Monday, April 13, 2020

Tâm Trí Lang Thang


Gần hai mươi năm trong nghề chăm sóc người già và người bệnh tật về tâm trí như trí nhớ của họ lang thang đâu đó, Tôi mới nghiệm ra rằng nghề của tôi rất cần sự bao dung và kiên nhẫn.

Không chỉ tuổi già thì đầu óc mới "có vấn đề", mà theo tôi hiểu ngày nay con số người trẻ hoặc trung niên bệnh về thần kinh cũng tăng cao. Bệnh tật không chừa một ai hay một quốc tịch nào cả.

Một hôm, tôi nhận một cú điện thoại từ một bà c , yêu cầu tôi giúp chăm sóc cháu nội của bà. Tôi nhận lời bà ghé đến nơi ở của cháu bà trước khi quyết định nhận lời hay không. Hôm đó tôi gặp chàng trai trẻ cỡ tuổi con trai tôi, trong căn apartment u ám, tối tăm, nhiều bụi như lâu ngày không ai dọn dẹp. Nhìn cháu cầm tờ danh sách những người chăm sóc với nhiều lằn gạch ngang trên một số tên, tôi thầm nghĩ đã có nhiều người từ
chối không nhận chăm sóc cháu. Bản thân tôi thực sự cũng ngần ngừ vì mùi hôi của mèo trong căn apartment của cháu.

Nhưng khi thấy bà nội của cháu khóc nấc vì hoàn cảnh già yếu không đủ sức lo cho cháu nội bị bệnh tâm thần, tôi cầm lòng không được, đồng ý nhận lời và cùng bà ký giấy tờ gửi đến cán sự xã hội. Bà run run nắm lấy tay tôi nói lời cám ơn, những giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má nhăn nheo. 

Bà mời tôi cùng ăn trưa trong khu chợ gần nhà trước khi bắt tay làm việc vào ngày hôm sau. Bà cho tôi biết cháu là đứa con duy nhất của con trai bà và con dâu. Bố mẹ cháu đang sống ở vùng biển xa xôi và con dâu bà cũng đau bệnh. Nghe bà tâm sự, tôi tránh nhìn vào mắt bà vì tôi biết mình sẽ khóc theo. Tôi hiểu rằng một người mẹ, một người bà bất kể chủng tộc nào cũng đều khổ với nỗi đau của người thân.

Bắt đầu công việc chăm sóc, tôi xắn tay dọn các ngăn tủ trước vì mùi mèo cộng với mùi thuốc lá ám khắp phòng. Tôi phải dùng khăn bịt mũi và đeo găng tay. Trong một ngăn tủ tôi đã bần thần khi lôi ra một khung ảnh có hình của cháu những ngày còn nhỏ. Hình chụp cậu bé đẹp như thiên thần, mắt đẹp, da trắng, mũi cao, đang chơi trượt nước trên biển sóng mênh mông. Nhưng qua ngày hôm sau cháu không bằng lòng khi thấy tôi trưng khung hình trên bàn. Cậu úp khung hình đó xuống và yêu cầu tôi vất vào thùng rác. Tôi nhanh tay cất đi và chuyển cho bà nội cậu sau đó.

Tôi hút bụi và mở tung các cửa sổ cùng kéo màn nhựa che cửa cho ánh nắng vào khắp nhà. Chỉ sau một ngày thì căn nhà lại tối âm u như ban đầu. Thì ra cậu đã dùng băng keo dính chặt hết các màn nhựa lại nên tôi không thể kéo màn ra cho ánh nắng vào nhà được nữa. Tôi cũng tìm mua cho con mèo của cậu loại cát dùng để lót trong chuồng cho tiện việc vệ sinh. Nhờ đó mà tôi có dịp đi chợ thú cưng lần đầu tiên. Tôi thấy bất ngờ vì nơi này bán đủ loại thức ăn cùng đồ chơi, thuốc men, áo quần cho các thú cưng không thua gì các chợ phục vụ nhu cầu của con người.

Thấm thoát mà tôi đã giúp việc cho cậu được năm năm, thời gian đủ dài để hiểu cậu và giúp cậu sống tốt hơn. Cậu rất hiền, lịch sự nhưng ở dơ vì hầu như không chịu tắm nếu tôi không giục giã. Chưa bao giờ tôi nhìn rõ khuôn mặt của cậu vì cậu ta luôn mặc áo có mũ sau lưng trùm kín đầu, lại dùng khăn che mặt, chỉ để hở đôi mắt đẹp trong veo.

Cho đến một hôm, cậu phải chuyển qua chỗ thuê mới vì chủ nhà cũ biết được cậu ta hút thuốc gây đốm cháy nhiều chỗ trên thảm phòng khách. Mặc dù hàng ngày tôi tôi nhắc nhở cậu phải ra ngoài hút thuốc, nhưng cũng chỉ được vài giờ khi có mặt tôi, còn thì bà nội cậu có nhắc thêm cũng bằng thừa. Ngày hôm sau chuyển sang chỗ ở mới, cậu chưa kịp dùng băng keo dán chặt các màn nhựa nơi các cửa sổ, ngay cả màn cửa sổ phòng ngủ của cậu ta nên ánh sáng lùa vào phòng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy rõ khuôn mặt trắng bệch thiếu ánh nắng của cậu khi cậu ta đang nằm ngủ, trông sợ lắm.

Sau đó, tôi vào bếp lo cho cậu bữa ăn trưa, ghé mắt vào phòng ngủ gọi cậu thức dậy. Cậu nghe tiếng tôi liền gọi tôi vào để mát-xa chân cho cậu. Một phần do linh cảm điều bất trắc và một phần do đã được huấn luyện trong nghề nghiệp, tôi bắt đầu tự vệ. Tôi tìm con mèo của cậu cho vào chuồng, mở khóa cửa nhà, tay cầm sẵn cell phone để gọi cảnh sát khi khẩn cấp. Tôi bình tĩnh đứng ngoài cửa phòng ngủ và nói vọng vào " Trong hợp đồng chăm sóc không cho phép tôi mát-xa chân cho cậu, vả lại khi tôi dọn phòng ngủ thì cậu phải ở ngoài phòng khách. Cậu cãi ngay " Cô phải cọ chân cho tôi. Cô đọc lại hợp đồng đi." Tôi nghĩ đúng vậy nhưng tôi chỉ có nhiệm vụ cọ chân cho cậu ta từ đầu gối trở xuống. Việc này chỉ thực hiện trong nhà tắm khi cậu ta mặc đủ áo quần và ngồi trên ghế ngắn vì vùng bụng cậu ta quá to, không thể tự cúi xuống rửa chân được. Qua ngày hôm sau cậu ta nghĩ lại và xin lỗi tôi ngay và từ đó không hề tỏ ý xách nhiễu gì thêm .

Sau năm năm với biết bao buồn vui chăm lo cho "thằng bé hai mưoi tám tuổi" , rồi cũng một ngày cậu theo bà nội về ở cùng ba mẹ nơi miền biển xa xôi.

Nghỉ ngơi được vài hôm, tôi nhận điện thoại từ một cô khách hàng mời tôi đến cho cô phỏng vấn trước khi quyết định để tôi chăm sóc hay không. Sau khi chuyện trò với cô này, tôi được biết Sở Xã Hội xét hoàn cảnh và cho cô được nhận hai mươi giờ chăm sóc một tháng. Cô còn được cho danh sách những người chăm sóc và cô đã mời tôi để phỏng vấn. Nhìn qua thấy căn nhà cô ở khá gọn, cô lại nói năng nhỏ nhẹ lịch sự nên tôi nhận lời giúp cô một tuần hai ngày, mỗi ngày hai tiếng rưỡi.

Ngày đầu tiên trên đường lái xe đến giúp cô, lòng tôi thấy vui vui. Nhưng khi gõ cửa bấm chuông vào nhà, tôi thấy hụt hẫng vì căn nhà bề bộn, nhiều bọc chứa đồ chất đầy nhà choán cả lối đi, cộng thêm mùi khét trong bếp, và soong chảo đen thui chất đống không dọn rửa. Hoá ra là cô vừa chính thức dọn đến ngày hôm trước, còn hôm hẹn gặp để phỏng vấn tôi thì cô ta chưa vác các vật dụng về nơi này. Tôi ngán ngẩm cho căn nhà chỉ môt phòng chỉ một người ở mà không hiểu ở đâu ra quá nhiều các thứ linh tinh như vậy. Tôi không biết mình phải dọn dẹp sao đây? Cô muốn tôi mở bung các bọc đồ để tìm đôi giày đẹp. Chúng tôi cùng lục tung ngần ấy bọc mà vẫn chưa thấy bọc nào chứa đôi giày cô ưng ý .

Tôi trở về nhà ngày đầu tiên mệt nhoài. Đêm đến tôi ngủ lơ mơ thì giật mình nghe tiếng gọi điện thoại. Lúc ấy khá khuya, tôi nghe một giọng khàn khàn xưng là Ma, thì ra đó là cô gái tôi giúp vào buổi sáng. Tên của cô rất đẹp mang ý nghĩa "món quà của Thượng Đế" , nhưng cô muốn tôi gọi cô bằng tên tắt là Ma do chính cô yêu cầu tôi gọi. Tôi nghe điện thoại cô mà nghĩ mà thầm nghĩ tên tắt của cô theo tiếng Việt cũng có lý lắm, vì nhiều đêm hôm khuya khoắt "Ma" đã gọi chửi rủa tôi .

Tôi vội hỏi ngay:

"Chuyện gì vậy Ma ?" Sao cô gọi tôi khuya vậy ? "

Giọng nói Ma giận dữ từ bên kia điện thoại :

"Sáng nay cô ăn cắp cái bàn ủi của tôi."

Tôi ít nhiều hiểu tính nết những người bệnh tâm thần nên không lấy làm giận, chỉ khuyên cô hãy bình tĩnh, từ từ tìm vào hôm sau, còn thì ngay lúc đó nên đi ngủ. Nghe tôi khuyên nhiều lần, Ma dần dần dịu giọng, không còn bực bội cao giọng nữa.

Ngày hôm sau khi tôi đến chăm sóc Ma, tôi chỉ tay vào góc nhà cho Ma thấy cái bàn ủi còn lù lù ở đó. Cô ta cãi ngay : " Tui gọi phone la mắng cô ăn cắp cái bàn ủi hồi nào ?" . Tôi chỉ biết cười cho qua chuyện. Đêm hôm khác Ma lại gọi đến tôi la hét trong máy : " Cô ăn cắp của tôi cái bếp điện cá nhân nè." . Vì biết tính cách một người bệnh như Ma rất dễ bị kích động, hay tìm chuyện gây gỗ, la hét khi không được đáp ứng yêu cầu, nhất là thường nghi ngờ người khác nên tôi lại an ủi Ma để cô dịu từ từ và nhắc cô lên giường ngủ ngay. Ngày hôm sau sự việc lại tái diễn tương tự khi tôi chỉ cho cô cái bếp điện còn y nguyên và cô cũng dữ tợn y hệt : " Tui gọi cho cô hồi nào?".

Tôi chỉ biết nhắc mình nhẫn nhịn. Tôi luôn sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ. Một lần nọ Ma yêu cầu tôi ra thùng rác chung của khu nhà Ma ở, đem theo một cái ghế cao, để tôi đứng trên đó mà bới rác tìm lại thứ gì đó mà Ma nghĩ bị đánh cắp vất vào trong. Dĩ nhiên tôi không làm theo yêu cầu của Ma vì việc này không có trong danh sách những điều tôi phải giúp cô ta.

Một hôm , tôi đến chăm sóc cô theo theo lịch nhưng bấm chuông mãi vẫn không thấy cô mở cửa. Tôi thấy trong lòng bất an, sợ điều xấu xảy ra cho cô, nên liền vòng ra sau bếp thấy đèn còn sáng. Tôi hơi yên tâm nên vòng ra cửa trước bấm lại chuông và đợi. Bất thình lình cửa mở giật và giọng nói giận dữ của Ma vang lên : "Tui đang tiếp bạn trai mà."

"Tôi đến đúng giờ. Xin lỗi tôi không biết cô có khách."

Cứ như thế, tôi bị Ma la hét và dường như sự rối loạn trí nhớ cô càng tệ hại hơn. Có khi Ma nhờ tôi đưa đi chợ hoặc ra nhà băng rút vài chục đô-la qua cái máy và trong lúc ngồi trên xe cô thường tự hạ kính xuống để chửi rủa những người đi bộ thật vô cớ. May là họ không phản ứng gì, bằng không nguy cho cả cô lẫn tôi.

Một lần khác, tôi cũng bấm chuông đợi cửa thật lâu. Mãi sau Ma mở cửa nhưng lại dập đóng sầm ngay. Tôi đứng như trời trồng như thể ai vừa tát mặt mình. Tôi suy nghĩ chắc hẳn đây là lần cuối tôi đến giúp Ma. Khi tôi còn dùng dằng nửa ở ở đi thì Ma lại giật sầm cửa như lần trước, lần này là la lối chửi tôi làm phiền cô khi cô đang ta trong khi cô đang nghe nhạc nhảy đầm .

Khi tôi dợm quay bước đi thì cô ta lại mở cửa và lần này tránh người sang một bên, mời tôi vào nhà. Bước vào nhà cô tôi há hốc miệng trước cảnh tượng các bạn bè của cô nằm ngủ ngang dọc khắp nhà trong tiếng nhạc thật to và ồn. Hãi hùng hơn nữa là có hai bé gái sinh đôi thật đẹp, nhưng chỉ tiếc là mặt mũi hai bé bẩn thỉu và quần áo thì lem luốc . Hai bé đang giành nhau con dao cắt bánh sinh nhật. Vậy ra đêm hôm trước là sinh nhật của Ma. Tôi bèn vội chụp con dao mà hai bé đang giành nhau. Cặp trẻ sinh đôi là con của một cô bạn Ma. Người mẹ vẫn còn ngủ li bì giữa nhiều chai rượu, bia lăn lóc trên sàn nhà và lối đi.

Tôi bình tĩnh mời Ma ngồi vào xô-pha nói chuyện, cho cô biết hôm nay là ngày cuối cùng của tôi với lý do tôi đã lớn tuổi nên muốn nghỉ hưu. Ma nghe xong thì khóc rống lên làm đám bạn đang ngủ say giật mình thức giấc. Tôi vẫn cương quyết bước ra khỏi căn nhà của cô. Bước vào xe ngồi, tôi gọi điện thoại cho cán sự xã hội của ma để xin nghỉ việc. Trong khi chờ hai tuần nữa sẽ có người khác thay thế tôi giúp chăm sóc cho Ma. Ma may mắn đuợc Department of Housing Service cấp cho cô căn nhà nhỏ nơi chung cư mà cô đã nộp đơn chờ từ nhiều năm qua .

Ngày chia tay, tôi giúp chở Ma về căn nhà mới. Ma nhìn tôi với nắm tay xiết chặt như một lời cám ơn.

Nghề chăm sóc người già, người bệnh đối với tôi là cái nghiệp. Cái nghiệp đã khơi dậy lòng trắc ẩn trong tôi suốt gần hai mươi năm theo đuổi, dù là đôi lần lực bất tòng tâm, mỏi mệt. Nhưng rồi tôi cũng ráng rèn thêm cho mình lòng kiên nhẫn. Đó là sự thể hiện tấm lòng con người đối với con người mà ai cũng cần có, tôi nghĩ vậy.

No comments:

Blog Archive