Tác giả : Giulio Meotti | Nguồn: Gatestone Institute | Ngày đăng: 2020-03-31 |
Trong một bài viết của Tân Hoa Xã, cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đe dọa sẽ đình chỉ xuất khẩu các dược phẩm để "ném [Mỹ] xuống biển dữ của coronavirus ..." - Yanzhong Huang, chuyên gia vấn nạn Y tế của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, viết trên Twitter ngày 4 tháng 3 năm 2020.
"Đằng sau tuyên bố đoàn kết, Trung Quốc có kế hoạch mua lại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và các cơ sở hạ tầng của chúng tôi" - Bild , ngày 19 tháng 3 năm 2020.
Ý, một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch từ Trung Quốc, đã trở thành trung tâm của chiến dịch tuyên truyền chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh đã gửi bác sĩ và đồ tiếp liệu đến Ý và đã làm điều tương tự như thế trên khắp châu Âu. Ở Ý, bạn có thể thấy các áp phích có nội dung: "Cố lên, Trung Quốc!" Trung Quốc đang cố gắng mua sự im lặng và sự đồng lõa của chúng tôi. Thật không may, nổ lực đó có hiệu lực.
Trên thực tế, Trung Quốc không "đoàn kết" với bất cứ ai. Bắc Kinh tìm cách xây dựng một hình ảnh như là vị cứu tinh của hành tinh. Nhưng khi bắt đầu đại dịch thì Bắc Kinh đã xem thường cuộc sống của chính người dân của mình: họ chỉ bận rộn kiểm duyệt thông tin mà chẳng cần đếm xỉa gì đến dân.
Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh thông tin hai hướng: một hướng nhắm vào nước ngoài và hướng kia đối với người dân Trung Quốc; cả hai đều được lèo lái bởi chính quyền Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo. (Ảnh của Naohiko Hatta - Piscine / Getty)
"Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của thời đại chúng ta," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khôn khéo nói vậy trong tháng Giêng vừa qua. Vào thời điểm đó, coronavirus đang lan rộng ở trong và ngoài Trung Quốc và Đảng Cộng sản đang làm việc để che đậy dịch bệnh, tạo lý do cho Pompeo chỉ trích. "Việc che giấu này, việc tiếp tục cung cấp thông tin sai lạc do Đảng Cộng sản Trung Quốc tung ra, đã tước đi khỏi thế giới những nguồn thông tin cần thiết để ngăn chặn sự phát triển của dịch lây nhiễm", ông Pompeo nói.
Nếu Trung Quốc phản ứng mau chóng để chống dịch bệnh ba tuần trước đó thì các trường hợp nhiễm coronavirus có thể đã giảm 95%, theo một nghiên cứu từ Đại học Southampton cho biết. Thế nhưng trong ba tuần này, Trung Quốc chỉ kích động làm theo một hướng: đó là che giấu sự thật. Theo Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, "sự che đậy của Đảng Cộng sản trong hai tháng đầu tiên đã trở thành nền tảng bùng phát của đại dịch toàn cầu."
Chỉ quan tâm đến việc duy trì chế độ toàn trị của họ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đàn áp mọi chỉ trích, như lâu nay họ vẫn làm tại xứ Cộng sản của họ. Kể từ tháng 1, bằng chứng về việc cố tình che giấu đại dịch ở Vũ Hán đã bị phơi bày và lan rộng trong dư luận quần chúng. Chính phủ Trung Quốc đã kiểm duyệt và bỏ tù những người thổi còi đã dũng cảm lên tiếng cảnh giác. Một trong những tỷ phú lớn nhất của Trung Quốc, Jack Ma, gần đây đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã che giấu ít nhất một phần ba các trường hợp bệnh tử vì coronavirus.
Trung Quốc đã trở thành một siêu cường khi họ thích nghi với thực tiễn kinh tế phương Tây. Không có quốc gia nào đạt được tiến bộ kinh tế và xã hội nhanh chóng như vậy. Nhưng phương Tây đã ảo tưởng một cách nguy hiểm về phép lạ kinh tế của Trung Quốc. Sự hiện đại hóa của Trung Quốc và GDP không ngừng tăng lên đã không làm thay đổi được hệ thống chính trị theo hướng minh bạch hơn, đa nguyên hơn và tôn trọng nhân quyền hơn. Ngược lại, ảo ảnh trên đã chuyển sang thảm họa khi Trung Quốc cho thấy họ vẫn là một "nhà nước toàn trị".
Bản chất của chế độ Trung Quốc - cấm tự do báo chí, đàn áp mọi phát ngôn phê phán; quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản đối với các chủ thể xã hội, kinh tế và tôn giáo; dân thiểu số bị cầm tù, và nghiền nát tự do của lương tâm - là trung tâm của thảm họa về sức khỏe mà chúng ta đang trải nghiệm. Tổn thất về sinh mạng của con người và GDP toàn cầu là vô cùng lớn.
Trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc trong đại dịch hôm nay mang đến cho các nước phương Tây một cơ hội tốt để đánh giá lại mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.
Theo Guy Sorman, chuyên gia người Mỹ gốc Pháp về Trung Quốc thì... :
"Giống như những thằng ngốc hữu dụng, chúng ta đã giúp Đảng CSTQ phát triển thịnh vượng; nhưng tệ hơn nữa, bằng cách đó chúng ta đã từ bỏ các giá trị về nhân đạo, dân chủ và tinh thần. "
"Đã đến lúc," ký giả Mỹ Marc A. Thiessen phát biểu, "phải làm cho nền kinh tế của chúng ta và an ninh quốc gia của chúng ta miễn nhiễm khỏi sự phụ thuộc vào một chế độ lừa đảo".
Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến thông tin kép: một bên hướng ra nước ngoài và bên kia hướng nội để đối phó với trong nước, nhưng cả hai đều được chính quyền Trung Quốc lèo lái và được Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu. Họ rõ ràng nhìn thấy phương Tây là yếu hèn và phục tùng. Và quả thật chúng tôi đã như vậy.
Trung Quốc muốn tin rằng ngày nay họ là một cường quốc đang trỗi dậy trong khi phương Tây đang suy yếu dần. "Chúng tôi ở trong cái mà người Đức gọi là Systemwettbewerb , một 'cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống' với các nền dân chủ tự do ở một bên và chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc độc đoán ở bên kia, một nhà nước tự cho là kẻ thống trị tuyệt đối không còn ranh giới", đó là lời phát biểu của Thorsten Benner, đồng sáng lập và là giám đốc của Viện Chính sách Công Cọng Toàn Cầu tại Berlin. Cuộc chiến tranh lạnh với Nga Sô Viết ít ra cũng rõ ràng hơn.
"Chúng tôi đã có (Nga Sô) như một đối thủ về tư tưởng và an ninh nhưng không phải là đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Có một dãy "vạn lý trường thành" ngăn giữa các nền kinh tế phương Tây và Liên Xô. Ngày nay, đối thủ này (Trung Quốc) là một đối thủ cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ và đối thủ này nhúng tay một cách phức tạp vào nền kinh tế chính trị của phương Tây. Ngoài ra, chúng tôi cũng lệ thuộc vào những hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và đại dịch. Chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc độc đoán với tham vọng bá quyền của nó cho đến nay là một thách thức chiến lược khó khăn nhất mà phương Tây từng phải đối mặt."
Nhà sử học Niall Ferguson nói rằng "Trung Quốc đặt ra thách thức kinh tế lớn hơn Liên Xô". Liên Xô chưa bao giờ có thể tự dựa vào một sức năng động của riêng mình như Trung Quốc đang có. Ở một số thị trường - như công nghệ - Trung Quốc đi trước cả Hoa Kỳ và nền kinh tế của nước này, lớn thứ hai trên thế giới, được hòa nhập vào nền kinh tế phương Tây hơn nền kinh tế mà Liên Xô từng có. Chế độ toàn trị độc đảng của Trung Quốc cho phép các quyền tự do cá nhân lớn hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, so với các chế độ thịnh hành trước đây ở Liên Xô. Dịch coronavirus bùng phát một phần là kết quả của sự tự do đi lại của công dân Trung Quốc.
Sự mặc cả Faustian, tự nguyện bán linh hồn cho quỷ |
Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thuyết phục một phần lớn phương Tây rằng chúng không phải là kẻ thù của họ. Mục tiêu của Bắc Kinh dường như là quay quanh phương Tây - và mặt kia, các phần còn lại của thế giới thì quay xung quanh nền kinh tế và hệ tư tưởng của Trung Quốc. Quốc gia này đã mở các thị trường ở phương Tây trong khi mặc cả với chính người dân của mình, một mặc cả Faustian (Bác sĩ Faust đem linh hồn nình bán cho quỹ để đổi lấy lợi lộc vật chất thế gian) : từ bỏ ý tưởng và nguyên tắc của mình để được đền bù bằng điều kiện sống và an sinh xã hội khá hơn. Theo thời gian, Trung Quốc đã trở thành một tên khổng lồ công nghiệp và công nghệ, một kỳ tích mà Liên Xô khó có thể mơ ước.
Ví dụ đơn cử về dược phẩm. Theo Yanzhong Huang, một nhà nghiên cứu về y tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc trong hơn 90% lượng tiêu thụ kháng sinh, vitamin C và ibuprofen của họ. Bảy mươi phần trăm acetaminophen và 40-45% lượng heparin được tiêu thụ ở Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc. Trước đây Hoa Kỳ không bao giờ phụ thuộc vào Liên Xô cho những oại sản phẩm này.
Trong một bài báo được đăng bởi Tân Hoa Xã, cơ quan báo chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đe dọa sẽ đình chỉ xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm, sẽ khiến Hoa Kỳ "lao vào biển dữ của coronavirus". Bài viết của Tân Hoa Xã thực sự có tiêu đề, "Hãy hào phóng: nói lời cảm ơn lớn đến Trung Quốc."
Người dẫn chương trình của Fox News, Tucker Carlson đã nói đúng khi nêu ra một số đại diện của giới thượng lưu Mỹ và cáo buộc họ đã bán đất nước của họ cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng rằng sẽ không ai dám thách thức một quyền lực như họ đang cung cấp nhiều loại thuốc quan trọng mà chúng ta tiêu thụ .
Ý, một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của coronavirus từ Trung Quốc, là trung tâm của chiến dịch tuyên truyền chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh đã gửi bác sĩ và vật tư y tế đến Ý và hoạt động tương tự trên khắp châu Âu . Ở Ý, các bức tường được dán dầy những những áp phích tuyên bố: "Cố lên, Trung Quốc! - Forza Cina!" Trung Quốc đang cố gắng mua sự im lặng và sự đồng lõa của chúng tôi. Và thật không may, họ đã thành công.
Vào tháng 2, khi một số quan chức hữu trách Ý (thuộc hữu phái) kêu gọi Thủ tướng Giuseppe Conte cách ly các học sinh ở miền bắc Italy sau khi họ trở về từ kỳ nghỉ ở Trung Quốc, thì các quan chức cấp cao nhất của Ý làm ngơ, để cứ bận rộn loay hoay làm hài lòng Bắc Kinh. Tổng thống Ý, Matt Mattarella, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Dario Franceschini và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Luigi Di Maio đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại Rome để kỷ niệm "tình hữu nghị Trung-Ý". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảm ơn họ nồng nhiệt.
Trung Quốc chẳng giúp đỡ ai qua "sự đoàn kết" cả. Chế độ Trung Quốc ngày nay tự tôn mình như là vị cứu tinh của thế giới, trong khi đại dịch bắt đầu thì họ chỉ quan tâm đến việc kiểm duyệt thông tin, họ thậm chí không quan tâm đến cuộc sống của chính người dân của mình.
Bild, tờ báo lớn nhất của Đức cho biết: "Đằng sau tuyên bố đoàn kết, Trung Quốc đang chuẩn bị mua lại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và các cơ sở hạ tầng của chúng tôi". Ý là quốc gia G-7 đầu tiên ký kết chương trình đầu tư toàn cầu với Trung Quốc, một thỏa thuận khiến Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại. Trung Quốc dường như đã sẵn sàng tiếp tục mở rộng nền kinh tế và tận dụng lợi ích chiến lược của nước Ý.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang chiến đấu chống lại luồng thông tin tự do đang tuôn ra ngoài quốc tế. Sự trục xuất gần đây của các nhà báo Mỹ tiêu biểu cho sự vi phạm tự do thông tin triệt để nhất, kể từ sau cái chết của Mao Trạch Đông. Bắc Kinh cũng cáo buộc các nhân viên quân sự Mỹ có mặt ở Vũ Hán là thủ phạm của sự phát triển đại dịch tại Hoa Kỳ. Ít nhất đó là những gì Lijian Zhao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai nói trên mạng xã hội Trung Quốc và Twitter. Cuộc khủng hoảng coronavirus hiện là chiến trường tuyên truyền của Trung Quốc .
Nghịch lý ở đây là tờ Thời báo Hoàn cầu, một phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tung lên Twitter đợt tuyên truyền chống Mỹ, mà lối tuyên truyền này lại bị cấm ở Trung Quốc. Trong khi đó, Twitter đã khóa tài khoản của trang web Zero Hedge vì họ đã đăng một bài viết nói lên sự liên hệ của một nhà khoa học Trung Quốc với sự bùng nổ của đại dịch coronavirus. Kỳ lạ là Twitter đã khẳng định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không vi phạm "các quy tắc cộng đồng" khi họ nói xấu Hoa Kỳ trên phương tiện truyền thông xã hội.
Năm 2013, một chỉ thị bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc được gọi là Văn bản số 9 kêu gọi bác bỏ bảy ý tưởng phương Tây, như "dân chủ lập hiến", "giá trị nhân quyền phổ quát", và một số các quan niệm khác được cảm hứng từ tư tưởng phương Tây như sự độc lập của truyền thông, sự tham gia của công dân, lý thuyết "tự do kiểu mới" của thị trường và sự chỉ trích "hư không" về quá khứ chính trị đầy nghi vấn của Đảng. Mục tiêu của chiến dịch này nhắm vào "các đại sứ quán, lãnh sự quán phương Tây, các công ty quan hệ công chúng và các tổ chức phi chính phủ". Huang Kunming, lãnh đạo tuyên truyền của Đảng, đã tấn công rằng "Một số nước phương Tây tận dụng lợi thế công nghệ và vị trí truyền thông thống trị của họ để hô hào cho cái gọi là 'giá trị phổ quát' ". Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren, cựu chủ tịch của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã tuyên bố rằng "Đừng bao giờ để sách giáo khoa nào đề cao các giá trị phương Tây được xuất hiện trong lớp học của chúng tôi."
Trong các bài phát biểu và các tài liệu chính thức, Chủ tịch Tập Cận Bình nói về cuộc đấu tranh giữa "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" và "các thế lực phương Tây thù địch với Trung Quốc" có những ý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền "cực kỳ độc hại" đối với Trung Qưốc.
Phương Tây đã thực sự trở thành một mục tiêu để Trung Quốc tấn công.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Cộng hòa Quốc tế:
"Đảng Cộng sản Trung Quốc ... sử dụng một bộ chiến thuật độc đáo trong các lĩnh vực kinh tế và thông tin nhằm đánh đổ các thể chế dân chủ và làm suy yếu sự thịnh vượng sắp tới của các nước đang phát triển, song song với đà phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đang tăng lên."
Trung Quốc đã hiểu rõ rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã có thể tham gia vào việc tuyên truyèn dùm cho họ ra sao. Michael Brendan Dougherty viết rằng "Tòa thánh Vatican và các tầng lớp ưu tú phương Tây, những lực lượng trước đây giữ vai trò quyết định sự chiến thắng của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiêu hồi về với họ." Chế độ Trung Quốc đã thành công ở nơi mà chế độ Xô Viết thất bại. Cuối tháng mười hai, một bé gái 6 tuổi ở London, khi mua một thiệp Giáng Sinh để mừng lễ, đã đọc được một hàng chư viết tay ghi trong thiệp rằng: "Chúng tôi là tù nhân người nước ngoài tại trại tù Qingpu ở Thượng Hải bên Trung Quốc, chúng tôi bị cưởng bức lao động trái với ý muốn của chúng tôi, hãy giúp đỡ chúng tôi và thông báo cho các hiệp hội nhân quyền". Chủ nghĩa tư bản phương Tây thậm chí đã trở thành đồng phạm của chế độ nô lệ Trung Quốc.
Các nhãn hiệu phương Tây không đơn độc trong cơn hãi hùng vì sợ "xúc phạm" Đảng Cộng sản Trung quốc. Văn hóa phương Tây hăm hỏ tự kiểm duyệt chính mình mỗi khi nói đến Trung Quốc. Liao Nghĩa, một nhà văn Trung Quốc lưu vong ở Berlin viết rằng: "Phương Tây rất khoan nhượng, thụ động, thích nghi và ngây thơ đối với Bắc Kinh" .
Đối mặt với Trung Quốc, phương Tây đang trố mắt nhìn; họ giống như một ông già đối mặt với một cô gái trẻ. Mọi người run rẩy trước sự toàn năng của cô nàng Tàu. Châu Âu tỏa rộng điểm yếu của họ. Họ không nhận ra được rằng sự xông tới của cô gái Tàu đang đe dọa tự do và các giá trị của họ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc hiện đang tài trợ cho cơ sở giáo dục uy tín nhất trong nước là Đại học Charles. Nhiều trường đại học Anh chủ yếu đều phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc; theo ước tính thận trọng thì học phí kết hợp toàn niên của họ là khoảng 1,75 tỷ đô la. Úc thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào 200.000 sinh viên từ Trung Quốc. Nếu các sinh viên này trở về Trung Quốc hoặc nếu các khoản đóng góp của Trung Quốc cạn kiệt, các trường đại học có nguy cơ mất 4 tỷ đô la doanh thu .
Chừng 1500 chi nhánh của Viện Khổng Tử được chính quyền Trung Quốc thành lập trên 140 quốc gia nhằm cung cấp các chương trình ngôn ngữ và "văn hóa" cho phương Tây. Nhưng Matt Schrader, một chuyên gia về Trung Quốc tại Liên minh Bảo vệ Dân chủ, nói rằng các viện này chính là "công cụ tuyên truyền" của Đảng CSTQ. Tháng 10 năm ngoái, Bỉ đã trục xuất ông Xinning Song, giám đốc Viện Khổng Tử ở Brussels sau khi các cơ quan an ninh cáo buộc ông này làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Vào năm 2013, Đại học Sydney đã hủy bỏ một hội nghị của giáo chủ Dalai Lama của Phật Giáo Tây Tạng, hành động tự kiểm duyệt này chỉ có thể được giải thích bởi lý do rằng đại học này có mối quan hệ quá chặt chẽ với Trung Quốc. Vấn đề Tây Tạng, sự độc lập của Đài Loan và chuyện về ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) người bất đồng chính kiến với chế độ TQ đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình... là những chủ đề cấm kỵ .
Theo một bài báo của Bloomberg, Trung Quốc cũng đang thâm nhập vào tầng lớp chính trị châu Âu bằng cách tài trợ cho các đảng chính trị và mời các chính trị gia đến thăm Trung Quốc. Vào ngày kỷ niệm 200 năm sinh nhật của Karl Marx, Chủ tịch Xi (Tập) đã tặng một bức tượng của Karl Marx, tác giả cuốn chủ thuyết "Das Kapital" cho làng Trier ở Đức là nơi sinh quán của Marx.
Không ngạc nhiên khi thấy Bắc Kinh đã sử dụng các thể chế đa phương của phương Tây để tạo lợi thế cho mình. Như Michael Collins của Hội đồng Quan hệ đối ngoại giải thích, Bắc Kinh đã tăng sự hiện diện của mình tại Tổ chức Y tế Thế giới. "Đóng góp của Trung Quốc cho WHO đã tăng 52% kể từ năm 2014 lên đến khoảng 86 triệu đô la", Collins nói.
"Sự gia tăng đóng góp từ Trung Quốc này là hợp lý vì các đóng góp dựa trên tăng trưởng kinh tế và dân số của các quốc gia thành viên. Nhưng Trung Quốc đã dần dần tăng mức đóng góp của mình, từ 8,7 triệu đô la trong năm 2014 lên đến 10,2 triệu đô la vào năm 2019 ".
Giống như Liên Xô cũ, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một bộ máy kiểm soát khổng lồ. Họ gọi nó là "cảnh sát Internet". Hãy tưởng tượng ngành mật vụ Stasi của Đông Đức thuở nào sẽ ghê gớm như ra sao nếu họ có được một hệ thống giám sát tinh vi nhất thế giới: Và ngay tại đây vào năm 2020 bạn có thể thấy được sự hùng mạnh đó nơi Trung Quốc.
Chế độ độc tài cộng sản luôn phát triển theo cùng một kịch bản. Nhà văn Liên Xô, ông Vladimir Pasternak đã bị ngăn không cho nhận giải thưởng Nobel về văn học. Ở Trung Quốc, nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền Lý Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đã không bao giờ có thể tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho ông vì : ông bị giam và chết dưới sự giám sát của chính quyền trong một bệnh viện ở Trung Quốc. Liên Xô đã có những trại lao động thì Trung Quốc cũng có quá nhiều thứ đó. Người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc là Harry Wu, bị kết án 19 năm tù giam, đã so sánh các Laogai (trại tù ở Trung Quốc) ví chúng như những trại gulag của Liên Xô và các trại tập trung của Đức Quốc xã.
Ở Liên Xô, các nhà văn, nhà lãnh đạo chính trị, tướng lĩnh và bác sĩ đã bị cầm tù và bị xử tử dưới thời Stalin thì nay đã được "phục hồi danh dự" trở lại sau khi ông Stalin qua đời. Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới "giải oan" cho bác sĩ Lý văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về dịch coronavirus. Bác sĩ Li Wenliang đã bị chính quyền buộc tội "truyền bá những lời dối trá và phá vỡ trật tự công cộng", sau đó chính quyền buộc anh ta phải rút lại lời cảnh báo có nạn dịch, và cuối cùng anh ta bị bệnh và chết vì coronavirus ở tuổi 33. Chính quyền Trung Quốc đang xấu hổ vì sự tàn bạo ngu si của họ cho nên đang cố gắng khôi phục lại nhãn hiệu của họ.
Trong một cột tin tức đăng trên nhật báo El Pais của Tây Ban Nha , người đoạt giải Nobel Mario Vargas Llosa đã viết về coronavirus như sau:
"Không ai nói bất cứ điều gì cụ thể về thực tế minh bạch rằng : nếu Trung Quốc không là một chế độ độc tài mà là ... một quốc gia tự do và dân chủ hơn thì tất cả những điều tệ hại trên sẽ không bao giờ xảy ra. "
Vargas Llosa cũng so sánh đại dịch coronavirus với thảm họa Chernobyl ở Liên Xô. Hai chế độ độc tài Trung Cọng và Liên Xô đều kiểm duyệt tàn bạo các thông tin về thảm họa mà họ gây ra. Để trả đủa, chế độ Bắc Kinh gọi Vargas Llosa là ke "vô trách nhiệm", và cấm sách của ông được bày bán ở các tiệm sách cũng như trên trục tuyến ở Trung Quốc. Vargas Llosa cảnh báo các "kẻ ngốc" phương Tây rằng họ nên ngừng tự lừa dối mình rằng họ có thể có "quan hệ kinh tế tự do với một chế độ độc tài" như Trung Quốc, và rằng "những gì đã và dang xảy ra với coronavirus đáng ra phải mở mắt được cho những kẻ mù lòa."
Thảm họa Chernobyl làm suy yếu Liên Xô và hẳn đã đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ. Ngày nay, người ta sợ rằng chế độ cộng sản Trung Quốc có thể sẽ "bình phục và củng cố trở lại" sau cuộc khủng hoảng này - đặc biệt là, dù có bị nạn coronavirus hay không - nếu người dân Mỹ quyết định không ủng hộ để cho tổng thống Donald Trump đắc cử trở lại vào tháng 11 sắp tới, vì ông là vị tổng thống đầu tiên sau 40 năm qua, đã công khai thách thức nhằm đánh gục Trung Quốc.
Mộng mị phương tây về "sự tái sinh của đế chế Tàu" nay đã biến thành cơn ác mộng cho toàn cầu. Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang phải tự nhốt ở nhà; hàng chục ngàn người đã chết; nền kinh tế của các nước phương tây bị tê liệt, và một số đang trên bờ vực sụp đổ. Cửa hàng trống trơn và đường phố vắng vẻ là cảnh tượng phổ biến hiện nay.
Có lẽ đây là điều mà các nhà phân tích gọi là "sự chấm dứt của trật tự tự do". Cộng sản Trung Quốc ngày nay mang bản chất tư bản hơn là Marxist, ít nhất là ở cấp nhà nước. Chủ tịch Tập cân Bình đã thực thi "chủ nghĩa Lênin thị trường" - pha trộn một nền kinh tế nhà nước với một "hình thức toàn trị đáng sợ". Phương Tây phải nhận thức được chính sách hai mặt của Trung Quốc.
Giulio Meotti, nhà báo văn hóa tại Il Foglio, là một nhà báo và tác giả người Ý.
No comments:
Post a Comment