Sunday, April 26, 2020

Anh Thủy

Nguyễn Trần Diệu Hương

Dạo đó, đầu thập niên 70, dưới giàn hoa giấy, trong khoảng sân nhỏ nhà chúng tôi, thỉnh thoảng có những người lính thuộc mọi binh chủng của Quân lực VNCH. Họ ngồi hút thuốc, hay tay đàn miệng hát vì trong cư xá Đoàn Văn Cự ở Biên Hòa có khá nhiều chị đang học lớp 12 rất đẹp. Nhà chúng tôi ở đầu cư xá nên các chị thường phải đi ngang nhà chúng tôi trước khi về nhà mình.

Anh Duy, nhà bên cạnh, là Thiếu úy của một đơn vị Bộ Binh của Quân Đoàn 3. Anh hiền lành, ít nói, hay cười. Anh hy sinh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nghe nói, anh và cả tiểu đội của anh quây quần bên nhau thành một vòng tròn rồi rút chốt một trái lựu đạn vào buổi chiều ngày 30 tháng 4 khi hai mươi triệu người miền Nam vẫn tưởng mình đang sống trong một cơn ác mộng. Buồn thay đó là một cơn ác mộng có thật, kéo dài mãi đến hôm nay.

Cậu Quyền, em họ của Mẹ, là Trung úy Quân Cảnh.

Chú Hiển, em họ của Ba, là Thiếu úy Không Quân. Chú ngắn số nên tử trận rất sớm, ở tuổi 25, chưa kịp dẫn người yêu về ra mắt cha mẹ .

Anh Ân, cháu của một bác hàng xóm là lính Hải Quân, vẫn tay đàn, miệng hát bài "Hoa biển" rất hay.

Anh Thủy (cháu của bà Năm, vú nuôi đã giúp Mẹ tôi bồng bế chúng tôi từ lúc còn đỏ hỏn) là lính Thủy Quân Lục Chiến. Trên tay áo của anh có đính một phù hiệu có chữ “Trâu Điên” và hình một con trâu với hai cái sừng to, đôi mắt đỏ ngầu đang đùng đùng nổi giận. Ấy vậy mà anh Thủy hiền khô. Sau mỗi lần hành quân, đơn vị được nghỉ dưỡng quân ở căn cứ Sóng Thần, anh được tự do vài ngày. Không đủ thời gian về thăm mẹ và các em ở Bồng Sơn, Quy Nhơn, anh Thủy về thăm dì Năm của anh, nghỉ tạm ở nhà chúng tôi.

Một vài ngày phép của người lính trận quý lắm, nhưng anh Thủy chỉ quanh quẩn trong nhà. Anh hỏi Mẹ chúng tôi:

- Cô có cần làm gì không, con làm cho

Mẹ nhẹ nhàng:

- Cô cảm ơn Thủy, việc nhà thì nhiều lắm, không bao giờ hết, nhưng con chỉ về phép có 3 ngày thì đi chơi cho biết phố phường.

Anh Thủy dạ dạ vâng vâng, rồi ra ngồi dưới giàn bông giấy bên hiên nhà tay đàn miệng hát, từ tân nhạc, qua cải lương.

Cái guitar thùng chúng tôi mượn được cho anh Thủy từ nhà hàng xóm. Cái guitar đó là quà sinh nhật của bác Thịnh hàng xóm mua cho anh Duy khi anh lên lớp 12.

Cứ rảnh rỗi, sau giờ học, anh Duy lại đàn, bài tủ của anh là bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" của Nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang. Anh là người hướng dẫn anh chị em chúng tôi biết về phong trào du ca. Thi tú tài xong, anh Duy vào Thủ Đức, và biền biệt vì chiến trận. Anh để cây guitar lại nhà. Lâu lâu, chúng tôi lại chạy qua nhà hàng xóm mượn cây guitar về cho đủ các sắc lính "hải, lục, không quân" ghé nhà chúng tôi trong những kỳ phép ngắn ngủi, họ không thể về quê nhà ở miền Trung, hay trên cao nguyên đất đỏ "đi dăm ba bước đã về chốn cũ".

Lần này đến phiên anh Thủy gãy những nốt nhạc nhanh của bài hát quen thuộc trên chương trình "Tiếng nói Động viên" trên màn ảnh TV mỗi tối. Đây không phải là lần đầu anh Thủy đàn với cây guitar của nhà hàng xóm chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn theo thói quen dặn dò anh: "Anh đàn, giữ cẩn thận nha, không thôi mai mốt anh Duy về phép, la tụi em, và không cho mượn đàn nữa."

Sau giờ học, anh cả của chúng tôi hay dẫn mấy anh bạn học, lớp 8, về nhà chơi. Một vài người trong số họ rất quý anh Thủy vì tuy anh mặc đồ lính Thủy Quân Lục Chiến rằn ri nhưng anh rất hiền, tương phản với vết xâm sóng biển và một cánh chim hải âu bay trên biển và bốn chữ "chim bay về biển" trên cánh tay bên trái của anh, trông rất "ngầu”..

Là con gái, tôi không tham gia chuyện "hỏi đáp thắc mắc về lính" của các anh lớp 8 với một người lính trẻ (rất là "hậu phương tiền tuyến đoàn kết một lòng") nhưng bàn học của chúng tôi nhìn ra hiên nhà dưới giàn bông giấy nên vẫn vô tình được "hóng chuyện":

- Anh Thủy ơi, đi lính cực lắm hả anh? Có gì vui không?

- Lính trận mà không cực thì đâu phải là lính nữa mấy em! Vui hả, có chứ nhưng vui thì chút chút thôi, mà buồn thì nhiều lắm.

- Anh kể chuyện tụi em nghe vài chuyện vui của lính .

- Giữa rừng sâu, hay trận mạc, mà có một điếu thuốc lá Capstan mà tụi anh vẫn đùa là "Cho anh phát súng tim anh nát" thì cũng vui như các em đi học mà được điểm 20 vậy. Hay như lúc một thằng bạn nhận được thư đào của nó, “vui quá hóa thành siêu nhân” xách ba lô giùm anh trong một cuộc hành quân giữa rừng phải leo lên một ngọn đồi nhỏ .

Nhưng vui nhất, vui cả tuần, là nhận được thư “đào” từ hậu phương. Nhiều khi cả tháng sau, tụi anh mới nhận được, khi nào có máy bay C130 mang đồ tiếp tế, mang theo thư của người nhà lên.

- Còn chuyện buồn thì sao hả anh?

Anh Thủy ngước mắt nhìn người hỏi, rồi hỏi ngược lại:

- Mấy giờ thì em phải về nhà? Để anh biết kể vài chuyện buồn thôi, chứ nếu kể hết chắc là tối nay em phải xin phép ba mẹ ở lại đây, và ngày mai phải xin phép nghỉ học.

Buồn da diết và buồn lâu nhất là phải sửa xác thằng bạn của mình ngay ngắn lại, thu xếp ba lô của nó để chờ trực thăng đưa về hậu cứ. Khi nào các em có cơ hội "bị" vuốt mắt một thằng bạn mới 22 tuổi của mình, thân thể vẫn còn nóng ấm, thì các em mới hiểu hết nỗi niềm của một người lính trận trong chiến tranh. Nhưng mà anh cầu mong lúc các em lớn lên thì nước mình hết chiến tranh, tụi em không bao giờ phải buồn như anh.

- Anh được về phép mà sao không đi chơi? Đi gặp “đào”?

- Con bồ của anh ở tuốt ngoài Bồng Sơn, Bình Định mà anh chỉ được có 72 tiếng phép, xin máy bay quân sự C130 thì đâu phải lúc nào cũng có, mà máy bay dân sự thì phải tốn tiền, mà anh đâu sẵn tiền. Tụi em không nghe câu "tiền lính tính liền" hả?

Một giọng khác vang lên trong đám bạn học của anh tôi, ngây thơ như tuổi của một học sinh lớp 8:

- Vậy chứ tiền lương của anh đâu?

Anh Thủy quay lại xoa đầu người vừa hỏi:

- Anh gởi về cho má của anh ở quê, chỉ giữ lại một chút đủ đi xe đò, và hút thuốc. 

Một câu hỏi khác vang lên, còn ngây thơ hơn:

- Ủa, ở trong rừng cũng có cách gởi lương về quê cho má của anh?

- Không, trong rừng chỉ có lá, có cây, có đất, có đồng đội, có kẻ thù VC. Nhiều khi cứ nghĩ là lính tráng tụi anh sinh ra để bắn nhau, bắn chậm là chết, quyết định sai lầm là "từ chết đến bị thương", quyết định đúng thì thắng, bởi vậy mới có câu ra trận là "một xanh cỏ, hai đỏ ngực", không có nhiều lựa chọn. 

Khi vô lính, anh có ký giấy yêu cầu mỗi tháng đến kỳ lương, đơn vị hậu cần gởi lương về cho má anh 90%, chuyển ra mặt trận cho anh chỉ 10% thôi. Vậy mà nhiều khi anh cũng khá "giàu có" vì có khi vài tháng không ra khỏi rừng, không rời trận mạc thì đâu có gì phải tiêu xài.

- Nếu được quay trở lại thời đi học như tụi em, anh có đi lính TQLC không?

- Nếu được như vậy, anh sẽ học giỏi hơn để ít nhất cũng vô được trường Thủ Đức hay Đà Lạt ra sĩ quan đỡ cực hơn, lương cao hơn. Nhưng anh cũng sẽ chọn đi binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, tên anh là Thủy mà.

- Em tên Quân, nhưng mai mốt lớn lên em sẽ không đi Quân Cảnh, mà em sẽ đi Thủy Quân Lục Chiến giống anh vì em thích bộ quân phục rằn ri, và vì em muốn Việt Cộng không còn để khỏi có cảnh Mậu Thân 1968.

- Vậy thì ráng học giỏi để vô Đà Lạt hay Thủ Đức, lúc đó nếu anh vẫn còn sống sót, lành lặn, và nếu đất nước mình vẫn còn chiến tranh, thì biết đâu lúc đó anh sẽ là Chuẩn úy già làm cần vụ cho em. 

Mà anh em mình cùng cầu Trời khấn Phật cho sớm hết chiến tranh .
.. .

Những câu chuyện không đầu, không đuôi như vậy, được hỏi với cái ngây thơ của những nam sinh lớp 8, 13 hay 14 tuổi, (bạn học của anh cả chúng tôi), được trả lời với sự chân thật của một người lính trận thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, bằng một cách nào đó theo tôi mãi đến bây giờ.

Dạo đó, tôi đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe với Ba Mẹ trong bữa cơm tối. Còn nhớ đó là một buổi tối hiếm hoi Ba được về nhà trong những ngày cuối cuộc chiến.

Chúng tôi khờ khạo không hiểu là vì túi cạn tiền nên anh Thủy chỉ quanh quẩn trong nhà trong 3 ngày phép quý hiếm của một người lính trận. Nhưng Ba Mẹ thì thấy được lý do. Sáng hôm sau, ngày phép thứ hai của anh Thủy, Mẹ tôi bỏ ra một ít tiền đủ để anh Thủy tiêu xài thoải mái trong hai ngày phép còn lại, và kín đáo nhờ bà Năm trao lại cho anh.

Không biết bà Năm đã khéo léo ra sao mà ngày phép thứ hai, anh Thủy rời nhà rất sớm, về lúc tối mịt, và mang theo một số quà cáp. Anh thì thầm với bà Năm trong một góc sân, rồi mang lên biếu Ba Mẹ tôi một hộp bánh kẹp “Bảo hiên rồng vàng”. Ban đầu Mẹ tôi không nhận , muốn anh gởi hộp bánh về cho Má của anh ở Bồng Sơn.

Đẩy qua đẩy lại, cuối cùng anh giao hộp bánh cho anh em chúng tôi. Bọn con nít chúng tôi thì không hề khách sáo, vòng tay cảm ơn, nhận liền. Gì chứ bánh hiệu "Bảo hiên rồng vàng" thì thuộc quà bánh ngon nhất nhì của tuổi thơ chúng tôi lúc đó.
...

Sáng hôm sau, anh Thủy đeo ba lô về căn cứ Sóng Thần trả phép, chuẩn bị cho một cuộc hành quân mới, với lời nhắn nhủ riêng cho anh tôi:

- Cho anh gởi lời tạm biệt các bạn của em. Lần sau, về phép, anh kể cho tụi em nghe nhiều chuyện hay hơn, vui hơn.

Nhưng mãi mãi chẳng có lần sau, vì lúc đó chỉ còn hơn một tháng là đến Tết Ất Mão 1975. Sau Tết con mèo năm đó, tình hình chiến sự xấu đi cho miền Nam trong cuộc chiến tranh ý thức hệ bảo vệ tự do. 

Chúng tôi không còn có dịp gặp lại anh Thủy, anh đã đi mãi không về, không về với Má và các em của anh ở Bồng Sơn, không về với cô người yêu từ lúc anh 19 tuổi, và không về được với lòng đất mẹ.

Cuộc rút quân theo lệnh của thượng cấp từ cuối tháng 3, sau Tết Ất Mão 1975 khoảng hơn một tháng, các đơn vị tổng trừ bị thiện chiến của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có cả Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên một thời lẫm liệt của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến phải lần lượt buông súng, rút quân lùi dần về Sài Gòn. 

Bà Năm, dì của anh Thủy, về quê ăn Tết từ tháng chạp, và không trở lại.

Chúng tôi, những đứa con nít của năm 1975, cũng bị cuốn theo cơn bão dữ của vận nước, cũng chịu cảnh nước mất nhà tan.
...

Tháng 5 năm 1983, trên đường theo Mẹ đi lên trại cải tạo Gia Lai Kontum thăm Ba lần cuối trước khi "vượt biển một mình", chúng tôi ghé ngang Quy Nhơn như là một nơi trung chuyển. Trên đường về, chúng tôi có ghé Bồng Sơn tìm thăm bà Năm. Bà đã qua đời. Chúng tôi có gặp Mẹ của anh Thủy và được biết anh Thủy cũng mãi mãi không về.

Mãi về sau, sau này, ở Mỹ, có cơ duyên được biết một số cựu Sĩ quan TQLC, chúng tôi dò hỏi, và tìm đọc các tài liệu quân sử một thời do những người lính năm xưa viết lại, và tưởng tượng được những ngày cuối cùng của anh Thủy.

Như kỷ luật tuyệt đối của quân đội, "làm trước khiếu nại sau", tháng 3 năm 1975, những người lính mũ xanh của lực lượng tổng trừ bị đang trấn thủ ở miền Trung bỗng dưng được lệnh rút quân. Họ tập trung ở bãi biển Non Nước, Đà Nẵng, để chờ tàu Hải Quân đến đón.

Tàu Hải Quân không thể cập sát bờ vì mực nước biển sáng hôm đó khá cạn. Những người lính TQLC lần lượt lội nước ra tàu. Vì có đến hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở đó nên quân số lên đến cả mười ngàn người. 

Con tàu neo ở chỗ gần nhất có thể, từ sáng, để chờ những người lính mũ xanh. Không may, từ sáng đến chiều tối, thủy triều từ từ dâng lên, những người lính trẻ gần một ngày không được ăn uống, sức cùng lực tận, bị sóng biển cuốn trôi trước khi chạm được cửa tàu. Tất cả phao trên tàu được liệng xuống để tiếp sức cho những người lính đang nhấp nhô trên sóng biển, đánh vật với thủy triều đang lên, nhưng vẫn không thắng được định mệnh đen tối của họ, và của cả miền Nam 

Cái ngày cuối tháng 3 rất buồn năm đó, chỉ có khoảng sáu đến bảy ngàn người lên được tàu Hải Quân. Trên dưới một ngàn người còn ở lại trên bãi biển Non Nước. Nghĩa là hơn hai ngàn người đã mãi mãi nằm lại lòng đại dương, trong đó có anh Thủy.

Sau chiến tranh, chờ mãi không thấy anh về, Mẹ và các em của anh Thủy đi hỏi thăm đồng đội của anh và được kể lại nguồn cơn. Anh Thủy -đúng như tên anh, và như vết xâm định mệnh trên cánh tay anh "chim bay về biển"- đã ở lại ngàn đời với đại dương.

Hàng năm gia đình của anh vẫn mang lễ vật ra bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) vào cuối tháng 3 dương lịch để nhớ đến anh, nhớ đến những người lính mũ xanh đã bỏ mình vào những ngày cuối cuộc chiến.

Xin được ghi lại chuyện này như một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân". 

Nguyễn Trần Diệu Hương
Tháng tư đen 2020

(Kính cảm ơn chú Mai Văn Tấn đã hướng dẫn "kiến thức TQLC" cho bài này)

No comments:

Blog Archive