Cách Sống Người Úc.
Ngô Đồng Phóng Sự
Năm đó mình thuê được căn nhà nhỏ tại một vùng ngoại ô ở xa thành phố. Mình quen biết hai vợ chồng ông bà Thomas. Nhớ tháng đầu tiên gặp ông mình nói lý do mình thuê nhà ở vùng ni là muốn gần người Úc học tiếng Anh từ họ. Mình nói nếu ông bà cảm thấy không ngại chuyện chi thì ông bà cho mình làm quen, qua lại trò chuyện. Ông nói nghe cậu có vẻ thành thật làm ông không nỡ từ chối. Ông bắt mạnh tay mình và tặng cho một cái cười thân thiện vốn có của người Úc.
Ông Thomas làm xây dựng, vẽ nhà cửa, vẽ nhà cao tầng, khách sạn. Bà Margaret là một y tá trưởng tại một bệnh viện trong thành phố. Cuộc sống hai ông bà kể ra cũng thuộc hàng khá giả nhất xóm. Đời mình chưa bao giờ được quen biết ai giàu có cho tới khi gặp ông bà Thomas.
Hôm ông Thomas mời mình sang nhà cho bửa tiệc về nhà mới, người Úc kêu là ‘house-warming’. Lúc đầu mình từ chối, nghĩ ông bà sẽ mời những người bạn ‘lớn’ trong sở làm họ. Mình hàng xóm lăn xăn, không tên tuổi, ngại đến. Ông nói ông không mời ai nhiều, mấy người quanh nhà thôi. Khi mình qua chơi thì gặp toàn những người quen biết. Họ chừng bảy người. Đợi đông đủ, ông vui vẻ dẫn mọi người đi một vòng giới thiệu nhà mới cho biết. Đó là cách người Úc hay làm mỗi khi về nhà mới.
Nhà ông bà có hai tầng. Tầng dưới có ba phòng. Một phòng ngủ lớn cho ông bà và một phòng cho khách quen ở lại. Phòng kia cho cháu khi ghé thăm, có cái nôi mây, kệ đựng sách và mấy đĩa nhạc cổ điển Bach, Mozart, Beethoven, Schubert, Horowitz. Tầng trên có một phòng ngủ và phòng đọc sách. Trên đó nhìn ra xa là đồi núi, thấy cả ngựa, bò đang ăn cỏ.
Vật dụng trong nhà ông bà không nhiều. Tranh ảnh và mọi thứ được trưng bày gọn gàng, nhìn có vẻ nghệ thuật hơn là sự phô trương ở những ngà voi, rượu quý, bình cũ. Nơi phòng khách có một bức tượng đá Mozart nửa người, đặc bên cây dương cầm Yamaha đen. Ngay đó có cái cửa kiếng lớn sát đất, thấp thoáng nhìn ra khu vườn rộng nhiều cỏ cây hoa lá. Sát hàng rào có lối đi rãi sỏi đá ong. Nối liền với phòng khách là cái sàn gỗ, trên có giàn nho đỏ thòng xuống bộ bàn ghế ngồi uống café, hong nắng buổi sáng. Xa hơn xý, là dàng hoa Tử Đằng Tím Nhật Bản (wisteria) rũ từng chùm xuống, nhìn đẹp một cách lãng mạn. Gần cuối vườn có cái chuồng nuôi gà lấy trứng và mấy nhánh cây cũ treo trên cho chim ăn hạt, uống nước.
Nhìn chung phòng ốc, nhà bếp, vườn cây nhà ông bà rộng rãi, đẹp và sang trọng như khách sạn 5 sao. Nhìn riêng, nhà ông bà và nhà mình cùng chung một cái hàng rào mà mọi thứ trong cuộc sống cách nhau một vực quá xa. Ngược lại sự thân thiện của ông bà đã lấp đi khoảng cách ấy để mình bước qua cái ‘hàng rào ý thức’ một cách thỏa mái mà không ngại chuyện chi.
Ngồi chơi, ăn uống vài tiếng đồng hồ thì xong tiệc. Ông bà cảm ơn mọi người đến chơi rồi đưa họ ra tận cổng. Đến lược mình chào ông bà về, mình nói với ông Thomas tôi định mua con gà trống thả qua vườn nhà ông, chạy chơi với mấy con gà mái cho có bạn. Ông nói cậu muốn cả xóm ni 4, 5 giờ sáng thức dậy giống như cái đài đánh thức người ta hay sao mà nuôi gà trống, hả cậu nhỏ?
Lúc chuẩn bị về mình mới nhìn kỷ chiếc xe ông đậu trước cổng nhà. Mình thường tự hào là người có chiếc xe cũ nhất xóm, rứa mà chiếc xe của ông Thomas nó cũ quá trời cũ. Nước sơn trên xe tróc ra lỡm chởm. Da ghế sờn ra, nức kẻ nhìn thấy rõ. Cây ‘anten’ bắt đài bị hư, ông dùng cái móc nhôm phơi áo bẻ thành hình ba cạnh gắn lên, nhìn nó lắc lư như con lật đật. Thật ra chiếc xe của ông hợp cái hàng rào gỗ mục nhà mình hơn là hợp với cái cổng áp đá Ý bóng láng nhà ông.
Hôm bửa ông Thomas rủ mình vô sở làm ổng chơi cho biết. Khi đậu chiếc xe vào chỗ dành riêng cho ổng, mình mới biết chức vụ ông ta đang giữ nó trang trọng hơn là sự xuất hiện bề ngoài xoàng xĩnh nơi ông. Mình ra khỏi xe đóng cửa cái rầm, ông nói cậu nhỏ đóng nhẹ cửa kẻo nó bung ra. Mình nói răng ông không mua xe mới chạy cho tiện. Ông cười vỗ tay vào hông xe nói còn chạy được là được. Chuyện chi phải lo. Kỳ thực ông nói răng làm rứa. Mỗi sáng đi làm, mình thấy ông chạy xe qua mấy ngõ đường trong xóm mà chẳng ngại ai nhìn chiếc xe cũ rích của ông. Còn bà Margaret cũng đơn đơn giản giản như rứa. Năm ngày trong tuần bà bắt xe buýt đi mần. Nắng bà đội mũ, mưa bà mang dù. Chẳng có chuyện chi xung quanh làm ông bà bận tâm. Hơn nữa, người Úc thì chẳng bao giờ quá rảnh rỗi vào cái việc dòm ngó cuộc sống riêng tư người khác.
Mùa xuân là thời gian mình thấy ông bà nhiều lần nhất trong tuần. Sáng sớm cuối tuần đã thấy bà Margaret mang găng tay cặm cụi dọn dẹp, quét rác, nhổ cỏ dại ngoài vườn. Ông Thomas sau 10 giờ sáng mới bắt đầu nổ máy cắt cỏ quanh nhà. Sở dĩ ông phải đợi tới giờ ni là ông không muốn làm phiền hàng xóm bằng cái tiếng ồn ào của cái máy, dù ông biết mọi người đã dậy từ hồi 6 giờ, và ông cũng sợ thức giấc những người đi làm qua đêm về trễ.
Ở những cuối tuần khác mình thấy ông Thomas xúc đất cũ và rác trong vườn mang đi đổ. Ông chở về một xe rờ-mọt phân thay vào. Rồi hai ông bà lại cắt cỏ, tỉa cây, bón phân tưới nước, làm gọn khu vườn. Họ luôn bận rộn, chịu khó làm việc nhà như loài ong hút mật xây tổ ấm. Có lần mình hỏi răng ông không mướn người về nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, vườn cây để 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi ? Ông Thomas nói họ còn khỏe, làm lặt vặt cho vui chuyện nhà. Mướn người giúp việc, ông bà chưa nghĩ tới. Cái vui không cùng của ông bà tưởng chừng như đơn giản mà hóa ra làm mình suy nghĩ miên man. Hạnh phúc gia đình ông bà đang có, phải chăng một phần đến từ những giọt mồ hôi mà ông bà cùng nhau nhỏ xuống từ trong nhà ra ngoài vườn ?
Hôm trời nắng nóng, mình dẫn bé Atiso qua nhà ông bà chơi với mấy em gà. Mình thấy họ mỗi người ngồi trên một cái ghế bập bềnh, rocking chair, dưới giàn hoa Tử Đằng. Trên cây chim hót vang cả một góc vườn yên tĩnh. Ông Thomas ngồi đọc báo Time của Mỹ, bà Margaret đọc sách về nữ y tá Florence Nightingale chăm sóc những thương binh trong trận chiến Crimea. Bà Margaret nói với mình họ vừa mua được cái nhà cũ ở biển. Vài tuần nữa ông bà xuống đó sửa nhà để sau này nghỉ ngơi. Họ nhờ mình qua nhà cho gà ăn rồi lấy trứng về dùng.
Xứ Úc, có được một căn nhà ở biển là chuyện mà mọi người mơ ước. Ngày ông bà xuống biển sửa nhà, cách 200km từ nơi đang ở, ông Thomas lái xe ngang nhà mình chào tạm biệt. Mình nói đùa ngài muốn lấy xe tôi chạy cho an toàn không. Ông nói cảm ơn lòng tốt của cậu. Ông vừa nói vừa đưa lên chiếc điện thoại Nokia di động đời đầu tiên. Có chi tui gọi cho cậu.
Tôi biết trong vài ba tháng tới hay vài chục năm nữa, tôi có thể giàu có như gia đình ông bà Thomas, nhưng tôi biết chắc một điều là tôi không thể nào có được một cuộc sống giàu sang trong sự giản dị như ông bà Thomas. Trừ khi tôi thật sự là một người Úc !
Ngô Đồng
April 2020
No comments:
Post a Comment