Tuesday, October 14, 2008

Trời mưa đất chịu

Lê Bình, Oct 12, 2008

Cali Today News - Người Việt có một câu thành ngữ như vầy “Trời mưa đất chịu”, đơn giản là trời mưa thì đất phải hứng chịu ướt, ẩm, lụt… là chuyện được coi là đương nhiên, dĩ nhiên, tất nhiên…là không có gì phải thắc mắc.

Nhìn ra xã hội thì người dân là “đất”, chỗ nầy người Việt ta thâm thúy lắm: Đất chở người, chở cây cỏ, chở hết mọi thứ, và sản sanh ra mọi thứ cho con người dùng, và đất cũng hứng chịu mọi thứ vất lên nó không phân biệt là nước mưa, nước cống, nước miếng hay nước...giải.

Người dân làm việc để đóng góp cho xã hội, đóng góp vào cộng đồng. Từ cái ngày khai thiên lập địa, từ cái thuở hồng hoang man dã…ở hang ở động, thì con người đã làm và đóng góp cho “xã hội”, đến khi xã hội được coi là “văn minh”, thì người dân lại đóng góp cho một nhóm cầm cân nẩy mực gọi là vua quan, hoàng tộc, chính phủ…v.v.

Dù với tên gọi gì cũng thế, dù chế độ nào cũng y chang: Người dân cong lưng ra đóng góp cho một tập đoàn cai trị, ăn trên ngồi trước…Vốn dĩ hiền hòa, người dân…Việt Nam cứ coi đó như là “trời mưa đất chịu” rồi thôi không phiền hà gì cả.

Tuần qua, và nhiều tuần trước đó; cả thế giới loài người đâm ra hốt hoảng, khủng hoảng, khủng khiếp…kinh thiên động địa vì “tập đoàn thống trị” bỗng dưng lái “chiếc xe đời” đâm sầm vô bụi rậm và chỏng vó kêu “trời”. Không biết ở đâu thế nào, ở cộng đồng nhỏ bé hiền hòa Việt nam tại San Jose cũng buồn đau khóc hận…nhưng rồi tự an ủi ngó nhau: “Trời mưa đất chịu”

Đọc một tin trên báo Cali Today, một người gọi cho nhiều người…và câu chuyện như vầy đã xảy ra: “Trong tuần qua, một cụ già 90 tuổi đã bắn hai viên đạn vào ngực vì không có tiền trả tiền nhà và nhà bị forclosed (tịch biên tài sản), hôm nay tin tức càng chấn động hơn khi một người đàn ông có bằng cấp cao về tài chánh nhưng bị thất nghiệp nên đã túng thiếu và đã bắn chết vợ, 3 con, mẹ vợ rồi sau đó tự sát trong một căn nhà sang trọng trong khu có cổng,…

Các giới chức cảnh sát đã phát hiện ra thi thể của các nạn nhân sau khi người vợ không có mặt tại một nhà hàng xóm để làm việc.Theo cảnh sát, vụ bắn này xảy ra vào tối thứ bảy. Khẩu súng lục vừa được mua vào ngày 16 tháng 9 vừa qua. Người chồng là Karthik Rajaram, 45, đã để lại hai lá thư tuyệt mệnh: Một cho cảnh sát và một cho bạn bè và bà con, và một di chúc.

Lá thư tuyệt mệnh này cho biết gia đình gặp khó khăn về tài chánh, và người chồng đã chịu trách nhiệm giết vợ con và mẹ vợ. Cảnh sát phát hiện bà mẹ vợ là Indra Ramasesham, 69 tuổi, chết trên giường trên tầng 1 và đứa con 19 tuổi tên là Krishna Rajaram chết trong phòng master bedroom. Bà vợ tên là Subasri, 39 tuổi, bị bắn chết trong lúc đang ngủ trong một phòng khác. Hai đưá con nhỏ 12 tuổi và 7 tuổi cũng bị bắn chết trong giường. Theo viên chức giảo nghiệm tử thi, những nạn nhân đều bị bắn rất nhiều phát.

Nạn nhân có bằng cao học về tài chánh, từng làm việc cho Pricewaterhouse Coopers và Sony Pictures nhưng đã bị thất nghiệp trong vài tháng nay. Căn nhà của nạn nhân trong một khu sang trọng mang tên Sorrento Pointe, ở khu đồi Santa Susana Mountains tại Porter Ranch.” (Theo Cali Today News)

Chuyện tự sát, tự tử, tự hủy hoại đời sống thì có nhiều, nhưng trong tuần qua câu chuyện bà già 90 và ông trung niên 40…tự sát là chuyện đau lòng, và hơn thế nữa nó báo hiệu cho một sự khủng hoảng (không phải tài chánh) niềm tin đến độ không còn đường giải thoát.

Khi con người không còn tin ai (kể cả niềm tin vào tôn giáo) thì xã hội thật sự nằm bên bờ của phá sản, khủng hoảng. Sự phá sản nầy đáng sợ hơn sự phá sản của các ngân hàng, tài chánh, oan-xít-trít…wamu nhiều gấp hàng tỉ lần.

“Trong Kinh Pháp cú có câu: "Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu nói hay làm với tâm ác thì do đó, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe." (Phẩm Song Yếu)

Ta có thể thắc mắc vì sao một vật vô hình như tâm lại có thể gây ra những xáo trộn cho thế gian vật chất. Thật ra không có gì khó hiểu. Cái tâm vô hình tạo nên tất cả những tác động báo ứng của Nghiệp. (vạn pháp duy tâm tạo)

Nghiệp không nhất thiết chỉ là những hành động trong quá khứ, mà bao trùm quá khứ và hiện tại. Như vậy, nói một cách khác, chúng ta như thế nào trong hiện tại là tùy thuộc trong quá khứ chúng ta đã hành động như thế nào, và trong tương lai chúng ta sẽ như thế nào tùy thuộc nơi hành động của chúng ta trong hiện tại. Hiện tại chắc chắn là con đẻ của quá khứ, đồng thời cũng là mẹ sanh ra tương lai.

Nhưng trong sự báo ứng vô cùng phức tạp của Nghiệp, ta không thể nhìn vào hiện tại mà quả quyết quá khứ và tương lai. Ta có thể chuyển được nghiệp, bằng cách tu hành.

Cái gì giống nhau thu hút lẫn nhau. Tốt đem lại tốt, xấu đem lại xấu. Đó là định luật Nhân Quả.

Tóm tắt, Nghiệp Báo là Nhân<=>Quả trong lĩnh vực luân lý hay như người phương Tây thường nói, là "ảnh hưởng của hành động".

Nghiệp là hành động. Quả là phản ứng của hành động ấy. Quả (Vipaka) là hậu quả của hành động. Cũng như mỗi vật đều dính liền với cái bóng của nó, mỗi hành động có tác ý (cetana) đều dính liền với quả. Nghiệp có thể ví như một cái hột có khả năng trở thành cây. Quả như trái cây. Lá, hoa các thứ là những sự khác biệt bên ngoài như sức khỏe, sự thịnh vượng, sự giàu sang, sự bệnh hoạn và những điều bất hạnh trong đời sống vật chất mà không ai tránh khỏi…

Nghiệp và Quả đều tùy thuộc nơi Tâm. Hành động (Nghiệp) và hậu quả của hành động ấy (Quả) đều do Tâm tạo nên. Vì Nghiệp có thể tốt hay xấu, Quả có thể lành hay dữ.

Nếu hành động thuộc về tâm thì quả cũng thuộc về tâm. Lắm khi ta nghe an vui hạnh phúc, khoan khoái trong lòng, hay buồn bực đau khổ v.v... đó là đang thọ Quả thuộc về tâm. Quả trổ sanh tốt hay xấu tùy theo Nhân gieo tốt hay xấu. Nghiệp là những tâm thiện và bất thiện tại thế (Kusala akusala lokiya citta) và Quả (Vipaka) là những loại tâm Quả tại thế (lokiya vipaka citta).

Trong phạm vi vật chất, Anisamsa là những phước lành như giàu sang, khỏe mạnh, tuổi thọ v.v..., Adinava là những sự khổ như bần cùng, xấu xí, bệnh tật, yểu tử v.v... Động cơ của tất cả các loại tâm tại thế là Tác ý (cetana), trái lại, yếu tố chánh yếu trong các loại tâm siêu thế là Trí tuệ (panna). Mọi hành động đều do tâm. Chính tâm biểu hiện bằng thân, khẩu hay ý.

Vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ, hậu quả dĩ nhiên phải có của các loại tâm thiện hay bất thiện đều là hậu quả đương nhiên của Nghiệp. Đã gieo nhân tức phải gặt Quả, lúc nầy, nơi nầy, hay lúc khác, nơi khác, ở kiếp hiện tại hay trong kiếp vị lai. Ngày hôm nay ta gặt hái những gì chính ta đã gieo trong hiện tại hay trong quá khứ. Nghiệp Báo tự nó là một định luật có hiệu lực trong một phạm vi riêng biệt, không chịu ảnh hưởng của tha lực nào từ bên ngoài đưa vào.

Khả năng trổ Quả đã dính liền với Nghiệp. Trong hành động (bằng thân, khẩu, ý) đã có tiềm tàng năng lực tạo Quả, cũng như trong hột đã có tiềm tàng tạo nên cây và sanh ra trái. Nhân sanh Quả, Quả giải thích Nhân. Hột sanh trái, thấy trái ta biết hột như thế nào. Sự liên quan giữa hột và trái cũng như giữa Nghiệp và Quả. "Trong Nhân đã có sẳn mầm giống của Quả." (Trích từ The Buddha and His Teachings của Đại Đức Narada do Phạm Kim Khách dịch)

Hậu quả của nền kinh tế, tài chánh Mỹ đang sụp đổ là kết quả của sự bất cẩn, bất cần, vô lương, vô dụng, vô nhân, vô tâm…của giới lãnh đạo, của những chủ nhân ngân hàng, những loại người cổ trắng (white collar). Đến khi hậu quả nổ ra thì lấy 700 tỉ đô la đem cứu cấp. 700 tỉ đó do đâu mà có? Nó là tiền mồ hôi, nước mắt của giới lao động (blue collar) góp vào từ mỗi cái check lương (25%-35%) Cho nên có những cuộc xuống đường phản đối là vậy.

Ông Năm phát thư cười nửa miệng phán: Ô hô! Trời mưa đất chịu.

Anh kỹ sư vò đầu: Khốn khổ mấy ai xấu xa một nó.

Chị Ba hàng xanh lắc đầu: Thôi đi ông tướng thầy ba. Nghe nè: Chém cha cái khó ! Chém cha cái khó ! Khôn khéo mấy ai. Xấu xa một nó! Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai. Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có.”

Chị Hai Phú Nhuận đâu chịu thua:
“Lộc nhĩ điền lúa chất đầy rương,
Phương tịch cốc khoai vừa một giỏ.
Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, thường giữ ba cọc ba đồng,
Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một khiêng một bó,
Mỏng lưng xem cũng không giầu,
Nhiều miệng lấy chi cho đủ.
Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong,
Qúa kỳ lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó .”

Căn phòng bỗng dưng trở nên vui nhộn không còn buồn bã như lúc mới vào. Bà Sáu Nam nhè nhẹ góp lời:

“Tất do thiên, âu phận ấy là thường,
Hữu kỳ đức, ắt trời kia chẳng phụ.

Tiếc tài cả phải phạn ngưu bản trúc, dấu xưa ông Phó ông Hề,
Cần nghiệp khi tạc bích tụ huỳnh, thuở trước chàng Khuông chàng Vũ.
Nơi thành hạ đeo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài âm,
Chốn lý trung xách thớt chia phần, nọ nọ đấng mưu thần Dương võ.
Khó ai bằng Mãi Thần Mông Chính, cũng có khi ngựa cưỡi dù che,
Giàu ai bằng Vương Khải Thạch Sùng, cũng có hồi tường xiêu ngói đổ .
Mới biết :

Khó bởi tại trời,
Giàu là cái số.
Dầu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền,
Cũng bất quá thủ tài chi lỗ.”

Buổi chiều vào Thu có cơn gió mang hơi Thu vào trong ngõ, chiếc lá vàng vừa lìa cành đậu xuống thảm cỏ xanh. Chiều không hanh vàng, nhưng chiều mang dấu chỉ của mùa Đông sắp về.

Lê Bình

source:www.calitoday.com

No comments:

Blog Archive