Saturday, August 31, 2019

Tôi Đi “Sửa Mắt”

Năng Khiếu

Mấy tháng nay tôi phải treo bút ngưng viết vì lý do đi “sửa mắt”. Chắc các bạn đang nghĩ là tôi cắt mí trên, hút mỡ mí dưới, cho trẻ hơn. Không phải vậy đâu, tôi đi mổ cườm khô (Cataract).

Sau những ngày tháng nghỉ dưỡng, thị giác của tôi đã ổn định, nhìn đời đẹp và rõ hơn. Nhờ vậy mà tôi có cảm hứng viết bài này, để chia sẻ kinh nghiệm với bạn nào lần đầu giải phẫu mắt như tôi, cho bớt sợ một chút nha!

Người ta thường nói, “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, rồi còn bình thơ, “Người khôn con mắt dịu hiền. Người dại con mắt láo liên nhìn đời”.

Riêng đối với tôi, đôi mắt còn là “cửa chính của cuộc sống”. Vì theo y học trong các bộ phận hình thức bên ngoài trên cơ thể, đôi mắt là đặc biệt hơn cả, nó phải làm việc với cường độ cao nhất. Như tôi đã tận dụng hai con mắt cho công việc quá nhiều. Chỉ xin kể từ ngày 30/4/1975 khi đất nước đổi đời.

Sau bao ngày lang thang ngoài chợ trời, tôi quay qua “chăm chú mắt” vào nghề may quần tây cũ nhưng còn tốt, loại vải nhập cảng như “Giec-say len Angle, Oxford, Soi viot…” của “chế độ cũ” để lại, may lộn trái thành quần mới, bán cho người “Xã Hội Chủ Nghĩa” ưa hàng ngoại.

Đến khi ông xã tôi tốt nghiệp “Đại học cải tạo” ra trường. Đầu năm 1981 tôi lại làm nghề dệt mền chỉ nhuộm mầu xanh, đỏ, dùng mành kéo thành hình con công, con phượng rất đẹp, “hai mắt đổ dồn lại một” để xỏ sợi chỉ nhỏ xíu qua go, qua thoi. Nhưng dệt gia công tại nhà rẻ rề, dệt ngày dệt đêm mới đủ sống.

Năm 1994 đến Mỹ, trẻ chưa qua già đã tới, mắt bắt đầu đeo kính, lại cặm cụi với cái nghiệp may vá. Thức khuya dậy sớm may cho đến khi tiệm khai phá sản. Đang lúc thất nghiệp, có người bạn giới thiệu đến may và sửa đồ (Alteration) ở tiệm dry clean, làm được năm sáu năm, ảnh hưởng hóa chất, bị nhuốm bệnh xuýt chết, phải “bỏ của chạy lấy người”.

Đến tuổi nghỉ hưu, người ta gọi là “tuổi vàng”. Nào ngờ “Gối mỏi chân chồn” được hưởng an nhàn không phải bon chen trong cuộc sống, mắt lại kéo mây mùa thu. Thêm nữa, sống giữa thời đại @! Internet nối kết toàn cầu qua những thiết bị điện tử tối tân. Đừng nói gì khuyên con bảo cháu, mà cả ông lẫn bà, lúc nào cũng “dán mắt” vào màn hình lớn, màn hình nhỏ. Cũng Text messages, cũng Email, coi phim, xem YouTube, Facebook, Google… Lại còn tật mê Game Candy Crush… Hầu quên đi bệnh tật, mà tờ lịch trên tường ghi ngày hẹn bác sĩ, gần hết các tháng trong năm.

Rồi một hôm, tôi đến phòng mạch bác sĩ nhãn khoa khám định kỳ, vì mắt cứ cồm cộm, mờ mờ, như có mấy con bọ bay lảng vảng trước mắt. Sau khi được bác sĩ đích thân đo mắt, để cắt kiếng mới, điều chỉnh lại độ, thêm thuốc nhỏ mắt; Tầm nhìn của tôi rõ hơn. 

Một năm sau tôi đến bác sĩ Dũng ở đường Bolsa khám mắt lại. Ông nói : “Mắt bác bị cườm khô “còn non” đục thủy tinh thể nhẹ, chưa phải mổ, nhưng phải theo dõi tiến triển của bệnh để điều trị”. Hẹn sáu tháng sau gặp lại.

Đúng hẹn tôi trở lại, được các cô y tá chụp hình đủ chiều, trong các máy tối tân. Tôi phải che từng mắt một, để đọc mấy hàng chữ lớn, chữ nhỏ, trên màn hình trong suốt như tấm gương, mà cũng trật lất. Kết quả sau khi bác sĩ đo và khám mắt cho tôi, ông đề nghị lấy hẹn bắn tia laser chặn cườm khô (Cataract), không để chuyển qua cườm nước. Thực sự trước kia tôi cũng không để ý tìm hiểu các bệnh liên quan đến mắt, bây giờ nghe bác sĩ nói cũng hơi run.

Cô y tá cho tôi cái hẹn để làm Laser mắt trái trước. Vài tháng sau tôi đến khám mắt lại và lấy hẹn làm laser mắt phải .

Tôi đến đúng giờ hẹn, trước khi gặp bác sĩ, cô y tá dẫn đi chụp hình mắt. Rồi cô đưa vào phòng khám ngồi trên chiếc ghế có điều chỉnh cao thấp, khi đã nhỏ thuốc và chuẩn bị sẵn sàng bác sĩ đẩy máy đến trước mặt tôi, ông ngồi vào ghế đối diện, đầu tôi được để vào vị trí chính xác không thể nhúc nhích, để máy có thể rọi đúng mắt, ông bảo tôi mở mắt lớn, nhìn thẳng vào tai trái của ông. Tôi cảm thấy như ông chụp vào mắt một cái vòng vừa khít, những tia sáng vàng xanh, chạy quanh trong ánh đèn sáng rực làm chói mắt, rồi tôi nghe “tách tách”, thì ra bác sĩ vừa bắn tia Laser cho tôi xong. Không thấy đau đớn gì, chỉ như con ngươi bị vật lạ búng nhẹ vào.

Sau đó bác sĩ viết cho tôi toa thuốc nhỏ mắt chống viêm. Nội trong ngày tôi sinh hoạt bình thường không phải kiêng cữ gì. Khi làm laser xong cả hai mắt tôi nhìn rất rõ, chỉ phải đeo kiếng khi đọc chữ nhỏ xíu.

*
Được khoảng ba, bốn năm. Mắt tôi lại mờ dần vì “khói đời” và nỗi buồn cườm khô (Cataract) ám ảnh. Tôi phải đến bác sĩ để đo mắt, cắt kiếng, sửa lại một số rối loạn về khúc xạ (refraction) như cận thị viễn thị.

Lần khám mắt đầu năm 2019, Khi tôi bước qua ngưỡng “thất thập”, bác sĩ Dũng phán: “Mắt của bác cườm khô đã “chín mùi” cần phải mổ”.

Thú thật nghe chữ mổ mắt là tôi đã thấy sợ, ví như phải mổ bộ phận khác trong người nếu có biến chứng, thì còn mong cứu vãn, chứ mổ mắt mà rủi ro có bề gì thì mù lòa suốt quãng đời còn lại trong tăm tối, làm sao mà trở lại bàn phím để tâm sự với các bạn. Lại còn vương mang duyên nợ với chữ nghĩa nữa chứ! Biệt tích trong mục VVNM mãi cũng nhớ. Nên tôi xin bác sĩ có cách gì chữa trị mà không phải mổ, nhưng bác sĩ nói: “Cataract không chữa bằng thuốc uống được, cách chữa duy nhất là phải giải phẫu. Rồi ông nhấn mạnh: “Nếu bác còn chần chừ, để lâu thủy tinh thể (lens) có thể đặc quá (dense hard nuclei) cứng và nâu, sẽ gây trở ngại lúc mổ lấy thủy tinh thể ra”.

Tuy được nghe bác sĩ giải thích sơ, nhưng tôi không yên tâm, bèn về nhà tìm tài liệu nói về cườm khô (Cataract) đọc cho biết. Nhân đây tôi xin chia sẻ với các bạn:

Theo gốc Hy Lạp và La Tinh, Cataract có nghĩa là đổ xuống, giống như một thác nước, thủy tinh thể mắt (lens, cristallin /French) đổi qua màu trắng như một màng trắng buông xuống, chặn ánh sáng vào mắt, khác với “cườm nước”, hay glaucoma. Do nghĩa gốc glaucoma là màu xanh vert (xanh lá cây, green) cũng có nghĩa là đục, đờ đẫn (dull sheen) là cái nhìn không thần sắc của người mù mắt.

Mấy ngàn năm trước thời La-Hy, người ta chưa phân biệt cataract và glaucoma. Bịnh glaucoma do áp xuất các chất dịch trong tròng mắt quá cao. Cả hai loại cườm đều có thể hiện diện trong mắt, cataract to quá trong một số trường hợp có thể gây ra glaucoma, cũng như giải phẫu chữa glaucoma có thể gây biến chứng ra cataract. Nên gặp bác sĩ hỏi xem, ngoài vấn đề cườm khô mình có bịnh cườm nước hay bịnh gì khác không?

Trong bịnh cườm khô (cataract) có một vết đục trong thủy tinh thể của mắt (lens). Như trong một máy chụp hình, nhìn vào phía trước, chúng ta thấy một thấu kính (camera lens) để cho ánh sáng đi vào phía sau và ánh sáng in hình lên phim hoặc trên màng phim tiếp nhận. Mắt chúng ta cũng tương tự như một cái máy chụp hình, ánh sáng cũng đi qua một bộ phận như một cái thấu kính, bộ phận đó là thủy tinh thể (lens).

Lúc cườm khô mới xuất hiện, người bịnh thường không thấy thay đổi gì trong khả năng mình trông thấy. Nhưng từ từ theo thời gian, vết đục càng ngày càng ảnh hưởng tới thủy tinh thể mắt, làm cho người bịnh biết mắt mờ đi (blurred vision) hình thể sự vật bị méo mó, người bịnh thấy xốn mắt, khó chịu lúc nhiều ánh sáng và dễ bị chóa mắt lúc nhìn vào một ngọn đèn (glare). Cataract không chữa bằng thuốc uống được. Cách duy nhất là giải phẫu, bằng cách lấy thủy tinh thể đã vẩn đục ra khỏi vỏ (capsule) chứa đựng nó và thay thế vào đó một kính nhân tạo bằng plastic (silicone hay acrylic) (intraocular lens, IOL).

*
Tôi đã hiểu và không phân vân nữa vì nghĩ đến trường hợp của mẹ tôi, cụ sợ mổ mắt mà chút nữa phải mù lòa vào tuổi 90.

Số là năm 1994 lúc đó mẹ tôi 66 tuổi, bác sĩ nhãn khoa cho biết mẹ bị cườm khô cả hai mắt, nhưng ông mổ cho mẹ tôi một bên mắt bị cườm nặng trước. Vào thời đó bác sĩ giải phẫu bằng cách rạch những đường mổ nhỏ trong mắt bằng dao phẫu thuật, nên thời gian kéo dài gần một tiếng, gây mê lâu quá, lúc về nhà mẹ bị chóng mặt muốn ói, rồi nằm cả ngày không ăn uống gì, mẹ tôi sợ quá, nên mẹ chỉ mổ có một mắt rồi trốn luôn. Đến năm mẹ tôi 88 tuổi, mắt mẹ gần như bị lòa, đi khám bác sĩ thì được biết một bên mắt mổ thì nhìn thấy mờ mờ, còn bên không mổ thì hoàn toàn mù. Mẹ tôi không còn coi T.V. được và nhìn con cháu đứa nọ sọ đứa kia, tội nghiệp mẹ lắm!

Tôi đến gặp bác sĩ Dũng, trình bày tình trạng mắt của mẹ tôi như vậy bác sĩ có chữa được không? Ông nói tôi đưa mẹ đến để ông khám rồi sẽ quyết định.

Mẹ tôi đã được bác sĩ Dũng nhận lời mổ cả hai mắt cho mẹ, ông giải thích cho tôi biết là một bên mắt mẹ mổ trước kia bị vết sẹo kéo mờ, mắt còn lại thì hoàn toàn không nhìn thấy gì. Ông sẽ mổ cho mẹ chừng 15 phút, nhờ kỹ thuật laser tiên tiến hỗ trợ, với độ chính xác tuyệt vời, mổ đục thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật thành công và thông thường nhất tại Hoa Kỳ. Hiện nay các bác sĩ thường dùng kỹ thuật Phacoemulsification, nghĩa là “nhũ tương hóa thủy tinh thể” (bác sĩ dùng dụng cụ siêu âm để phá vỡ thủy tinh thể thành từng mảng nhỏ và hút ra ngoài, trước khi để thấu kính nhân tạo vào trong vỏ của thủy tinh thể) .

Nhưng tôi vẫn lo lắng vì mẹ tôi bị suyễn kinh niên, nên hay ho bất chợt. Phổi lại yếu, đêm phải cần thiết bị trợ thở oxy, không biết có trở ngại gì không? Tôi thầm cầu nguyện cho mẹ. Vậy mà tạ ơn Chúa, cám ơn bác sĩ Dũng thật tài giỏi, sau phẫu thuật, mẹ tôi đã nhìn thấy trở lại được cả hai mắt. Tuy không rõ như lúc còn trẻ, nhưng những ngày cuối đời được hạnh phúc nhìn đủ mặt con cháu, và chúng tôi chăm sóc mẹ cũng đỡ vất vả.

Mổ Cataract mắt trái:

Bác sĩ Dũng hẹn ngày để mổ mắt bên trái của tôi trước vì cườm nặng hơn. Địa điểm là “Newport Bay Surgery Center” ở thành phố Newport Beach. Trước khi mổ ông cho toa để mua hai loại thuốc nhỏ mắt. Tôi cũng nhận được một bao thơ điền đầy đủ chi tiết, cùng những lời dặn trước khi giải phẫu, phải nhịn ăn từ 12 giờ đêm. Giải phẫu lúc 10:30 AM tôi phải có mặt trước một tiếng rưỡi, để ký giấy tờ và hoàn tất mọi thủ tục.

Đúng 9:00 AM tôi có mặt. Trong lúc ngồi chờ tôi được ngắm cảnh đẹp của biển qua cửa kính. Trung tâm giải phẫu này nằm bên bờ biển hình vòng cung, Đối diện là bãi đậu của những chiếc du thuyền sang trọng, đang neo thành từng hàng nhấp nhô bập bềnh trên sóng nước. Bên cửa kính lớn trong suốt, tôi có cảm tưởng như mình đang đứng trên con tàu lướt sóng ra khơi.

Giật mình tỉnh mộng khi nghe cô y tá gọi tên, rồi dẫn tôi vào phòng bên, đến trước bàn làm việc, cô mở hồ sơ hỏi tên họ, ngày sanh tháng đẻ của tôi lần nữa cho chắc ăn. Tôi được đưa vào ngồi ở chiếc ghế bên trong tấm màn che, cô dặn tôi thay quần áo để mặc chiếc áo khoác dài của nhà thương cột dây sau lưng, và nằm lên chiếc giường có bánh xe đẩy.

Một cô y tá khác đến, giới thiệu tên mình là Julie và đắp cho tôi tấm drap dầy màu trắng được hấp nóng, tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình người trong buổi sáng mùa xuân. Cô nhỏ thuốc cho tôi nhiều lần để tròng mắt nở ra, tôi có cảm tưởng như mắt tràn ngập những nước. Cô cài vào cổ tay một cái vòng bằng giấy cứng, ghi sẵn tên tôi và ngày sanh, rồi cầm tay tìm mạch gắn vào chiếc kim lớn, để truyền nước biển và chích thuốc mê. Sau đó cô lấy bút đánh dấu X trên trán bên mắt trái của tôi để bác sĩ khỏi mổ lộn.

Bác sĩ Dũng bước vào xem hồ sơ, thấy mặt tôi có vẻ căng thẳng ông trấn an: “ Bác đừng lo, tôi sẽ làm tốt nhất cho mắt của bác”

Vì là lần đầu giải phẫu mắt, nên tôi rất hồi hộp và lo lắng. Nhưng nghe lời an ủi của bác sĩ Dũng, một người nổi tiếng chữa trị mắt rất giỏi ở vùng Little Saigon, nên cũng hơi an tâm. Thời gian chuẩn bị kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhưng bác sĩ mổ chỉ độ 15 phút là xong. Có bốn người cùng mổ mắt với tôi buổi sáng hôm đó đều an toàn ra về.

Mổ xong con mắt trái tôi có thể nhìn xa rất rõ. Nhưng nếu tôi che mắt trái, thì mắt phải trông mù mờ, nên tầm nhìn không cân bằng, mọi vật chênh vênh méo mó. Nhìn vào màn hình computer lâu thì bị chảy nước mắt, đeo kính cũ vào thì chóng mặt, chỉ thỉnh thoảng mở email check rồi vội đóng máy lại.

Đi tái khám, tôi nói với bác sĩ về tình trạng mắt của tôi. Ông nói không sao, mắt mổ của tôi rất tốt. Cứ tiếp tục nhỏ ngày bốn lần cho ba loại thuốc, trong đó có một là trụ sinh, chờ mắt trái bình phục, sẽ mổ mắt phải, rồi đo lại và cắt kiếng mới, sẽ ổn định ngay.

Mổ Cataract mắt phải:

Ngày chờ đợi đã đến, tôi cũng lấy hẹn để gặp bác sĩ trước, rồi được các cô y tá lần lượt chăm sóc, cũng giống như mổ mắt trái tôi đã kể ở trên.

Bác sĩ Dũng rất khéo tay, lần này cũng mổ nhanh và nhẹ nhàng, tôi không thấy đau tí nào, dù cảm nhận được tiếng di động của bàn tay bác sĩ, khi làm thủ thuật mổ mắt cho tôi. Xin cám ơn bác sĩ.

Tôi được đẩy ra phòng hồi sức. Tỉnh dậy, tôi thấy bà y tá người Nhật vui vẻ hỏi tôi vài câu, rồi gỡ kim chuyền nước biển ở tay và những miếng keo gắn vào người tôi để theo dõi nhịp tim. Bà dặn tôi những điều cần thiết, như về nhà không nên tắm gội ngay để tránh nước vào mắt, không được xách nặng, không nấu nướng và xem TV nhiều… Rồi bà tặng tôi cặp kính râm to và đen thui, dặn tôi đeo khi ra nắng để bảo vệ mắt.

Sáng hôm sau tái khám, bác sĩ cho biết mắt tôi rất tốt, ông dặn tôi phải tiếp tục nhỏ ba thứ thuốc tất cả là mười hai lần một ngày để tránh nhiễm trùng. Vậy là tôi đã được mổ Cataract xong hai mắt, tôi thật vui mừng, không ngờ với tuổi này mà mình còn có thể nhìn rõ mọi vật dù ở xa. Đợi khoảng một tháng sau đó, tôi đến bác sĩ đo mắt và làm cặp kiếng mới. Bây giờ tôi có thể ngồi gõ phím mà không sợ chóng mặt.

Tôi khám phá ra rằng, nếu lấy tay che từng mắt, bên mắt trái bác sĩ gắn thấu kính nhìn xa, mắt phải thì gắn thấu kính nhìn gần, để tôi có thể sinh hoạt bình thường mà không cần đeo kính. Chỉ khi đọc chữ nhỏ tôi mới đeo kính để mắt đỡ mỏi và thấy rõ hơn. Mỗi khi ra ngoài trời nắng, nếu quên đeo kính râm, lúc trở vào nhà, mắt tôi tối thui, một lúc mới nhìn lại được.

Điều đáng buồn là tôi không còn lạm dụng con mắt như xưa được nữa, tôi chỉ có thể ngồi trước màn hình chừng hai ba tiếng là phải nghỉ, nếu không sẽ có cảm tưởng như đuôi mắt ươn ướt, khó chịu. Đó là vài yếu điểm, còn lại rất tốt. Hiện giờ tôi chỉ nhỏ ngày hai lần, loại thuốc có tên: “Restasis 0.05% Eye Emulsionall”, cho khỏi khô mắt.

Các bạn “cao niên” của tôi ơi! Nhớ đi khám mắt thường xuyên nhé! Ngay khi thị lực của các bạn còn rõ, giúp khám phá sớm dấu hiệu đục thủy tinh thể (Cataract) hoặc các bệnh khác về mắt. Nếu phát hiện kịp thời có thể cứu được thị giác của mình tốt hơn. Bây giờ tôi nhìn rõ hơn nhờ thấu kính nhân tạo. Vậy là tôi không cắt mí bên ngoài, nhưng chữa con ngươi bên trong, nên tôi lấy tựa đề là “Sửa Mắt” cho có vẻ thẩm mỹ hơn và tránh chữ mổ mắt cho bớt sợ.

Xin cám ơn nước Mỹ, với nền y khoa tân tiến nhất thế giới, đã giúp cho những người già chúng tôi bảo vệ được thị giác, là một trong ngũ quan quý giá nhất của con người. Nhờ đó mà cuộc sống thêm phần vui vẻ và hạnh phúc.

Năng Khiếu

No comments:

Blog Archive