Tháng Tư Đen “đổi đời”,
người ra đi, kẻ ở lại
Trong những bài viết về Tháng Tư Đen năm nay, có bài của một nhân viên Bộ Y Tế VNCH (1975) về mấy ngày cuối cùng ở Sài-Gòn mà ông ta tìm đường ra đi và những ngày đầu tiên nơi ông ta đến, kể lại những điều mình thấy và mình nghĩ. Ai không trải qua kinh nghiệm ấy, đọc xong, có thể nhắm mắt tưởng tượng cảnh nước mất nhà tan nó hãi hùng, kinh khủng, tuyệt vọng, điên khùng, thê lương…ra sao:
.....
Tối 27/4 chúng tôi vào Tân Cảng nằm chờ tầu đi Phú Quốc. Vào đến nơi đã thấy cả trăm người nằm ngồi la liệt ở trại, sau một đêm nằm trong connex, được xem lén T.V. thấy cụ Hương quần áo trắng, rút khăn trắng lau nước mắt trao quyền cho tướng Minh, cụ run run nói: “Tôi xin hỏi Đại tướng giờ đây Đại tướng lấy thế gì để nói chuyện với bên kia? Thế này là thế mất nước”. Cụ Trần Văn Hương tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm đồng môn với thân phụ tôi ở Hà Nội thời 1925- 26. Có lẽ cụ là nhà chính trị hiếm hoi trong lúc này còn giữ được lòng yêu nước yêu dân, hình ảnh một ông già khóc vì vận nước là hình ảnh một thuở Chiến Quốc đẹp bi hùng nhất sử Việt mà mấy chục năm sau tôi vẫn không quên được và vẫn thấy rung động như đọc truyện ĐCLQ!
Không như tên dân biểu B. nước sắp mất còn thèm cái ghế bộ trưởng, thì thọt hão huyền “Bảo Đại về là xong hết, cụ Huyền làm Thủ Tướng, tướng Kỳ làm Quốc Phòng..v.v...” Giữa cuộc tranh đấu sống còn mà trong đầu sẵn một chữ Hoà, thì ắt là phải Thua. Nói chung, rất nhiều thanh niên sinh viên xuất thân từ các địa phương nghèo, tỉnh nhỏ, muốn vùng lên tìm cho chính mình một chiếc chiếu danh dự trong xã hội, họ rất dễ ngả sang tả phái, ngỡ đây là môi trường tiến thân, sôi nổi phá phách nền móng cũ, tiêu diệt đối thủ, rút cuộc chẳng thấy xây dựng được chút gì khả dĩ gọi là cách mạng ngoại trừ thỏa mãn cái Tôi vọng động, ghen ghét khả ố của chính mình. Chống đối để xác định một cái Tôi mù mờ chưa khôn lớn chín chắn, chính là ngọn lửa sân hận oan oán trùng trùng duyên khởi ác nghiệp đốt cháy thế gian. Oái oăm thay, không ít các chú tụng một bồ Các Mác dại dột chơi lửa hận ấy, và chính mấy gã di cư chạy CS 1954 cũng bị mê hoặc vào mấy chữ hoà bình thống nhất, một số vẫn mang mặc cảm thầm kín tự trị, nghênh ngang riêng một góc trời, rút cuộc mắc vào tròng bịp bợm quốc tế, anh chạy trối chết, anh kẹt như “gái ngồi phải cọc”, ông bạn đồng nghiệp của tôi, Nguyễn v. T. gặp lại ở Philadelphia cúi gầm, than: hành động của chúng tôi trong quá khứ sớm làm mất miền Nam, một lời sám hối nửa vời, thành thử vì óc phân hoá mà miền Nam mắc bẫy, vì lý tưởng hoà bình hão huyền mà người ta trao trứng cho ác, vòng ngoài lũ nặc nô Âu Mỹ Do Thái lấy nước nhược tiểu làm bãi chơi, miệng hút cần sa, lưỡi phun độc tố!
Cho đến sáng 28/4, sau đêm chứng kiến cảnh thả bom dinh Độc Lập và súng Hải quân bắn lên ầm ầm, cũng chưa ai dám nghĩ là Sàigòn có thể mất nhanh thế. Ngồi ở vọng canh xem binh sĩ Dù xả súng bắn đại đội VC về gần xa lộ và thấy trực thăng còn quần thảo trên trời, bên trong Tân Cảng người Mỹ mở kho P.X. cho ai muốn vào lấy gì thì lấy, tôi bỗng thấy lòng quặn đau trước cảnh tao loạn: dưới quân sĩ ghì súng chặn địch, trên nóc nhà mấy ông phóng viên ngoại quốc thâu hình như quay ciné, trong trại dân chúng nằm chờ tầu ra đi! Giữa lúc hỗn loạn một số người bỏ ra về, trở lại Sàigòn. Chúng tôi, 3 người, một dược sĩ quê Sóc Trăng, một bác sĩ quê Bến Tre, và tôi dân di cư Hà nội 1954, nghĩ có về cũng kẹt thà cố ở lại chờ xem sao, may ra có tầu đi, con tầu Đại Hàn Pioneer Boohung vẫn nằm kia chưa tách bến, còn hy vọng...
Đúng 11 giờ sáng 29/4 chừng mươi người Mỹ lên tầu và sửa soạn cho tầu rời bến, dân chúng chờ đợi suốt đêm được lần lượt leo lên tầu, mấy thủy thủ Đại Hàn nhìn chúng tôi ái ngại thông cảm trong khóe mắt. Tầu ra tới gần Vũng Tàu mới có khoảng hai ba trăm người nên hầm tầu rộng rãi thoải mái.
* * *
Đáng lẽ chỉ mất có hai, ba ngày là tới Phi Luật Tân nhưng tầu dừng lại 10 ngày để vớt các thuyền nhỏ, đa số là dân chúng từ Phước Tỉnh, Phước Hải leo dần lên tầu, tới 3000 người. Một chiếc xuồng chở cả xe Citroen của một vị linh mục, xe gắn máy... bị ném xuống lòng biển cả.
Sau mấy ngày lênh đênh, ngủ ngồi, ăn cơm khô của lính, sáng ngồi boong tầu nhìn sóng, mặt biển đầu tháng Năm thật êm, chúng tôi tới Subic Bay Phi Luật Tân ngày thứ Ba 6 tháng 5. Tới đây mới thấy cơ quan Mỹ đã lập trại tỵ nạn sẵn sàng từ bao giờ. Một anh lính Mỹ vui đùa “cười lên tí nào” (smile, smile) thật hỗn hào vô duyên, cái hỗn hào vô ý thức của đám dân văn minh Coca Cola mà Bác sĩ Rankins, tân Giám Đốc WHO không hết lời chửi rủa. Nhưng sau nghĩ lại, dân Mỹ là dân rất mới, lập quốc 200 năm trong những điều kiện khác hẳn các nước khác, xã hội tổ chức tử tế, ăn mặc dư thừa, sang xứ khác, đầy sân hận lạc hậu nhỏ nhen, họ không thể hiểu được và không thể thông cảm được.
Sau 5 tuần chúng tôi lên máy bay đi đảo Guam ngày 7/6, ở đây trại tràn đầy ánh nắng chói chang bụi bậm không như ở Subic Bay, may thay ở một ngày đã được rời vào Anderson Airport chờ chuyến bay vào Mỹ. Trại của Không quân, rất sạch sẽ, nên ai nấy đều thoải mái.
Trong trại tôi gặp lại Giáo sư Lê Trung Nhiên, quyền Khoa Trưởng Văn Khoa, tháng trước còn gặp ông ở Văn Khoa xin ký giấy tờ tài liệu, gặp thêm cả một cô sinh viên Minh Đức mấy tuần trước thầy trò còn ngồi trong lớp học hành thi cử như thuở thanh bình!
Chờ tới một tuần sau, ngày thứ Sáu 13/6 chúng tôi lên máy bay vào Indiantown Gap, tiểu bang Pensylvania, một trại binh rộng rãi, quy củ, bỏ trống, ở đây ăn ngủ dưỡng sức bắt đầu đời mới. Bạn bè cũ lác đác gặp nhau thật quý hóa, đúng với cái câu “tha hương ngộ cố tri”, tưởng đâu màn sắt đã buông xuống thì chẳng bao giờ còn gặp lại bạn bè thân nhân nữa!
Trong trại nhìn ông hổ tướng Nguyễn Đức Thắng đi xếp hàng ăn cơm, ông không cần trốn tránh, một quân nhân được đồng bào yêu mến kính trọng, một ông tướng đúng mặt tướng.
Cơ quan bảo trợ Tolstoi xếp đặt đưa tôi lên Boston cuối tháng 6, do một cô bạn học Mỹ cũ bảo lãnh, năm sau gặp vị cựu Tổng trưởng Y Tế, bác sĩ Trần Minh Tùng lên nội trú bệnh viện ở Boston, ông nhận định “ở xứ người, mình chỉ dùng được sở đoản chứ không dùng được sở trường”, một vị bác sĩ nguyên Giám đốc trường Quân Y, một cựu Tổng Trưởng Y tế, cựu Thượng nghị sĩ, nay sáng sáng đi tập lấy tuỷ sống! Gần đây khi đọc bài cụ Nguyễn Mạnh Tường nhận định: “chỉ ở trên mảnh đất quê hương mình mới có sức mạnh... chỉ có quê hương mới là sân khấu của mình...”. Thế hệ I di dân chẳng giữ vai nào trên sân khấu mới, dù là vai nhắc tuồng kín đáo dưới gầm sân khấu, và có lẽ đúng hơn, thế hệ từng gắn bó với quê hương, chẳng thấy hào hứng gì trên sân khấu với đám khán giả xa lạ, lạc lõng, với thời, thế, cơ, khác hẳn, như Trạng Trình từng tiên tri:
Bấy giờ kẻ Tấn người Tần
Người Ngô kẻ Sở khôn bề tựa nương!
Hạ Long Lưu Văn Vịnh)
(ngưng trích)
Và, đây là cuộc “đổi đời” vào ngày 30.4.1975 của một kẻ ở lại, một luật sư tại Sài-Gòn:
Cuối tháng 3.1975, dân Sài-Gòn đã rục rịch lo chạy. Vậy mà khi ấy tôi chẳng nghĩ đến đi đâu. Không phải tôi thích cộng sản hay không sợ cộng sản. Nhưng tôi có vài lý do để quyết định “ở lại”. Một là tôi tin tưởng Quân đội VNCH không thể tan hàng một cách dễ dàng và mau chóng sau hai mươi năm chiến đấu vẫn giữ vẹn toàn lãnh thổ miền Nam, nhất là qua hai trận Tết Mậu Thân 1968 và “Mùa hè đỏ lửa” 1972, “thiên tài quân sự” Võ Nguyên Giáp của “Quân đội Nhân dân” CSBV đã lợi dụng yếu tố bất ngờ đánh úp, tung toàn lực tổng tấn công định “dứt điểm” miền Nam Việt Nam, nhưng cuối cùng đã đại bại. Lý do thứ hai là nhiều người thân của tôi, trong đó có em ruột và em rể tôi, còn đang ở ngoài mặt trận, họ đang đổ máu vì mình, họ nghĩ gì nếu biết mình đang tìm đường bỏ chạy ra ngoại quốc?
Sự tin tưởng của tôi đã trở thành mù quáng khi vẫn bình tâm ở Sài-Gòn trong lúc vợ và đứa con trai nhỏ của tôi còn ở Đà-Lạt. Trước khi trở thành một luật sư, tôi làm công chức và sống với vợ con ở Đà-Lạt. Khi đổi nghề, tôi về Sài-Gòn một mình trước vì vợ dạy tại Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, chưa xin thuyên chuyển được, định hai tháng nữa, mãn niên học, tôi sẽ lên Đà-Lạt đón vợ con về Sài-Gòn luôn.
Một hôm, Đại tá Đỗ Tùng, nguyên Đổng lý Bộ Quốc Phòng, gặp tôi ở Văn phòng luật sư, hỏi thăm vợ con tôi. Khi biết họ còn ở Đà-Lạt, ông đã trợn tròn đôi mắt, nói lớn như ra lệnh: “Anh phải bay ngay lên Đà-Lạt đưa chị và cháu về đây!”
Tôi gọi điện thoại ngay cho người quen làm trong Air Việt Nam nhờ mua vé lên Đà-Lạt ngày hôm sau và trở về Sài-Gòn sớm nhất cho cả gia đình.
Thành phố Đà-Lạt an bình suốt những năm tháng trong cuộc chiến dài, đang rúng động, xao xác, sau khi Ban-Mê-Thuột thất thủ. Nhiều người đã bỏ đi, cửa đóng then cài. Gặp Luật sư Hoàng Huân Long (Hoàng Cơ Long), “Tư lệnh Sư đoàn Nhân dân bảo vệ TP Đà-Lạt” (do tỉnh trưởng mới thành lập), trước Chợ Hòa Bình, tôi hỏi tình hình ra sao. Ông cười gượng gạo: “Hôm nay còn bình an!”
Ngày hôm sau, chúng tôi đóng cửa nhà, với đồ đạc y nguyên bên trong, xách mấy va-li quần áo lên máy bay về Sài-Gòn. Mấy ngày sau, Đà-Lạt rút quân, di tản, bỏ ngỏ thành phố.
Không bao lâu sau, Sài-Gòn bắt đầu lên cơn sốt với dân tị nạn từ miền Trung tiếp tục đổ vào và tiền quân CSBV đã áp gần thủ đô, trên Xa-lộ Biên Hòa đã thấy xuất hiện nhiều nút chặn chống xe-tăng với sinh viên các quân trường cũng được đưa ra ứng chiến, sẵn sàng cho trận đánh đầu tiên và cuối cùng. Mọi người quay cuồng tìm đường ra đi, và nhiều người đã ra đi. Tại Tòa án Sài-Gòn đã vắng mặt một số thẩm phán, luật sư, biện lý...
Văn phòng Pháp Lý do Ls Nguyễn Phượng Yêm làm chủ cũng đã ra đi một nửa, trong đó có Ls Phạm Kim Vinh và Thẩm phán Nguyễn Hữu Dương. Một hôm ông Yêm hỏi tôi: “Mét” (Maitre, theo tập quán xưng hô với đồng nghiệp của giới luật gia thời Pháp) có định đi không?” Tôi đáp: “Không.”
Ông cầm tay tôi, nhìn tôi với đôi mắt mỏi mệt, cố giữ cho giọng nói đừng run: “Mét’ ở lại chắc là không sao. Tôi thì khác. Chúng nó mà vào đây thì chúng ‘bụp’ tôi ngay. Tôi phải cố tìm đường đem vợ con đi. Mẹ tôi không chịu đi. Nhờ ‘mét’ giúp tôi lo cho cụ. Nếu còn làm ăn được, xin ‘mét’ mỗi tháng cho cụ ít tiền đủ sống tạm trong lúc loạn lạc. Nếu chúng nó cướp được miền Nam này thì nhờ ‘mét’ đưa mẹ tôi vào Chùa Tam Tông Miếu. Tôi đã nói chuyện với Chùa để cụ có chỗ nương thân.”
Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông Yêm. Sau đó, tình hình biến chuyển nhanh đến chóng mặt. Tôi nằm nhà suốt mấy ngày, ôm chiếc ti-vi theo dõi thời cuộc, không dám bước ra đường. Ngày 2 tháng 5, tôi lái chiếc xe Volswagen con cóc cẩn thận rời nhà ở Cư xá Thanh Đa, sang Khu Nguyễn Tri Phương vấn an mẹ tôi.
Đường xá, phố phường này tôi đã thân quen trong mấy mươi năm sao lúc ấy thấy như đang lạc vào một nơi chốn xa lạ. Những lá cờ đỏ máu này, những con người cổ quái này như xuất hiện trong một cơn ác mộng. Một cảm giác sợ hãi làm tôi ớn lạnh.
Sau khi thăm mẹ tôi và biết mọi người bình an, kể cả hai người em đã về nhà sau khi tan hàng, tôi xuống đường Lê Lai thăm bà mẹ Ls Nguyễn Phượng Yêm. Tôi hỏi: “Anh Yêm đưa gia đình đi thoát rồi, phải không, thưa bà?” Bà cụ gật đầu rồi chắp hai tay, ngửa mặt khấn nguyện: “Cầu trời khấn Phật cho cha con nó đi bình an. Thời buổi chi mà khốn khổ như ri? Suốt mấy đời chạy giặc!” Rồi bà cúi xuống, thấy tờ “Sài-Gòn Giải Phóng” số đầu tiên với ảnh Hồ Chí Minh chiếm gần một phần tư trang nhất để bên cạnh, bà cụ giật tờ báo, đặt xuống đít, ngồi lên mặt HCM, nghiến răng: “Cũng vì thằng già ni!”
Bà cụ cùng quê với HCM, và là nạn nhân của chiến dịch “cải cách ruộng đất” đầu tiên ở Nghệ An, đã may mắn cùng các con trốn qua Lào và thoát được vào Nam trước Hiệp định Genève. Tôi không biết lý do thực sự khiến bà quyết định ở lại Việt Nam, dù con cháu đều ra đi. Ông Nguyễn Phương Thiệp, anh Ls Nguyễn Phượng Yêm, khi đó làm Đại sứ VNCH tại Tây Đức, có xin cho mẹ một chỗ trên chuyến bay rời khỏi Sài-Gòn, nhưng bà đã từ chối cái chỗ mà bao nhiêu người đang mơ ước. Bà có người con trai, Nguyễn Phượng Nhu, em ông Yêm, làm phi công cho Air Việt Nam bị chết trong một tai nạn máy bay ở Quảng Tín năm 1974 và được an táng trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Không biết có phải đó là lý do khiến bà ở lại. Trái tim của một bà mẹ Việt Nam có lý lẽ riêng, không ai hiểu được. Vài ngày sau, tôi thu xếp đưa bà cụ vào Chùa Tam Tông Miếu trên Đường Cao Thắng.
Cũng trong mấy ngày tới lui lo cho bà cụ, tôi được biết ông Trần Chánh Thành đã tự sát, do người nhà tới báo tin và cho biết ông có cơ hội để ra đi nhưng đã từ chối. Câu nói cuối cùng của ông: “Đi đâu bây giờ? Mỹ à? Họ đã bỏ rơi cả dân tộc này cho cộng sản, mặt mũi nào mà tôi bỏ chạy theo họ?”
Nhật báo Tiền Tuyến có một Văn phòng trên đường Lê Lai, ngay bên cạnh VP Ls Nguyễn Phượng Yêm, để tiếp xúc với độc giả và thân chủ quảng cáo. Có một cô thư ký, con một Thượng sĩ, làm việc tại đây. Tôi được tin hai cha con đã tự sát vào ngày 30.4.1975 sau khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Nghe tin này, lòng tôi se lại, mắt cay cay.
Một hôm tôi nhận được lệnh tới trình diện “Tổ Luật” tại “Hội Trí Thức Yêu Nước” ở Đường Duy Tân. Tới nơi mới biết Tổ trưởng Tổ Luật của “Hội Trí Thức Yêu Nước” là Thẩm Phán Trần Thúc Linh. Nhớ lại trước đó mấy tuần, một hôm tất cả luật sư và thẩm phán tại Tòa Án Sài-Gòn đã ngưng công việc trong một giờ để bước ra thềm trước Tòa, phản đối Tổng Nha Cảnh Sát bắt giam ông Trần Thúc Linh, và yêu cầu chánh quyền trả tự do cho ông. Bây giờ Thẩm Phán Trần Thúc Linh ngồi trước mặt tôi, nhân danh “cách mạng”, phán: “Luật ở đâu, thời nào thì cũng phục vụ giai cấp thống trị. Làm chủ đất nước bây giờ là giai cấp công nhân lao động. Các anh cần biết như vậy để chấp hành pháp lệnh của cách mạng.” Không có trường luật nào dạy sinh viên như vậy. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì cả, và sau mười ngày học tập chính trị, ngồi nghe vài viên chức trong ngành tư pháp từng sống bằng tiền lương của chế độ cũ nay thay phiên lên kể tội chế độ ấy và nói toàn giọng “cách mạng 30”, tôi không bao giờ lại Hội Trí Thức Yêu Nước nữa. Nghe nói về sau ông Trần Thúc Linh đã được “cách mạng” cho đi Pháp, sau khi đóng trọn vai trò “tên ngốc hữu dụng”.
Trước cuộc “đổi đời” khổng lồ đang diễn ra trong xã hội miền Nam VN lúc ấy, tôi không tìm được lối đi thì một hôm, một người bạn cũ đã hiện ra trước mắt tôi như một con ma đội mồ sống dậy sau 20 năm biến khỏi trần gian. Nguyễn Hữu Lộc. Người bạn học cũ của tôi ở Sài-Gòn. Rất thân với nhau. Lộc là con của chủ tiệm vàng Tân Việt trong Chợ Lớn, bảnh bao ngon lành như “dân cậu” con nhà khá giả của đất Sài Thành thuở ấy. Bỗng một hôm vào năm 1955, Lộc hẹn gặp tôi tại cái công viên nhỏ trước Sân Cộng Hòa. Sau khi liếc quanh không thấy ai khác, anh ta nghiêm giọng nói: “Ngày mai tôi sẽ đi tập kết ra ngoài Bắc.” Tôi liếc nhìn mặt Lộc xem có phải nó nói đùa không. Nó biết tôi đang như trời trồng nên giải thích: “Chị tôi ra ngoài đó nên tôi phải đi theo. Hẹn bạn sau hai năm anh em sẽ gặp lại nhau.”
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi ra Kho 6 bến tàu Sài-Gòn tiễn Lộc lên đường. Sau đó, tôi được biết Lộc có người chị, Nguyễn Thị Ngọc Dung, là một người trong mấy nữ sinh Marie Curie đã ném lựu đạn trong Rạp Majestic năm 1951, giết chết viên Trung úy Pháp, trưởng “bót” Catinat. Cả đám đã chạy thoát nhưng về sau đều bị bắt, bị đưa ra tòa lãnh án tử hình. Sau được “tòa mũ đỏ” (Tòa Thượng thẩm) ở Paris, giảm án còn khổ sai đày ra Côn đảo. Năm 1955, thi hành Hiệp Định Genève về trao đổi tù binh, Ngọc Dung được đưa ra miền Bắc.
Sau 20 năm, thay vì 2 năm, chúng tôi đã gặp lại nhau. Hôm ấy, tôi đang đứng trên bao lơn căn nhà trên lầu 4 Cư xá Thanh Đa hóng gió từ dưới sông đưa lên, chợt trông thấy một người đàn ông cưỡi chiếc xe Honda, dừng lại bên dưới. Y mặc một chiếc áo Montagu màu đỏ, có một khẩu Colt 45 đeo lủng lẳng bên hông. Y ngước mặt nhìn lên và nhăn răng cười. Tôi quay vào gọi vợ tôi: “Loan ơi, thằng Lộc nè!”
“Thằng Lộc đâu đây?” Vợ tôi trả lời, không tin, nhưng cũng chạy ra nhìn. Người đàn ông loay hoay khóa xe xong, lại ngước mặt lên cười lần nữa, trước khi đi vào cầu thang. Vợ tôi cũng đã nhận ra Lộc vì cùng là bạn học, đưa một bàn tay bịt ngang miệng, không thốt nên lời. Chúng tôi đều nhận ra cái răng khểnh khi cười của Lộc, vì từ 20 năm nay, hình ảnh Lộc cùng những kỷ niệm với nhau trong mấy năm ngồi chung lớp tại một trường tư ở Sài-Gòn không bao giờ phai mờ trong đầu chúng tôi.
Chúng tôi cùng quay vào trong nhà, mở cửa đứng chờ. Khi thằng Việt Cộng xuất hiện, chúng tôi ôm lấy nhau, cùng ứa nước mắt. Sau 20 năm chinh chiến không ngừng, hàng triệu sinh linh đã bị tàn sát, bao nhiêu vật đổi sao dời, tôi đã di chuyển mấy lần, căn chung cư này cũng là nơi ở tạm, vậy mà Lộc cũng tìm ra. Hắn nhìn tôi với đôi mắt ngấn lệ cảm thương, nói:
- Chúng tôi dại khờ nên bị sập bẫy. Còn ông, ông nghĩ sao mà còn ở lại đây?
(S.T.)
Còn biết nói sao, khi cả một dân tộc đã bị lừa trong suốt mấy thế hệ.
Mà hình như không có mấy người đã mở mắt.
Ký Thiệt
No comments:
Post a Comment