Wednesday, July 13, 2016

Charlie Tôn Quý - Ông hoàng nghề Nail

Quý Anh, phóng viên RFA 
Charlie_2.jpg
Ông Charlie Tôn Quý, một tỷ phú gốc Việt làm chủ chuỗi hệ thống Regal Nails với gần 1000 tiệm.
 
Người Việt Nam tại Hoa Kỳ nổi tiếng về nghề làm móng tay hay còn gọi là nghề “nail”. Hàng chục ngàn tiệm nail hiện diện trải đều khắp 50 tiểu bang nước Mỹ với tổng thu nhập hàng tỷ USD mỗi năm là một minh chứng cho sự lao động cần cù, chăm chỉ và giỏi giang của dân Việt. Trong đó nổi bật hơn hẳn là một tỷ phú gốc Việt, ông Charlie Tôn Quý, người từng được ví von như là một “ông hoàng nghề nail”. Hiện tại chuỗi hệ thống Regal Nails của ông có 900 tiệm trên toàn Hoa Kỳ, 80 tiệm ở Canada và một số tiệm ở Úc, Brazil với tổng doanh thu hàng năm ước lượng lên tới gần nửa tỷ USD hứa hẹn cho sự phát triển hơn nữa và không chỉ dừng lại ở nước Mỹ.

Câu chuyện lập nghiệp với tuổi thơ vất vả đi lên từ hai bàn tay trắng của ông Charlie Tôn Quý luôn là niềm tự hào và là tấm gương cho sự phấn đấu không ngừng của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Quý Anh trò chuyện cùng ông Charlie Tôn Quý xung quanh chuyện lập nghiệp và những thông điệp mà ông muốn gửi đến các bạn trẻ.

Anh Minh: Chào anh Charlie Tôn Quý, hoàn cảnh lúc đó đưa đẩy như thế nào để anh có quyết định đến Hoa Kỳ, thưa anh?

Ông Charlie Tôn Quý: Năm mình học lớp 8, lúc đó mình mới 14 tuổi là một đứa trẻ cũng không biết gì. Nhưng mẹ mình nhìn xa hơn và muốn mình có một tương lai tốt nên đã dành dụm được hai cây vàng rồi đẩy mình lên chiếc tàu rời bến Việt Nam. Rất may mắn là mình đi được đến Philipines và ở đó một năm rồi sang Mỹ. Thật sự là hoàn cảnh lúc đó mình không biết được vì mình quá trẻ. Mẹ đặt đâu thì con ngồi đó.

Khi đi vượt biên, mình còn hy vọng là tàu bị bắt đem về lại Việt Nam vì trên đó nhớ mẹ quá, rồi cũng gặp sóng gió ngoài biển ghê gớm lắm. Trên thuyền có 67 người phải đè lên nhau để mà ra khơi. Mình cảm thấy mẹ mình đã hy sinh quá nhiều. Không biết sống chết như thế nào mà dám bỏ đứa con 14 tuổi lên chiếc tàu như vậy. Nếu mình rơi vào hoàn cảnh đó thì chắc chắn mình làm không được.

Anh Minh: Có nhiều tờ báo nói rằng anh có một tuổi thơ rất “dữ dội”. Anh có thể chia sẻ anh trải qua quãng thời gian đó như thế nào không ạ?

Ông Charlie Tôn Quý: Khi qua Mỹ lúc 15 tuổi mình đã rất cực khổ. Mình phải đi làm trong những cái chợ rồi để dành tiền tự sống. Rồi ăn ngủ ở tiệm billiard, quét dọn cho họ rồi họ cho mình ăn uống, ngủ ở dưới bàn billiard hoặc về nhà bạn bè ngủ. Làm gì mình cũng làm hết, lặt đầu tôm cũng làm, quét dọn, rồi ở đợ cũng được hai gia đình. Ở đợ thì họ chỉ cho mình ăn uống thôi rồi mình phải dọn dẹp nhà cửa rồi chỉ con cái người ta học.

Nhưng có một cái hay là mình rất siêng học bởi vì mẹ mình đã tạo cho mình một nền tảng rất vững chắc ở Việt Nam: sáng học, chiều học. Khi qua bên này tuy đi bụi đời nhưng mình vẫn học xong trung học rồi đại học, rồi mình mới tự lập được.

Anh Minh: Trở lại quãng thời gian mới lập nghiệp, có bao giờ anh có hoài bão hay ước mơ rằng mình sẽ có sự nghiệp như ngày hôm nay không?

Ông Charlie Tôn Quý: Khi vô đại học là lúc tạo dựng cho mình một cái trí thông minh, nhưng cái hoài bão lúc đó mình chưa có, mình chỉ biết đi học thôi. Nhưng khóa cuối cùng mình gặp một người bạn Ấn Độ và cậu ta đã chuyển mình thành một thương gia. Khi mà hai đứa chia tay nhau, anh ta về nước còn mình ở lại thì mình đấu với nhau là xem ai sẽ là người làm ra một triệu đô đầu tiên. Mình cảm thấy rằng cũng nhờ như vậy mà mình đã trở thành một người thương mại.

Anh Minh: Lý do nào hoặc duyên cớ nào khiến anh chuyển hướng vào ngành nail, thưa anh?

Ông Charlie Tôn Quý: Khi mình ra trường lấy bằng kỹ sư, thì nền kinh tế của Mỹ lúc đó rất khủng hoảng, không kiếm việc làm được. Lúc đó mình lấy vợ rồi, mà là đàn ông thì mình không thể nào để vợ nuôi mình được, nên mình phải suy nghĩ là nên làm cái gì. Lúc đó vợ mình làm nail cho một tiệm nail của người Việt Nam nên hằng ngày mình phải chở vợ đi làm và cùng lúc mình nghiên cứu những sản phẩm về nail. Mà mình lại học về hoá chất nữa nên việc này cũng khá đơn giản với mình, và lúc đó mình nghĩ tới việc mở một tiệm supply nho nhỏ. Khi đó là năm 1995, vừa ra trường xong là cuối năm mình mở tiệm supply liền, nhưng lúc đó mình không phải là người thương mại. Mình phải mất hai năm trời để business của mình đi lên được. Mình tự tìm sự thương yêu của ngành nghề, gọi là “passion” đó. Mình phải mê vào cái công việc đó thì mình mới thành công được nên Quý phải tự tạo cái đam mê cho mình.

Lúc đó mình 25 tuổi, trong hai năm đầu tiên trong ngành mình chỉ đứng bán supply thôi. Có một dịp tình cờ mình đi dạo trong Walmart, mình thấy có những thương hiệu như chụp ảnh, tóc, nhà băng, bánh mì,… thì mình mới nghĩ rằng tại sao mình không bỏ nail vô trong đó. Lúc đó mình quá trẻ, có 25 tuổi nên khi mình nghĩ mình nói chuyện với giới chức Walmart thì họ đánh giá mình không phải là thương gia, đưa vô thì sẽ thất bại nên mình mướn một ông già khoảng 60 tuổi đi theo mình. Và ông ta là người nói chuyện, đưa những kế hoạch được viết ra cho Walmart. Lần đầu tiên mình tới thì họ không nhận và nói là concept này không phù hợp. Nhưng mình không nản lòng, lần thứ hai mình tới thì tình cờ có một tiệm kem không mở cửa, bị bỏ hợp đồng nên Walmart muốn cho mình thử một tiệm. Tiệm này giờ vẫn còn ở Lousiana. Mình mở liền trong vòng một tuần lễ là thành hình tiệm nail liền vì mình có sẵn đồ rồi, chỉ mang vô thôi. Sau đó Walmart thấy tốt nên họ cho mở thêm năm tiệm. Một năm sau, mình mở được 100 tiệm. Mình đi với vận tốc rất nhanh.

Có tầm nhìn xa
Charlie_1.jpg-400.jpg
Ông Charlie Tôn Quý, chủ chuỗi hệ thống Regal Nails. Hình do ông cung cấp.

Anh Minh: Theo anh đánh giá thì đâu là lý do khiến thương hiệu Regal Nails của anh thành công?

Ông Charlie Tôn Quý: Thứ nhất, mình phải có tiềm năng, nghĩa là có sự phát triển và mình phải nhìn xa. Quý luôn nhìn business của mình vào 10 năm tới thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn vào ngày mai không là không được, phải nhìn vào 10 năm xem công ty của mình có còn đứng trên vị trí này của ngày hôm nay hay không, hay là đóng cửa, hay phát triển hơn.

Cái thứ hai, mình phải có sự thay đổi. Nếu mình không có sự thay đổi thì đối thủ của mình sẽ đánh bại mình. Muốn khỏi bị cạnh tranh, mình phải khác biệt. Có một câu nói rất hay đó là: Nếu chúng ta không muốn bị thay thế, chúng ta phải khác biệt. Một tiệm nail mà 10 năm rồi cũng như vậy, cũng concept này, sản phẩm này, không có gì khác hết. Cho nên phải có sự thay đổi, sửa sang lại, concept mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, những ý tưởng mới, nhìn về mặt hữu cơ và có lợi cho sức khoẻ hơn.

Rồi những lớp trẻ như con của mình là thế hệ gọi là Z. Thế hệ Z thay đổi rất lớn mà nó ảnh hưởng tới sự mua sắm cho thế hệ của mình. Ví dụ như con mình muốn món này thì mình đâu có mua món khác được nên mình phải tập trung vô thế hệ này để phát triển business của mình.  Thế hệ Z hầu như sử dụng điện thoại di động, công nghệ mới rất nhiều. Mua sắm cũng ở trên phone chứ không ra ngoài nữa cho nên mình phải thích nghi với thế giới mobile ngay bây giờ.

Anh Minh: Bài học quý giá nhất anh có được sau ngần ấy năm tạo dựng sự nghiệp là gì thưa anh?

Ông Charlie Tôn Quý: Bài học quý giá nhất mình có là làm sao phải tạo cho mình có một nền tảng vững chắc. Nền tảng này không phải chỉ là học không mà còn phải điêu luyện cho mình khả năng nói chuyện trước công chúng, nền tảng để có sự thông minh (intelligent), một nền tảng tài năng (skill) nghĩa là cái gì mình làm cũng được: điện, nước, xây cất, bất cứ thứ gì. Một người đàn ông phải có vững thì tự mình mới tạo ra được tương lai lớn rộng được.

Anh Minh: Mục tiêu mà anh đặt ra trong tương lai là gì thưa anh?

Ông Charlie Tôn Quý: Mục tiêu của mình trong tương lai là Regal Nails phát triển 2200 tiệm. Đó là giấc mơ của mình. Hồi xưa thì giấc mơ của mình có 500 tiệm thôi. Khi mình đạt được thì mình có giấc mơ thứ hai lớn hơn vì mình có quyền thay đổi giấc mơ mà. Thì mình đã đạt được 900 tiệm rồi, nhưng giấc mơ trước khi qua đời là phải đạt được 2200 tiệm.

Anh Minh: Nếu có thể nhắn gửi thông điệp đến những người trẻ đang lập nghiệp thì anh sẽ nói gì?

Ông Charlie Tôn Quý: Ở độ đuổi 25 trở xuống thì mình nghĩ rằng các bạn nên làm được gì thì làm. Nếu có thất bại thì cũng đừng nản lòng, đứng dậy và đi tiếp. Nhưng ở độ tuổi 25 tới 35, độ tuổi mình cũng vững chắc rồi, khối não đã hoàn thiện rồi thì sự quyết định và phát xét phải giỏi hơn và mình làm thì phải nhìn vào tương lai.

Lúc mình ra đời bắt đầu lập nghiệp, mình không nhìn xa được. Lúc đó chỉ biết làm ngày qua ngày thôi, nhưng mình phải tạo được một sự đam mê. Khi có sự đam mê thì mình mới phát triển được. Và mình phải tạo ra được một sức ép để mình biến thành một con người khác. Chứ nếu mình cảm thấy rơi vào một cái “comfort zone” dễ chịu thì mình không bao giờ phát triển được. Chữ “lười biếng” là không bao giờ có trong từ điển của Quý. Khi nào cảm thấy lười biếng là ra ngoài chạy bộ.

Mình cũng dặn lớp trẻ là phải rất active, năng động chứ không thể nào ngồi một chỗ được hết. Khi mình năng động rồi thì cái thất bại mình có thể hoán chuyển thành sự thành công cũng là điều rất tốt. Mình còn phải tài giỏi (skillful), phải nhảy vô làm thì mình mới biết. Ví dụ như cái bồn bị rỉ nước mà mình chỉ biết nhìn rồi gọi thợ đến sửa là không nên.

Bây giờ mình phải tạo cho một đứa trẻ có nền tảng thật vững mới được. Khi mình đã tập trung và có nền tảng đó rồi thì tương lai sẽ rất sáng.

Anh Minh: Xin cảm ơn anh rất nhiều.



No comments:

Blog Archive