Saturday, July 23, 2016

Người đi tìm “thú đau thương”

Sáng hôm sau, đúng ngày Lễ Giáng Sinh, tôi lang thang một mình xuống quán cà phê Ga Ly (không phải Cali), nằm trên quả đồi đối diện với khách sạn tôi ở. Ngồi ở đây, sau hàng lan can gỗ, có thể ngắm cảnh bờ Hồ và con đường dốc với khu phố chợ luôn tấp nập. Không có nhạc “dậm giật” chói chang kiểu Sài Gòn. Chỉ có nhạc nhẹ êm dịu.
Rất bất ngờ, một người đàn ông mang cái vẻ chững chạc của một người phong lưu từ từ đến đứng sững trước mặt tôi. Anh ta trẻ hơn tôi vài tuổi, tóc muối tiêu rất đẹp và tất nhiên là mập hơn tôi rất nhiều vì tôi thường tự phụ không ai có thể gầy hơn tôi được. Tôi đã thấy ngờ ngợ, quen quen mà chưa kịp nhớ tên. Anh ta xà xuống ghế, ôm vai tôi, gọi cả tên “cúng cơm” và bút hiệu. Vậy mà tôi vẫn chưa nhớ ra anh ta là ai. Quen thì quen lắm, tên thì chịu. Anh ta nói ngay:
– Em là Thành, Thành “vang”, anh nhớ chưa?
Có cái “hỗn danh” Thành “vang” làm tôi nhớ ngay. Hồi xưa, khi tôi học lớp Tham Mưu Cao Cấp ở Đà Lạt, Thành còn học năm đầu đại học. Nhà anh ta chuyên bán rượu vang nên gọi là Thành “vang”. Tôi quen Thành khi đi chơi ở mấy cái phòng trà Night Club, La Tulipe… có nữ ca sĩ Thúy Nga (vợ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) hát thường trực ở đó. Nhà Thành rất gần Night Club, bạn bè tôi thường ghé qua vì bố Thành cũng là một  quân nhân về hưu, tất nhiên là già hơn chúng tôi nhiều. Thành còn có bà chị rất đẹp và quan trọng hơn là chưa có bồ.
Hồi đó tôi quen một gia đình từ Hải Phòng di cư vào Đà Lạt và có một cửa tiệm bán sách ngay đầu dốc Phan Đình Phùng. Cô con gái lại là học trò cũ của tôi ở trường Bạch Đằng, trước khi tôi được lệnh động viên. Chỉ sau vài năm, trông cô học trò của tôi “trổ mã” rất xinh. Nhưng đã mang tiếng là thầy giáo, quen cả gia đình nên tôi đành đóng vai “ông anh đạo mạo” vậy. Huyền – tên cô học trò của tôi – hiền lành đứng bán sách nhưng rất ít nói. Cô cũng có vẻ sính văn chương nghệ thuật. Thành có khiếu làm thơ, đưa tôi vài bài đăng báo ở Sài Gòn. Tôi hiểu Thành “vang” chết mệt cô học trò của tôi rồi. Tôi gài độ cho hai người gặp nhau, nhưng vẫn chỉ là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Sau 5 tháng học xong lớp Tham Mưu, tôi trở lại Phòng Báo Chí ở Sài Gòn. Có lần đọc được thơ của cậu Thành “vang” công khai tặng Huyền công chúa. Rồi chuyện tình của họ kết quả là một cái đám cưới như bao nhiêu cuộc tình đẹp khác. Cuộc sống của hai người rất êm ấm, sau đó hai vợ chồng Thành dọn về Sài Gòn làm đại lý cho một hãng rượu của Pháp.
Cuộc tình “bất đắc kỳ tử”
Ngày 30-4-1975, trong khi Thành ở Đà Lạt lo đám tang cho bố thì Huyền chạy theo gia đình nhà mình xuống tàu ra đảo. Hai vợ chồng lạc nhau từ đấy. Trong khi Huyền đang mang thai đứa con thứ hai được vài tháng.
Thành kẹt lại và bị “đánh tư sản” sính vính. Cơ nghiệp, nhà cửa mất hết. Đi “cải tạo” năm bảy năm rồi về tay trắng, không liên lạc gì được với vợ con. Đó cũng là tình trạng chung của không ít “đại gia” thời đó.
Khi tôi trở lại Sài Gòn cũng chỉ nghe bạn bè quen biết nói lại là Thành làm đủ thứ nghề, kể cả vào bến cảng làm nghề bốc vác. Vượt biên năm bảy lần đều bị tóm, ra vào mấy cái trại giam ở Tiền Giang, Hậu Giang như đi nghỉ mát.
Tôi chỉ biết sơ qua cuộc đời Thành đến đấy và hôm nay mới gặp lại. Nhìn dáng vẻ anh ta, tôi hiểu là hồi này khá lắm rồi. Người Sài Gòn những năm sau này, chẳng biết thế nào mà đoán được. Chỉ vài năm đã đổi thay rất nhiều. Buôn bán đất, trúng cổ phiếu và hàng trăm thứ “buôn bán” không hẳn là thứ nghề ngỗng gì. Thánh cho ăn lộc, phất lên  bất cứ lúc nào.
Thành kể lúc này gia đình ở Sài Gòn, hai hôm trước, dẫn vợ con lên Đà Lạt đón Noel. Thành ở cùng khách sạn với tôi, tất nhiên anh cũng biết về chuyện người khách nhảy từ lầu 7 xuống tối hôm trước. Thành gật gù:
– Em phục tay dám nhảy lầu tự tử quá anh ạ.
Tôi dở giọng ngang tàng:
– Việc gì phải tự tử. Cái gì cũng có thể làm lại từ đầu mà. Vì tình hay vì tiền đều như nhau. Hạnh phúc này tan vỡ thì chịu khó đi tìm ở chỗ khác. Mình có muốn thế đâu. Tự nó đến như một thiên tai, mình không tránh được.
Thành mỉm cười có vẻ cay đắng:
– Tiền thì kiếm được chứ tình thì … khó nói lắm.
Tôi hỏi thẳng băng ngay:
– Thế Huyền hồi này thế nào?
– Em vừa nói chuyện với cô ấy xong nên mới ra đây. Tính ngồi một mình không ngờ lại gặp anh.
– Cô ấy không lên với cậu à?
– Không! Cô ấy ở Mỹ mấy chục năm nay rồi anh ạ. Chúng em đều có gia đình riêng cả rồi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau như bạn bè thôi. Cô ấy và mấy đứa con về Việt Nam chơi vẫn đến thăm em.
Tôi cười như một lời an ủi:
– Thế là phải. Chuyện đó như một chuyện thường tình. Gặp nhau vui vẻ là đẹp nhất. Có giận hờn, có cay đắng cũng chẳng lấy lại được gì. Khá nhiều cặp vợ chồng như thế. Những cuộc tình chết “bất đắc kỳ tử”, không do ai cả. Do thời cuộc. Nhưng mọi chuyện qua rồi, mỗi người có cuộc sống riêng của mình.
Thành ngồi im. Chiếc cà rá hột soàn óng ánh trên ngón tay út mập mạp trắng trẻo. Chiếc đồng hồ Rolex to tướng trên cổ tay mịn màng. Thành trở nên trầm ngâm:
– Mọi chuyện tưởng đã qua, nhưng… chưa hẳn là thế. Hậu quả của nó còn dài, rất dài.
Tôi cười bâng quơ, nhắc lại một câu hát trong Tình Nhớ:
– “Tình ngỡ đã qua đi, nhưng tình bỗng lại về”?
Thành im lặng rồi thở dài:
– Đó là trường hợp của em đêm qua.
Nỗi ân hận choáng váng
Thành kể lại chuyện gia đình của mình. Huyền qua Mỹ hơn tám năm thì “tục huyền” với một người đàn ông làm ăn đứng đắn. Thành ở lại Việt Nam, vất vưởng chừng gần mười năm rồi xây dựng lại sự nghiệp, thoạt tiên là mua một miếng đất ngoài Bình Thuận, trồng nho rồi sau đó sản xuất rượu vang, Chỉ năm năm sau, cơ nghiệp của Thành trở nên vững vàng. Anh lập gia đình với một thôn nữ khá đẹp ở tận Long Xuyên. Bây giờ đã có hai người con đều thành đạt.
Hai người con của Huyền và Thành, một ở Mỹ, cậu con trai sau cùng ở Pháp. Năm nay cũng đã trên ba mươi tuổi. Dịp Giáng Sinh năm nay, tức là mới tối hôm qua đây thôi, Nam từ Pháp về thăm mẹ ở San Diego. Chị của Nam không về được. Người chồng sau này của Huyền đang nằm bệnh viện vì ung thư. Nhà chỉ có hai mẹ con.
Nam nhận được e mail, biết  bố đang ở Đà Lạt, Nam yêu cầu bố gửi hình qua cho cháu xem. Thành vui vẻ gửi ngay cho con năm bảy tấm ảnh mới chụp.
Ngay sau đó, Thành được e mail của con. Nam kể rằng nó rất vui, la lên “mẹ ơi, có thư và ảnh của bố”. Nam kéo mẹ đến xem ảnh bố ở Đà Lạt. Mẹ Huyền của Nam xem hình rồi một lat sau, lặng lẽ khóc. Nam đứng sững nhìn mẹ và Nam không hiểu tại sao mẹ khóc. Bao nhiêu năm nay, khi nhận thư và được ảnh của Thành gửi sang, mẹ Nam có khóc bao giờ đâu. Mẹ ôm Nam trong lòng và không giải thích điều gì cả. Nam cũng chẳng hiểu tại sao mình cũng khóc.
Nam lại gửi ngay cho bố vài hàng kể rõ và yêu cầu bố Thành gửi e mail sang an ủi mẹ Huyền. Lúc đó Thành mới sững người, anh nhìn lại những tấm ảnh gửi qua, có tới 2 tấm ảnh chụp đúng vào nơi chốn mà xưa kia Thành và Huyền đã từng có rất nhiều kỷ niệm với nhau lúc bắt đầu cuộc tình.
Bây giờ Thành mới thấy được sự vô ý không thể tha thứ của mình. Anh ngồi trước computer mà không viết nổi một hàng chữ nào. Hai giờ đêm, Thành xuống phòng Tiếp Tân, gọi điện thoại sang cho con. Lúc đó ở San Diego là giữa trưa. Nam và mẹ đang ăn cơm, Nam nói mẹ không thể nào nuốt nổi. “Thôi, bố nói chuyện với mẹ Huyền đi”. Huyền ngần ngại mãi rồi mới chịu cầm điện thoại.
Thành kể:
– Anh ạ, thoạt tiên vẫn là tiếng nức nở của Huyền. Mãi cô ấy mới nói được: “Anh còn tới những chốn xưa sao?”
Thành thú nhận là cũng lặng đi không nói được, không biện minh gì được. Anh chỉ bập bẹ ba tiếng “Xin lỗi em”.
Thành nói với tôi:
– Em cứ tưởng cô ấy cũng chẳng quan tâm gì đến những chi tiết nhỏ đó. Bởi thật ra sau này chúng em gặp nhau rất tự nhiên, chẳng bao giờ nhắc lại những kỷ niệm cũ.
Tôi đã có chút kinh nghiệm về chuyện này nên nói với Thành:
– Không nói, nhưng nó vẫn hiện diện từ trong đáy sâu trái tim mình. Không nói cũng là một cách nói. Như thế hay hơn chứ.
– Không hẳn là như thế anh ạ. Em cho rằng mình cố đánh lừa mình, trong cái thế phải “tỉnh queo” thì phải thế thôi. Trái tim mình nó nói khác.
– Trong những góc tối nhất của linh hồn, có những điều không bao giờ nên đụng tới.
Thành thở dài:
– Nhưng khi đã đụng tới thì nó tàn phá mình kinh khủng.
– Rồi sau đó Huyền nói gì với cậu?
Tiếng Thành rời rạc:
– Có nói gì được nhiều đâu anh. Cô ấy chỉ trách là em không hiểu cô ấy thôi. Mà thật ra, làm sao em không hiểu Huyền được chứ. Em hiểu, hiểu rất nhiều. Chúng em gặp nhau, nhìn nhau cố dửng dưng, trong cái dửng dưng ấy lại có tất cả nỗi nhớ nhung, có tình yêu và có cả một cái gì như thù hận. Anh đừng hiểu thù hận theo cái nghĩa thông thường. Thù ở đây là không đợi nhau được, hận ở đây là nỗi đau vì phải xa nhau. Nó nhẹ nhàng, nhưng sâu đậm. Tưởng là chết cũng không thể nói ra. Vì chúng ta phải sống như những người đàn ông, vì chúng ta phải sống đúng cái cách mà người “hiểu biết” thường phải đối xử với nhau thôi.
Tôi hiểu Thành nên nắm tay anh:
– Hiểu như thế là đủ.
– Chẳng có gì là đủ. Mình tự an ủi mình đấy. Lâu nay em cứ nghĩ rằng cô ấy sống với một người đàn ông tử tế đàng hoàng như vậy là có hạnh phúc rồi, hay ít nhất thì cũng yên ổn. Cô ấy có thể quên em. Nhưng bây giờ em mới hiểu… tình cảm không giản dị như vậy đâu. Nó có đời sống của nó.
Thành bần thần vớ bao thuốc lá lấy ra một điếu châm lừa hút một hơi dài:
– Cô ấy cúp máy ngay sau đó, không cho em nói thêm được điều gì nữa cả.
Tôi hỏi ngược:
– Nếu được, cậu sẽ nói gì?
Thành lắc đầu:
– Chính em cũng không biết, em chỉ thấy cần phải nói thôi.
Đến đây Thành nhìn về phía nhà thờ Đà Lạt. Anh rủ tôi đến nhà thờ, chẳng biết để làm gì. Tôi không đến vì lỡ hẹn với mấy người bạn ăn cơm trưa. Thành lủi thủi bước xuống con đường đầy nắng vàng.
Tôi hình dung ra bóng người đàn ông đó ngồi im sững trong ngôi giáo đường vắng ngắt. Thành cầu nguyện gì? Tôi không thể đoán ra. Bạn thử đoán xem. Xin bạn một phút cho những mối tình buồn như thế. Tôi nghĩ không phải chỉ có Huyền và Thành, còn rất nhiều nhiều những chuyện tình đẹp và buồn như thế. Tôi muốn nói tiếng nói ấy trong bút ký này.

VĂN QUANG

No comments:

Blog Archive