BẢN TIN ĐẶC BIỆT # 14: 25/4/2020
CẬP NHẬT THỐNG KÊ
Ø Tổng số người bị nhiễm đã vượt qua mức 900.000, với hơn 50.000 (5,6%) người chết và hơn 90.000 (10%) người khỏi bệnh. Tỷ lệ người khỏi bệnh tăng nhanh, bây giờ đã gần gấp đôi tỷ lệ bị nhiễm.
Ø Tin đáng lưu ý nhất là số tử vong đã có chiều hướng giảm nhiều theo tỷ lệ trong tháng này, tuy vẫn còn tăng 5-7.000 người mỗi ngày. Trong tháng Ba, tỷ lệ tử vong tăng mỗi ngày là khoảng 10%-15%, trong khi tỷ lệ này trong tuần qua đã tăng khoảng 3%-4%.
Ø So sánh Mỹ với Tây Âu (24/4/2020):
Quốc Gia
|
Tỷ Lệ Nhiễm
(so với dân số)
|
Tỷ Lệ Tử Vong
(so với số nhiễm)
|
Mỹ
|
0,2%
|
5,7%
|
Ý
|
0,3%
|
13,5%
|
Tây Ban Nha
|
0,5%
|
10,3%
|
Pháp
|
0,2%
|
15,7%
|
Bỉ
|
0,4%
|
15,1%
|
Hòa Lan
|
2,1%
|
11,8%
|
Anh
|
0,3%
|
13,6%
|
Đức
|
0,2%
|
3,6%
|
Nếu tính theo tỷ lệ:
- Mỹ có tỷ lệ nhiễm thấp nhất so với Tây Âu, ngang với Pháp và Đức;
- Mỹ có tỷ lệ tử vong cao hơn Đức, nhưng thua xa tất cả các nước Tây Âu khác.
FDA CHẤP NHẬN CHO THỬ NGHIỆM TẠI GIA
Tổ chức Quản Trị Thực Phẩm Và Thuốc -Food and Drug Administration- đã chấp thuận cho dân Mỹ được thử nghiệm tại gia xem có bị nhiễm vi khuẩn COVID hay không, qua bộ thử nghiệm RT-PCR Test của công ty LabCorp. Thiên hạ có thể dùng que bông gòn Q-tip thấm nước nhờn trong mũi của mình rồi gửi que đó về trung tâm Lab để họ thử nghiệm và cho biết kết quả.
Tuy nhiên, muốn làm vậy, vẫn cần phải có toa bác sĩ. Cho đến nay, nhiều chi tiết vẫn còn chưa được đúc kết, thiên hạ phải chờ, và cũng chưa có bác sĩ nào ký toa đâu.
Các bộ thử nghiệm sẽ được đưa ra công chúng trong tuần tới, cùng với nhiều chi tiết khác.
KẾ HOẠCH CỨU TRỢ MỚI
Thượng Viện hôm Thứ Ba đầu tuần đã thông qua một kế hoạch cứu trợ mới, trị giá tới 484 tỷ đô, phần lớn để giúp giới tiểu thương và các bệnh viện trong nạn dịch hiện nay.
Biểu quyết được thông qua bằng miệng, 100% bởi đúng 6 thượng nghị sĩ có mặt (4 CH, 2 DC) trong khi hầu hết vắng mặt, không đi họp.
Hạ Viện cũng đã thông qua tương tự ngày Thứ Năm. Qua Thứ Sáu, TT Trump đã ký.
Trong kế hoạch trước, đã dành 350 tỷ cho tiểu thương, nhưng số tiền này đã hết rất nhanh, bây giờ giới tiểu thương cần thêm tiền cứu trợ. Một lý do quan trọng là việc thiếu định nghĩa rõ ràng thế nào là tiểu thương, đưa đến tình trạng nhiều số tiền lớn đã lọt vào tay nhiều đại công ty.
Một thí dụ điển hình: các trường đại học lớn thuộc nhóm gọi là Ivy League như Harvard, Yale, Columbia, MIT,… đều chia nhau mỗi trường nhận được cả chục triệu đô, gọi là để giúp trang trải học phí của các sinh viên. TT Trump đã lớn tiếng công kích, đặc biệt là trường Harvard khi trường này là trường giàu nhất vũ trụ, có quỹ tặng dữ lên tới 42 tỷ đô, và sinh viên thì toàn là con cháu triệu phú với tỷ phú, mà vẫn cố cào cấu, nhéo được 9 triệu đô trong quỹ cứu trợ. Sau khi bị TT Trump công kích, Harvard đã cảm thấy xấu hổ, hoàn trả lại tiền, không lấy xu nào. Khi nào thì Yale, MIT,… noi gương?
Có tin nhiều sinh viên đang tổ chức kiện các trường đòi hoàn trả lại học phí rất cao -khoảng 40-50.000 đô một năm- của các trường này khi các trường đều đóng cửa, sinh viên không đi học gì hết. Các trường lớn giàu sụ này không chịu hoàn trả tiền, viện cớ họ không chịu trách nhiệm việc COVID bắt đóng cửa trường.
Việc gia tăng cứu trợ dĩ nhiên đã và sẽ bị nhiều người chỉ trích, cho rằng nhiều tiền tung ra như vậy sẽ đưa đến tình trạng kinh tế suy trầm, suy thoái gì đó.
Vung tiền ra như vậy tất nhiên sẽ đưa đến tình trạng gia tăng thâm thủng ngân sách, gia tăng công nợ. Nhưng nói tung tiền ra sẽ đưa đến tình trạng kinh tế suy thoái là lẫn lộn giữa căn bệnh và thuốc chữa bệnh. Kinh tế suy thoái là do bệnh dịch bắt kinh tế đóng cửa, và các gói cứu trợ chính là thuốc để cản căn bệnh suy thoái phát tác quá mạnh, chứ không phải tiền cứu trợ sẽ gây suy thoái.
Bị bệnh tất nhiên phải chịu bỏ tiền ra mua thuốc chữa bệnh để giúp bớt bệnh. Chứ không thể nói bỏ tiền ra mua thuốc chữa trị là nguyên nhân tạo ra bệnh, lại gây ra thâm thủng ngân sách gia đình.
TĐ NEW YORK BẮT TAY VỚI TT TRUMP
Thống đốc New York Andrew Cuomo đã họp với TT Trump tại Tòa Bạch Ốc. Sau buổi họp, ông Cuomo đã ca ngợi thiện chí của TT Trump muốn tìm cách giúp New York gia tăng việc thử nghiệm cho dân New York, là nơi dịch corona hoành hành mạnh nhất. Ông Cuomo nói TT Trump đã tỏ ra “cởi mở và thông cảm” cho tình trạng nguy kịch của New York.
TĐ Cuomo cho biết TT Trump sẽ giúp tăng gấp đôi số người đang được thử nghiệm, từ 20.000 người một ngày lên tới 40.000.
Hiển nhiên, ông Cuomo đã thay đổi giọng hát, sau khi liên tục sỉ vả TT Trump. Ông Cuomo đang ‘đu giây’, một mặt công kích TT Trump để chạy tội, bán cái trách nhiệm đối phó với dịch vào tay TT Trump, mặt khác ông cũng hiểu rõ ông rất cần sự giúp đỡ của chính quyền liên bang, tức là chính quyền Trump.
Trong vụ thử nghiệm, một nhà báo của TTDC đã công kích tT Trump đe dọa sinh mạng cả triệu người. Theo anh này, muốn mở cửa kinh tế an toàn thì phải thử nghiệm dân, cỡ 20 triệu người mỗi ngày thì mới an toàn.
Chuyện bá láp không tưởng. Hiện nay, khả năng của cả tiểu bang New York là thử nghiệm cho 20 ngàn người một ngày, mà đòi hỏi phải thử nghiệm 20 triệu người mỗi ngày, thì ta có thể chờ tới vài ngàn năm nữa nếu thế giới này còn tồn tại.
BÌNH LOẠN GIA MAHER CHỈ TRÍCH ĐỒNG NGHIỆP
Bình loạn gia Bill Maher, một tay cấp tiến cực đoan chuyên nghề sỉ vả Trump trên đài HBO, cũng là người trước đây cầu xin cho kinh tế bị suy thoái nặng để Trump mất job, đã lên tiếng kêu gọi các đồng nghiệp TTDC kéo thắng tay, bớt thổi còi báo động mỗi ngày, bớt loan những tin xấu nhất rồi thổi phồng cho xấu thêm, gây hoang mang sợ hãi trong quần chúng Mỹ.
Anh Maher này nói không sai. Đó chính là việc TTDC Mỹ đang làm. Cố tình hù dọa tối đa, tạo hoang mang, đưa đến thù ghét Trump để giúp cụ Biden thắng cử cuối năm nay.
Anh Maher thật ra không thương TT Trump gì đâu, cũng chẳng phải vì lương tâm nghề nghiệp muốn các đồng nghiệp tôn trọng sự thật, loan tin một cách trung thực hơn đâu. Trái lại, anh ta khuyên can các đồng nghiệp nên nhẹ tay, bớt xuyên tạc, chỉ vì theo anh ta nghĩ, dân Mỹ là dân bình thường lạc quan, thích nghe tin lạc quan hơn là nghe tin đại họa. Do đó, nếu đảng DC và TTDC suốt ngày tung tin đại họa thì cuối cùng, dân Mỹ sẽ bầu cho TT Trump hết.
Thực tế lịch sử Mỹ chứng minh anh Maher này nói không sai lắm.
Năm xưa, TT Carter chủ trì một nền kinh tế thảm hại, suốt ngày lên TV báo động, thành thật khai báo với dân tình trạng bết bát lắm, sẽ còn phải chịu nhiều khó khăn lắm. TTDC ca tụng TT Carter lương thiện. Trong khi ông Reagan ra tranh cử với khẩu hiệu “mặt trời mọc trên đỉnh đồi”, hứa hẹn một ngày mai trời lại sáng. TTDC chế nhạo là bốc phét. Kết quả, ông Carter đã là tổng thống một nhiệm kỳ.
CNN TIẾP TỤC HÙ DỌA
CNN loan tin dịch corona sẽ tấn công Mỹ tàn bạo hơn trong mùa hè tới, và qua mùa đông cuối năm nay, sẽ còn kinh hoàng hơn nữa.
Theo CNN, một kịch bản mới do máy điện toán tính ra cho thấy số người chết sẽ cao hơn số ước lượng hiện nay ít nhất là 10%, nghĩa là có thể sẽ lên tới 66.000 tháng Tám tới.
Thật ra, 66.000 tử vong là con số khá thấp so với những ước tính từ 100.000 tới 240.000 người chết trước đây.
Cách biệt quá lớn giữa các con số chỉ chứng minh một chuyện: tất cả ước tính từ computer gì đó đều vô nghĩa hết. Computer là một cái máy vô tri vô giác, chỉ tính cộng trừ nhân chia dựa trên những con số và giả thuyết mà các chuyên gia nhét vào máy thôi. Chuyên gia nhét số nhỏ với những giả thuyết lạc quan thì máy sẽ chạy ra số nhỏ, ngược lại, chuyên gia nhét số lớn với những giả thuyết bi quan thì máy sẽ chạy ra số lớn thôi.
PHONG TRÀO CHỐNG CẤM CUNG LAN TRÀN
Các cuộc biểu tình chống cấm cung đã lây lan ra khắp nước Mỹ, cũng nhanh không kém sự lây lan của COVID. Các thống đốc, là những người có quyền lấy quyết định -chứ không phải TT Trump- đang bối rối không biết phải xử trí ra sao.
Ai cũng hiểu kinh tế không thể đóng cửa quá lâu được. Đó là nguồn sống của cả triệu triệu người, là nguồn tiền thu nhập, không có thì cũng sẽ chết thôi. Cứu trợ ngắn hạn hay trợ cấp dài hạn dĩ nhiên không phải là đáp số. Không ai có việc làm, không ai có thu nhập, không ai có lợi tức, không ai đóng thuế, thì Nhà Nước cũng chẳng còn tiền để ban phát cho ai hết. Chưa kể Nhà Nước hết tiền cũng phải sa thải công chức, xập tiệm hết luôn, sẽ không còn những dịch vụ thiết yếu như cảnh sát, cứu thương, đổ rác, điện nước,…
Dĩ nhiên không kém là hiện nay, mối nguy của dịch vẫn còn đó, nếu mở cửa kinh tế tất nhiên sẽ có nhiều rủi ro. Nhưng cuộc sống tự nó đã mang nhiều rủi ro mà tất cả chúng ta phải chấp nhận thôi. Lấy ví dụ cụ thể nhất, mỗi ngày có hơn 5.000 người chết vì tai nạn xe hơi. Có phải vì vậy mà chúng ta nên cấm xe hơi lưu thông không? Đó là một trong những cái rủi ro mà dù muốn hay không chúng ta vẫn phải chấp nhận thôi.
Các chính trị gia Mỹ, nhất là trong phe DC, với sự tiếp tay của đồng minh TTDC, đang ồn ào tố cáo những người muốn mở cửa kinh tế là ngu xuẩn hay tàn ác, muốn cho thiên hạ chết. Cái gian trá trong sách lược này là hô hoán ầm ĩ làm như thể các tiểu bang CH chủ trương một sớm một chiều mở toang cửa, đón mời vi khuẩn vào nhà giết thêm thiên hạ. Đặc biệt là TT Trump, theo TTDC là người sẵn sàng chấp nhận dân chết, mở cửa kinh tế để mình được tái đắc cử. Cái ngu của lập luận này là nếu dân chết hàng loạt thì làm sao TT Trump có thể tái đắc cử lại được? Lý luận như vậy mà cũng có người tin mới lạ.
Sự thật là chỉ cần nhìn vào một nhúm tiểu bang đã bắt đầu mở cửa. Chẳng có tiểu bang nào mở toang cửa, trở lại cuộc sống bình thường như trước cơn dịch hết. Nói mở cửa mà thật sự chỉ là mở hé rất nhỏ. Như tiểu bang mở cửa đầu tiên, Texas cho các tiệm bán hàng mở cửa lại, nhưng khách mua phải đặt hàng bằng điện thoại trước, sau đó, lái xe đến tiệm, phải ngồi trong xe, mở cốp sau lưng xe, rồi nhân viên của tiệm mang gói hàng bỏ trong cốp xe. Hai bên không gặp nhau, không nói chuyện với nhau, không bắt tay nhau, không hello gì ráo. Texas cũng khuyến cáo mọi người ra đường phải đeo khẩu trang, tôn trọng việc cách ly đứng xa người khác, và cũng khuyến cáo những người có sức đề kháng yếu kém không nên ra đường, nghĩa là các người cao niên, hay những người có bệnh như đau tim, suyễn, cao máu, tiểu đường vẫn phải ở nhà.
Chỉ có vậy thôi mà TTDC đã hô hoán như các thống đốc mở cửa cho tận thế.
Bây giờ là mùa tranh cử, các chính khách không thể nào bỏ qua cơ hội khai thác mọi thứ vũ khí có thể đánh đối thủ được, xuyên tạc, bóp méo, tố sảng, phịa tin,… May là chưa đến nỗi vác súng bắn nhau. Phe DC hiển nhiên muốn kinh tế càng thảm hại càng lâu càng tốt cho hy vọng thắng cử của họ trong tháng Mười Một tới này. Để rồi họ hy vọng cụ Biden sẽ hạ được TT Trump. Khi đó bài ca con cá vàng năm 2008-09 lại được đồng ca lại: đảng CH mang đại họa đến cho dân, đảng DC đến cứu dân. Sau đó khi cơn dịch qua, kinh tế bốc lên lại thì sẽ có dịp ca thêm kinh tế Biden bốc lên như diều sau khi nhận được gia tài thê thảm của Trump.
TTDC mô tả những người biểu tình đòi mở cửa như là những thành phần cuồng mê Trump, cực hữu, thượng tôn da trắng. Chỉ khiến người ta nhớ lại câu nói bất hủ của bà Hillary, “cả nửa nước là thành phần trong cái rổ tệ hại”- basket of deplorables. Vài thống đốc DC như bà thống đốc Michigan Whitmer, ồn ào tố việc TT Trump mở cửa kinh tế sẽ đe dọa mạng sống của cả vạn người. Xin lỗi bà, chứ quyết định mở cửa hay không mở cửa kinh doanh của tiểu bang là quyết định của bà, của các thống đốc, chứ đâu phải là quyết định của tổng thống, của ông Trump đâu.
Trong cuộc chiến về cấm cung này, thiên hạ đã thấy rõ ràng TT Trump là người đang tranh đấu cho cuộc sống của người dân, trong khi đảng DC và TTDC thì vẫn đang lo hù dọa tối đa, cố giết kinh tế. Sau khi chuyện thông đồng với Nga và đổi chác với Ukraine không lật đổ được Trump thì bây giờ phe cấp tiến chỉ còn trông mong vi khuẩn Tầu cộng sẽ giúp được họ thôi. Hy vọng cuối. Cái phao cứu sống cuối.
GS STANFORD NÓI VỀ CẤM CUNG
Một giáo sư đại học cấp tiến Stanford, trưởng khoa thần kinh học, BS Scott Atlas đã viết bài khuyến cáo mọi người nên tỉnh táo, nhận định cho đúng mức nguy hại của vi khuẩn, và so sánh mức nguy hại đó với mức nguy hại cho kinh tế và xã hội đang bị tàn phá tận gốc.
TIỆM CALI MỞ CỬA LẠI
Một tiệm cắt tóc và một tiệm làm móng tay tại Sacramento, tiểu bang Cali, đã quyết định mở cửa lại, chống lại lệnh của thống đốc Gavin Newsom. Chủ những tiệm trên cho biết họ đã làm đơn xin tiền cứu trợ nhưng bị bác, không rõ vì lý do gì, do đó họ không còn lựa chọn nào khác hơn là mở cửa tiệm để có tiền sống. Họ khẳng định quyền muốn sống, đi tìm hạnh phúc -pursuit of happiness- là quyền được Hiến Pháp bảo vệ.
Đây là chuyện nhu cầu thực tế mà các nhà lãnh đạo cần nhìn và tìm biện pháp giải quyết thực tế hơn là mù quáng tố những người muốn mở cửa kinh doanh để kiếm sống là thành phần cực hữu quá khích thượng tôn da trắng, chỉ là loại tố giác phe đảng vớ vẩn.
BỘ TƯ PHÁP VÀ VIỆC CHỐNG CẤM CUNG
Bộ trưởng Tư Pháp, ông William Barr cho biết ông đang nghiên cứu có thể hậu thuẫn việc dân kiện các chính quyền tiểu bang và địa phương vì những lệnh cấm cung quá gắt gao, gây thiệt hại quá lớn cho dân, và người dân, chiếu Hiến Pháp, có quyền phản đối và thưa kiện.
Việc cấm cung, đóng cửa kinh tế cả nước đã gây ra những thiệt hại không ai có thể đo lường được. Cho đến nay đã có hơn 25 triệu người bị mất việc. Đó là chưa kể cả triệu cơ sở kinh doanh nhỏ đã bị đóng cửa, mất thu nhập, sẽ phải khai phá sản trong tương lai rất gần. Cơ nghiệp của cả vạn người xây dựng trong cả cuộc đời sẽ tan thành mây khói. Nên nhớ gói cứu trợ tiểu thương chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh nhỏ vay tiền để trả lương công nhân, trả tiền thuê tiệm, trả tiền điện nước,… nhưng không bù đắp lại việc các chủ nhân bị mất hết thu nhập.
Dĩ nhiên, đây chỉ mới là việc bộ Tư Pháp ‘nghiên cứu’. Hơn nữa, cũng chỉ là hậu thuẫn việc thưa kiện thôi, còn quyết định tối hậu sẽ nằm trong tay các quan tòa. Nếu có bất đồng ý thì sẽ lên các tòa trên, có thể lên tới Tối Cao Pháp Viện luôn.
TT TRUMP BẤT ĐỒNG Ý VỚI THỐNG ĐỐC GEORGIA
TTDC lại vừa bị TT Trump ‘múa võ’ khiến họ chới với lo vặn lưỡi biện giải. Sau cả tuần lễ công kích TT Trump muốn mở toang cửa kinh tế thì bây giờ họ gãi đầu gãi tai giảng giải quyết định mới của TT Trump.
Tiểu bang Georgia quyết định mở cửa lại kinh doanh, chưa mở toang hết dĩ nhiên, nhưng có lẽ mở lớn nhất trong các tiểu bang đã quyết định mở cửa lại. Đặc biệt, Georgia cho phép các tiệm ăn mở cửa lại, và luôn cả các tiệm hớt tóc, tiệm làm móng tay, … là những ngành tương đối nguy hiểm vì khách hàng và nhân viên ngồi đối diện sát nhau cả tiếng đồng hồ.
Sau khi biết được quyết định này, TT Trump đã cho biết ông đã nói chuyện với thống đốc CH của Georgia và cho biết ông cực lực không đồng ý -strongly disagreed- với ông thống đốc vì ông thống đốc đã đi quá xa hướng dẫn của TT Trump, nhưng đó là quyết định của thống đốc.
Những chi tiết này chứng tỏ quyền hạn của tổng thống Mỹ rất giới hạn, và những tố giác kiểu bán cái trách nhiệm từ các thống đốc qua tổng thống như TĐ New York suốt ngày làu bàu, chỉ phản ảnh cái hèn của các thống đốc nói riêng và chính khách nói chung.
TTDC TIẾP TỤC BÔI BÁC
Trong một buổi họp báo, TT Trump nêu câu hỏi có thể dùng thuốc tẩy trùng -disinfectant- để diệt trừ vi khuẩn corona được không?
TTDC đồng thanh hô hoán tổng thống hỏi câu hỏi ngu nhất, và TTDC trả lời luôn “uống thuốc tẩy trùng sẽ chết”. Báo Washington Post vội vã khuyến cáo thiên hạ đừng nên nghe lời TT Trump uống nước tẩy trùng sẽ chết. Bà Hillary mau mắn tuýt “Làm ơn, xin quý vị đừng nghe lời Trump nốc thuốc tẩy trùng, sẽ chết”.
Vâng, không có lời nhắc nhở của WaPo và bà Hillary thì ngày mai 300 triệu dân Mỹ sẽ xếp hàng nốc vài chai thuốc tẩy bleacher để diệt vi khuẩn corona. Cám ơn WaPo và bà Hillary đã cho chúng tôi biết dân Mỹ -hay chính xác hơn, những người đọc WaPo và nghe lời bà Hillary- ngu cỡ nào.
Đây là nguyên văn câu nói của TT Trump:
“And then I see the disinfectant where it knocks it out in a minute. One minute. And is there a way we can do something like that by injection inside or, or almost a cleaning? Because you see it gets on the lungs and it does a tremendous number, so it will be interesting to check that. So that you're going to have to use medical doctors. But it sounds, it sounds interesting to me. So we'll see”.
Kẻ này còn nhớ khi còn đi học hay khi đi nghe diễn thuyết, luôn luôn ông giáo sư hay người diễn thuyết cuối phần trình bày nói “Ai có câu hỏi gì không? Cứ mạnh dạn hỏi, không có câu hỏi nào là câu hỏi ngu hết, chỉ có người thiếu thông minh không nghĩ ra được câu hỏi thôi.”
Thật ra thằng nhóc chăn trâu ở Đồng Tháp cũng hiểu ý của TT Trump muốn gợi ý các khoa học gia nghiên cứu có thể dùng thuốc này chế biến sao đó để diệt vi khuẩn được không. Chuyện bé hơn hạt tiêu mà hoàn toàn hợp lý, nhưng đã được TTDC vồ lấy như tìm được mỏ vàng để bôi bác. Dĩ nhiên, vài cụ tỵ nạn đã mau mắn làm vẹt thông ngôn ngay, sợ chậm trễ ít hôm sẽ mất tiền già.
Cái thù ghét Trump đã khiến nhiều người trở nên thiếu lương thiện, sẵn sàng nói láo, xuyên tạc, tung tin phịa,… mà mặt vẫn tỉnh bơ. Đáng buồn!
TIN LỪA ĐẢO
Tin từ Houston cho biết đã có ba người Mỹ gốc Việt bị bắt về tội lừa đảo tại Woodlands, một khu vùng bắc thành phố Houston.
Lợi dụng việc chính phủ Mỹ cấp cho mỗi người số tiền cứu trợ 1.200 đô, nhiều người đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều dân tỵ nạn. Họ đã dùng những mánh như giúp điền đơn xin tiền, hay giúp cách chuyển tiền vào trương mục ngân hàng, hay giúp lấy tiền cho nhanh,…
DĐTC đã cảnh giác rồi, bây giờ xin nhắc lại: quý vị không ai cần phải làm bất cứ chuyện gì hết, sở thuế IRS tự động tính tiền và gửi tiền cho tất cả mọi người, không cần điền đơn gì hết, không cần bất cứ ai giúp chuyện gì hết. Nhất là những người hỏi các tin tức cá nhân như số An Sinh Xã Hội (social security number), hay số trương mục ngân hàng, hay mật mã máy rút tiền ATM,… tất cả đều là phường gian manh.
Nếu có ai điện thoại hay email đề nghị giúp bất cứ chuyện gì, xin báo cảnh sát ngay. Tất cả chỉ là những mánh của những tên vô lương tâm thôi.
Sẵn đây, cũng xin cảnh giác những người vô lương tâm này là nếu bị bắt sẽ đi tù tối thiểu 10 năm. Nếu chưa phải là công dân Mỹ, sẽ bị trục xuất về VN sau khi mãn hạn tù. Mà đá là công dân hợp pháp cũng chưa chắc là sẽ không bị trục xuất, như Tối Cao Pháp Viện mới quyết định.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment