Duyên Nợ Thày Trò Ở San Jose
Ở Việt Nam vào thập niên 50, 60 dân mình đa số (80%) nông dân nặng việc cày cấy, làm vườn, thuê mướn, học hết sơ cấp thì nghỉ học ở nhà phụ giúp cha me hiếm người học lên đại học. Thời gian đó, tôi biết 3 tỉnh miền đông Nam phần gồm Biên Hòa, Thủ đức, Thủ Dầu Một chỉ có một trung học phổ thông công lập Trịnh Hoài Đức tại Thủ mà thôi. Riêng năm 1954 có trên 3000 thí sinh mà trúng tuyển hạn chế chỉ cho vào danh sách 100 nam sinh và 50 nữ sinh! Còn 2800 học trò nhỏ sẽ về đâu, ai biết.
Tôi ghi vào sổ Nhật ký “Ngày đầu tiên mình có lương bổng qua nghề thày giáo một ngẫu nhiên đó là ngày 18 tháng 8 năm 1968. Con số 8 định mệnh! Thời gian làm thày có một buổi học về nhà mình không ngủ vì một học trò nữ gây cho mình nỗi hoang mang muốn bỏ nghe, vì …”
Ngày đầu tiên bước vào lớp học trước cửa có bản nhỏ viết chữ in Đệ lục II nền xanh chữ trắng rõ nét làm tôi choáng váng, tấn thối lưỡng nan, nhưng phải làm ra bạo dạn hít “khí công” lấy tinh thần trong buổi dạy học đầu tiên trong cuộc đời từ học sinh vùng quê ra làm “ông” thày giáo thành thị.
Tiến tới bụt gỗ cao không hơn một tấc mà tôi hoa mắt thiếu điều vấp té làm cả lớp học ré lên cười “Chết thày tôi rồi, đỡ..đỡ thày tụi bây ơi!”, tôi còn nghe chúng thì thầm “Giáo sư trẻ quá”
- Ông này học từ bao giờ mà ra thày giáo “sữa” quá chừng!
Lần đầu nghe tiếng khen tôi mắc cỡ đỏ mặt, phải lên gân diễn màn áp đảo tinh thần:
- Này này! Các anh chị im lặ..n..g!
Tiếng học trò rè rè:
- Oai há!
Lớp học hai phần ba nữ sinh, một phần ba nam sinh. Học trò có nhiều cô cậu cao to còn hơn tôi.
Bản lãnh ông thầy mới ra lò gom được bấy nhiêu, tôi như khớp trước đám học trò trai gái nhiều xôn xao, huyên náo.
Trưởng lớp oanh liệt:
- Cả lớp đứng dậy!
- Đứng!
Đồng điệu một tiếng rập cả lớp đứng dậy nghiêm chỉnh đủ làm tôi nghẹt thở.
Ở hàng ghế dưới một giọng nữ sinh nhẹ nhõm:
- Thày muốn nói gì kia tụi bây?
Có tiếng xầm xì:
- Tao sẽ cho ông thày té ngựa!
- Ờ, ổng nhát gan thấy rõ. Cho ổng té chơi.
- Đừng! Tội nghiệp người ta!
- Mết rồi há? Ghê!
Tôi vờ không nghe gì:
- Các em yên lặng, chúng ta vào bài học đầu tiên, một kiệt tác Lục Vân Tiên của Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.
- Thày bắt đầu commencer rồi nhe tụi bây!
Môt trò trai từ dãy bàn cuối lớp xỉa tiểu sử:
- Dung nhan thì thấy rồi, OK. Xin thày cho các em biết quý danh được không thày?
Bị “kê” trước khi giảng bài học đầu tiên tôi bị bối rối:
- Tôi, Trần Đạm Thủy phụ trách Việt Văn các lớp đệ lục trong niên học này! Chúng ta vào bài học để không mất thì giờ của cả lớp!
- Tên đẹp người đẹp quả là Phan An Tống Ngọc!
- Lại tuổi trẻ tài cao của Từ Hải nghen mậy!
Lại một oang oang khác:
- Còn tuổi tác, xuất xứ nữa chứ?
Tôi trả lời như máy thu băng:
- 24 tuổi! Thủ Dầu Một là quê quán của tôi!
Tiếng vỗ tay lốp bốp.
- Vậy là đồng hương của “Người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng” đây mà!
- Hèn chi beau trai ghê! Tài tử La Thoại Tân đẹp trai thua thày tôi xa!
Một nữ sinh có vẻ rành nghề làm vườn:
- Thày ở xứ vườn durian măng cụt nhe mậy!
- Hèn chi da măt thày trắng hồng như con gái!
Đồng bọn rêu rao:
- Để tao!
- Muốn chọc thày nữa hả?
Tôi vô đề:
- Trong thơ Lục Vân Tiên có câu thơ “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai” vì theo luân lý đạo đức của triết lý Khổng Tử trai với gái phải cách biệt không để va chạm để gìn giữ thuần phong mỹ tục”
- Hay! Hay! Văn chương quá các bồ ơi!
Đồng loạt tiếng vỗ tay như pháo nổ.
- Nghe khoái lỗ tai quá!
Bỗng một nữ sinh “giặc” đứng dậy tém áo dài phản công:
- Em phản đối! Vì chạm chút thì có sao! Nói đúng ra là mất gì đâu! Va chạm chút đỉnh thì có sao hở thày?
Tôi cho vào đạo lý bảo vệ thuần phong mỹ tục:
- Tôi cho thí dụ nếu trường hợp va chạm mà chỉ ngồi một chiếc chiếu thôi nhé thì phải cắt chiêc chiếu ấy ra 2 mảnh!
- Nặng nề thế ư! Kỳ thị nam nữ rồi đấy nhé! Thế kỷ 17 văn minh nam nữ tương thân tương ái thày Đạm Thủy ạ!
- Ở Mỹ họ còn kiss nhau ngoài đường, rạp xi-nê, trên xe bus nữa là!
Một nam sinh dáng dấp bảnh trai gửi thông điệp cho cả lớp:
- Thế giới nam nữ giai huynh đệ!
- Cái nghĩa của thày xưa quá rồi thày à!
Tôi nín lặng không kinh nghiệm ứng xử khi đưa ra đạo lý đời ông Không “lỗi thời” trước trào lưu “tiến hóa” của đám học trò văn minh ở thế kỷ 20!
Cả lớp im lặng cách khó thở nhờ học sinh trưỡng ban trật tự cứu vãn. Em ấy bênh vực tôi:
- Cả lớp im lặng nghe lời thày giảng!
- Im!
- Lặng!
Giờ thứ ba vào lớp Đệ lục II tôi cho học sinh bình giảng và phê bình một câu thơ trích trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm vô đề nói Tây nói Tàu vẩn vơ vơ vẩn không dám đụng tới vấn đề trai gái sợ bị “tố” như hôm nào!.
Đầu giờ tôi trả bài lại học sinh để trao đổi phê binh. Cả lớp vỗ tay đồng thời bồng một cô gái đưa lên cao tuyên dương “Các bạn ơi! Hôm nay giải quán quân lọt vào tay Nguyễn thi Phương Hồng học sinh xuất sắc còn là ngày sinh nhật chị 18 tháng 8! Hoan hô!.
Trong thời dạy học tôi nhớ lời một thày giáo già trao đổi kinh nghiệm “Khi đi dạy thày phải thỉnh thoảng xuống các dãy bàn học sinh cho lớp học sinh động.”
Từ đó có biến cố xảy ra là từ bàn dãy dưới lớp học tôi quay về phía bục gỗ. Có lần đi ngang qua một bàn nữ sinh, chạm một thước kẻ để gie ra cạnh bàn rớt xuống đất, không biết đây là cố ý hay vô tình của một nữ sinh tôi lượm thước:
- Em để thước vào trong!
Học trò nữ nhìn tôi mắt chớp chớp:
- Xin lỗi thày em vô ý!
Hết giờ làm bài nộp sau cùng viết “Tội nghiệp! Em “khương” thày ghê” tôi thật tá hỏa không dám nghĩ học trò mà đùa với thày như vậy thì ra thể thống gì, chợt hoãng hốt úp bài như cái máy vì đã nhận thức “hậu quả khôn lường” nếu nhà trường phát hiện cảnh tượng ghê gớm thày trò tình tứ với nhau, mặc dù tôi ở trong hoàn cảnh “nỗi oan Thị Kính”.
Chuyện đó làm tôi mất ngủ cả đêm. Sáng hôm sau tôi quyết định đệ đơn hiệu trưỡng xin thôi việc.
Ban giám hiệu muốn giữ tôi lại:
- Hay là thày chê lương không tương xứng? Nhà trường chúng tôi chưa đánh giá đúng mức khả năng sư phạm của thày vì năm nay mới là năm thứ nhất thày đi dạy.
Giám thị cũng góp lời khen:
- Tôi tuyên dương! Thầy được nhiều đơn từ học trò gửi ra ban học vụ văn phòng khen thày dạy hay lắm!
Tại nhà tôi nhận phong thư có ướp nước thơm thoang thoang mùi nước hoa tôi càng tinh thần bấn loạn với mấy lời đùa ác ý của tác giả
“Thày ơi! Đừng phạt nghen thày”
“Tại em có tật “khương” thày của em?”
“Quầng thâm lệ ướt ngày đêm”
“Một yêu cha mẹ hai thêm yêu thày”.
*
Do sự biến đổi tình hình chánh trị 1975, tôi trong làn sóng đồng bào qua Mỹ, bất ngờ gặp lại cô học trò cũ tại Việt Nam đã xao xuyến nhắc lại ngày 18 tháng 8 năm 1968. Sự gặp gỡ đó là một duyên cớ cho chuyện tương lai sau này.Thày có dịp nhắc lại bài thơ 32 năm trước của một học trò cũ “Thày ơi! Đừng phạt nghen thày” “Tại em có tật thương thày của em”. Lời thơ bây giờ nghe êm ái và duyên dáng làm sao!
Hiện tạị không còn là thày giáo mà là Electronic technician trai độc thân xứ người, tôi phấn khởi e-Mail trả đũa cô học trò cũ:
“Bởi trò học dở quá trời”
“Thày bắt quỳ gối bi giờ lại thương”
Xướng họa vừa “Hỷ” vừa “Ái” qua lời thơ như nam châm thu hút hai tâm hồn xích lại gần nhau hơn qua “nam nữ tương thân.” Trong không gian ấm áp của xứ cờ hoa, chúng tôi hẹn hò nhau bởi tiếng sét ái tình không biết có từ bao giờ nhưng chắc chắn một điều là số tuổi hôm nay “Thày” và “Trò” đã ngoài sáu mươi.
Phương Hồng e-Mail qua tôi:
“Anh đó em đứng bên này”
“Nay em “già” gái, anh thì “già” trai”
Đạm Thủy e-mail qua nàng:
“Bởi già mặt khỉ khằng khằng”
“Thượng đài múa võ mấy thằng hơn anh”
Và sau đó tôi nhận thiệp tết:
- Tết già thêm một tuổi nhưng đừng run rẩy. Hẹn một ngày đẹp trời “Challenge” thày “khó tính” đọ sức với đứa học trò “học dở nhất lớp”. Phương Hồng.
Hẹn gặp mặt tại Coffee Love thơ mộng, thày trò tôi “tình trong như đã mặt ngoài còn e.” Sau đó không bao lâu cựu thày giáo và cựu nữ sinh trường công lập T.H.D Thủ Dầu Một Việt Nam làm lễ thành hôn tại Restaurant Nhà Tôi ở thành phố San Jose, xứ sở U.S.A. Thiệp mời dự cưới “The sun” Bride groom Trần, Đạm Thủy sánh duyên cùng “Hoa hồng” Bride Nguyễn thị Phương Hồng. Chúng tôi quyết định chọn đúng ngày 18 tháng 8 năm 2008 là ngày đánh dấu “duyên nợ thày trò ” cất lâu đài tổ ấm xây dựng tương lai.
Trong gia đình hạnh phúc có lần vợ tôi ban cho tôi cái véo đau điếng. Cái đau này tôi nhớ suốt đời qua hai mầm non children, một tên Santa và hai là Jose Trần. Gia đình trọn đầy tinh nghĩa sống tại Mỹ cho đến ngày hôm nay và mãi các năm sau.
Trần Đông Thành
No comments:
Post a Comment