Friday, September 13, 2019

Giấc Mộng Tuổi Hoa

Tố Nguyễn 

Billie Eilish và anh trai Finneas O'Connell

Các em tập hát tiếng Việt tại Thư Viện Việt Nam

***
Sống nơi tiểu bang đông đúc, bận rộn vào bậc nhất của nước Mỹ, tôi thấy nhiều cơ hội cho công việc, học hành, giải trí nhưng cũng biết thêm nhiều áp lực đè nặng lên vai con người, nhất là giới trẻ. Người trẻ nghèo khổ, luôn thấy bị thua thiệt, càng so đo, càng thấy tủi buồn. Người trẻ quá giàu sang, nổi tiếng cũng dễ gánh ưu tư. Làm việc gần Hollywood, tôi đã thấy nhiều nghệ sĩ thành công từ khi trẻ tuổi đều gặp nhau ở những “Rehab Centers”, phải đi chữa bệnh tâm lý, đi cai nghiện. 

Trẻ gốc “Mỹ rặt” mà còn gặp nhiều khó khăn như vậy, thế nên bao bậc cha mẹ gốc Việt như gia đình tôi luôn loay hoay với những câu hỏi khó trả lời cho tương lai con em mình. Làm sao giúp con trẻ tự tin để hoà nhập vào dòng sống đầy cơ hội và thử thách trên xứ sở cờ hoa mà vẫn không bị trở thành “những người mất gốc“?

Văn phòng của tôi có một khách hàng từng rất nổi danh với loạt phim của Disney. Khi cậu đến văn phòng thuế cùng cô vợ, chúng tôi không thể nào tưởng tượng ra cậu trai gầy còm buồn bã, tay chân đầy hình xăm kỳ dị kia từng là “hoàng tử trong mơ” của nhiều cô bé học trò. Sự thành công và tiền bạc đến quá sớm đã đưa đẩy cậu lạc lối, sa đà rồi bị mất hợp đồng phim. Số tiền mà cậu kiếm được nhờ thu âm, lồng tiếng sau này không đủ trang trải cuộc sống cho cô vợ-cũng trẻ con như cậu, cùng hai đứa bé sinh năm một. 

Những ngày gần đây, giới trẻ lại có dịp xôn xao về Bille Eilish, một tài năng âm nhạc với phong cách rất “bụi đời”, hoàn toàn trái ngược với giọng hát ngọt ngào đầy tình cảm của cô. Billie Eilish là cô bé 17 tuổi, sinh ra trong một gia đình có cả cha mẹ đều là nghệ sĩ. Billie Eilish lớn lên ở Highland Park, vốn là một khu phố bình dân phía đông bắc của thành phố Los Angeles. Cha mẹ của cô bé Billie nằm trong phần lớn nghệ sĩ có tài năng nhưng chưa gặp thời, chưa được “tổ đãi” nên vẫn còn loay hoay chật vật với “giấc mộng Hollywood”.

Cả hai anh em của Billie đều học ở nhà chứ không đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Điều đó có vẻ là một cách hay cho gia đình họ, vì hệ thống trường công ở Highland Park không mấy tốt, học phí trường tư thì rất đắt tiền. Anh em Billie được dạy nhạc từ khi rất nhỏ, Billie còn được mẹ cho đi học múa. Lớp học múa là chốn duy nhất để cô bé Billie giao tiếp với thế giới bên ngoài. 

Cái thế giới đầy âm nhạc mà cha mẹ tạo ra đã nuôi dưỡng tài năng thiên bẩm của Billie và anh trai Finneas, giúp họ có thể sáng tác và biểu diễn những ca khúc đầy cảm xúc từ khi còn rất nhỏ. Bài “Ocean Eyes” do anh Finneas sáng tác đã được Billie diễn tả xuất sắc tâm trạng, ý nghĩa của bài hát khi cô bé chỉ mới 13 tuổi. Trên youtube cũng có những đoạn phỏng vấn người mẹ của Bille, kể về những vất vả cả gia đình phải trải qua để cho Billie được học nhạc, phát triển tài năng. Tổ đã “đãi” Billie, với đà này cả gia đình cô bé sẽ có cuộc sống như mơ nơi vùng Hollywood. 

Nghe thử bài hát nổi tiếng “Ocean Eyes”, tôi cũng bị mê say theo. Giọng ca trong veo như đang thì thầm kể chuyện của Billie dễ dàng thu phục được cảm tình của nhiều người, nhiều giới vì ai cũng thấy thấp thoáng tâm sự của mình trong ấy. Xem những đoạn phim, nghe những bài hát của Billie, người nghe dễ đoán được cô bé Billie có điều gì rất kỳ lạ, bất ổn trong tâm hồn. Billie cũng thừa nhận là không tâm sự được với cha mẹ mình, mà phải toàn đi gặp bác sĩ tâm lý để nhờ giúp đỡ.

Hy vọng Billie sẽ không như Britney Spears, Justin Bieber, sẽ lấy được cân bằng khi giấc mơ ca hát, giấc mơ nổi tiếng của cha mẹ cô bé đã thành sự thật. Câu chuyện của gia đình Billie là một bằng chứng sống động cho “giấc mơ Mỹ”, hay đúng hơn là “giấc mơ Hollywood”, rằng mảnh đất màu mỡ này sẽ luôn dành cơ hội cho những ai dám ước mơ và cố gắng hết mình theo đuổi giấc mơ. Nhưng đằng sau ánh hào quang vẫn còn những u uất, cô đơn trong tâm hồn người trẻ tuổi mà tiền tài danh vọng dường như không giúp ích được gì.

Không như Bille, bé A Vy nhà tôi tuy sống gần Hollywood nhưng được sinh ra bởi bố mẹ là những “ca lẻ” chỉ dám biểu diễn hát karaoke trước bạn bè. Khi bé được một tuổi, là đúng lúc bản nhạc Gangnam Style “làm mưa làm gió” khắp các kênh ca nhạc. Thế là vừa đi lẫm chẫm, A Vy đã đứng trên bàn, mắt nhìn màn hình youtube và nhún nhảy theo. Có những đoạn khó như phải giơ một chân lên, cô bé nắm tay bà ngoại để xin giúp giữ thăng bằng. Bao phen cả nhà cười nghiêng ngửa với những màn Gangnam Style của bé con chân tay ngắn cũn cố hết sức lúc lắc theo điệu nhạc. Những lúc ấy, tôi thầm sung sướng nghĩ rằng mình sinh ra được một “mầm non văn nghệ” đầy hứa hẹn.

Như nhiều gia đình châu Á sống trên đất Mỹ, chúng tôi cũng thích cho con đi học nhạc học đàn, dù hiểu đời không như là mơ. . . mộng của các bậc phụ huynh. Thực tế, hơn 90% con trẻ đều kết thúc sự nghiệp đàn hát với một vài bản nhạc để dành khoe khi có khách đến nhà. Sau khi khách ra về, chiếc đàn piano lại nằm lặng lẽ thở dài cùng gió bụi thời gian.

Sau mấy tháng đưa đón bé đi “đào tạo” giữa “trung tâm văn nghệ” Burbank- Hollywood, chúng tôi đành phải chấp nhận sự thật là “con ca không hay, con đàn nghe cũng dở.” Vậy nên đến khi cả nhà tôi cuốn gói dọn về quận Cam, chúng tôi không mảy may hối tiếc về cơ hội nơi Hollywood cho “mầm non văn nghệ” A Vy.

Tôi cũng tự an ủi con mình không có duyên với Hollywood, chắc đời con sẽ không “kịch tính” như các anh chị Hollywood nổi tiếng trên kia.

Tuy đã dọn xuống quận Cam, bé A Vy vẫn còn ảnh hưởng của “trung tâm entertainment”, nên vẫn còn ra vô thơ thẩn hát ca, nhún nhảy theo những bản nhạc bé xem trên youtube. Hát solo mãi cũng buồn, bé A Vy bèn chiêu dụ thêm em trai A Phi tham gia vào “hội yêu văn nghệ”. Hai bé mở Ipad, rồi đứng trước màn hình, mỗi em hát một câu, nhịp nhàng, ăn khớp. 

Dĩ nhiên hai bé con chỉ toàn hát những bản nhạc tiếng Anh, mấy bài hát thiếu nhi Việt Nam hai bé đã quên sạch sẽ từ ngày đi trường học. Bài hát mà hai chị em yêu thích là “I Built A Friend” của chàng Alec Benjamin, một nghệ sĩ sinh trưởng ở Phoenix, Arizona. Sau khi kết thúc bằng câu “We have so much fun together”, cả hai chị em nhìn nhau cười thích thú, chị A Vy không tiếc lời khen ngợi em trai học nhanh và hát hay ghê! Mỗi lần nhìn hai bé song ca, tôi lại mong được nghe con hát bằng tiếng Việt.

May sao, bên cạnh cơ man hàng quán phục vụ món ăn từ Cà Mau đến Lạng Sơn, Sài Gòn Nhỏ cũng có nhiều sinh hoạt văn nghệ cho người gốc Việt. Tôi hay thầm cảm phục “con nhà ai mà giỏi quá” khi tình cờ xem được cảnh các bé con mặc trang phục áo dài, cầm cờ múa hát trên sân khấu. Sau mới biết là các bé được luyện trong “lò” của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ sĩ của anh Nha sĩ, nhạc sĩ đa tài Cao Minh Hưng. Mỗi chiều thứ bảy, các bé sẽ được dạy tiếng Việt về nội dung bài hát, dạy hát và múa ở Thư Viện Việt Nam hoàn toàn miễn phí.

Nhờ tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ, tôi có duyên may được quen anh Cao Minh Hưng, một tác giả từng nhận giải “Á hậu VVNM” từ năm 2000. Thế là hai chị em A Vy được vào lớp học hát mỗi tuần.

Những ngày cuối tháng tám, nắng chiều Cali vẫn còn vàng óng ả. Nhìn những khuôn miệng bé thơ ngân nga theo điệu nhạc, lời ca bằng tiếng Việt, tôi nghe cả bầu trời mùa hạ tuổi thơ xưa bỗng trong phút chốc trở về...

*
Kia rồi, qua hết con ngõ trải đầy lá tre vàng là khu vườn với hàng cây mận xanh xanh bên bờ kênh nước lớn về mấp mé. Dưới tán lá non rung rinh mấy chùm hoa mận trắng, những chú ve tấu khúc nhạc hè râm ran giữa thôn xóm tịch liêu. Cô bé A Tố mặc bộ áo hoa có viền tim tím, tay cầm ống lon gigo tha thẩn dưới những tàng cây, cất tiếng hát say sưa cùng bao nhạc sĩ ve sầu. Xa xa, những áng khói đốt đồng đưa mùi rơm rạ nồng nồng vương trong nắng chiều bàng bạc…

Tôi dọn lên tỉnh, chia tay thời “hát với chú ve con” vì chốn thị thành cây xanh ít ỏi, vắng thưa những tiếng ve.

Các em trình diễn tại cuộc thi “Tâm Ca Đạo Hiếu“ và Tết Trung Thu 2019
Các em múa bài VN Hùng Sử Ca tại Thư Viện Việt Nam

***
Khoảng năm 1990s, khi những đĩa nhạc copy của “U Sing Along” về đến Việt Nam, khắp hang cùng ngõ hẻm bắt đầu rủ nhau hát karaoke, nửa lén lút nửa công khai. Nghĩa là sẽ công khai cho đến khi nào “trưởng khóm” hay “công an khu vực” đến “nhắc nhở” thì sẽ lui vào “hoạt động bí mật” chờ tình hình lắng dịu. 

Dịp nghỉ hè, tôi hay trốn ngủ trưa theo cô bạn đi hát karaoke ở nhà cô Liên cuối xóm. Gọi là phòng karaoke cho sang, chứ chỉ là căn phòng ngủ của gia đình đã được dọn hết giường tủ ra bên ngoài, có kê mấy cái đầu máy, âm li và microphone. Không hề có đèn màu chớp chớp quay quay, “ca sĩ” thường ngồi bệt dưới sàn hay trên mấy cái ghế nhựa thấp bé như kiểu “ghế xúp” của các gánh hàng rong. Khi “ca sĩ” say sưa hát hò trong phòng thì chủ nhà luôn ngồi “canh gác” trước sân.

Vì là băng Karaoke của hải ngoại, nên toàn là những bài ca trước năm 1975 hay những bài được sáng tác ở Mỹ. Những khúc tình ca diễm tuyệt hoà cùng âm thanh thánh thót lôi cuốn tôi vạn lần hơn những bản nhạc nhi đồng chán ngắt. Đang ở độ tuổi học nhanh nhớ lẹ nên dù chỉ ca hát lai rai, tôi đã thuộc lòng đủ thể loại nhạc từ mượt mà trau chuốt đến nhạc lính, nhạc tình như Ai Về Sông Tương, Giọt Mưa Thu, đến Phố Đêm, Sương Trắng Miền Quê Ngoại, Nỗi Buồn Gác Trọ. . . Sau này thêm cả Trái Tim Ngục Tù, Trái Tim Mùa Đông. . Mới học lớp 7, lớp 8 mà tôi cứ hay gân cổ hát “Có người con gái buông tóc thề, thu về e ấp chuyện vu quy” và “Đừng xa em đêm nay…ba má em đã ngủ say...” nên không ít lần tôi bị bà ngoại xuống tận tiệm Karaoke kéo về nhà phạt đòn thật nặng.

Sau những mùa hè “U Sing Along”, tôi cong lưng học thi để vào trường y dược và hát những bài tốp ca đầy máu lửa theo “chỉ đạo”. Cắm cúi với “toán hoá sinh” và những bài hát “đoàn, đội” sáo rỗng, cảm xúc văn nghệ của tôi cũng héo tàn như hàng cây mận trong khu vườn chốn quê xưa. 

Đậu vào đại học, lên Sài Gòn, tôi được dịp tiếp tục giấc mơ ca hát. Tôi xén tiền học tiếng Anh để đi học hát, luyện giọng cùng một ông thầy cũng là ca sĩ “chìm không chìm nổi không nổi”- tốt nghiệp nhạc viện nhưng không gặp thời. Nhưng học để cho vui, chứ thật sự tôi chỉ tự tin khi có màn hình karaoke chạy chữ trước mặt, ảnh hưởng của thời “U Sing Along”.

Rồi khi đi làm, tôi dần quen với cuộc sống của một viên chức đi trễ về sớm, tiệc tùng, karaoke liên tu bất tận như bao nhiêu đồng nghiệp lười nhác khác. Cùng với bao bạn trẻ thời ấy, tôi cứ nhắm mắt mà ca, không mảy may bận lòng về bài hát với từ ngữ giai điệu như thể “đấm vào tai” thính giả “Ở bên người ấy, xin đừng nhớ đến tôi... Người ấy và chính tôi, trong cuộc tình chúng ta, anh phải chọn ra một người thôi. hớ hớ hơ...” Thật lòng mà kể, vẫn có những bài đầy chất thơ nhưng qua sự “sáng tạo” của một số ca sĩ nổi tiếng ngoài Hà Nội, lại trở thành âm u, ghê rợn mà giờ đây khi bất chợt nghe lại giữa đêm khuya tôi còn phải rùng mình kéo chăn trùm kín mít: “Hu oa Hu Oa Hu oa! Vời vợi đất trời phiêu bạt tình si… ú oa ú oa Giữa chốn huyền không tìm người trong mộng… huơ huơ huơ... ”

Giã từ những ngày chơi nhiều hơn làm ở Sài Gòn, tôi sang Mỹ và bắt đầu làm quen với đời sống của một công dân lương thiện, nên hầu như không còn thời gian ca hát. Giấc mộng “mần ca sĩ” của tôi xếp lại để chỗ cho những lớp kế toán thuế chi chít số và luật lệ. Dọn nhà, đổi việc, con trẻ lao nhao, “ca sĩ karaoke” ngày xưa giờ chỉ còn hát mỗi một câu trong bài Biển Tình của nhạc sĩ Lam Phương: “Đời em sẽ đẹp vì có anh.” để cho chàng hăng hái mà lên đường đi... rửa xe hay đi đổ rác.

Tuy không còn thời gian ca hát, tôi vẫn thích theo dõi các tin tức văn nghệ ở hải ngoại. Có lần tôi đọc được bài viết của ông Đào Anh Dũng về Lê Trí & Family Love, tôi đã biết thêm câu chuyện thú vị và cảm động về “những năm đầu tiên lận đận, lao đao nơi xứ người” của những người ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa. Nhờ lòng say mê, tình yêu với âm nhạc Việt, những nghệ sĩ tha hương đã tạo ra được những băng karaoke “hoà âm thật khéo léo, dễ hát, nhạc đệm lúc nào cũng ”đầy“ và ”ôm trọn” lấy người ca với những câu nhạc lót nghe thật dễ chịu”. Khi “lọt” về Việt Nam, dù là băng sao chép lại nhưng âm thanh “Made in USA” vẫn còn rất trong trẻo du dương.

Mỗi khi tình cờ thấy được vài đĩa nhạc karaoke U Sing Along phủ lớp bụi mờ mờ trên giá sách nhà người quen, tôi lại nghe lòng mênh mang nhớ về những mùa hạ năm nào. U Sing Along karaoke đã cho cô bé A Tố có cơ hội làm quen với giai điệu đẹp từ thuở thiếu thời, cho mấy mươi năm sau trên đất Mỹ, tôi lại bắt chước như thi sĩ Bùi Giáng, mơ màng về một ngày “Em sẽ về giữa mùa nước phơi trăng...”

Nhờ văn thơ, âm nhạc, tôi thấy cuộc đời sau bão tố phong ba rồi cũng sẽ như dòng sông quê êm ả trôi cùng năm tháng. Xưa, tôi hát một mình giữa khu vườn hè xào xạc lá, giờ lại được hát cùng con giữa chiều hạ quê người. Các con của tôi, những hạt giống Việt được ươm mầm, vun bón chăm sóc trên đất Mỹ, như những loài cây nhiệt đới trong những mảnh vườn người Việt Sài Gòn Nhỏ. Khi con đi trường học, “phần Việt” dần dần mai một. May nhờ có những tấm lòng của các cô, bác, anh, chị như anh Cao Minh Hưng, ”phần Việt“ trong các bé con sinh ra nước Mỹ được gìn giữ, nâng niu.

Thật ra, không dễ dàng khi ”bắt ép“ các bé con phải học một ngôn ngữ mà chúng cho là ”khó quá máma ơi” và không được dùng trong trường lớp hàng ngày. Muốn con học hát tiếng Việt, nhiều phụ huynh như tôi phải đứng bên cạnh, dò từng hàng, đọc theo từng câu hát với con. Những giây phút học cùng các con, tôi như được trở về thời niên thiếu của mình. 

Những bài hát như bài “Việt Nam Hùng Sử Ca” do anh Cao Minh Hưng sáng tác nhắc tôi nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tên những vị anh hùng Bà Trưng, Ngô Quyền... mà tôi tưởng đã quên đi. Đặc biệt, các bé còn được tập bài hát “Bạch Đằng Giang”, một bài hát đã bị “mất tích” ở Viêt Nam sau năm 1975. 

Cuối buổi học hát, thầy Cao Minh Hưng và thầy Ngọc sẽ cho toàn lớp lên hết bên trên để cùng hoà giọng với nhau. Những lúc ấy, A Vy và A Phi cũng phụng phịu lên cùng, đứng mấp máy môi, trông vẻ mặt hai em rất căng thẳng vì chưa rành bài hát khó. Tuy vậy, hôm sau lúc ở nhà, bé A Phi reo lên mừng rỡ khi thấy lại bài múa Việt Nam Hùng Sử Ca trên youtube mà tôi mở cho bé xem, rồi bé A Vy hỏi tôi “Mẹ ơi, Bà Trưng là ai vậy?”

Trong khi chờ đợi tài năng của con mình phát tiết, hoặc giả chẳng có tài để mà phát tiết, tôi vẫn rất vui vì con đã chịu học tiếng Việt, hứng thú với ngôn ngữ của dân tộc mình. Mong sao bé lớn lên và yêu cội nguồn của mình giống như bé yêu nước Mỹ, có thể hát bài Bạch Đằng Giang rành rọt như hát bài Quốc Ca Hoa Kỳ. Tôi sẽ giữ mãi giấc mơ về một ngày được nhìn hai con xúng xính trong bộ áo dài dân tộc, múa ca bằng tiếng Việt dấu yêu.

Giấc mộng được hát ca giữa những tràng vỗ tay của A Tố xưa kia, của A Vy và các bé con trong câu lạc bộ Tài Năng Trẻ giờ đây đang được sự ủng hộ hết lòng của các bậc cha mẹ, mạnh thường quân nặng lòng với văn hoá Việt. Các cô, chú, bác ban quản trị Thư Viện Việt Nam đã giúp nơi chỗ cho các cháu học múa hát. Anh Cao Minh Hưng và nhiều anh, chị, em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã giành thật nhiều thời gian cho những sinh hoạt cộng đồng.

Sự hy sinh của các bậc cha, chú, anh, chị đã được đền bù thật xứng đáng sau ba năm thành lập Câu Lạc Bộ Đào Tạo Tài Năng Trẻ. Các bé mới bập bẹ hát tiếng Việt năm nào giờ đây liên tục mang về nhiều giải thưởng, được nhiều ánh mắt khâm phục của bạn bè hiệp chủng quốc cho những màn trình diễn thật chuyên nghiệp của mình.

Karake U Sing Along năm xưa và Câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ - Đào Tạo Tài Năng Trẻ hôm nay cho tôi luôn vững tin người Việt hải ngoại sẽ luôn giữ gìn, phát triển văn hoá, nghệ thuật của mình. Những lời ca, điệu hát Việt ngân nga trên đất Mỹ suốt mấy mươi năm qua đã sưởi ấm bao trái tim xa xứ, tô điểm cho bức tranh đầy màu sắc của nền văn hoá Hoa Kỳ.

Như nhiều sắc dân nhập cư khác, các trẻ em gốc Á hay gặp nhiều khó khăn hơn để hoà đồng vào “dòng chính”, không ít trẻ sinh ra trên đất Mỹ đương nhiên rất xa lạ với nguồn gốc của mình, lớn lên thiếu tự tin, dễ dàng sa ngã. Văn thơ, âm nhạc sẽ là nguồn nước mát lành nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, cho con trái tim yêu thương cuộc đời, trân quý tha nhân. Học tiếng Việt, lịch sử Việt qua những bài ca điệu múa, khoảng cách giữa con và thế hệ ông bà, cha mẹ sẽ được thu hẹp lại. Không thành công thì cũng thành nhân, khi con trẻ biết yêu thương, trân trọng cội nguồn của mình, con trẻ sẽ thấy tự tin hơn khi hoà nhập vào nền văn hóa hiệp chủng quốc. Những tài năng trẻ gốc Việt sẽ toả sáng trên đất Mỹ, các con sẽ luôn được sống trong tình yêu thương, nâng đỡ của gia đình và cộng đồng.

Tạm quên hết những bộn bề cơm áo, những lo âu về súng đạn nhiễu nhương, chiều thứ bảy, tôi lại đưa các con về Thư Viện Việt Nam.

Dưới phố Bolsa, lá cờ Mỹ sóng đôi lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới giữa trời Nam Cali mênh mông nắng. Trên một góc Sài Gòn Nhỏ chiều nay lại trầm bổng tiếng đàn, vang vang câu hát “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng...”

Tố Nguyễn

No comments:

Blog Archive