Monday, August 26, 2019

Tui trẻ Hong Kong
Bài phỏng vấn chàng trai 15 tuổi này không rõ được đăng trong tờ báo nào nhưng được nhóm AntiELAB Fight for Hong Kong chụp lại và giới thiệu lúc 15:49 ngày hôm nay.
Ngay lập tức, bài phỏng vấn nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng.
Đọc xong bài phỏng vấn này mình chỉ có thể làm được một điều: dịch ngay sang tiếng Việt và không thể bình luận được gì vì mọi lời bình luận đều trở nên vô nghĩa.
Tiếng nói của chàng trai 15 tuổi trong hàng đầu đoàn biểu tình: “Em thà là chuyện (xấu) xảy đến với em hơn với người khác.”
1. Có phải những người ở tuyến đầu phải luôn đề cao cảnh giác, tìm cách tóm mấy con cá chìm lẩn trong đoàn biểu tình không?
Không, chúng em luôn hoạt động như trước. Người ở tuyến đầu phải biết đánh giá đúng sai mọi tình hình. Hai ba chục người chúng em thường thảo luận và lấy biểu quyết xem sẽ tiếp tục như thế nào. Chúng em không lo là sẽ đưa ra những chỉ dẫn sai lầm.
2. Em phản ứng ra sao với hơi cay và đạn cao su?
Trúng hơi cay thì bị thương nhiều, giống như bị phỏng lửa vậy. Và sau đấy thì nước tiểu có màu đỏ - em không chắc có phải tại hơi cay không. Bị đạn cao su bắn trúng thì quả thực là sẽ bị thương. Chỗ trúng đạn sẽ bị sưng phồng và chỉ đỡ đi sau một tuần.
3. Cha mẹ em có trách mắng và ngăn em ra đường không?
Em không nghĩ ba em biết. Mẹ em thì suy nghĩ rất thoáng nên chả nói gì nhiều, mặc dù thế mẹ thấy “may” khi đạn cao su chỉ trúng vào mông em.
4. Em nghĩ gì về những người nói là em được trả tiền để đi biểu tình?
Có những người bị bắn đến mù mắt – là những chuyện có hậu quả lâu dài, trọn đời. Với những người biết suy nghĩ thì quyết tâm (dấn thân) này làm sao có thể mua được bằng tiền.
5. Điều gì đã khiến em muốn góp trọn tương lai để làm những điều dường như là không thể được như vậy?
Giành lại Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta.
6. Nếu hôm 18/08 có ít người đi biểu tình thì em có chán nản không?
Sẽ có chút chút. Nhưng em hiểu rằng mọi người mệt rồi. Ai cũng cố gắng hết mình. Trong khả năng tối đa của em, em sẽ gắng hoàn thành những chuyện bị bỏ dở vì mọi người đã kiệt sức.
7. Em có nghĩ rằng tuyến đầu cứ leo thang liên tục thế này sẽ gây áp lực được cho nhà cầm quyền? Đâu là đích của sự leo thang?
Nếu các yêu sách vẫn chưa được đáp ứng thì leo thang là điều tự nhiên, và nhà cầm quyền phải bị gây áp lực. Dù có bất kỳ hiệu quả nào, em không thể nói gì - em chỉ có thể làm hết khả năng của em.
8. Em có sợ bị cảnh sát bắn không?
Em không sợ. “Nếu chúng tôi bị cháy, anh cũng sẽ bị cháy chung với chúng tôi,” nhưng mà lỡ có bị bắn thì bắn vào em vẫn tốt hơn vào một bạn gái nào đó. Gương mặt của bạn gái rất quan trọng. Em thà là chuyện (xấu) xảy đến với em hơn với người nào khác.
9. Em thường đi biểu tình một mình không?
Không, em đi với bạn bè. Nhưng sau khi cảnh sát được huy động thì rất khó để đi chung với nhau vì mỗi người cần phải phản ứng nhanh và không thể kè kè với người khác. Sau đấy thì chúng em tập họp lại. Em nghĩ những người tự trang bị lung tung cả lên thì thường không phải là cá chìm.
10. Em cảm thấy thế nào?
Em cảm thấy rất là bất lực vì nhà cầm quyền vẫn từ chối đưa ra câu trả lời. Em cảm thấy mình như là người vô dụng, chẳng làm được gì cả dù em có cố gắng đến đâu đi nữa, em không thấy có hy vọng.
11. Em muốn làm gì nhất?
Em muốn nhanh lớn lên, và sẽ uống thử rượu. Em muốn thử làm nhiều việc em không làm được trước đó. Em muốn có bạn gái.

No comments:

Blog Archive