Tuesday, October 14, 2008

Khủng hoảng tài chính - CSVN sẽ không thoát khỏi

Mấy tuần nay dư luận thế giới xôn xao về vụ các ngân hàng lớn tại Mỹ và Tây Âu đua nhau sập tiệm. Thị trường chứng khoán Wall Street và khắp thế giới sa sút trầm trọng. Hàng ngày, báo chí truyền thông không ngớt loan các tin tức bi quan về kinh tế, tài chính.

Nhiều tiên đoán rằng các hoạt động ngân hàng sẽ đình trệ, và dẫn đến khủng hoảng kinh tế chưa hề có, kể từ mấy chục năm nay, như cuộc "Đại khủng hoảng" đầu thập niên 1930, khi dân chúng hoảng sợ đua nhau rút tiền tiết kiệm, gây sụp đổ dây chuyền cho các ngân hàng.

Để tăng thêm mối lo âu, tuần báo Time vừa qua còn gợi lại viễn ảnh đáng e ngại của cuộc "đại khủng hoảng", với tấm hình đen trắng ngoài bìa, cho thấy cảnh dân chúng nối đuôi nhau, xếp hàng "lãnh cháo thí"!

Các phân tách gia kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt nguồn từ vụ "subprime" tại Hoa Kỳ hồi đầu năm 2007, do việc các ngân hàng Mỹ cho vay tiền mua nhà bừa bãi. Những gia đình hoặc cá nhân không có mức thu nhập bảo đảm cũng được vay mượn dễ dàng để mua sắm, khiến thị trường bất động sản lên giá một cách giả tạo. Giới đầu cơ đua nhau thủ lợi, làm giá. Khi "trái bong bóng" địa ốc căng phồng hết mức và nổ tung, hàng triệu gia chủ không đủ tiền trang trải, bị sai áp và đuổi nhà. Các ngân hàng cũng hết vốn vì gồng mình quá sức trong cơn sốt "subprime". Ảnh hưởng dây chuyền lan rộng sang Tây Âu và khắp thế giới khi một số ngân hàng lớn tại đây cũng sập tiệm theo, vì đã đem tiền sang Mỹ hùn hạp đầu tư trong vụ subprime.

Để điều hòa các hoạt động kinh tế trong xã hội, xưa nay vẫn có hai khuynh hướng đối nghịch nhau.

Khuynh hướng Tả chủ trương Nhà nước phải can thiệp, đặt ra những luật lệ để giới hạn các hoạt động trên thương trường. Tiêu biểu cho phía cực đoan trong khuynh hướng này là chủ nghĩa Cộng Sản với giáo điều Mác, trong đó nhà nước nắm hết mọi hoạt động, "quốc doanh hóa" hết mọi dịch vụ kinh tế.

Phía đối nghịch với khuynh hướng này là các kinh tế gia hữu khuynh, bảo thủ (conservatism) . Họ chủ trương một chế độ Tư Bản thuần túy, trong đó chính phủ can thiệp càng ít càng tốt, nhằm để mặc cho thương trường tự điều hòa theo luật lệ "cung cầu". Họ tin rằng đó là phương hướng thuận lợi nhất để kinh tế phát triển một cách lành mạnh. Các can thiệp của chính phủ chỉ làm lệch lạc các hoạt động thương trường, gây trở ngại cho sự phát triển hữu hiệu. Tiêu biểu là câu nói của TT. Mỹ Reagan cho rằng "Nhà nước không giải quyết được các khó khăn của vấn đề. Trái lại, Nhà nước chính là nguồn gốc đã gây ra mọi vấn đề khó khăn!".

Trước cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, các phân tích gia cũng giải thích theo hai khuynh hướng này.

Quan điểm thiên tả

Phe Tả cho rằng từ trước tới nay giới Tư bản được thả lỏng, làm mưa làm gió trên thị trường theo "luật rừng", chạy theo lợi nhuận, không tôn trọng bất cứ một nguyên tắc "đạo lý" (ethics) nào. Rồi khi làm ăn thất bại, cấp lãnh đạo xí nghiệp, dù bị sa thải, vẫn ôm theo những món tiền bồi thường kếch xù (golden parachute).

Theo họ, từ nay chính phủ phải kiểm soát thị trường, với những biện pháp chế tài nghiêm ngặt đối với các dịch vụ tài chánh, với các ngân hàng tư. Chế độ tư bản Phương Tây hiện nay được họ mô tả như chiếc máy bay đang chở hành khách mà không có phi công, mất phương hướng. Một kinh tế gia thiên tả Pháp còn đi xa hơn. Ông ta nói đây là chiếc phi cơ chẳng những vắng bóng phi công, mà còn không được trang bị cả phòng lái!

Ngoài ra, trong phe xã hội, không thiếu kẻ vẫn còn hối tiếc những ảo tưởng của chủ nghĩa Mác, đang rung đùi khoái chí trước nguy cơ sụp đổ của hệ thống tư bản.

Một số người còn tự đặt câu hỏi, phải chăng mô hình phát triển kinh tế dưới một thể chế độc tài kiểu Trung Cộng sẽ là câu trả lời cho tương lai, thay thế chế độ tư bản phương Tây hiện nay? Họ quên rằng mô hình của Trung Cộng, trong trường hợp thuận lợi nhất, chỉ áp dụng được ở một giai đoạn có trình độ kỹ thuật thấp, mà động cơ phát triển là sức mạnh của bắp thịt chân tay. Khi trình độ phát triển cao, dựa vào khả năng của chất xám, cần thiết những đường lối quản trị phức tạp, thì không thể thiếu một môi trường tự do, dân chủ.

Quan điểm thiên hữu

Các nhà phân tích Hữu khuynh phản bác lại các lập luận của phe Tả. Họ cho rằng sở dĩ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay chính là vì sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động của thị trường tự do. Theo họ, vụ subprime bắt nguồn từ đạo luật CRA (Community Reinvestment Act) được ban hành thời đảng Dân Chủ nắm quyền với chính phủ Carter. Chính phủ này không rõ vì hảo ý hay mị dân, với đạo luật CRA, đã áp đặt các ngân hàng phải cho tầng lớp dân kém thu nhập vay tiền mua nhà, mặc dù biết những người này có thể không có khả năng trang trải.

Vẫn theo các phân tích gia này, trong các hoạt động thương trường, sự "đầu cơ" (speculate), sự tiên đoán việc "lên xuống" của thị trường, tự nó, thực ra là những hành động cần thiết cho việc phát triển kinh tế. Nó chỉ tác hại khi đi quá trớn, hoặc diễn đạt sai lầm các tín hiệu của thị trường.

Cuộc khủng hoảng subprime xảy ra và lan rộng khi các ngân hàng vung tiền cho vay vì yên chí có chỗ dựa, có sự bảo trợ của hai cơ cấu khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac. Đây là hai ngân hàng tư nhưng có qui chế gần như "quốc doanh", vì có nhà nước Hoa Kỳ đứng sau hỗ trợ, chuyên về các dịch vụ mua bán nhà đất, với lưu lượng nhiều ngàn tỷ mỹ kim. Sự kiện này đã phát ra những tín hiệu sai lầm, làm lệch lạc hướng phát triển, tăng nạn đầu cơ. Khi trái bong bóng địa ốc xì hơi, cơn sóng thần tsunami subprime nổi lên. Nó đã quật ngược lại tới gốc rễ, làm sụp đổ cả hai cơ cấu khổng lổ Fannie Mae và Freddie Mac.

Ngoài ra, việc chính phủ Clinton thu hồi đạo luật GSA (Glass-Steagall Act) cũng là một nguyên nhân khác của cuộc khủng hoảng hiện nay. Đạo luật này trước đây được đặt ra để bảo vệ các chương mục tiết kiệm của người dân.Theo GSA, các ngân hàng khai thác dịch vụ tiết kiệm không được đem tiền tham gia các hoạt động đầy rủi ro trong lãnh vực đầu tư (investment) . Sự bãi bỏ luật GSA, mà nhiều người nghi rằng do sự toa rập giữa chính quyền và giới tài phiệt, đã cho phép các ngân hàng tiết kiệm đua nhau tham gia dịch vụ đầu tư. Từ đó sự thiệt hại càng lan rộng khi trái bong bóng địa ốc bị nổ tung!

Tóm lại các phân tích gia này đổ lỗi cho khuynh hướng thiên Tả của đảng Dân Chủ vẫn can thiệp vào các hoạt động của thương trưòng. Theo họ, nếu kinh tế thị trường được tự do hoạt động, không bị các biện pháp áp đặt của nhà nước, không bị sự toa rập do tham nhũng giữa chính quyền và giới kinh tế, thì tự nó sẽ điều hòa lành mạnh để tự bảo vệ chính mình, không để xảy ra khủng hoảng.

Vừa qua chính phủ Bush với sự đồng ý của Quốc Hội Mỹ, đã xuất ra 700 tỷ USD để cứu vãn các ngân hàng tư. Điều này đi ngược lại với lý thuyết bảo thủ, chủ trương kinh tế tự do của đảng Cộng Hòa.

Có người cho rằng đây chẳng phải là biện pháp tốt đẹp. Nó có thể dẫn đến lạm phát, vì số bạc in ra sẽ vượt xa số dự trữ quí kim. Đó là chưa kể nguy cơ chính phủ Mỹ hết tiền, không còn khả năng theo đuổi các chương trình chống khủng bố tại hải ngoại, mà hậu quả sẽ không thể lường trước được. Thay lời kết

Bỏ qua những yếu tố ngụy tạo do vấn đề tranh cử đang sôi nổi tại Mỹ, cuộc tranh luận do hai khuynh hướng Tả Hữu nói trên cũng cho phép rút ra vài kết luận hữu ích. Đó có lẽ là sự cần thiết phải dung hòa một số quan điểm. Nói chung điều kiện cho việc phát triển lành mạnh phải là môi trường kinh tế thị trường thực sự tự do, mà sự can dự của chính quyền phải được hạn chế trong một liều lượng tối thiểu, đủ để bảo toàn "tính đạo lý" cần thiết, hầu ngăn chặn những lạm dụng, quá trớn.

Có người còn lạc quan cho rằng các cuộc "khủng hoảng" kinh tế là hiện tượng bình thường có tính chu kỳ, sau vài thập niên lại tái diễn. Nó rất cần thiết trong tiến trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường tự do. Họ coi đây là sự "hủy diệt sáng tạo" (creative destruction) , để trút bỏ những cơ chế cũ, lỗi thời, và "thoát xác" thành những cơ cấu mới, thích hợp với hoàn cảnh, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động hữu hiệu, tốt đẹp hơn.

Một nhận xét nữa là phản ứng nhanh chóng của các chính quyền dân chủ tại Hoa Kỳ và Tây Âu. Các chính phủ đã mau mắn đưa ra được những biện pháp trấn an, để "chữa cháy", ngăn chặn hoả hoạn lan tràn. Hậu quả tức thời có thể sẽ hiệu nghiệm, nhưng về lâu dài chắc phải sau một thời gian mới kiểm chứng được.

Tuy nhiên những phản ứng nhanh chóng này chỉ thấy được ở những xã hội có tự do, dân chủ thực sự. Mọi khó khăn được phơi bày để toàn dân mổ xẻ, đóng góp sửa chữa. Không như dưới các thể chế độc tài, mọi sai lầm đều bị che dấu, bưng bít, và quá trễ khi vấn đề trở nên trầm trọng.

Các chế độ Mafia Đỏ thoát thai từ Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, Putin của Nga và chư hầu… sở dĩ ngày nay tồn tại được là do sự huênh hoang về kinh tế, do việc tập đoàn thống trị gây được ảo tưởng „phồn thịnh" nơi người dân. Nhưng trước sau, với cơn sóng thần "khủng hoảng kinh tế" hiện nay đang lan tràn khắp thế gìới, các chế độ toàn trị này sớm muộn rồi cũng không tránh khỏi bị tràn ngập.

Người ta biết hiện nay, với cơ man tiền bạc của cải, Bắc Kinh đang dồn sang đầu tư tại Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, nếu không do một thế lực nào đó ngụy tạo với nhiều ẩn ý, thì cũng rất có thể là cơ hội ngẫu nhiên, ngàn năm một thuở, để dẫn đến những bế tắc, những khó khăn nan giải cho Bắc Kinh. Từ đó, nó có thể làm quật ngã con khủng long Trung Quốc, và cuốn theo sự diệt vong của những tập đoàn tay sai như Hà Nội.

Nguyễn Gia Tiến

Thụy Sĩ, tháng 10-2008

No comments:

Blog Archive