Saturday, August 3, 2019

President Donald J. Trump, và những biến động sau khi ông đắc cử. 

Mời các bạn xem bài viết dưới đây của một người Việt, đã sống ở Mỹ hơn ba mươi năm.

“Tôi thừa nhận: Gần ba mươi năm sống ở Mỹ, đây là lần đầu tiên tôi quan tâm đến đời sống chính trị thường nhật. Tôi nghiên cứu chính trị, từ triết lý chính trị đến hệ thống chính trị, từ lịch sử chính trị đến tập quán văn hóa chính trị, từ ý thức hệ chính trị đến tâm sinh lý chính trị. (Vâng, là tâm sinh lý chính trị, hiểu theo nghĩa của Freud). Nhưng tôi không quan tâm đến đời sống chính trị thường nhật. Tôi xem các chương trình tranh biện chính trị trên truyền hình để mổ xẻ lập luận của các phe phái chứ không hứng thú việc tham gia cổ xúy cho phe phái nào.

Tôi thừa nhận: Tôi đi bầu nhưng không quan tâm mấy đến kết quả bầu cử. Tôi quan niệm rằng không gian chính trị như một cái ao. Muốn giữ cho cái ao không tù đọng, ô nhiễm thì phải thường xuyên bơm nước. Tôi đi bầu chỉ như như đi bơm nước giữ cho cái ao sạch sẽ. Khi quan tâm lớn nhất của một người là làm sao cho có miếng ăn thì những tranh cãi, xung đột về việc phải nấu miếng thịt bò cách nào là những tranh cãi, xung đột xa xỉ. Tôi quan tâm đến một quốc gia chưa có bầu cử tự do phía bên kia đại dương nên xem việc chọn lựa Xanh (Dân chủ) hay Đỏ (Cộng hòa) ở nơi tôi sống là xa xỉ.

Tôi thừa nhận: Đã nhiều lần có cơ hội và tôi cũng có ý muốn tham gia sinh hoạt chính trị ở Mỹ. Nhưng tôi nhận ngay ra rằng, nói theo cách của người Mỹ, my heart is not there (trái tim tôi không ở đó). Tôi không giả vờ được là mình thật sự xem một vấn đề nào đó của chính trị Mỹ quan trọng hơn một vấn đề kia. Tôi có một niềm tin sắt đá rằng, chỉ cần có dân chủ, chỉ cần cái quyền “bơm” nước của người dân được tôn trọng thì nước ao, hay đời sống chính trị quốc gia, sẽ lành mạnh.

Tôi thừa nhận: Tôi coi trọng các giá trị chính trị của cá nhân mình nhưng cũng coi trọng các giá trị chính trị của người khác. Đời sống chính trị hiện đại trong một quốc gia là một hỗn hợp của những giá trị xung đột không thể hòa giải của những nhóm khác nhau trong sinh hoạt chính trị quốc gia đó. 

Ở Mỹ, một người hoặc ủng hộ chính quyền lớn hoặc ủng hộ chính quyền nhỏ; hoặc ủng hộ đánh thuế cao hoặc ủng hộ đánh thuế thấp; hoặc ủng hộ phá thai hoặc không ủng hộ phá thai; hoặc ủng hộ di dân bất hợp pháp hoặc không ủng hộ di dân bất hợp pháp; hoặc ủng hộ hôn nhân đồng tính hoặc không ủng hộ hôn nhân đồng tính; hoặc ủng hộ án tử hình hoặc không ủng hộ án tư hình;… chứ không thể cùng lúc ủng hộ cả hai quan điểm. 

Alastair MacIntyre, trong cuốn After Virtue, giải thích rằng những hiện tượng xung đột không hòa giải được này là kết quả của sự đổ vỡ nền tảng luân lý của văn minh phương Tây kể từ Thời đại Ánh sáng. Đồng ý với giải thích này hay không thì thực tại vẫn thế: Không một nhóm nào nhân danh bất cứ điều gì có thể áp đặt giá trị của họ một cách vĩnh viễn lên các nhóm khác. Dân chủ là để tránh sự độc đoán này. Dân chủ là một cơ chế bảo đảm rằng không một nhóm nào được phép cai trị các nhóm khác vĩnh viễn.

Sáng sớm ngày 8/11/2016, tôi đi bỏ phiếu bầu tổng thống và các vị trí dân cử khác. Buổi chiều, tôi ra phi trường đi làm ở Scotland. Tôi theo dõi kết quả cuộc bầu cử qua các trang mạng trên chuyến bay đêm. Vừa đáp xuống Dublin thì bạn nhắn, “chúc mừng, Trump đã thắng!” Tôi nhắn lại lời cám ơn rồi lên máy bay đi tiếp. 

Ở thời điểm đó, tôi thật sự không thấy có gì quan trọng. Trump thắng thì cũng như Omaba đã thắng, như Bush đã thắng, như Clinton đã thắng. Điều quan trọng nhất đối với tôi lúc đó là niềm tin vào nền dân chủ Mỹ. Toàn bộ hệ thống truyền thông cánh tả - nghĩa là toàn bộ những cơ quan truyền thông lớn nhất ở Mỹ mà bạn nghe đến, toàn bộ hệ thống hàn lâm, toàn bộ các tầng lớp quyền lực chính thống, từ chính trị đến công nghệ đến văn hóa, chống lại Trump nhưng tiếng nói của cử tri vẫn là tiếng nói cuối cùng. Một người dân chủ phải lấy điều này làm điều khích lệ cho lý tưởng dân chủ của mình. Dân chủ là tiếng nói của cử tri. Khác với những kẻ dân chủ giả, chỉ xem dân chủ là phương tiện để tranh giành quyền lực. Tôi viết cái note này là để nói về những người dân chủ giả này.

Con trai tôi gọi. Lúc đó nó đang học năm thứ ba đại học. Cũng như đám sinh viên bạn nó, nó bối rối. Nó không hiểu tại sao Trump lại có thể thắng khi mà toàn bộ hệ thống quyền lực của xã hội, trong đó có các giáo sư của nó, dự báo Trump chỉ có thể thua. Tôi viết một cái note dài để giải thích cho con trai mình và cũng để giải thích cho rất nhiều bạn trong friend list của tôi. (Mời đọc lại trước khi đọc tiếp cái note này.)

Một tuần bận rộn ở Scotland nhưng tôi vẫn dành thời gian theo dõi những diễn biến tiếp theo sau cuộc bầu cử. Thoạt đầu tôi không lấy làm lạ lắm với những tấn công tiếp tục của truyền thông đối với vị tổng thống vừa mới đắc cử. Điều này bình thường. Nhưng tôi rất ngạc nhiên về sự quan tâm của thế giới mạng tiếng Việt với kết quả bầu cử ở Mỹ. Một số facebookers Việt Nam không ủng hộ Trump trong cuộc tranh cử nhanh chóng chuyển dịch các quan điểm chống Trump từ các cơ quan truyền thông chính thống và lan tỏa nó trong không gian tiếng Việt. Một cuộc chiến khác bắt đầu, lôi cuốn theo nó một đám rất đông những người viết bình luận bằng tiếng Việt trên mạng xã hội, và kéo dài suốt hai năm qua. (Một số đông khác chuyển từ chửi cộng sản sang chửi Trump. Những người này không đáng để nói đến.)

Ban đầu, những người ủng hộ Trump cố gắng giải thích chiến thắng của mình với niềm tin là những người không ủng hộ Trump, sau cơn địa chấn đêm 8/11/2016, sẽ hiểu ra đó chỉ là kết quả bình thường của một tiến trình dân chủ. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng những người chống Trump không hề có ý định hiểu ra điều gì. Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa thời Tổng thống Bill Clinton, cho rằng đây là hiện tượng chấn thương tâm lý. 8:00 giờ tối ngày 8/11/2016, những người này vẫn tin chắc rằng Hillary Clinton sẽ thắng. 10:00 giờ ngày 8/11/2016, họ nhận ra Trump thắng là một thực tại. Tâm lý con người không có khả năng làm hòa hai xung lực đối nghịch trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Và họ bị chấn thương.

Nhiều người khác có những giải thích khác đối với hiện tượng lên đồng tập thể chống-Trump này. Tôi viện dẫn giải thích của Newt Gingrich một phần vì nó dễ hiểu, nhưng phần quan trọng hơn là nó giúp tôi nói đến hiện tượng khác trong thế giới tiếng Việt: tính đạo đức giả của một số người đang hô hào dân chủ cho Việt Nam. Tôi gọi họ là những kẻ dân chủ giả. 

Cơn “chấn thương” này đã làm cho những cái đầu uyên bác nhất của giới chính trị và hàn lâm trở nên cùng quẩn. Madeleine Albright, cựu bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Clinton, cảnh báo Trump là nguy cơ đe dọa nền dân chủ. Bà và những người lo sợ như bà đủ sức hiểu rằng yếu tố đòi hỏi đầu tiên cho một nền dân chủ là chấp nhận kết quả bầu cử. Không chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử thì tự tước đi thẩm quyền nói đến dân chủ. Phần còn lại chỉ là những cáo buộc. Giáo sư chính trị học danh tiếng Francis Fukuyama cũng có nỗi sợ vô cớ đó.

Nhưng sự sợ hãi vô cớ, đưa đến những hành xử và thái độ có tính động kinh đó, chưa phải là điều tệ hại nhất.

Điều tệ hại nhất là những người này đã miệt thị những cử tri đã bỏ phiếu cho Trump (hoặc ủng hộ Trump sau khi Trump thắng cử.) Ứng cử viên Hillary Clinton nói thẳng, những kẻ ủng hộ Trump là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Thế giới truyền thông cánh tả và đám trí thức đô thị chống Trump diễn giải thêm: là đám ít học, đám lao động chân tay, đám nhà quê. Vài tuần trước cuộc bầu cử nửa nhiệm kỳ vừa qua, David Gelernter của Đại học Yale viết một bài trên Wall Street Journal lý giải cụ thể hơn về hiện tượng miệt thị này. Bài báo có cái tựa đề “Lý do thật sự mà họ ghét Trump”. Gelernter cho rằng đằng sau thái độ “ghét Trump” là cái tâm lý coi thường, miệt thị những người thấp cổ bé miệng trong xã hội của những người tự cho mình khá giả hơn. 

Và cứ thế, những tệ hại này đã được chuyển sang không gian tiếng Việt với tất cả sự hung bạo và giả dối của chúng.

Trong một không gian dân chủ trưởng thành, như ở Mỹ, thì sự hung bạo và giả dối này dù rất đáng chê trách, dù đã gây nên cơn động kinh của sự sợ hãi, và cả sự thù hận, chưa bao giờ thấy trong sinh hoạt chính trị Mỹ trong mấy thập niên qua cũng không để lại hệ lụy đáng ngại nào. 

Kết quả của cuộc bầu cử nửa nhiệm kỳ hôm qua, với kết quả là Đảng Dân chủ chiếm Hạ viện, Đảng Cộng hòa giữ Thượng viện, cả hai với một tỉ lệ gần như ngang bằng, chứng tỏ sinh hoạt chính trị Mỹ vẫn diễn ra bình thường. Những thế lực chống Trump điên cuồng trong hai năm qua sẽ lấy lại sự tự tin sau cơn địa chấn 11/2016 và sẽ nhận ra rằng Trump chỉ là đại diện cho một số đông cử tri và số đông cử tri này đang cầm quyền.

Nước Mỹ sẽ tiếp tục đời sống chính trị của nó như đã từng sống đời sống đó từ hơn hai trăm năm nay. Nhưng những rác rưởi tệ hại của giai đoạn động kinh hai năm ngắn ngủi vừa qua của nó xuất khẩu sang Việt Nam sẽ để lại những hệ lụy lâu dài hơn. Một cơ thể lành mạnh thì có khả năng hấp thụ và hóa giải đủ thứ rác rưởi. Một cơ thể yếu không có khả năng đó. Những rác rưởi này sẽ đọng lại, sẽ chuyển hóa thành những độc tố làm hủy hoại thêm và làm cơ thể càng yếu đi. Việt Nam chưa có một không gian tự do và một cơ chế dân chủ lành mạnh để có thể hấp thụ và hóa giải những rác rưởi tệ hại nhập khẩu từ bên ngoài. Đây là điều mà những người đang vận động dân chủ ở Việt Nam phải nhận thức rõ ràng.

Nhưng đáng tiếc, nhiều người, ngay cả những gương mặt lớn nhất, nổi trội nhất của không gian mạng tiếng Việt đã không có nhận thức này. Chính họ đem rác rưởi vào làm ô uế thêm cái không gian đã chật hẹp và đầy rác rưởi.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà biên giới chính trị quốc gia đang bị xóa mờ đi. (Biên giới văn hóa, công nghệ, kinh tế cũng thế.) Một người sống ở quốc gia này có thể tham dự vào sinh hoạt chính trị của một quốc gia khác, dù người này có tư cách pháp lý để tham gia bầu cử hay không. Một người sống ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình về một chính khách hay một vấn đề nào đó của sinh hoạt chính trị ở Mỹ là bình thường. Điều này cần được khuyến khích. Nó là một cơ hội để người đó làm quen với chính trị dân chủ. Người này có thể đầu tư xúc cảm và trí tuệ vào sự thắng bại của một ứng viên nào đó mà họ muốn. Họ có thể tham gia phản biện chính sách, tuyên truyền, đả phá, cổ vũ cho các giá trị, thậm chí có thể can dự vào những trò bẩn thỉu của quyền lực như thóa mạ, cáo buộc cá nhân, miễn là các hành xử của họ ở trong khuôn khổ mà không gian dân chủ đó đó có thể khoan thứ được. Dân chủ là hỗn loạn. Sự hỗn loạn này là tất yếu khi nhiều xung lực xã hội với những giá trị xung đột không hòa giải được cùng lúc tranh giành quyền chi phối và ảnh hưởng lên chính sách quốc gia. Người tham dự vào cuộc chơi dân chủ chấp nhận sự hỗn loạn đó với sự hiểu biết và từng trải về văn hóa chính trị. Nói cách khác, sự hỗn loạn của dân chủ được điều phối bởi những nguyên tắc bất khả xâm phạm.

Điều này càng trở nên quan trọng khi người tham dự vào cuộc chơi dân chủ ở bên ngoài cùng lúc đang cố gắng vận động dân chủ cho Việt Nam. Việc một người đang hô hào dân chủ cho Việt Nam can dự vào cuộc đỏ đen chính trị ở bên ngoài tự nó không có gì đáng trách. Nhưng nó làm rõ “mặt thật” của các ước vọng dân chủ của họ. Nó gợi ý rằng những người này quan tâm đến dân chủ như một phương tiện của quyền lực. Khi những người này can dự vào những trò bẩn của việc tranh giành quyền lực ở bên ngoài như cáo buộc, mạ lỵ cá nhân đối với các ứng cử viên thì sự gợi ý trở nên một tố cáo sự tiềm ẩn của tham vọng quyền lực. Một người ngồi ngoài xem đánh bạc mà cũng đỏ mặt tía tai thì chắc chắn có máu đánh bạc. Máu đánh bạc hay máu quyền lực tự nó không có gì xấu hay tốt. Nhưng nếu những máu me này giấu mặt đằng sau những lý tưởng có vẻ cao thượng thì đám người này là đám người dân chủ giả. Họ là những người đáng lẽ phải có trách nhiệm giải thích về các hiện tượng dân chủ thì lại để mình dễ dàng bị lôi cuốn vào những quyến rũ của khoái cảm máu me quyền lực ở bên ngoài.

Quyền lực có khả năng tha hóa con người. Sự ám ảnh đối với quyền lực cũng có khả năng tha hóa ngay cả với những người chưa có quyền lực. Việc can dự vào những trò bẩn của quyền lực ở bên ngoài đẩy những người xem dân chủ là một công cụ quyền lực ở Việt Nam đến với những tha hóa và lố bịch không còn có thể chấp nhận được: miệt thị quyền chính trị của những người không đồng ý với mình!

Robert Dahl, trong cuốn “Về Dân chủ” (On Democracy), định tính “dân chủ” như một yếu tố bình đẳng cố hữu (intrinsic equality) về chính trị. Những người dân chủ tin rằng, bất cứ một công dân nào cũng có quyền chính trị tương xứng và bình đẳng với một công dân khác. Một hệ luận quan trọng của niềm tin này là tất cả các lá phiếu đều có giá trị ngang nhau. Nếu ai tin khác đi thì người đó không phải là một người dân chủ.

Hơn hai mươi năm trước, sau cơn khủng hoảng tài chính ở Châu Á, Lý Quang Diệu của Singapore viết trên tờ Foreign Affairs cổ vũ cho cái mà ông gọi là “các giá trị Á Châu”. Trong mớ lập luận này của ông có cái quan điểm cho rằng lá phiếu trong những cuộc bầu cử dân chủ nên chia theo tỉ lệ kiến thức, kinh nghiệm, hoặc vị trí xã hội của từng cử tri. Không ai trong thế giới tự do và dân chủ xem quan điểm này của Lý Quang Diệu là nghiêm túc. “Các giá trị Á Châu” và phương thức tính tỉ lệ giá trị lá phiếu của Lý Quang Diệu rơi vào thùng rác của lịch sử. Nhưng sự miệt thị quyền chính trị của những người ở vị trí xã hội thấp hơn ở giới trí thức vẫn còn nguyên vẹn đó và khi có cơ hội sẽ trỗi lên.

Việc gọi các cử tri khác là những kẻ tội nghiệp, đáng thương, là những kẻ tay lấm chân bùn, hay kẻ ít học tố cáo một não trạng trịch thượng và lố bịch. Nhưng kẻ miệt thị lá phiếu của người khác tiềm ẩn trong họ nguy cơ độc đoán. Nếu họ hô hào dân chủ cho Việt Nam thì họ là những kẻ dân chủ giả.

Trở lại với cách giải thích của Newt Gingrich. Lý do của sự “chấn thương” này là gì nếu không phải là sự va chạm không chống đỡ nổi với một thực tại ở ngoài khả năng tiên liệu? Những người này đã không chấp được cái thực tại là đám người “đáng thương”, “ít học” này có thể đưa một người của họ vào vị trí quyền lực cao nhất thế giới. Những người này cứ đinh ninh rằng chỉ có họ mới có đủ uyên bác, đủ trí tuệ để tham dự vào cái công việc đặt để này. Xưa nay họ ca tụng dân chủ nhưng phải là thứ dân chủ của họ chứ không thể nào là dân chủ của đám người “đáng thương”, “ít học”, “nhà quê”

Sự ngạo mạn và lố bịch này đi vào không gian tiếng Việt không bởi ai khác hơn là chính những người đang hô hào dân chủ cho Việt Nam.

Thay lời kết.

Trump bước vào Nhà Trắng, việc đầu tiên ông làm ngay lập tức là thực hiện một số công việc ông hứa khi đang vận động tranh cử. Vài ngày sau, trên trang mạng của một vài gương mặt vận động dân chủ cho Việt Nam mà tôi biết xuất hiện một ý kiến quái dị như sau: Khi đang vận động tranh cử thì Trump nói sao cho có phiếu thì nói nhưng khi đã vào Nhà Trắng thì các chính sách phải dựa trên quyền lợi quốc gia!

Thì ra, có một thứ “quyền lợi quốc gia” nào đó đứng bên ngoài ý chí của cử tri. Và người này tự cho rằng mình ủng hộ dân chủ.

Trump có thể đã làm được vài chuyện, làm được nhiều chuyện, hoặc chỉ phá hoại, đó là điều có thể tranh cãi. Nhưng, với tôi, có điều này không cần tranh cãi: Trump giúp lột cái mặt nạ đạo đức giả của rất nhiều người.

Trump đã giúp lột cái mặt nạ của nhiều người lâu nay vẫn to tiếng vận động dân chủ cho Việt Nam, nhưng thái độ và hành xử của họ qua hiện tượng “Trump” cho thấy họ chỉ xem dân chủ như một phương tiện để tranh giành quyền lực chứ không xem dân chủ như một giá trị hướng thượng của những người tự do. Họ là những kẻ dân chủ giả.

Chúng ta cần phải cảnh giác với những gì họ nói về dân chủ.”

Trần Minh Khôi.

No comments:

Blog Archive