Wednesday, October 8, 2008

Tiếng Hát Cho Tự Do

Việt Hải

"Việt Nam bao năm chìm trong bóng đêm dầy
Vẫn kiên cường nuôi chí phục hưng
Việt Nam vươn lên từ những tấm thân gầy
Nguyện xây đắp thương yêu tràn đầy
Người hỡi đứng lên giành quyền sống làm người
Dù máu xương đọa đầy vẫn tiền tới
Ngày đã đến cho trang sử mới ra đời
Tiếng non sông giục mời..."

(Bài Việt Nam Vinh Quang, thơ Nam Dao, nhạc Phan Văn Hưng)

Phan Văn Hưng ca cho cả một dân tộc Việt Nam trong khát vọng tự do, người dân hiền hòa bị chế độ Cộng Sản thống trị miền Bắc từ năm 1954 và toàn lãnh thổ vào năm định mệnh 1975. Lời thơ bài hùng ca này do hiền thê của anh viết. Nhà văn Nam Dao đã viết lên hàng trăm bài văn biên khảo chính trị, những bài tham luận về những cái xấu xa của chính sách độc đoán của nhà cầm quyền Cộng Sản. Một đất nước Việt Nam vinh quang về nguồn gốc lịch sử tạo nước và giữ nước của tiền nhân. Thế mà ngày hôm nay đất đai, lãnh hải bị nhà cầm quyền đem dâng nộp cho ngoại bang để được yên thân hiếp đáp và cai trị tiếp nhân dân trong hà khắc, bốc lột, từ bốc lột sức lao động của người dân đền bốc lột đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, những nguyên nhân gây ra nạn dân oan khiếu kiện.

Phan Văn Hưng sáng tác từ nguồn thơ của người bạn đời đồng chia sẻ những lý tưởng sống trong đời với anh, những tiếng lòng nhân bản nhưng bất khuất:

"Việt Nam oai linh nghìn thu sáng danh ngời
Đất Tiên Rồng nuôi chí hùng anh
Việt Nam dang tay thành tâm khắp nhân loại
Cùng thế giới đi xây tình dài
Việt Nam thắp cao ngọn đuốc ấm cho đời
Bằng trái tim vun trồng thời đại mới
Hồn sông núi vang trong mạch sống giống nòi
Bước đi trong miệt mài...."

Đây chính là bài hát làm kiêu hãnh Viêt Nam trong tôi, tiếng gọi tình thương quê hương và tình yêu đất nước dâng cao dạt dào. Tôi yêu lời ca của bài quốc ca Việt Nam Tự Do của chúng ta và bài hùng ca "Việt Nam, Việt Nam", nhưng rồi khi nghĩ đến những tác giả của nó tâm tư dâng lên nỗi cay đắng, muộn phiền.

Nhạc Phan Văn Hưng được xem như loại nhạc hưng ca, hay loại nhạc du ca, phần nhiều những tác phẩm anh sáng tác nói lên nỗi ngậm ngùi cơ cực của quê hương, anh đem những chuyện thực trong đời sống viết thành ca khúc, những chuyện vô lý của xã hội Cộng Sản vào lời ca tiếng hát như loài chim quốc sống xa quê hương, quốc nhớ nhà dâng lên tiếng hót cô liêu trong sầu bi, mang những lời ca như tiếng khóc thổn thức, những tình tự đầy trắc trở trên quê hương thống khổ.

Đôi nét về tiểu sử Phan Văn Hưng, anh sinh năm 1950 tại Hà Nội. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Sau khi đậu tú tài II anh được học bổng sang Pháp du học năm 1969 và tốt nghiệp về Kỹ Sư Cơ Khí và Hầm Mỏ. Bảy năm sau khi mất miền Nam, gia đình anh quyết định rời Pháp để sang định cư tại Úc, Phan Văn Hưng đã sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris với Trần Văn Bá. Trong suốt 10 năm sinh sống ở Pháp, ngoài những sáng tác và trình diễn âm nhạc, anh còn là sáng lập viên của tổ chức văn học "Văn Đoàn Lam Sơn" và của tờ báo "Nhân Bản", một tờ báo Việt ngữ mang lập trường quốc gia dân tộc nhân bản tại Âu Châu.

Tuổi Thơ Việt Nam
Như Phan Văn Hưng tâm sự anh chịu ảnh hưởng nhiều nhạc sĩ ngoại quốc khi học nhạc và guitar, tôi nghe bài hát "Sinh Ra Làm Người Việt Nam" mang âm hưởng nhạc của Cat Stevens. Tôi gần gủi với tiếng hát ngân dài của anh quyện vào âm vang tiếng nhạc pop rock ngày xưa. Nhưng tiếng ngân dài trong bài ca này nói lên nỗi xót xa của tuổi trẻ Việt Nam quê tôi sao quá gian truân. Không gian ngõ tối không nước không đèn. Vòng tay âu yếm của mẹ hiền Việt Nam trong sầu thương, với đôi tay khẳng khiu, đôi tay thật buồn. Mẹ ơi, vòng tay âu yếm đôi tay thật buồn... Em sinh ra em làm người Việt Nam, và sinh trong cuộc lầm than. Sinh ra trong đời bấp bênh gian truân vô vọng

mmm mmm... Tiếng hát của Phan Văn Hưng cất lên như tiếng khóc cho một dân tộc trong lầm than, anh khóc thay cho Mẹ Việt Nam, anh hát cho hàng trăm ngàn em bé thơ ngây hay tuổi trẻ Việt Nam bị mua bán thân xác hay sức lao động của các em từ Cam Bốt, Trung Quốc, Đài Loan đến Hàn Quốc.

Nhạc Phan Văn Hưng là tiếng lòng chia sẻ kiếp sống thống khổ của người dân tôi. Hình như bờ mi các em đang khóc từ nơi chân trời xa xăm, tiếng ngân dài của Phan Văn Hưng nơi cuối bài cho một cảm nhận bi thương để tim tôi ray rứt, lạc loài, và để mắt tôi bỗng cay nhạt nhòa...

"Em sinh ra em làm người Việt Nam
Trong gian ngõ tối không nước không đèn
Vòng tay âu yếm của mẹ sầu thương
Đôi tay khẳng khiu, đôi tay thật buồn
Vòng tay âu yếm (mẹ ơi) đôi tay thật buồn

Em sinh ra em ở chợ Nghệ An
Em buông thuốc trắng ai hay bên đường
Đời trong xó rãnh đã quên tình thương
Đôi mắt già nua, đôi mắt lạnh lùng
Cặp mắt thờ ơ, (người ơi) đâm nhói vào hồn

Đ.K.
Em sinh ra em làm người Việt Nam
Và sinh trong cuộc lầm than
Sinh ra trong đời bấp bênh gian truân vô vọng
mmm mmm ...

Em sinh ra em học tập siêng năng
Nhưng hai tay trắng buông xuôi phận hèn
Làm sao em biết tương lai nào hơn
Đôi tay thừa dư, đôi tay bần cùng
Làm sao em biết (người ơi) đôi tay tuổi hờn.

Em sinh ra em nhập cuộc vui chơi
Mong quên đi nỗi trái ngang trong đời
Cuồng quay trong giấc vui say tàn hơi
Con tim thờ ơ, con tim hững hờ
Cuồng quay trong giấc (người ơi) con tim lạc loài

Em sinh ra em là một bông hoa
Đôi môi tươi thắm cho ai dày vò
Mình thân em đứng giữa chợ đường xa
Đôi môi hằn khô, đôi môi vật vờ
Chiều lộng trong gió (người ơi) đôi môi bụi mờ

Em sinh ra nơi cửa khẩu Lạng Sơn
Hai vai lam lũ vác muôn dặm trường
Màn đêm muỗi vắt trên ngọn mù sương
Đôi vai lạnh căm, đôi vai nhục nhằn
Màn đêm muỗi vắt (người ơi) đôi vai nhục nhằn... "

Nhạc sĩ Phan Văn Hưng
Tôi nghe Phan Văn Hưng nói về anh hùng Trần Văn Bá như sau: "Anh Trần Văn Bá là một người lãnh đạo không giống như ý nghĩa thông thường. Khi nói đến lãnh đạo, người ta hay nghĩ đến một người hùng biện, phất cờ xông pha, chỉ tay, vạch đường lối. Anh Bá không như thế. Sự kiên quyết thì anh có thừa, nhưng luôn luôn được bộc lộ ra ngoài bằng những lời lẽ ôn tồn, thân thiện. Lòng can đảm anh cũng chẳng thiếu, nhưng không bao giờ thấy anh hô hào kêu gọi bất cứ ai đi theo anh. Anh có một viễn kiến chính trị rất sâu sắc, nhưng hiếm khi nào thấy anh tranh luận. Ảnh hưởng của anh trong đám sinh viên tụi tôi nhẹ nhàng nhưng rất sâu. Ngay cả thời tôi làm báo cho anh, anh cũng chỉ đôi ba lần gợi ý về những điều cần nói, còn tất cả để mặc cho tôi lo liệu. Chỉ đến khi anh ra đi thì anh em sinh viên tụi tôi mới thấy thiếu anh...

Tôi không biết có phải là sự ngẫu nhiên hay không, nhưng tôi cũng muốn nhạc của mình như thế. Tôi không muốn dùng nhạc để hô hào, mà chỉ muốn lay chuyển nội tâm của người nghe. Lòng kiên quyết có khi cần nằm ẩn đằng sau những nốt nhạc mềm mại. Chuyện hô hào, thúc giục thì có lẽ nên để cho mỗi người tự làm lấy, vì một khi cái tâm phụng sự được nuôi lớn thì người đó sẽ tự mình tìm thấy cách thực hiện hay nhất trong hoàn cảnh riêng của mình."

Đến năm 1982, đôi bạn đời Phan Văn Hưng và Nam Dao sang định cư tại Úc châu và vẫn tiếp tục sáng tác, thực hiện những bài hát đạt được sự mến mộ nồng nhiệt từ quần chúng. Đan cử ví dụ như: "Việt Nam Vinh Quang", "Ai Về Xứ Việt", "Bài Ca Tuổi Trẻ", "Sinh Ra Là Người Việt Nam", "Đứa Bé Việt Nam và Viên Sỏi", "Bạn Bè Của Tôi", "Hai Mươi Năm", "Trái Tim Tôi Là Bến", "Nếu Em Nghe Bài Hát Này", "Có Phải Em Là Em Bé", "Bài Ca Cho Em Bé Thảo", "Giọt Nước Mắt Của Mẹ", "Bài Ca Cho Bé Hải", "Thằng Bé Tát Dầu”,...

Tôi còn nhớ năm 1995, ký giả Kiều Mỹ Duyên giới thiệu tôi dĩa CD "Hai Mươi Năm" của anh Phan Văn Hưng, CD có bài hát "Thằng Bé Tát Dầu”, chị Duyên kể rằng lần đầu nghe bài hát chị xúc động đến rơi lệ. Câu chuyện nói lên nỗi oan khiên hai đứa bé ăn cắp dầu ở Xưởng tàu Ba Son.

Năm 1980 Phan Văn Hưng phổ thành bài hát "Thằng Bé Tát Dầu" từ thơ Nam Dao, ý nói lên hoàn cảnh cơ cực, bần cùng của người dân nghèo. Trong một ngục tù vĩ đại được Cộng Sản tạo ra, trẻ em phải đi ăn cắp dầu từ xưởng Ba Son mưu sinh cho gia đình, để rồi hai bé trai thơ ngây phải đền mạng do việc ăn cắp dầu. Đứa bé anh ở tuổi mười ba, đã bị gục ngã dưới làn đạn AK của Công Sản. Đứa bé em khóc ngất khi ôm xác anh mình đã chết:

"Tôi muốn hát cho thằng bé tát dầu
Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son
Tuổi mười ba da trần xạm nắng
Vớt cặn dầu về đổi lấy miếng cơm
Hai đứa bé bơi xuồng đến gầm cầu
Đứa quơ dầm miệng giục em ơi
Phải làm nhanh coi chừng họ thấy
Tát lẹ vào dầu đổ ướt chiếc khoang
Ôi quá nhiều dầu sao quá nhiều
Chắc phen này hẳn được cơm no!
Ngày chợ đến sẽ mua sữa một lần
Cho thằng Cu nếm thử nghe em
Mơ chưa dứt, trên cầu chúng thấy rồi
Mắt lạnh lùng nạp khẩu AK!...
Tràng đạn bắn chết em quá vội vàng
Buông dầm rơi ngỡ ngàng trên khoang...
Máu em trào nhuộm cả hai vai
Thằng nhỏ ôm anh mình bật khóc
Lớp cặn dầu này đổi lấy xác anh !
Bé tát dầu, thằng bé tát dầu!
Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son..."

Đứa Bé Vượt Biên
Hình như Phan Văn Hưng quan tâm đến tuổi thơ, trong số khá nhiều bài ca của anh đề cập về tuổi trẻ, hoặc tuổi thơ. Chẳng hạn như "Có Phải Em Là Em Bé", "Bài Ca Cho Em Bé Thảo", "Bài Ca Cho Bé Hải", và bài hát bi thương phổ thơ Trần Trung Đạo, "Đứa Bé Việt Nam và Viên Sỏi", em bé 5, 6 tuổi theo gia đình vượt biên, cả gia đình đều tử nạn trên biển, phép nhiệm màu cứu vớt em sống. Mỗi chiều trong trại tị nạn tạm cư Palawan, em thường ra biển nhặt những viên sỏi trong cô đơn.

“Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu

- Viên kẹo tròn này để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông này để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ này để qua cho chị
Viên kẹo lớn này để lại cho em
Còn viên kẹo thật to này ...là phần Bé đấy

Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện môt. mình
Như nói với xa xăm …

Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Đã sống sót sau sáu tuần trên biển

Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi

Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
Ôi những giọt máu Việt Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt

Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại

- Viên kẹo tròn này để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông này để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ này để qua cho chị
Viên kẹo lớn này để lại cho em
Còn viên kẹo thật to này ... là phần Bé đấy

…Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu.”

(thơ Trần Trung Đạo, nhạc Phan Văn Hưng)

Một bài ca khác liên quan đến thời gian phong trào vượt biên lên cao. Bài hát "Trái Tim Tôi Là Bến", nhạc Phan Văn Hưng, phổ thơ Bắc Phong. Khi nghe Phan Văn Hưng hát tôi có cảm tưởng như anh cất lên lời nguyện cầu từ con tim, từ làn da thớ thịt, bằng máu xương cầu xin cho sự bình an, nhạc anh dìu những cánh buồm rách nát trong cơn giông bão tố đến bến bờ Tình Thương của con người.

"Buồm của anh rách nát
Bởi bao đợt sóng nhồi
Thì xin anh hãy vá
Bằng những miếng da tôi
Ngòi của anh đã gãy
Hãy mài trên xương tôi
Chấm máu tôi mà viết
Về lương tâm con người

Đ.K.:
Dù đêm trăng không lên
Nhưng mắt trẻ là sao
Trái tim tôi là bến
Xin anh cứ bơi vào

Đàn của anh đã vỡ
Hãy dạo trên thân tôi
Lấy tiếng tôi mà hát
Về đau thương con người"

Trái Tim Tôi Là Bến (Phan Văn Hưng - Bắc Phong)

Đôi uyên ương PVH và Nam Dao của thập niên 70 tại Paris

Phan Văn Hưng tâm sự về nhạc anh thực hiện kết hợp cùng với người bạn đời Nam Dao. Anh chị không chú trọng vào lời cầu kỳ, hoa mỹ. Ngược lại, anh chị chỉ dùng lời nhạc bình dị, mộc mạc. Tôi nghĩ đó là điểm thành công của họ, vì nhạc như vậy sẽ dễ nhập tâm và đi vào lòng người.

Phan Văn Hưng và Nam Dao là những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận văn hóa. Đôi uyên ương này dùng khả năng thiên khiếu của mình vào mục tiêu phụng sự cho quê hương và dân tộc.

“Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.” (Lời Phan văn Hưng)

"Bài Ca Tuổi Trẻ" là tác phẩm nối kết tuổi trẻ Việt Nam khắp nơi hãy ý thức vai trò đấu tranh cho tự do cho quê hương lầm than, thiếu vắng tự do:

"Từ khắp những phương trời
Và muôn lối đi trong đời
Gặp nhau trong tâm hồn Việt Nam sáng ngời

Mồ hôi trên cánh đồng
Mẹ ru trên núi sông
Tình quê hương ta ôm ấm trong lòng

Chúng ta là bước người xông pha,
Chúng ta là những lớp phù sa
Chúng ta là ngọn đuốc bừng to
Chúng ta là TỰ DO !!!
Bạn hỡi ... ơ....ơi !
Hành trang ta đem trong ta,
Một khối óc, một tấm lòng, một giấc mơ"

Anh vẽ lên bức tranh quê hương bằng máu đỏ như sự cương quyết của dân tộc đứng thẳng chống chọi với bạo lực. Anh mang tiếng lòng của loài chim quốc bay đi đó đây hát cho tự do, cho yêu thương và cho tình người qua 121 bài ca.

Nhạc anh nhìn qua lăng kính nhân bản là những nét chấm phá tô điểm cho bao câu chuyện thương tâm khiến người nghe dễ xúc động. Tiếng ca ai oán ngân dài thanh âm rung vút cao, dù những lời cầu bình an cho thuyền tị nạn, hay nỗi khao khát tự do nhân quyền hoặc tôn vinh đất nước Việt Nam như bài ca tôi vốn yêu thích:

"Việt Nam oai linh nghìn thu sáng danh ngời
Đất Tiên Rồng nuôi chí hùng anh
Việt Nam dang tay thành tâm khắp nhân loại
Cùng thế giới đi xây tình dài
Việt Nam thắp cao ngọn đuốc ấm cho đời
Bằng trái tim vun trồng thời đại mới
Hồn sông núi vang trong mạch sống giống nòi
Bước đi trong miệt mài...."

Việt Nam Vinh Quang, thơ Nam Dao, nhạc Phan Văn Hưng:




Source: www.viet.no

No comments:

Blog Archive