Mảnh Đất Hồi Sinh
Lại Thị Mơ
Thân gửi đến anh chị để chúng ta cùng chia sẻ một bài viết hay, và biết ơn cuộc đời của những người Việt đã đến được bến bờ tự do.
Đinh công Đức
Một đàn rách rưới con như bố.
Câu thơ của Trần tế Xương nghe có vẻ chua xót, nhưng cũng không sai lắm cho bốn con người mang trên ngực áo tờ giấy in chữ IOM, đang co ro ngồi dưới mái hiên của một trại ty nạn bỏ hoang ở Thái Lan: một gia đình HO.
Mới chưa hết nửa ngày, mà cảnh “lên voi xuống chó” đã hiện ra rành rành. Sáng nay rầm rầm rộ rộ đưa tiễn, mấy chục người, tất cả anh em trong nhà và bạn bè xa gần. Thậm chí cả cô giáo của hai thằng nhóc học mầm non cũng ra đưa tiễn.
Người nào cũng nhìn cái gia đình mang tờ giấy IOM với con mắt thèm khát: đúng là đang ngồi trên lưng voi. Không cần biết tờ giấy IOM đồng nghĩa với charity, cứ được đi Mỹ là oai rồi.
Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt.
Dù chậm thế nào thì cũng phải chia tay. Vèo một cái từ Tân sơn Nhứt (nói theo nhà văn Tiểu Tử) đã qua tới Băng Cốc Thái Lan. Mỗi người được phát một hộp cơm, sáng mai có chuyến bay đi Tokyo, từ Tokyo mới bay vào Mỹ.
Cảnh xuống chó bắt đầu từ đây, dân mang phù hiệu IOM tức là con bà phước, nay được chú Sam ra tay cứu độ. Không hiểu tại sao phi trường Băng Cốc cũng rộng rãi và đẹp như những phi trường quốc tế khác, sáng mai có chuyến bay đi Tokyo, tại sao chúng tôi không được phép ở trong phi trường. Họ chở cả nhà ra nằm qua đêm ở ngoài phi trường, trong trại ty nạn bỏ hoang, chất đầy hành lý thất lạc và thùng carton cũ nát. Chỉ có một bóng đèn vàng leo lét, và mấy băng ghế dài, muỗi bay vo ve chích hai thằng bé. Cả một tương lai mù mịt như bóng đen trước mặt, chẳng còn cách nào khác, được mượn tiền vé máy bay là ưu đãi lắm rồi, cứ thế mà đi, mấy chục người hồi sáng làm gì thấy được cảnh này. Thật ra gọi là lên voi té (xuống) đất thì đúng hơn. Vì xuống chó, tức là còn có chỗ ngồi, chứ ở nơi thê lương thế này thì đúng là té đất. Té cho ta cảm giác ê ẩm, còn xuống nghe an nhàn quá.
Qua một đêm nghe ễnh ương, cóc nhái kêu chao ơi là não nuột, cuối cùng đám con bà phước cũng đi được tới miền đất hứa. Ở xứ nóng nên không hề biểt tháng Ba ở miền Đông Bắc Mỹ còn rất lạnh. Áo ấm mua ở xứ nóng thì nếu mặc cũng chẳng ấm lắm đâu, nhưng đã không mặc vào người, mà lại đóng trong bốn cái rương ràng kỹ bằng đai sắt. Thế là cả bốn người run rẩy trong cơn gió lạnh nửa đêm.
Qua xứ này một lô luật lệ nhằng nhịt cột chặt hai tay của bốn con người còn đang ngơ ngác như Mán về thành, mọi thứ đều vô cùng lạ lẫm, nhưng vẫn phải bắt đầu đi tới, vì giòng thời gian không ngừng lại bao giờ. Mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là tới hè, thằng lớn vẫn phải đi học. Chưa có bằng lái xe thì dùng tạm xe đạp có yên sau để đưa con đi học. Bố gò lưng đạp lên dốc, con ngồi sau vuốt mặt trong cơn mưa xối xả. Mẹ thì loay hoay dọn dẹp và nấu ăn cho ba gia đình cùng ở chung dưới một mái nhà. Cô giáo đưa nhiều tờ giấy cho con, vẫn để đầy trong backpack, bố mẹ chẳng hề biết có ngày chỉ học nửa buổi. Buổi trưa tan học, không thấy bố đón, thằng bé sáu tuổi rưỡi nhớ đường, lủi thủi đi bộ về nhà. Xe Cảnh Sát chạy ngang, ngừng lại: trẻ con đâu có lang thang một mình ngoài đường. Họ mở backpack để xem địa chỉ. Mẹ nghe điện thoại đang ú ớ yes sir, that’s my son, đã thấy xe Cảnh Sát đậu trước cửa và thằng nhỏ ngồi chiễm chệ bên cạnh ghế tài xế. Bên VN làm gì có cái hân hạnh được Cảnh Sát chở tới tận nhà, như vậy so với đám trẻ lang thang bán vé số, thì thằng con tôi đúng là đang ngồi trên lưng voi.
Tuy vậy hai tháng đầu tiên ở Mỹ, cũng để lại cho con tôi một kinh nghiệm nhớ đời: ma cũ bắt nạt ma mới. Không biết tiếng Anh, chẳng có ai chơi, mỗi khi đi học con tôi mang theo đồ chơi là những cái xe không được lắp pin. Vậy mà cũng có một thằng trong lớp vô cớ bắt nạt, nó đã giựt cái xe từ tay thằng con tôi rồi dẫm nát, trước đôi mắt uất ức và cái mím môi chịu đựng của một đứa bé sáu tuổi. Con giun xéo mãi cũng oằn, cho tới một ngày con tôi không chịu nổi, nó đã nhào tới đấm vào mặt đứa bắt nạt. Những gì xảy ra từ trước thì cô giáo không biết, chỉ cái mũi phun máu của thằng bắt nạt hôm nay, thì cô biết con tôi là thủ phạm.
Hình phạt ở lại một năm vì hạnh kiểm không tốt. Bị ở lại, dù chỉ là lớp một, cũng làm con tôi buồn suốt mấy năm học tiểu học, khi thấy thằng bắt nạt luôn luôn ở trên mình một lớp. Tới năm học lớp bốn, con tôi đã viết trong bài luận về nỗi uất ức của nó khi cô giáo cho tựa đề: hãy viết về chuyện gì mà em nhớ rất rõ khi học mẫu giáo hay lớp một. Hãy kể ra và nói tại sao em lại nhớ chuyện ấy, (think about an event from K or first grade that you most clearly remember. Describe it and why it is that you remember it).
Như đứa bé tủi thân vì bị oan ức, nay có người hỏi đến, nó sẽ òa khóc cho thỏa lòng. Con tôi cũng thế, dù đã bốn năm, nó vẫn nhớ mồn một như vừa xảy ra. Nó viết một mạch kín đầy trang giấy và đưa cho cô giáo đọc ngay. Nó đã kể tỉ mỉ bị kỳ thị vì thằng kia gọi nó là đồ mọi rợ, và đã bắt nạt bằng cách đập nát đồ chơi của nó. Cô giáo đã sửng sốt không ngờ một học sinh lớp bốn, mà đã nêu ra một vấn nạn rất khó giải quyết ở trường học, nạn nhân đang đứng sờ sờ trước mặt. Cô ôm con tôi và nói hoài tiếng sorry, cô dỗ dành và khuyên hãy quên đi những người không tốt. Mặc dù nó hứa với cô giáo sẽ quên. Nhưng cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành mỗi khi hỏi về chuyện cũ, thằng bé bị bắt nạt năm xưa, vẫn chẳng bao giờ quên tên của đứa hiếp đáp mình vào những ngày đầu tiên đi học nơi xứ lạ quê người.
Thật đúng như người ta thường nói, niềm vui qua đi, nhưng nỗi buồn ở lại. Chúng ta ít nhớ chuyện vui, nhưng chuyện buồn thì như vết cứa vào da thịt. Dù vết thương có lành nhưng vẫn để lại vết sẹo khó phai mờ dù năm tháng trôi qua.
Cuộc sống mới bắt đầu cho con, nhưng là bắt đầu lại cho bố mẹ. Không thể nói đợi người này xong rồi tới người kia. Tất cả bốn người cùng đứng trước điểm xuất phát cho cuộc tranh tài. Ngày xưa ở làng các ông năm mươi tuổi đã làm lễ ra lão. Sau lễ dân làng sẽ gọi ông năm mươi tuổi bằng cụ. Khi ông cụ đó sống thêm hai chục năm nữa, đã là điều hiếm có “thất thập cổ lai hy”.
Kể từ khi đặt chân tới miền đất hứa, ông bố HO không có thì giờ để nhớ mình bao nhiêu tuổi. Cưa sừng làm nghé, mười năm trong tù của ông đã được đền bù bằng bốn tờ giấy IOM cho cả gia đình. Không có thì giờ để nhớ câu thơ “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Ông phải làm bất cứ chuyện gì để kiếm ra tiền. Ông vẫn thường nói đùa với những người bạn tù cùng cảnh ngộ: xóa bài làm lại.
Bốn tờ giấy IOM là tấm thông hành, để ông đi đến miền đất hứa. Khi ra tù ông lủi thủi một mình, mà nay có tới “bốn mình”, ánh sáng dù chỉ le lói cuối đường hầm, cũng cho ông niềm lạc quan vào tương lai.
Còn da thì còn lông mọc. Mười năm trong tù không chết, thì bất kỳ khó nhọc đến đâu ở cái xứ Đông Bắc lạnh lẽo này, cũng chẳng thấm gì với cái lạnh ở Hoàng liên Sơn ngày trước.
Bị nhốt trong cũi sắt, chân bị cùm, mỗi ngày một củ khoai bằng nắm tay và một ca nước, gió lạnh rít trên đầu, quần áo tả tơi, mà tử thần không gọi. Thì bây giờ, dù đã qua tuổi để lên lão, tử thần chắc cũng thương tình cho ông sống thêm vài chục năm nữa. Ngày nào ông cũng khấn nguyện trong lòng, xin cho chân cứng đá mềm, xin cho sống tới ngày con ông học thành tài.
Mười năm tù tội, gánh phân, đập đá, lên rừng chặt nứa, lội suối vác giang đã tôi luyện ý chí bất khuất của những người tù như ông.
Sau khi có bằng lái xe, ông đã vội vã xin vào trường dạy nghề. Con đường đại học xa quá “một con chim trong tay, còn hơn hai con chim trong bụi”.
Hàng ngày đến trường vật lộn với kìm búa, mặt mày lem luốc dầu mỡ, ông vẫn chẳng hề than thở. Bò dưới gầm xe mà thấy lòng thảnh thơi, khi nhớ về ngày xưa. Được tha khỏi trại tù, không có nghĩa là có tự do. Trong thời gian quản chế, phải trình diện công an mỗi tuần. Phải có giấy phép của chủ nhà nơi cư ngụ, tóm lại ra tù nhỏ, nhưng vẫn ở trong nhà tù lớn. Chỉ có hôm nay, đang gò lưng khiêng bánh xe, ông bỗng bật cười khan, nơi đây ông mới thật sự có tự do. Không giật mình nghe tiếng gõ cửa xét nhà, không bị lùa đi kinh tế mới. Bây giờ ông muốn ở đâu thì ở, miền nóng, miền lạnh, chẳng ai xét hộ khẩu. Cảnh Sát giao thông không bao giờ ghi giấy phạt vô cớ để xin tiền mãi lộ. Khi tới các cơ quan hành chánh chẳng ai nạt nộ hạch xách, hẹn lần hẹn lữa, đi không rồi lại về không.
Ông đã được trở về từ cõi chết, dẫu phải bò cúi dưới gầm xe, ông vẫn hiên ngang ngước mặt hãnh diện nhìn đời. Ông đã đạt tới tuổi thất thập cổ lai hy hồi nào không nhớ. Hai thằng nhỏ co ro nằm dưới ánh đèn leo lét ở trại ty nạn bỏ hoang năm xưa, nay đã thành ông nghè, ông cống. Ngày xưa người ta nói sĩ tử học hành đỗ đạt xong sẽ vinh qui bái tổ. Danh phận là phần quan trọng nhất của nam giới, nên khi được bảng hổ đề danh, người đó đã có Đại đăng Khoa. Còn khi lập gia đình chỉ gọi là Tiểu đăng Khoa. Đối với phụ nữ, hôn nhân là một biến cố trọng đại, nên hôn lễ của cô dâu gọi là Đại đăng Khoa, còn bằng cấp đối với con gái không đáng kể, nên chỉ được gọi là Tiểu đăng Khoa.
Các bạn tù gọi điện thoại chúc mừng hai thằng con, ai cũng nhắn: “chừng nào thì tiểu đăng khoa?”. Tự dưng ông cảm thấy đổi mười năm tù để có ngày hôm nay, quả là phúc báo cho ông.
Từ ngày được hít thở không khí tự do, chưa bao giờ ông kêu ca phàn nàn, hay than thân trách phận. Thấy người ta đi xe đẹp, nhà to, ông vẫn bình thản. Bởi vì ông vừa thoát ra từ cõi chết, phải chia nhau từng củ khoai, miếng sắn mới biết ơn mảnh đất bao dung này. Cả đời ông cũng chẳng hề nghĩ hai đứa con ông, nay đã trở thành những người hữu ích cho xã hội. Âu cũng là cách trả ơn cho đất nước đã cưu mang một gia đình ra đi với hai bàn tay trắng.
Trở về quê nhà sau hai mươi năm bươn chải xứ người, ông thấy những xa hoa phù phiếm, mà nhiều người thường ca ngợi như một sự đổi mới, càng hiện rõ những bất công trong xã hội. Người ta đang quay cuồng để đi vào chỗ chết, không lối thoát.
Một thân thể tàn tạ mười năm trong tù, như thân cây sắp mục, bỗng chốc đâm chồi nảy lộc thành cây cao bóng mát. Nhìn cơ ngơi có được ngày hôm nay, ông gọi mảnh đất “hồi sinh” này là quê hương thứ hai của mình. Mảnh đất đầy lòng nhân ái, đã cho con ông cơ hội thành người. Mảnh đất này là nơi phục hồi nhân phẩm và mang đến cho ông nguồn hạnh phúc, nó cũng sẽ ấp ủ hình hài khi ông từ giã cõi đời, như đứa con trở về lòng đất mẹ. Bất giác ông nghĩ chỉ có “hồi sinh” là hai chữ đúng nhất để gọi những gia đình HO. Và từ mảnh đất này cây khô già cằn cỗi là những tù nhân năm xưa cũng đã đâm chồi nảy lộc, sinh ra những hậu duệ làm rạng danh nòi giống VNCH.
Xin nhận mảnh đất hồi sinh này là quê hương thứ hai. Không còn quê hương thứ nhất, thì mảnh đất hồi sinh đã cưu mang đùm bọc chúng ta, xin gọi đây là quê hương duy nhất.
Cha sinh không bằng mẹ dưỡng. Dẫu biết đây không phải là nơi chôn rau cắt rốn, nhưng các con tôi đã trưởng thành nơi đây. Mảnh đất này chính là quê hương đích thực của thế hệ hậu duệ con cháu HO.
HO là hồi sinh.
Lại Thị Mơ
No comments:
Post a Comment