Tình bạn qua thơ văn và truyện kể
Võ Thu Tịnh
1.Tình bạn, một nhu cầu của con người
Người đời, không ai là không có bạn. Bạn đồng môn (cùng học thầy, một trường), đồng khoa (cùng đỗ một khoa), đồng liêu (cùng làm quan với nhau), đồng hương (cùng một quê quán), đồng ngũ (cùng đi lính với nhau), đồng niên (cùng một lứa tuổi) … hoặc quen nhau từ thuở nhỏ, hoặc ra đời mới biết nhau. Nhưng có người thân, kẻ sơ và trong số các bạn ấy, nếu có được người nào đồng tâm, đồng ý thì đó là những bạn thân mà ta thường gọi là bạn tri âm, hay tri kỷ.
Từ « tri kỷ » vốn nghĩa là « biết/ mình », thường dùng để chỉ nhũng người bạn thân, biết rõ tình cảnh, tâm sự lẫn nhau, nên thông cảm, thương yêu, khoan nhượng nhau, như:
Tình bạn tri kỷ giữa Bảo Thúc, Quản Trọng
- « Quản Trọng thuở hàn vi cùng Bảo Thúc đi buôn, cứ chia lời thì Quản Trọng chiếm lấy phần hơn. Nhưng Bảo Thúc không hề chê Quản Trọng là tham, vì biết Quản Trọng nghèo hơn mình. Đến khi Quản Trọng gặp nạn công tử Củ, Bảo Thúc cố sức giúp cho thoát nạn, rồi tiến cử Quản Trọng lên vua Tề Hoàn Công để làm tướng, còn Bảo Thúc lại chịu ở hàng dưới, mà cũng không lấy thế làm hiềm. Về sau Quản Trọng sắp mất, vua hỏi ai thay được chức tướng ấy thì Quản Trọng tiến cử người khác, không tiến cử Bảo Trọng. Bảo Thúc không giận, vì phục Quản Trọng coi việc nước trọng hơn tình anh em bạn bè. Còn Quản Trọng phục cái độ lượng rộng rãi của Bảo Thúc, và thường có câu: « Sinh ra ta là cha mẹ, mà biết được bụng ta là Bảo Thúc ».
Còn từ « tri âm » vốn nghĩa là « biết/ tiếng (đàn) », nói rộng ra cũng chỉ những người bạn thân, qua tiếng đàn mà biết được chí hướng, tâm sự của nhau, nên quí thương nhau, như:
Tình bạn tri âm giữa Bá Nha,Tử Kỳ
- « Bá Nha, đời Tống, đi sứ nước Sở về, gặp đêm trung thu, ngừng thuyền mé rừng, lấy đàn kìm ra gảy. Trên bờ có Chung Tử Kỳ đi đốn củi, dừng chân lại nghe lóng. Bá Nha đang đàn, bỗng đứt giây, cho rằng có người rình nghe, mà ban đêm giữa rừng tất phải là quân trộm cướp, liền sai lính lên bờ tìm bắt. Tử Kỳ liền lớn tiếng thưa:
- « Xin đại nhân chớ nghi, tôi là đứa đốn củi, thấy đại nhân đàn hay nên dừng chân nghe thử ». Bá Nha hỏi:
- « Ngươi là một tiều phu sao lại biết nghe đàn? »
-Thưa Thánh nhân có câu « Hễ trong nhà có quân tử, thì ngoài cửa có quân tử đến. »
-Vậy, ta vừa đàn bản gì đây?
-Thưa, bài « Khổng-tử than tiếc thầy Nhan Hồi. »
Bá Nha liền mời Tử Kỳ xuống thuyền đàm đạo. Rồi sửa dây, tưởng mình đang ở non cao, đàn tiếp một bản. Bá Nha khen: « Ý đại nhân vòi vọi trên đỉnh núi ». Bá Nha lại gảy thêm một bản nữa, tưởng mình ở trên mặt nước. Bá Nha thưa: « Hay! Hay! Cuộn cuộn, chí đại nhân như nước chảy ». Hai bên liền kết bạn với nhau. Giao ước năm sau gặp lại. Đúng hẹn Bá Nha đến, Tử Kỳ đã qua đời. Bá Nha khóc thảm thiết, khảy một bản đàn để điếu trước mồ Tử Kỳ, rồi bẻ gảy đàn, thề trọn đời chẳng đàn nữa, vì không còn ai là bạn « tri âm » với mình. »
Ngoài vợ, ngoài chồng ra, con người cũng cần có một số bạn thân giúp ta cảm thấy số kiếp bớt cô đơn, giúp ta xác nhận hiện hữu « cái ta » của mình giữa đời sống nầy. G. Herbert cho rằng: « Sống không có bạn, đó là chết mà không có nhân chứng ».
Trong tình bạn tri âm, tri kỷ cần nhất là sự chia xẻ tâm tình, an ủi, khuyến khích, điều hơn lẽ thiệt lúc khó khăn, khi gặp tai nạn nguy cấp thì chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Người Anh có câu: « A friend in need is a friend indeed », nghĩa là một người bạn khi cần kiếp mới là một người bạn chân thật.
2. Bản chất của tình bạn thân
Tình bạn là một thành tố của bản chất con người, một bản chất « vốn tương đối mà lại hướng về tuyệt đối », bao giờ cũng khao khát vươn lên cao, bao giờ cũng hướng thượng:
Nhà Nho coi tình bạn hữu như một đạo trong « ngũ luân » (đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, và đạo bầu bạn), và coi sự giao du tìm bạn tri kỷ, tri âm như một điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ bản thân. Thầy Tăng-tử, trong Luận Ngữ, chủ trương « dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân », (1) nhờ văn hóa mà tập họp bạn hữu, nhờ bạn hữu mà giúp cho nhau đạt đến đức « nhân », là lý tưởng tối thượng của Nho giáo.
Ngày xưa, triết gia Tây phương Aristote, trong Ethique à Nicomaque cũng cho rằng: « Tình bạn tuyệt hảo là tình bạn của những người đạo đức, và họ giống nhau trong đạo đức, vì những người bạn ấy cùng mong chúc những điều tốt lành cho nhau [...] Tình bạn không phải chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một sự cao quí nữa ». (2)
Theo Phật giáo, tình bạn hữu hòa đồng với lòng từ bi hỉ xả đối với chúng sinh: « Tôn kính, yêu thương và cúng dường chư Phật, làm cho chúng sinh hoan hỉ tức là cho chư Phật hoan hỉ. » (3)
Theo Cơ Đốc giáo, tình bạn « thông công trong Chúa » là một trong bốn yếu tố căn bản đã duy trì và phát triển Hội thánh đầu tiên, là một đặc ân Chúa ban cho ta để thấy được nơi người bạn Chúa đã chọn cho mình, những điều hay, đẹp giữa muôn vàn những điều hay, đẹp nơi những người khác trên thế gian nầy, do Chúa ban cho. (4) Tình bạn mà theo Đa-vít là còn quí trọng hơn tình yêu đôi lứa nam nữ: Thấy cha mình là Sau-lơ, vì ghen ghét tài đức, tìm cách sát hại bạn thân của mình là Đa-vít, Giô-na-than đã lập mưu cứu Đa-vít thoát chết nhiều lần. (5) Về sau, khi nghe tin Giô-na-than bị tử nạn, Đa-vít khóc lên: « Giô-na-than, anh ơi! lòng tôi quặn thắc vì anh… Nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ. » (6)
3. Thể hiện tình bạn tri âm, tri kỷ
Tình bạn thân, tri âm tri kỷ tuyệt đỉnh thể hiện qua lòng chung thủy và hy sinh cho nhau.
a- Thủy chung với bạn
Truyện Tử Dữ với Dương Tiêu Sơn
- « Ngày xưa, Dương Tiêu Sơn là một bậc trung thần, thấy Nghiêm Tung chuyên quyền làm bậy, liền dâng sớ hạch tội, bị Ngiêm Tung bắt bỏ tù. Các quan đều sợ hãi, không ai dám vào thăm. Chỉ có Từ Tử Dữ ngày ngày đem cho cơm, rượu. Dưong Tiêu Sơn bảo Từ Tử Dữ rằng: « Anh chớ hay lại thăm tôi, e rồi lại bị liên lụy. »
Từ Tử Dũ đáp: « Bạn hữu với nhau, chỉ quí về lúc nầy mà thôi. Luân lý ta cốt trọng về trung nghĩa, mà bây giờ anh bị kẻ gian thần ức hiếp, lẽ nào tôi lại bỏ anh hay sao? Anh cứ để tôi đi lại thăm anh, dẫu có làm sao nữa, thì tôi cũng chẳng thiết gì quan chức đâu, xin anh đừng ngại! » (7)
Ngày xưa cũng có chuyện về hai bạn chí thân Lưu Bình và Dương Lễ, đã từng đem trình diễn trên sân khấu hát chèo, nổi tiếng một thời:
Truyện Lưu Bình và Dương Lễ
- « Lưu Bình và Dương Lễ là hai bạn rất thân thiết. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có, đem bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình nhà nghèo nên ráng học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi.
Đến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Lưu Bình thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, của tiền khánh tận. Sực nhớ đến bạn ngày xưa là Dương Lễ nên tìm đến để nhờ giúp đỡ. Dương Lễ lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với dĩa cà thâm để đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thi hỏng luôn hai khóa, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên nên bền chí, nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn cùng ân ái, Châu Long cương quyết từ chối, nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau.
Nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, đến khoa thi năm đó thi đỗ cao. Trở về nhà thì không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi không ai biết nàng ở đâu, Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương. Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ để mắng mỏ mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan mở miệng mỉa mai trách móc, thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa. »
Việc ra mặt khích khí bạn, rồi ngầm giúp đỡ cho trọn tình thủy chung như thế, cũng thường thấy ở phương Đông chúng ta:
Truyện Tô Tần và Trương Nghi
« Xưa, Tô Tần và Trương Nghi là bạn thân. Tô Tần được vua Triệu trọng dụng, Trương Nghi đến gặp để nhờ bạn tiến cử. Tô Tần ra mặt bạc đãi và nhục mạ, Trương Nghi tức giận, nghĩ rằng chư hầu không đâu có thể nhờ được, chỉ có nước Tần mới đủ lực lượng đánh được Triệu để mình trả thù tên bạn họ Tô bội bạc nầy. Trương Nghi liền đi sang nước Tần. Tô Tần cho môn hạ lén lút theo Trương Nghi tìm cách làm thân và giúp cho tiền bạc, xe ngựa. Nhờ đó mà Nghi yết kiến được Tần Huệ Vương, và được vua dùng làm khách khanh, cùng mưu việc đánh chư hầu. Khi môn hạ Tô Tần từ giả ra về, Trương Nghi nói : « Nhờ ông mà tôi được hiển đạt, tôi sắp báo ân, sao ông lại bỏ đi? ». Người kia nói: « Nguyên Tô quân lo Tần đánh Triệu, lại cho rằng ngoài ngài ra không ai có thể nắm quyền bính nước Tần, nên khích khí ngài rồi ngầm sai tôi theo hầu hạ ngài để làm trọn mưu đồ của Tô quân. Nay ngài đã được dùng, tôi xin về báo lại ».
Trương Nghi than: « Thế là ta mắc mưu Tô quân mà không biết. Ông tạ ân Tô quân hộ ta. Trong thời gian Tô quân ở Triệu, Nghi nầy đâu dám nói đến chuyện đánh Triệu. » (8)
b- Hy sinh cho bạn
« Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn mà phó mạng sống của mình! » như trong Tân Ước thánh Giăng đã chép. (9) Và đôi khi gặp gỡ nhau trên chính nghĩa, trên một lý tưởng cao thượng, thì dù « trong giây phút » cũng đủ cho đôi bên trở thành bạn tri kỷ, đồng tâm đồng chí, đến có thể hy sinh cho nhau:
Truyện Lương Ngọc Quyến và Trịnh Cấn
- « Lương Ngọc Quyến con cụ cử Lương Văn Can, là người đã sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi xướng phong trào Duy Tân. Năm 1905, Lương Ngọc Quyến sang Nhật, được Phan Bội Châu đưa vào học ở Chấn Võ học hiệu, rồi ông cùng người em là Lương Nhị Khanh (?) và hai người bạn nữa, là 4 học sinh Việt Nam đầu tiên vào học trường võ bị Nhật. Năm 1915, người Anh bắt ông giao cho Pháp, giải về nước, bị kết án khổ sai chung thân giam tại khám Thái Nguyên. Trong cảnh bị xiềng xích như thế, ông vẫn lấy lời hơn lẽ thiệt đem chính nghĩa quốc gia ra thuyết phục đội Trịnh Cấn (tức đội Cấn) trong quân đội Pháp, rồi hai bên kết bạn đồng tâm, đồng chí với nhau trong công cuộc giải phóng đất nước. Đêm 30 tháng 8 năm 1917, đội Cấn cùng ba trăm binh sĩ Việt đứng lên khởi nghĩa, Lương Ngọc Quyến là cố vấn kiêm phó tư lệnh.
Nghĩa quân làm chủ tình hình 7 ngày (tính giờ thì được 5 ngày), sau yếu thế bị phản công, rút lui vào rừng. Lương Ngọc Quyến bị tra tấn tù đày, tàn phế không đi theo được, nên tự sát để đội Cấn cùng các bạn nghĩa quân được dễ dàng rút lui, bảo tồn lực lượng ». (10)
c- Những bạn phản trắc gian tà
Các nhóm bạn đồng môn, đồng khoa, đồng liêu, đồng hương, đồng ngũ … thường tập họp thành đoàn thể để bày tỏ tinh thần đoàn kết với nhau, chính yếu là để bảo vệ, đề cao uy tín của thầy dạy mình, của hạng người đỗ đạt, của tầng lớp quan lại, của địa phương của mình… Trong số bạn thuộc các loại nầy, thường có những kẻ ganh tài, tranh quyền, tranh chức, đưa đến chỗ tìm cách sát hại lẫn nhau:
Truyện Bàng Quyên và Tôn Tẩn
- « Tôn Tẩn và Bàng Quyên cùng học binh pháp, là bạn đồng môn. Sau Bàng Quyên làm quan nước Ngụy, được Huệ Vương phong chức tướng quân, nhưng vẫn biết mình không giỏi bằng Tôn Tẩn, nên ngầm sai người mời Tôn Tẩn đến. Rồi mượn pháp luật tìm cách trị tội chặt hai chân của Tôn Tẩn và chạm vào mặt để bạn mình không dám xuất đầu lộ diện. Nhưng Tôn Tẩn lén gặp sứ nước Tề, rồi được đưa về Tề, tướng nước Tề là Điền Kỵ phục tài, vua Tề phong làm quân sư, ngồi trong xe kín bàn mưu kế. Về sau, trong một trận chiến, Tôn Tẩn phục binh ban đêm vây Bàng Quyên, ra lệnh cho quân lính thấy chỗ nào có lửa thì bắn vào. Rồi cho khắc trên thân cây trên đường Bàng Quyên hành quân mấy chữ: « Đây là nơi Bàng Quyên bị giết chết ». Bàng Quyên kéo quân đến đấy, thấy có chữ trên thân cây, sai quân đốt lửa lên để đọc, bị quân của Tôn Tẩn thấy có lửa bắn đến như mưa, Bàng Quyên biết không thể thoát được, phải tự đâm cổ chết.
Trong cổ tích ta cũng có một chuyện « phản bạn » như thế:
Truyện hai người bạn đồng ngũ
- « Xưa có hai người ở tỉnh xa, cùng đi lính ở một đơn vị và kết bạn với nhau rất thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà, thì một người làm nên giàu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm, thấy bạn nghèo cực, liền đưa cho vay mười lạng bạc để làm vốn.
Cách mấy năm sau, không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng: « Bạn ta có lẽ đang còn túng nên chưa có tiền trả cho ta. Âu là bây giờ ta sang thăm anh ấy, đem theo thêm mười lạng bạc, nếu quả anh ta còn nghèo đói thì ta lại đưa giúp anh lần nữa ». Đến nơi thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự, thì người kia đem bạc giấu ở trên đầu cổng rồi mới vào nhà. Vợ chồng bạn thấy mặt ngỡ là sang đòi nợ, mời vào nhà thiết đãi ăn uống tử tế, rồi lập tâm bất nhân đợi đến khuya giết quách đi, và đem xác chôn dưới gốc cây khế. Hồn người chết nhập vào cây khế, rồi sau nhập vào trái khế, vợ anh ấy ăn trái khế, sinh ra một con trai. Đứa bé lớn lên không biết nói. Cha mẹ nó than thở mãi. Một hôm đứa bé bật miệng bảo cha mẹ mời quan huyện đến nó sẽ nói cho xem. Quan huyện đến, đứa bé liền kể chuyện đầu đuôi. Quan huyện cho đào dưới gốc khế quả có xác chết, và trên đầu cổng có muời lạng bạc. Chứng cớ rõ ràng, hai vợ chồng kia phải thú nhận hết tội. Đứa bé xin quan về nhà cũ. » (11)
4. Tình bạn trong thơ văn Việt Nam
Đông phương ngày xưa, tình bạn cũng như tình yêu, suốt đời tha thiết, thâm trầm, lắng đọng vào bên trong, không sôi nổi, bồng bột ra ngoài. « Quân tử chi giao đạm nhược thủy », sự giao thiệp giữa người quân tử với nhau lạt như nước lã. Ngày xưa, có khi hai người bạn (hay hai tình nhân) gặp nhau, chỉ ngồi hằng giờ không nói năng gì. Họ đã « đối diện đàm tâm » , mà tâm tình lại thông cảm sâu sắc với nhau, đượm đà tha thiết hơn bao nhiêu lời môi miếng dông dài.
Trong thơ văn xưa, người ta thường nhắc đến bài Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, bạn đồng khoa và đồng liêu:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngùi ngùi lòng ta:
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước nhẫn sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.
Cũng có lúc cùng nơi dặm khách,
Tiếng suối reo lóc lách lưng đèo,
Có khi từng gác cheo leo,
Khúc vui con hát, lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương măm máp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần (12) trước sau!
Nguyễn Khuyến nhắc lại gần đây đã gặp lại Dương Khuê:
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Thế mà nay, Nguyễn Khuyến nhiều tuổi hơn còn sống, bạn ông ít tuổi hơn lại sớm qua đời:
Mà sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời.
Cho nên, ông buồn, ông nhớ, ông chán. Bạn mất đi, là mất theo cái vui của cuộc đời ông:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết,
Viết cho ai, ai biết mà đưa?
*
Tưởng có thể tìm thấy một tình bạn đặc thù Việt Nam trong mấy vần thơ của Nguyễn Khuyến vừa dẫn ra trên đây.
Nguyễn Khuyến là một thi sĩ đã đi tiền phong tiêu biểu cho loại thơ thăng hoa tình bạn, giọng thơ chân thành, tứ thơ chan chứa cảm tình thoát ra khỏi mọi khuôn sáo ước lệ và nếp suy tư quá duy lý của thời đại Nho giáo lúc bấy giờ. Tình bạn đặc thù Việt Nam ngày xưa nầy tuy mặn nồng mà có vẻ như lạnh nhạt, « quân tử chi giao đạm nhược thủy », sự giao thiệp giữa những người bạn (trong hàng quân tử) là như nước lã, không vồn vã, màu mè như kẻ tiểu nhân. Các cụ gặp nhau, có khi chỉ « đối diện đàm tâm » hằng giờ ngồi nhìn nhau, không nói lấy một câu! Và giữa vợ chồng ngày xưa cũng thường như thế. Khi cụ Phan Bội Châu bị bắt, giải về nước, cụ Bà đến thăm một lần ở thành Nghệ-an, hai bên im lặng nhìn nhau suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, rồi cụ Bà chỉ buông một câu: « Vợ chồng ly biệt hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi … Từ nay, thầy làm gì, tùy ý thầy, đừng bận bịu vì vợ con! »
Các cụ thời xưa có cái thú bầu bạn thông cảm tâm tình với nhau trong im lặng, một im lặng hùng hồn hơn muôn vàn lời trao gửi vồn vã, quấn quít nhau. Chính Nguyễn Khuyến cũng đã giải bày cảnh tiếp khách « suông tình » ấy qua hai câu kết bài thơ Đường như sau:
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Trước thềm đệ tam thiên kỷ, khi nhắc lại tình bạn xa xưa trong dĩ vãng, trầm lặng, không vồn vập sôi nổi, mà lắng kết vào trong, thông cảm khoan thứ, cầu mong điều lành cho nhau, sẵn sàng cứu giúp dù phải phá chấp, hy sinh, chúng ta không ra ngoài mục đích hài hòa những mối tương giao tình tự ấy cho thích ứng với nếp sống hiện đại, - một nếp sống vì quá xô bồ, hối hả, căng thẳng theo vận tốc cơ giới, nên đã thấy manh nha một khuynh hướng phản ứng đòi con người phải được quyền có những phút giây im lặng, trầm tĩnh trong cuộc sống hằng ngày, - những giây phút có tính chất như cái mà ta gọi là « thiền định », - để tình tự lắng vào bên trong, để có dịp bắt gặp lại hồn mình, và nhất là để giúp ta thông cảm với tâm linh của người tri kỷ, tri âm một cách thấm thía, sâu sắc hơn.
Một nhu cầu thoát ly, dù hiếm hoi hay chỉ trong chốc lát, để được sống thực sự với bạn bè và với chính mình.
CHÚ THÍCH:
(1)- Luận ngữ , Nhan Uyên, XII, 23.
(2)- Aristote, Ethique à Nicomaque VIII : « La parfaite amitié est celle des hommes vertueux et qui sont semblables en vertu: car ces amis-là se souhaitent pareillement du bien les uns aux autres. Non seulement l'amitié est une chose nécessaire, mais elle est aussi une chose noble » (trad. Tricot).
(3)- Kinh Hoa Nghiêm.
(4)- Công vụ 2: 42; C.S. Lewis, The four loves, Collins Paris 1989, trang 83.
(5)- I Sa-mu-ên, 20: 1- 43.
(6)- II Sa-mu-ên, 1: 26.
(7)- Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Sơ đẳng, Việt Nam tiểu học tùng thư, Hànội trước 1945.
(8)- Sử Ký Tư Mã Thiên, Nhữ Thành dịch, Hànội 1988, trang 406.
(9)- Giăng 15:13.
(10)- Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển Nhân vật lịch sử V.N., Khoa học Xã hội , Hà Nội 1992, Lương Ngọc Quyến, tr. 418- 419.
(11)- Truyện cổ nước Nam, Nguyễn Văn Ngọc, truyện « Sinh con rồi mới sinh cha ».
(12)- Đông bích : vách phía đông. Đường thi có câu: « Đông bích đồ thư phủ » (vách phía đông chứa sách vở). Điển phần : Nghiêu điển, Thuấn điển (là sách )
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Blog Archive
-
▼
2008
(358)
-
▼
October
(56)
- Dzỏm hay Dzin?Trần Văn Giang(Halloween 2008)“Chúng...
- NHỮNG THẰNG ĂN CẮP DĨ ĐẠI VIỆT GIAN CỘNG SẢNTrần G...
- Two Found Guilty of Conspiracy Involving the Impor...
- [Multiculturalism Is the Future] South Korea’s for...
- KHÔNG NHỨT THIẾT PHẢI TÔN THỜ NGUYỄN CHÍ THIỆN !Ho...
- Thảm sát trên đảo Trường Sa: Chuyện chưa bao giờ k...
- Tôi vượt ngục Long Giao - 1Dương PhụcSan Diego - 1...
- Thư phản bác lập luận vu khống của BS Bùi Trọng Cư...
- Nhìn lại 27 năm Cộng sản Việt Nam và bọn tay chân ...
- Những con “gà chết” hay “Vện nằm vùng” trong CDNV ...
- Tuổi GiàTrần Mộng TúBạn có bao giờ ngắm kỹ một con...
- Vật Đổi Sao DờiNguyễn Phú Long"Ở chợ Dầu có hàng c...
- Tôi hy vọng trẻ em sẽ không đút chúng vào miệngPhó...
- Cuoc đảo chánh 1/11/1963.Trong cuốn băng dài 30 ti...
- VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BIỆT KÍCH DÙ TẠI BẮC VIỆT...
- Chiến binh David Fisher trở về Úc sau 39 năm nằm l...
- Trong Nỗi Khốn Cùng ĐS: Sau đây là câu chuyện điển...
- Cái Nón Lá phạmtínanninh Lần "đáo xứ cố hương" v...
- MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ IM LẶNGDẠ LAN, NGƯỜI EM GÁI H...
- Vietnam sentences reporter to 2 years in prisonWas...
- Queensland Ưu tư: Ngôi nhà trụ sở CĐ Kính thưa quý...
- KHÔNG THAM LAM KHÔNG PHẢI TƯ BẢN Thuỷ-Triều ...
- Bùi trọng Cường xé lẽ : Thay vì kêu gọi chống Ngu...
- Việt Cộng: mượn tay giáo gian xoá tên Giáo hội ...
- QUỶ ĐẦU TRỌC QUỐC DOANH VỀ NGUỒN Bảo quốc Kiếm ***...
- VIẾT BÁO VÀ ĐẦU CẦU GIAO LƯU VĂN HÓA HẢI NGOẠI. TR...
- Melbourne - Biểu tình phản đối Nguyễn tấn Dũng san...
- Khủng hoảng tài chính - CSVN sẽ không thoát khỏi M...
- Thảm họa kinh tế Hoa Kỳ làm xáo trộn nội bộ ÐCSVNJ...
- Trời mưa đất chịuLê Bình, Oct 12, 2008 Cali Today ...
- LẬP LUẬN CỦA TRƯƠNG MINH ĐỨC VỀ TASTE VIỆT NAM.Mt6...
- Kính sư Quảng Ba (Canberra)Tư Rùa Úc Châu: 12-10-1...
- THÊM NHIỀU CHI TIẾT VỀ VỤ TASTE VN Ở QLD.Kính gởi ...
- TỪ TASTE VN TỚI VIỆT CỘNG ?!Mt68: Nếu quý vị nào c...
- Hãy trả lại sự thanh tịnh cho Phật Tử Việt NamĐạo ...
- Nhận định về bản tường trình Taste Vietnam của BS ...
- 4EB-FM Vietnamese Programming Group140 Main St KAN...
- THƯ NGỎ của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH, tiểu bang Qu...
- TÊN THỦ TƯỚNG" DŨNG XÀ MÂU" THAM QUAN NƯỚC ÚC. TRƯ...
- Tưởng niệm cựu Thủ Tướng PHAN HUY QUÁT Ngày giỗ th...
- NGỒI LẠI VỚI NHAUNGUYỄN-HUY HÙNGTrong giai đoạn hi...
- Lời tri ân muộn màngNguyễn Văn Đồng (Na Uy)Trung U...
- Tiếng Hát Cho Tự DoViệt Hải"Việt Nam bao năm chìm ...
- Một Cái Nhìn Khác Về Ông Nguyễn Văn Thiệu: TT Nguy...
- DU SINH " SỰ" TỪ VIỆT NAM. TRƯƠNG MINH HÒATừ ngà...
- Natasha! Hãy tha thứ cho anh• Maria NgọcĐây là chu...
- CHÍNH TRỊ CD: LỜI NÓI TỪ THÂM TÂM Hoàng NguyênOcto...
- CHUYỆN ĐẦU NĂM 2010 ...
- TASTE of VIETNAMKính thưa quý vị,Trong tuần qua, m...
- Vô Nam: Chuyến Đi Định Mệnh Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC...
- Du học sinh: Con sóng ngầm của VC tại hải ngoại ...
- Tình bạn qua thơ văn và truyện kểVõ Thu Tịnh1.Tình...
- Thượng du, niềm thương nhớLâm ChươngNgược dòng Thá...
- "NGỰ" VÀ DÂN DÃ HUẾNGUYỄN ĐẶNG MỪNGCó nhiều lọai t...
- Chả Cá Lý Trần Quán Hoàng Hải Thủy Sài Gòn, Thủ ...
- ÐÔI LỜI VĨNH BIỆT CÙNG TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU...
-
▼
October
(56)
No comments:
Post a Comment