông ta bị lạnh cóng, và ông ta đã dùng tiền cướp ngân hàng để đốt lên thế củi, sưởi ấm người. Tôi tự giận tôi sao không chịu tìm hiểu rõ về cách thức đóng cửa của nơi đây để bây giờ tôi sắp chết chỉ vì lạnh và sợ hải...
Tôi vừa sụt sùi, vừa lục lọi các túi quần áo mới mua xem tôi có thể mặc được gì cho người ấm thêm chút nào không? Tôi tròng bộ...pyjama kẻ sọc lên trên cái quần... jean và cái áo thun. Rồi tôi mặc chồng thêm cái áo chemise tôi mua cho... chồng tôi lên trên cái áo pyjama!. Cái cổ áo chemise được tôi dựng đứng lên để cổ của tôi ấm hơn tí xíu... Xong, tôi nhìn quanh quất xem có bảo vệ không. Xuyên qua lớp cửa kiếng của thương xá, tôi loáng thoáng thấy bóng một người bảo vệ bên trong. Tôi chạy lại đập cửa kiếng, ra dấu tôi muốn được giúp. Ông ta bị tật ở chân, cà-nhắc, cà-nhắc, từ-từ mở cửa, và ngạc nhiên nhìn tôi đang nước mắt, nước mũi chảy ròng-ròng, quần áo ăn mặc thật là dị hợm, các bảng tag giá tiền vẫn còn dính tòn ten, lăn tăn bay phất phơ theo từng trận gió lớn nhỏ... Tôi hỏi ông ta chỉ dẫn giùm tôi bãi đậu xe màu Xanh Dương ở đâu? Ông ta ngơ ngác nói rằng... không có bãi đậu xe Xanh Dương nào ở đây cả! Mà chỉ có những bãi đậu xe... Đông, Tây, Nam, Bắc thôi. Tôi cải "băng-xi-lô" rằng, phải có bãi đậu xe này vì tôi chính mắt thấy chử "4P Area" được sơn màu xanh dương ở ngay cái cột bê tông mà xe hơi của tôi đậu... Ông ta suy nghĩ vài giây và cười thật thân thiện với tôi, rồi nói:
-- Không có bãi đậu màu xanh dương, nhưng có chữ 4P, được sơn màu xanh dương ở nhiều nơi trong những bãi đậu xe nơi này
Ông giải thích:
-- 4 P có nghĩa là được phép... đậu 4 giờ! (P viết tắt từ chữ Parking có nghĩa là đậu). Và chữ "4P" này được sơn.... xanh dương! Cũng có những chỗ chỉ cho phép đậu 2 giờ thì sẽ thấy "2P", cũng sơn.. xanh dương!
Tôi dở khóc, dở cười, và nhờ ông ta chỉ dẩn tôi đến nơi "4P Xanh Dương" ở lầu một nào đó. Một người chân đi cà nhắc, một người tay mang bao bị lủ khủ đi tìm xe. Trời vừa gió, vừa lạnh rét buốt. Cánh tay tôi mỏi rả rời, những ngón tay tôi sưng đỏ, đau nhức vi đồ chợ nặng quá. Tôi không dám nhờ ông ta xách hộ vì ông ta tàn tật. Ông ta cùng tôi đi vòng trở lại. Đến một car park "4P Xanh Dương" lầu một, vẫn không thấy xe tôi đâu! Ông ta hỏi số xe, màu xe, loại xe gì?. Tôi cho ông ta biết và cho biết thêm tên các tiệm mà tôi thấy khi vừa vào cửa. Ông ta dùng Walkie-Talkie gọi thêm mấy người bảo vệ khác nữa, chia nhau ra tìm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, ông bảo vệ muốn dẫn tôi đến cái cửa kính ra vào khu mua bán, rồi ông chỉ cho tôi thấy chữ "West Parking" sơn trên cửa ra vào mà khi tôi bước vào, tôi đã không để ý tới vì tôi ỷ y rằng tôi đã biết chổ tôi đậu xe là... "4P Xanh Dương" rồi.... Những người bảo vệ kia chạy rầm rầm, lên, xuống những thang lầu bằng sắt, và báo đã tìm thấy được xe của tôi rồi...À, cái lầu mà chúng tôi đang đứng là lầu một của chợ Coles dẫn đến, mà lầu một từ ngoài " đường cái quan" dẫn vào thì lại nằm trên một tầng nữa! Tầng một này sẽ không thấy được tầng một kia, và ngược lại. Kiến trúc tựa như chợ Đà Lạt. Chúng tôi phải dùng thang bộ để đi lên thêm một lầu nữa, và cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc xe hơi của tôi nằm lạc lõng, bơ vơ, lạnh lẽo, trơ trọi một mình giữa bãi đậu xe tối đen, hoang vắng.Tôi... thù hằn nhìn lại những cây cột bê tông trần trụi với các chử số 4P sơn xanh dương này, lúc ếy, tôi mới biết là hầu như ở Úc, các chỗ đậu xe chỉ cho phép đậu tối đa bốn giờ thôi. Còn bên Canada thì đa số được đậu cả ngày, nên sẽ khó mà thấy cái chữ "4P" hay "2P" màu.. chi-chi ở bên ấy...
Sau một thời gian khá lâu năm không đi mua sắm ở thương xá Eastland nữa (vì tôi... hờn giận nó!); một hôm, tôi trở lại đấy với Thu, đứa cháu gái vừa ở Việt Nam qua Úc để du học, tôi thích thú vô cùng khi nhìn thấy đúng cái sân tôi đậu xe ngày xưa, với các cột bê tông trần trụi, lạnh lẽo, bây giờ lại là những cột bê-tông được sơn màu xám đen, vẩn dửng dưng, ơ thờ nhìn thế nhân qua lại hàng nghìn lần một ngày. Những chữ số "4 P " vẫn còn đầy dẫy khắp trên các cột bê tông, vẫn sơn... xanh dương, nho nhỏ, khiêm nhường, khép nép như e thẹn vì đã gây ra nhiều chuyện rắc rối, muộn phiền!!...
Trước khi vào trong thương xá, tôi bảo Thu đứng đợi một chút. Tôi chạy xuống cái thang bộ và ngắm nghía cái lầu dưới mà tôi đã quanh quẩn lạc đi lạc lại mùa Đông năm nào khi mới đến Úc. Tôi tự hỏi, không biết có ai bị lạc vì cái chữ số "4P" sơn xanh dương giống như tôi ngày nào không? Mổi một đất nước có những luật lệ, những qui chế, địa hình, hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi đã quá ỷ lại, không tìm hiểu cẩn thận nên mới có một bài học khó quên này.
Trở lên chỗ con bé đang đợi, tôi bâng quơ nói với Thu:
-- Con nhớ giùm cô mình đậu xe ở đâu nhá.
Thu ở Việt Nam học rất giỏi, nhung cháu lớn lên trong một gia đình không được khá giả, lại ở vùng cao nguyên hẻo lánh nên tôi đoán cháu sẽ không có kiến thức nhiều về chuyện đậu xe hơi ở xứ người rộng lớn này.Tôi chỉ muốn thử trí thông minh và sự tinh tế của cháu mà thôi.
Con bé vừa đi, vừa nghoảnh đầu lại nhìn, vừa nói:
-- Khi ra khỏi xe, con thấy cái chữ... "4 P Area" sơn màu xanh dương ngay cột xe của mình đậu đó cô..
Tôi chợt... hí hởn vui!... A ha! Con bé rồi cũng sẽ bị lạc như tôi ngày nào đây à nha... Tôi chuẩn bị một bài "diển văn" về cái chữ số "4P" Xanh Dương kia, thì con bé lại nói tiếp:
-- Thưa cô, có phải chỉ cần nhớ như thế thôi hay phải nhớ thêm gì nữa? Có phải "4P" là hàng xe chổ của mình đậu không cô? Các cây cột bê-tông ở đây hình như đều sơn cùng một màu xám cả cô ạ. Con mới đến nên con không biết gì cả, cô chỉ cho con biết cô nha. Con thấy gì cũng lạ quá, hay quá cô ạ...
Rồi nó mở cái cửa kính của khu shopping, lể phép giữ cái cửa mở rộng ra chờ tôi bước vào, và chợt reo lên:
-- Gần ngay cái cửa này có ghi rõ đây cô: Sân đậu xe " D, WEST ONE"
A! Tôi chợt nhớ ra ngay, đây là cái cửa kính ngày xưa mà ông bảo vệ đã kéo tôi lại nhìn hàng chữ "West Parking" đây mà. Nhưng, hôm nay thì nó được dời ra phía bên ngoài của cái cửa, và cũng khá rõ ràng để nhớ "địa chỉ" của mình đậu xe đây: Cửa D. Sân đậu xe hướng WEST của lầu MỘT...Tôi nhủ thầm, con cháu gái của mình khá tinh ý và thông minh đấy chứ...
Tôi quen với lối đi nhanh nhẹn của người dân ở đây, nhưng con bé thì vẫn đi từng bước e ấp, chậm rải, khoan thai của người thiếu nữ Việt Nam thâm trầm, cổ kính. Nhìn cháu, tôi bồi hồi thấy thấp thoáng hình ảnh của tôi ba mươi năm trước...
Tôi đi chậm dần rồi đứng hẳn lại để chờ Thu. Cháu tôi thật tinh ý, bẻn lẽn và ngượng nghập nói:
-- Ồ! Con xin lổi cô nhé... Con cứ để cô chờ con mãi...
... Không sao đâu cháu ạ. Cô cũng muốn cháu bước những bước chân chậm rãi mà chắc chắn này. Hãy bước như thể cháu đang hôn lên mảnh đất này bằng đôi chân của mình. Con đường để đi đến tương lai như con thuyền trôi trên dòng nước, khi đục, khi trong. Cháu có thể là chiếc thuyền bị mắc cạn ở dòng nước, là nạn nhân của sự thành công. Nhưng, cháu sẽ không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc cả đâu, cháu yêu ạ...
Kim Chi
No comments:
Post a Comment