Saturday, April 4, 2020

Từ tác phẩm Dịch Hạch đến dịch Covid-19


Bước vào năm con chuột, tìm đề tài liên quan đến con giáp nầy trong văn chương cho Giai Phẩm Xuân Canh Tý 2020 báo Saigon Nhỏ, mỗi năm tìm đề tài con giáp thích ứng cho giai phẩm hơi khó vì cứ 12 năm lại xoay vần, có nhiều bài viết trong quá khứ nên khó nhất là tránh sự trùng hợp.

Năm con chuột, tôi đề cập đến tác phẩm Dịch Hạch (La Peste) của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960), ấn hành năm 1947, góp phần trong sự nghiệp sáng tác mang đến niềm vinh dự cho Albert Camus với giải Nobel Văn Chương năm 1957. Tác phẩm Của Chuột & Người (Of Mice And Men) của nhà văn Mỹ John Steinbeck (1902-1968) ấn hành năm 1937, Nobel Văn Chương năm 1962 và Ông Năm Chuột (truyện/ký) trên báo Văn năm 1958 của Phan Khôi (1887-1959)… Với con người thì loài vật nầy không được thiện cảm nên khi viết liên quan đến nó mang hình ảnh u ám.

Nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960) gốc Algérie (sinh ở Mondovi, tổ tiên là người Tây Ban Nha và Pháp) nên viết về trận dịch xảy ra trên quê hương của ông trong thời điểm Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Trong Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) dịch cúm Tây Ban Nha (The Spanish flu) hoành hành dữ dội khắp nơi trên thế giới, giết chết trên 50 triệu người (Hoa Kỳ có 400,000 người chết), trận dịch nầy đã cướp đi hơn số người chết của 2 thế chiến cộng lại. Với một phần ba dân số thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người, vào thời đó nhiễm bệnh.

Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, tác phẩm La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch năm 1965, Võ Văn Dung dịch năm 1971, sau nầy Nguyễn Trọng Định dịch năm 2002.

Oran là thành phố và cũng là tên của tỉnh Oran, nằm ở tây bắc Algérie bên vịnh Oran của Địa Trung Hải, thuộc địa Pháp từ năm 1831.

Câu chuyện xảy ra vào thập niên 1940, ở thành phố nhỏ Oran trong câu đầu tiên trong tác phẩm “Những sự kiện kỳ lạ, đề tài của tập ký này, xảy ra năm 194., ở Oran dư luận chung cho rằng đây là những sự kiện xảy ra không đúng chỗ, có phần bình thường…”. Bác sĩ Bernard Rieux là chứng nhân khi dấn thân cùng với bạn bè và đồng nghiệp chiến đấu với bệnh dịch để cứu người dân thành phố lâm nạn dịch. Albert Camus theo lời kể của bác sĩ Bernard Rieux kết hợp với sổ tay của phóng viên Rambert để viết thành tác phẩm. Tác phẩm gồm 5 chương, dày 320 trang. Tác phẩm La Peste được dịch ra nhiều thứ tiếng và theo ước tính trên 6 triệu ấn bản.

Thời gian xảy ra sự kiện “Sáng ngày 16 tháng Tư, khi bước ra khỏi phòng làm việc, bác sĩ Rieux đụng phải một con chuột chết ở giữa cầu thang”, đó là điều bất thường vì khu nhà không có chuột. Từ đó chuột chết tăng dần, tăng dần cùng với số người nhiễm bệnh dịch, chết chóc tang thương, gieo rắc kinh hoàng, khiếp sợ. Oran trở nên thành phố ma u ám cùng xác chết… kéo dài cho đến tháng Giêng năm sau.

BS Rieux lúc đó chuẩn bị đưa vợ đi nghỉ ở nhà điều dưỡng trên núi vì bà bị ốm một năm nhưng rồi gặp điều bất thường xảy ra, và sau đó nhận được tin chuột chết và có bệnh nhân mắc bệnh với triệu chứng khác thường đưa vào bệnh viện, với trách nhiệm của bản thân phải chăm sóc bệnh nhân.

Jean Tarrou, chàng trai trí thức trong gia đình danh giá nhưng chán ghét cuộc sống lưu lạc qua nhiều nước, khi ở Oran trong cơn dịch nên tình nguyện cùng với BS Rieux tham gia cuộc chiến đấu. Raymond Rambert, phóng viên tờ báo ở Paris đến Oran điều tra về cuộc sống ở đây. Dịch hạch xảy, ra thành phố bị cô lập nên bị kẹt lại. Sự dấn thân của BS Rieux và Tarrou tác động đến bản thân Rambert, cùng nhau hợp tác, trong đó có Linh Mục Paneloux, ban đầu cho đó là sự trừng phạt nhưng rồi tham gia vào chiến dịch, cùng nhiệt tình với nhau để cứu chữa bệnh nhân.

Albert Camus gọi La Peste như là ký sự vì dựa vào những quyển số tay ghi chép từng chi tiết của Rambert và bác sĩ Rieux.

BS Rieux là hiện thân của Lời Thề Hippocrates, trong thời gian dịch hạch, ông tận tình, hy sinh cứu chữa bệnh nhân. Đáng thương nhất khi vợ ông ốm đau phải đi điều trị và Rieux cũng không được gặp khi bà chết!

Lời Thề Hippocrates của Hy Lạp cổ đại (cuối thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) mà thầy thuốc (y, bác sĩ) tôn trọng lời thề như điều tâm niệm, sứ mệnh cao cả. Trong đó gồm những điểm chính như vì lợi ích của người bệnh, sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết, tận tình tham gia cùng đồng nghiệp chữa trị bệnh nhân, giữ gìn các truyền thống đã chọn của việc cứu chữa…

Ở Việt Nam trong thời chiến, trên hiệu kỳ Trường Quân Y VNCH với bốn chữ “Quên Mình - Cứu Người” thể hiện Lời Thề Hippocrates.

Trở lại với tác phẩm La Peste, qua người kể và sổ tay, có thể tóm lược vài chục trang cũng đủ nhưng Albert Camus viết thành tác phẩm hơn ba trăm trang thể hiện tài năng của văn hào lỗi lạc. Sinh động trong tác phẩm với nhiều mẩu đối thoại với nhau giữa các nhân vật.

Vài tác phẩm của Albert Camus nói lên quan niệm phi lý cũng như triết gia, nhà văn Đan Mạch Kierkegaard (1813-1855) mô tả mà nhiều người cho rằng Albert Camus xiển dương trong văn chương như triết gia. Phải chăng câu nói của ông: “Nếu như bạn muốn trở thành một nhà triết học, bạn hãy viết tiểu thuyết" được thể hiện qua tác phẩm. Nghịch lý của con người giữa hạnh phúc và khổ đau, giữ thật thà và gian trá, giữa ác độc và yêu thương, giữa lối hành xử với nhau con người, chủng tộc…

Câu nói của Kierkegaard: “Nghịch cảnh không chỉ kéo con người lại gần nhau mà còn làm nảy sinh thứ tình bạn nội tâm đẹp đẽ”. Trong hoàn cảnh hiện nay (4/2020) với dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới, gieo rắc kinh hoàng, chết chóc trên mọi miền đất nước, sống chết trong gang tấc không chừa kẻ đầy quyền lực, giàu có cho đến những người tận cùng trong đáy xã hội. Virus “vô hình” đó thật khiếp đởm, tai ác! Nhân loại tự cứu với con tim nhiệt tình, can đảm và nhân bản.

Nhà văn Aí Nhĩ Lan Samuel Beckett (1906-1989) tuy viết trước Albert Camus nhưng đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1969 là hiện thân chủ nghĩa văn học phi lý (l'absurde). Một số tác phẩm của hai nhà văn Samuel Becket & Albert Camus đã gây nhiều bút mực nhưng văn học hiện sinh từ Âu Châu ở thế kỷ 20 đã ảnh hưởng nhiều ở miền Nam VN đáp ứng suy tư, nhận thức con người trong thực tế của cuộc sống, tâm thưc con người với thực trạng xã hội.

Trong hoàn cảnh nầy, đọc La Peste để cảm nhận nỗi đau, sự bất hạnh, nỗi khổ trong hoàn cảnh chết chóc thảm thương, khốc liệt của con người ở thị trấn nhỏ cam chịu suốt 9 tháng để suy ngẫm. Nếu dịch Covid-19 đã và đang kéo dài, liệu cả hành tinh nầy như Oran trong La Peste?.

*
Từ tác phẩm La Peste, nhìn lại hiện nay

Albert Camus viết: “Sau cuộc họp một hôm, bệnh sốt lại tiến triển. Báo chí cũng phải nói tới, nhưng một cách nhẹ nhàng, bóng gió. Dẫu sao, hai ngày sau, Rieux cũng nhìn thấy những bản cáo thị nhỏ trên giấy trắng mà tỉnh đã vội vàng cho dân ở những góc phố kín đáo nhất. Khó có thể từ những bản cáo thị này kết luận rằng nhà chức trách đã nhìn thẳng vào tình hình. Các biện pháp không thật nghiêm ngặt và hình như người ta chỉ muốn làm cho dư luận công chúng không hoảng sợ.

Thật vậy, trong phần mở đầu, bản quyết định thông báo là ở Oran đã xuất hiện mấy ca sốt ác tính mà đến nay chưa thể nói được là có truyền nhiễm hay không. Mấy ca ấy chưa đủ những triệu chứng đặc trưng để gây lo lắng thực sự và chắc chắn là dân chúng biết giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, và với tinh thần thận trọng mà mọi người đều có thể hiểu, ngài thị trưởng thi hành một vài biện pháp đề phòng. Nếu được hiểu và áp dụng đúng, thì những biện pháp ấy có khả năng chặn đứng mọi nguy cơ dịch tễ. Bởi vậy, ngài thị trưởng không một chút nghi ngờ là dân chúng không hết lòng tận tụy công tác với nỗ lực cá nhân của ngài” (chương I)

Số chuột chết tràn lan trong thành phố và ngoại ô hơn sáu nghìn con, rồi tăng dần, số người nhiễm bệnh và chết liên tục. Dịch bệnh xảy ra nhưng giới chức tỉnh và thành phố lúc đó còn ỡm ờ chưa xác nhận là dịch hạch, BS Rieux và đồng nghiệp ở bệnh viện báo động với cơ quan y tế.

“Sau đó, bản cáo thị nêu lên những biện pháp đại cương, trong đó có việc diệt chuột một cách khoa học bằng cách phun hơi độc vào cống rãnh và kiểm tra chặt chẽ việc cung cấp nước. Cáo thị khuyên dân chúng phải hết sức giữ vệ sinh và cuối cùng yêu cầu những người trong mình có bọ chét đến trình diện ở các phòng chữa bệnh trong thành phố. Mặt khác, các gia đình bắt buộc phải khai báo những trường hợp thầy thuốc đã chẩn đoán và bằng lòng để bệnh nhân cách ly trong những phòng riêng của bệnh viện. Vả lại, những phòng này được trang bị để săn sóc người bệnh trong thời gian tối thiểu với những khả năng chữa lành bệnh tối đa. Trong mấy điều khoản bổ sung, cáo thị yêu cầu bắt buộc tẩy uế buồng bệnh và xe chở người bệnh. Cuối cùng, cáo thị chỉ căn dặn thân nhân bệnh nhân đi khám bệnh”.

Nhìn lại Trung Quốc, người bị nhiễm virus đầu tiên chết ở tỉnh Hồ Nam vào ngày 17/11/2019 bị lây từ Vũ Hán, rồi tăng dần, tăng nhanh số ca nhiễm và số tử vong.

Ngày 30 tháng 12, BS nhãn khoa Lý Văn Lượng đã gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện cho các bác sĩ, cảnh báo họ mặc đồ bảo hộ để tránh bị lây nhiễm. Ông đã đăng câu chuyện của chính mình lên Weibo từ giường bệnh một tháng sau ông gửi đi cảnh báo đầu tiên về virus corona. Trên trang Weibo cá nhân, ông mô tả vào hôm 10/1 ông bắt đầu ho, ngày hôm sau ông bị sốt và hai ngày sau ông phải nằm viện. Ông được chẩn đoán nhiễm corona virus vào ngày 30 tháng 1. Ông cho là giống SARS - loại virus dẫn đến dịch bệnh toàn cầu năm 2003.

Ông nhận được lệnh triệu tập đến văn phòng Công An và bị buộc phải ký vào một lá thư. Trong thư, ông bị buộc tội “Đưa ra những bình luận sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Ông là một trong tám người bị Công An quy kết vì "tung tin đồn". Khi số ca nhiễm tăng cao và bệnh nhân chết nhiều, hằng ngày truyền thông thế giới loan tải tình trạng virus corona tồi tệ ở Vũ Hán, cũng như sự bưng bít, lật lọng của Bắc Kinh.

Bác sĩ Lý Văn Lượng chết vào ngày 7/2. Ngày 8/2/2020, Trung Cộng mới thông báo cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và ngày 11/3 WHO ra tuyên bố chính thức, gọi Covid-19.

Ngày 5/3, Ủy Ban Y Tế của Trung Cộng tuyên dương công tác phòng chống dịch viêm phổi do virus corona cho thầy thuốc chết vì dịch có bác sĩ Lý Văn Lượng cùng với các bác sĩ Lưu Trí Minh, Tống Anh, Bành Ngân Hoa... Thật trớ trêu, khôi hài. Nếu trước đó Bắc Kinh nghe theo lời cảnh báo của BS Lý Văn Lượng để kịp ngăn chận kịp thời, minh bạch thông tin dịch bệnh nguy hiểm virus corona lây lan nhanh chóng thì ở trong nước và các quốc gia trên thế giới tìm được biện pháp đối phó.

Trong khi đó Trung Cộng lại “đối phó” với thế giới tên gọi Wuhan virus, China virus, Chinese viruses… Virus Vũ Hán, Virus Trung Cộng! Cái trò “cả vú lấp miệng em” của Bắc Kinh từ thảm họa ca nhiễm, số lượng người chết ở vũ Hán, Hồ Nam bị ém nghẹm… rồi lật lọng chống đối với danh xưng! Thôi thì, nôm na chẳng qua nói thật: Virus Tàu khựa.

Trong quá khứ, lịch sử thế giới ghi nhận Cúm Tây Ban Nha năm 1918, Cúm Châu Á 1957, Cúm Hồng Kông hay H3N2 1968, Ebola Châu Phi 2014, Cúm Hô Hấp Trung Đông (MERS - Middle East Respiratory Syndrome), căn bệnh về hô hấp gây ra bởi coronavirus với ca nhiễm đầu tiên là một bệnh nhân thiệt mạng ở Jeddah, Ả Rập Xê Út năm 2012. Tên gọi đó để nhớ nơi xuất phát, trung tâm dịch bệnh là lẽ bình thường. Không những vậy mà Bắc Kinh còn đổ thừa từ Mỹ. 

Ngày 23/3/2020, Đai Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp đã công khai virus corona đang tàn phá thế giới thực ra đã xuất xứ Hoa Kỳ, chứ không phải là từ Vũ Hán như mọi người lầm tưởng. Trước đó, ngày 12/3, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC, cho rằng quân đội Mỹ đã đưa con virus vào Vũ Hán nhân cuộc Đại Hội Thể Thao Quân Đội Thế Giới vào tháng 10 năm 2019, sau khi TT Trump (tweet 17/3) gọi là Chinese Virus. Trong khi dịch bệnh quái ác sát hại con người khắp nơi trên thế giới thì lại đôi co với trò chơi chính trị!

Trong thời gian qua (tháng Hai đến đầu tháng Tư nầy) trên phương diện truyền thông thế giới chiếm hàng đầu với dịch Covid-19. Từ cấm vận, phong tỏa, cô lập (cách ly)… đến tình trạng ca nhiễm lên cả triệu người, hồi phục khoảng hai trăm ngàn và năm mươi ngàn tử vong… trên hai trăm nước và vùng lãnh thổ. Nguy cơ thảm khốc còn đang đe dọa trước mắt!

Nhiều nước và khu vực trên thế giới hôm nay trở thành Oran của bảy thập niên về trước. Thời kỳ hòa bình, tân tiến, văn minh của nhân loại mà khi dịch hoành hành lại thiếu hụt, khan hiếm thiết bị y tế trầm trọng, ngay cả khẩu trang dành cho bác sĩ, y tá, nhân viên trong bệnh viện cũng không được đáp ứng. Thân phận con người ở những nơi bị nhiễm Covid-19 quá mong manh, như đường tơ kẽ tóc, sống nay chết mai, khó lường được bệnh dịch!

Đại dịch cúm H1N1 năm 2009 đã lây lan cho 160 nươc và khu vực, cả thảy 200 triệu ca trên khắp thế giới, trong đó có khoảng hai trăm ngàn ca tử vong. So với thời điểm hiện tại (2/4/2020 thì trên thế giới dịch Covid-19 có khoảng một triệu ca nhiễm, hồi phục khoảng hai trăm ngàn và năm mươi ngàn tử vong) nhưng mức độ lây lan quá nhanh trên hành tinh nầy, đang đe dọa mạng sống con người quá kinh hoàng, sẽ còn tiếp diễn đến đâu. Thảm họa, hoảng loạn, khiếp sợ trên thế gian mà loài người đang đối diện với virus vô hình như bóng ma, ác quỷ rình rập!

Trong tác phẩm Dịch Hạch, đối diện với cái chết cận kề, sự dũng cảm, hy sinh hầu hết con người mang tâm hồn nhân bản, tình người chấp nhận mọi hiểm nguy để cứu chữa, bảo vệ mạng sống cho nhau thì có những kẻ cơ hội, tìm cách kiếm lợi nhờ dịch hạch như Cottard.

Nhân vật láu lĩnh nầy xuất hiện ở chương II:

Rambert (nhà báo ghi nhật ký) trò chuyện Cottard và được biết:

“Hắn (Cottard) có biết một đường dây, và trước vẻ ngạc nhiên của Rambert, hắn giải thích rằng đã từ lâu, hắn la cà khắp các tiệm cà phê ở Oran, rằng hắn có bạn bè và hắn được biết là có một tổ chức lo liệu loại công việc này. Sự thật là Cottard, mà từ nay chi tiêu vượt quá thu nhập, đã dính líu vào hoạt động buôn lậu những sản phẩm định lượng bị hạn chế. Hắn bán lại thuốc lá và rượu tồi mà giá cả tăng không ngừng và hiện đang làm giàu cho hắn…”

“Rambert lắng nghe rồi hỏi:

- Làm thế nào để gặp được tổ chức ấy?

- A! - Cottard đáp - Không dễ đâu. Ông hãy đi cùng tôi”.

Cottard dẫn Rambert đi theo những con đường có cổng tò vò và im lặng đến quán cà phê

“- A! Thì ra ngài cũng làm áp phe!

- Phải. - Cottard đáp.

Anh chàng kia hít hít,

- Vậy mời ông tối nay trở lại. Tôi sẽ cho thằng bé đi gọi.

Ra về, Rambert hỏi Cottard áp phe gì.

- Dĩ nhiên là buôn lậu. Họ đưa hàng ra ngoài cửa ở thành phố, bán với giá đắt.

- Thế à. - Rambert nói - Họ có những tổ chức đồng lõa à?

- Đúng thế”.

Trong thiện có ác, qua ngòi bút của Albert Camus với “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều) cho thấy sự đời với hai vế đối nghịch thiện/ác chỉ mong “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng” (Minh Tâm Bảo Giám) để nhân loại bình an sống còn.

Bảy thập niên sau, loại người như Cottard trong cơn dịch hạch Oran không chỉ vài cá nhân mà dịch Covid-2019 với phe nhóm lãnh đạo ở Trung Cộng.

Thời gian qua trên hệ thống truyền thông quốc tế loan tải khá nhiều sự gian trá, lọc lừa của Trung Cộng với các quốc gia trên thế giới khá nhiều.

Khi viết những dòng này, đọc bài viết của Phạm Cao Phong ở Paris: Khi kẻ

Trung Hoa cười nhạo thế giới.

“… Tôi đã cắt một chiếc khẩu trang FFP2 ra xem các lớp cấu tạo để hiểu tại sao trên mạng rao bán tới 29,9 euro. Loại này chúng tôi được phát khi đi làm việc, gồm có năm lớp, sau ba tiếng phải thay chiếc mới. Nước Pháp hiện đang thiếu khẩu trang tốt và nhiều loại khẩu trang chuyên dụng, đang khởi động để sản xuất nhiều loại khác. Hôm 29-3, nhóm bác sĩ Pháp tranh luận trên truyền hình thừa nhận họ đã không đánh giá đúng độ ác hiểm của coronavirus, các chỉ số về độ tuổi nạn nhân cũng trật khấc. Hiện có sáu bác sĩ Pháp đã chết vì Covid-19.

Do quá lệ thuộc Trung Quốc, từ cái khẩu trang đến máy trợ thở, quạt thông không khí, nên mới hai tuần đầu “các bệnh viện Pháp đã trong tình trạng chết đuối”, gần chạm điểm gãy đổ vì không còn sức chứa, giường bệnh, thiết bị hồi sức thiếu.

… Khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc thông qua các con buôn nằm vùng tỏa đi vét sạch khẩu trang y tế tại thị trường châu Âu, găm cắm. Bây giờ họ bung ra bán lại với giá cắt cổ. Một chiếc FFP 2 bán chợ đen tới 15,99 euro. Khi Trung Quốc lâm nạn, Pháp gửi viện trợ không nhỏ sang giúp vô tư, không vụ lợi. Hiện tại cả thế giới bó cứng chân tay, kinh tế án binh bất động, Trung Quốc một mình một chợ, lấy con bài khẩu trang để áp các nước thành viên EU phải thay đổi chủ trương về Huawei (Hoa Vi).

Trong bối cảnh các nước phải nhập vật tư y tế từ Trung Quốc để chống dịch, một vụ tai tiếng vừa bùng lên: bộ xét nghiệm mà Tây Ban Nha nhập từ Trung Quốc thiếu chính xác đến mức Madrid phải quyết định tạm ngưng sử dụng. Tây Ban Nha đặt lô hàng 640.000 kit xét nghiệm nhanh của Công ty Shenzen Easy Biotechnology (SEN), trụ sở ở Thâm Quyến. Sau khi đưa 8.000 kit vào thử nghiệm, Madrid ngã ngửa ra rằng các bộ xét nghiệm SEN dối trá như Tàu. Bệnh nhân dương tính Covid-19, qua kit xét nghiệm báo kết quả âm tính!

Một nạn nhân bị dính hàng kém chất lượng nữa từ Trung Quốc sau Tây Ban Nha là Hoà Lan. Nước này trả tiền thật, nhận hàng “dỏm”. Hàng trăm nghìn khẩu trang KN95 mà Hoà Lan nhận được hôm 21/3, phân phát đến các bệnh viện đều không đạt đủ tiêu chuẩn cần thiết. Ngày 28/3, chính phủ Hoà Lan ra thông báo thu hồi 600.000 chiếc, chiếm một nửa lô hàng 1,3 triệu khẩu trang FFP2, do những khẩu trang này không đủ độ kín, phần lọc bị ăn bớt không thể cản virus thâm nhập. Trung Quốc biện minh “nhầm” trong khâu giao hàng.

Ngày 28/3, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Bộ Trưởng Y Tế Pháp nói thẳng là các thiết bị Trung Quốc bán cho châu Âu không đủ độ tin cậy, hàm ý tố cáo hành vi khi “kẻ đếm tiền, người đếm xác”. Sự hiện diện của Thủ Tướng Édouard Philippe bên cạnh, chăm chú nghe, không cắt gọt cho câu nói của Tổng Trưởng Y Tế Olivier Véran đồng nghĩa như tuyên bố của phát ngôn viên chính phủ, thậm chí còn gay gắt hơn”.

Nước Pháp và Âu Châu bây giờ mới sáng mắt lật mặt nạ Trung Cộng mà Hoa Kỳ đã cảnh báo từ lâu trò ăn cắp sản phẩm trí tuệ, bản quyền, ăn cắp kỹ thuật chế tạo vũ khí, hàng nhái, hàng dỏm… Nói chung những trò ma mảnh, gian trá, điêu ngoa, xảo quyệt… các nước trên thế giới không dám, chỉ có Trung Cộng bất chấp luật lệ.

Khi dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán, Hồ Nam, thì nhiều quốc gia trên thế giới (nhiều nhất là Bỉ & Pháp) hỗ trợ thiết bị y tế, trang bị bảo hộ y tế, khẩu trang, thuốc sát trùng, mặt nạ, găng tay… để cứu giúp người dân chống chọi với bệnh dịch. Khi thế giới lâm vào hoàn ảnh khốn cùng, nguy cơ của bệnh dịch là lúc Trung Cộng quay mặt của kẻ gian thương trục lợi.

Tháng 1/2020, Trung Cộng đã nhập 56 triệu mặt nạ và khẩu trang để tích trữ. Ngày 30/1/2020, chỉ trong vòng 24 tiếng, Trung Cộng nhập 20 triệu mặt nạ và khẩu trang làm cho cộng đồng quốc tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi đối diện với Covid-19.

Mỹ & Trung Cộng đang còn “so găng” với nhau trên thương trường nhưng trước nạn dịch, tháng 2, Mỹ đã gửi đến Vũ Hán 17 tấn hàng viện trợ. Hiệp Hội Bóng Rổ Hoa Kỳ tặng tỉnh Hồ Bắc số hàng trị giá 1.4 triệu USD cùng thiết bị y tế hiện đại trị. Microsoft, Dell, Boeing và L’Oreal cũng tặng tổ chức Hồng Thập Tự Trung Cộng 1.4 triệu đô bằng hiện vật lẫn hiện kim. Hai tổ chức phi chính phủ của Mỹ – MAP International và MedShare – đã tặng hơn hai triệu mặt nạ, 11,000 trang phục bảo hộ và 280,000 găng tay…

Giờ đây, nước Mỹ đã lâm vào tình cảnh nạn dịch Covid-19 đã đến mưc báo động vì có nhiều người bị nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới. tin tức dồn dập, mọi người hoảng sợ, lo âu!

Hai tuần qua bị cô lập trong nhà, buổi trưa lái xe chạy lòng vòng quanh Little Saigon, đường phố vắng xe cộ, quán xá đóng cửa, dăm ba nơi phục vụ “to go, take away” cho khách hàng. May mà các siêu thị vẫn mở cửa, còn chút sinh khí, cũng dễ thở.

45 năm về trước, ngày nầy năm xưa, tôi đang đứng xớ rớ nơi rừng thông ở bãi biển Hàm Tân, Bình Tuy. Ngày 30/3 Đà Lạt “di tản chiến thuật”, quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn bị cắt ở Long Khánh nên đi theo quốc lộ 27 xuống Phan Rang. Buổi chiều, người bạn mượn chiếc lambretta, khi trả lại gần hết xăng nhưng không biết, buổi tối cỡi xe chạy theo đơn vị vài cây số, xe không chạy được đành bỏ xe, bỏ vật dụng cá nhân, chạy bộ rồi bám vào đoàn xe di tản. Đến Phan Rang tôi tìm cách ra Nha Trang tìm thân nhân và vợ con đã rời Đạt Lạt tuần trước nhưng không có phương tiện, chỉ có đoàn người xuôi nam. Hoàng hôn trên biển nhưng trước mắt tôi chỉ là màu xám xịt, không biết vợ con ra sao, lưu lạc nơi nào? Đó là nỗi cô đơn, lo sợ trước ngày tàn cuộc chiến!

Nay ngồi trong phòng kín “May mà có em, đời còn dễ thương” (Vũ Hữu Định) khi cái dịch quái ác từ Vũ Hán vượt ngàn dặm đe dọa mạng sống trên quê hương còn lại nơi xứ người.

Bên tôi vang vọng tiếng hát Doris Day “Que Sera, Sera. Whatever will be, will be. The future's not ours, to see”. Chỉ cầu mong thảm cảnh trong La Peste ở Oran không giáng xuống trên thế gian.

Little Saigon, 02 April, 2020
Vương Trùng Dương

No comments:

Blog Archive