Một trăm đô tiền tặng của Juliana
Thành Trương
Gia đình, chồng và ba con nhỏ của Juliana dọn về khu xóm tôi chừng không đầy hai năm. Juliana và chồng là Alex gốc người xứ Moldovia ở Đông Âu, một xứ rất nhỏ nằm ở cạnh xứ Rumania. Hai vợ chồng chưa đầy ba mươi tám tuổi và có ba con: bé gái Alexandria sáu tuổi, bé trai Andrew hơn ba tuổi và bé gái út hơn hai tuổi một chút, rất xinh xắn, tên Margaret.
Khi gia đình dọn về khu tôi ở đầu ngỏ, mỗi lần lái xe ngang qua, tôi thường chào hỏi và làm quen với mấy nhỏ nên dần dần trở nên thân. Tính Juliana hiền hậu, tử tế và lễ phép như người Á châu mình. Juliana không gọi tôi bằng tên mà gọi tôi rất lễ phép là “Uncle Thành.” Lòng yêu thích trẻ con của tôi khiến mấy đứa nhỏ cũng mến tôi và cũng bắt chước mẹ chúng gọi tôi là “Uncle Thành.”
Tôi còn nhớ mùa đông năm rồi khi Juliana chưa đi làm vì chưa có bằng lái xe, sáng nào Julie, tên gọi Juliana cách thân mật, cũng dẫn mấy bé đến nhà tôi chơi. Lúc nào tôi cũng cho mấy bé kẹo bánh và đồ chơi nên mấy bé thích lắm. Julie dạy con rất kỹ, ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, ai cho gì phải hỏi mẹ trước mới dám nhận, không cho con uống nước ngọt và chơi games và rất ít xem TV. Khi vào bên trong nhà tôi chơi, mấy bé biết gõ cữa hay bấm chuông, muốn cầm vật gì đều xin phép và biết cảm ơn khi nhận. Bao nhiêu đó đủ làm cho tôi phải mến phục. Nhất là khi trong nhà cha mẹ chỉ nói với con mình bằng tiếng xứ mình và đối đáp lại mấy bé cũng vậy chứ không dùng tiếng Anh. Thật là một điều vô cùng khôn ngoan và đáng phục trong lối dạy con và giữ gìn văn hoá của dân tộc mình.
Mùa đông vừa rồi tuyết đổ ba bốn ngày không ngừng, làm cái lều che xe của tôi bị đè sập phải nhờ mấy ông hàng xóm tới phụ giúp, trong đó có Alex. Sau đó có vài lần tôi nhờ Alex đến sửa cái cánh cửa rào và che mấy tấm nhựa vì cái mái hiên trước bị dột. Tính Alex không được ‘xã giao’, cởi mở trong việc giao tế như vợ nhưng rất tận tình khi giúp đở và có tay nghề khá cao.
Tôi và vợ tôi nhớ nhứt là ngày sinh nhựt của vợ tôi, Julie mời hai tôi đến nhà làm lễ mừng sinh nhựt cho vợ tôi và gia đình cùng vui. Vợ tôi rất lấy làm hài lòng và cảm động vô cùng. Khi chưa đi làm và ở nhà chăm ba con và nấu nướng vì chồng đi làm tới khuya mới về, Julie thường nấu mấy món ăn của xứ mình đem lại biếu chúng tôi. Đáp lại, có lần vợ tôi lại nhà Julie chỉ Julie làm chả giò vì Alex và mấy đứa nhỏ thích ăn chả giò lắm. Còn tôi thì tôi thường đi garage sales và đi vào Good Will để lục lọi tìm mấy thứ đồ chơi về cho mấy bé để mỗi lần chúng đến tôi đều có món cho bọn trẻ. Bọn chúng thích lắm. Lâu ngày đồ chơi mấy bé đem về nhiều đến nổi Julie phải ‘năn nỉ’ tôi đừng cho nữa vì “ tụi nó bày cháu dẹp mệt quá!”
Bà Dì thứ Hai của vợ tôi, thường gọi là Má Hai, bị bịnh nặng ở thời kỳ cuối nên vợ tôi thường gởi tiền về giúp. Vợ tôi có nói chuyện này cho Julie nghe. Rồi bổng một sáng nọ, Julie có để mấy món thức ăn trước cửa nhà tôi và trong bao đựng có một cái bao thư. Khi tôi đem gói thức ăn vào nhà thì thấy có cái bao thư, mở ra thì thấy có tờ giấy một trăm đô. Khi mở ra thì có giòng chữ viết bằng tiếng Việt, đại ý là hy vọng số tiền này sẽ giúp cho người đang cần, tôi tưởng là của mấy người giảng đạo thường hay đến nhà vì lời lẽ không phải là lối hành văn Việt ngữ – sau này tôi hỏi Julie mới cho biết là mình dùng nhu liệu phiên dịch trên Google để dịch ra Việt văn. Tôi nói lại vợ mình thì vợ tôi nói chắc là của Julie đó, vì hôm trước em có nói với Julie là Má Hai đang bị bịnh nặng. Tôi mới nói là để anh hỏi Julie xem sao. Thì quả là đúng như vậy, tiền này của Julie gởi tặng bà Dì Hai! Tôi ái ngại quá nên đem tiền tới nhà Julie từ chối thì Julie nhất định không nhận lại và nói để gởi về giúp cho “người cần bên đó.” Từ ngạc nhiên đến xúc động, hai vợ chồng tôi không ngờ một người bạn láng giềng từ xứ lạ mình mới quen mà lại có nghĩa cử vô cùng hào hiệp như vậy.
Người xưa có câu mà tôi nhớ mãi: “Ngàn vàng dễ được, lòng tốt khó tìm," nay tôi đã thấy được tấm lòng vàng này ở một người không cùng chủng tộc nhưng có cùng tình thương đùm bọc của người di dân đến ở xứ này với nhau.
“Thay lời dì Hai cảm ơn Julie đã thể hiện tình đùm bọc nhau của những con người đến làm lại cuộc đời mới ở xứ này. Cảm ơn tấm lòng tốt của Julie lắm.”
Thành Trương
No comments:
Post a Comment