Ôi nhớ xưa quê mình chỉ hai mùa mưa nắng. Hết nắng rồi mưa; hết mưa rồi nắng. Đôi khi chỉ trong một ngày lại nắng sớm mưa chiều. Còn bữa nào, mưa trong bình minh đó là những ngày bão rớt. Nơi mình sanh ra, rồi lớn lên, ở riết quen không còn để ý nữa. Chỉ đến khi xa rồi, mất rồi mới tha thiết nhớ làm sao?
Xin đừng cắm đầu, nhắm mắt, nhắm mũi theo Thanh Tịnh “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” chỉ có trong văn thơ của miền Bắc. Dẫu vậy, bất cứ đứa học trò trai hoặc gái của quê mình, của tui một thời thơ dại, ai ai cũng thuộc lòng bài nầy hết ráo!
***
Quê mình khác, quê người khác. Khác từ chuyện ăn đến chuyện học. Ở Úc, niên học bắt đầu từ tháng Giêng và chấm dứt vào cuối tháng Chạp. Học như điên, học suốt 12 tháng hay sao? Đâu có! Học trò Úc cũng có nghỉ, nhưng không nghỉ Hè một lèo, suốt 3 tháng, từ tháng Sáu cho tới tháng Chín như ở quê mình đâu. Một niên học của học trò Úc có 4 học kỳ; có bốn lần nghỉ, mỗi lần hai tuần cho nó phẻ!
So với kỳ nghỉ mùa Xuân, mùa Thu, mùa Đông, nghỉ Hè, cuối niên học, từ 19 tháng Chạp tới 26 tháng Giêng là dài nhứt, là ‘đã’ nhứt vì em yêu lu bu bận giữ cháu Nội, hổng còn thời giờ để mắt canh chừng tui có quậy ‘sảng’ hay không. Lợi dụng thời cơ, một năm xổng chuồng một lần tui bèn dông ra biển.
Dông ra biển hổng phải để tắm đâu nhe vì tui sợ cá Mập lắm. Dông ra biển để ‘địa’ mấy em Úc mơn mởn đào tơ, mặc bikini như hổng có mặc gì! Nó đã làm sao đâu!
Mùa hè năm ngoái nè, lúc lơn tơn ra biển, tui thấy một em hình như trái bưởi Biên Hòa của em đang đòng đưa trước gió. Tui bèn nhắc nhỏ: “Em gì gì đó ơi! Hình như nó ló ra ngoài kìa!” Em nhìn xuống ngực rồi thảng thốt kêu lên: “Giời ơi Giời! em đã bỏ quên con em ở trên xe ‘bus’ rồi!”
***
Khi vô quốc tịch, trong buổi lễ của Cáo sồ (Council), Hội đồng thành phố thường cho mỗi tân công dân Úc một cây bạch đàn hoặc một cây Phượng tím còn nhỏ, mình đem về nhà trồng, làm kỷ niệm và tạo thêm môi trường xanh bóng cây nơi mình đang sanh sống!
Loài hoa Phượng tím nầy là do người Việt ly hương chúng ta đặt tên; vì nó nở rộ vào cuối năm học như Phượng hồng của quê mình. Cho dù Phượng tím nở vào mùa Xuân; còn Phượng hồng nở vào mùa Hạ!
Phượng tím, Phượng hồng hình dáng rất khác nhau, màu sắc cũng khác nhau nhưng có cái chung là nở đúng mùa thi nên gọi là hoa học trò đấy thôi.
(Ôi tàn mùa thi, em đi lấy chồng; còn tui đi lính. Rồi tàn mùa thi năm sau, người nữ học sanh năm đó vô bảo sanh viện Từ Dũ; còn tui ra biển, dông luôn cho tới tận bây giờ)
Quê người không còn thấy Phượng hồng (vùng nhiệt đới) mà chỉ thấy Phượng tím (vùng ôn đới) không hè. Loài hoa học trò nầy, Úc gọi là Jacaranda, từ các nước Nam Mỹ đến định cư trong các công viên thành phố.
Footscray, từ đường Moore, lái xe chở em yêu đi chợ về tới ngã ba, gặp đường Ballarat, trước khi quẹo phải để về nhà, theo thói quen vào tháng Mười, Mười Một và tháng Chạp, tui thường nhìn thẳng vào rìa công viên Footscray, là thấy ngay cành Phượng tím của mùa Xuân xa xứ quê người!
(Thành phố Maribyrnong, nơi tui lưu lạc rồi tấp đại vào đây, có hơn 100 công viên cho tình nhân đến để hun nhau, vườn cảnh cho ông già bà lão đến ngồi, càm ràm lẫn nhau một lát rồi nghỉ mệt để ngắm hoa Phượng tím! Đôi ta hai đứa hai đầu băng đá, nhớ lại cái thuở học trò êm đềm, lúc chưa biết yêu nhau, thiệt là đẹp biết bao. Còn hơn bây giờ, tối ngày chỉ lo cãi lộn!)
***
Khi chưa trổ hoa, Phượng tím, Jacaranda, lá xanh khá giống cây Phượng hồng, nhưng đến khi hoa nở thì hoa không giống loài hoa Phượng hồng mà ta đã hằng quen.
Hoa Phượng tím, Jacaranda, như những chiếc chuông nhỏ màu tím, dài chừng 4-5 cm rung rinh trong nắng. Sydney và Melbourne trời ấm muộn hơn hơn nên hoa nở muộn hơn, tím cả một khung Trời tím khi mình ngước mắt nhìn lên. Tím một thảm hoa, đầy trên mặt đất, khi mình nhìn xuống.
Mùa thi đang đến! Những em sinh viên trường Đại học Queensland cũng tin dị đoan thấu Trời đi. Các em nghĩ rằng khi cùng anh, đôi ta chậm bước trên đường đầy hoa Phượng tím mà gió làm rơi một cánh hoa trên mớ tóc mây, em gục vào vai anh khóc nức nở vì tin rằng mình sẽ thi rớt.
(Ối đâu cần cánh hoa Phượng tím rơi rơi làm em thi môn nào rớt môn đó. Học không lo, chỉ lo ‘y cà lết’ (yêu) em rớt là cái chắc!)
***
Mùa Hè ngày xưa cũ, trốn cái nóng kinh hoàng không gì bằng thơ thẩn trốn vào công viên Tao Đàn để ngắm Phượng hồng và nghe tiếng kêu râm ram, rền rĩ rmột khúc tình ca, của những chú ve cô đơn đang gọi bạn tình!
Thời thơ dại, chưa biết yêu là phẻ nhứt hè. Lớn lên một chút thì đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Làm một con tính trừ, thì lỗ quá xá là lỗ nên tui chọn mùa Hè khoan yêu, dứt áo xa em để về quê cắm câu, bắt con nhái bầu nhấp nhấp mấy con cá lóc tham ăn phóng tới, táp nghe cái ‘phập’!
Phải công nhận tuổi học trò đúng là thời hoa mộng, là ăn chưa no, lo chưa tới, đi học chỉ mong đến lúc bãi trường để dông về quê mò cua đồng về rang muối hoặc bắt ốc bưu luộc chấm nước mắm gừng! Bữa khác thì xách cái rổ, lội ra đồng năng, lác quê mình mà xây cù. Nghĩa là cắm cái rổ xuống chỗ nước còn đọng vũng, kêu mấy đứa lội vòng vòng cho cá trắng, cá đen nhỏ bằng mút đũa sợ, nó chạy vô cái rổ của mình. Được kha khá, cá đầy vài ba chén ăn cơm thì đem về rửa sơ sơ với nước muối; xong bắt chảo, chờ mỡ nóng lên, chiên xù. Thịt cá nó bong, nó xù ra, xúc, cuốn với bánh tráng, rau sống: dấp cá, đọt xoài, rau răm, chấm nước mắm me.
Mùa hè dạy tui nhiều điều hay lắm. Thà là mang tiếng ngu như bò, thẩn thơ đồng chiều gốc rạ, không làm gì hết ráo; đôi khi sướng hơn đi học nhiều! Khoái bãi trường là vì vậy! Hi hi!”
***
Có người nói yêu thì lỗ mà không yêu thì khổ! Chính vì sợ lỗ và sợ khổ, sợ bị trầm cảm; nên tui trầm đò, khoan yêu em được ngày nào hay nào đó cho nó ‘phẻ phắn’ cái tâm hồn.
Tuy nhiên, trước rạo rực của tuổi dậy thì không phải ai cũng biết ‘né’ được như tui đâu! Bằng cớ là nhà thơ Đỗ Trung Quân thở than: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa Hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười sáu, Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”
Bài nầy do Duy Quang, bạch diện thơ sinh, mày râu nhẳn nhụi, áo (trắng) quần (xanh) bảnh bao hát là hết ý! Vũ Khanh hát cũng rất hay; chỉ có cái là đóng vai học trò nhưng râu ria hơi ‘bị’ nhiều nhe. He he!
Về ca từ, tui cũng xin có một ý kiến nhỏ như con thỏ là: “Chùm Phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười sáu”; xin đừng sửa lại tuổi tôi mười tám mà chi (đừng sợ bị chúng chửi là con nít quỷ). Ông bà mình từng phán: “Nữ thập tam; nam thập lục” nên tuổi tôi mười sáu thầm lặng mối tình đầu là quá phải rồi.
Mười tám tuổi mới biết yêu lần đầu? Tui e chú em nầy chắc do thiếu ‘hóc môn nam’ nên dậy thì muộn hay chăng?
Thế đấy, văn thơ không nên thò tay mặt đặt tay trái vô sửa tùm lum tà la nha. Cứ hốp tốp, không cặn kẻ nghĩ suy, sửa chỉ có một con số mà thôi, lại làm bài hát mất biết bao nhiêu là ý nghĩa!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
No comments:
Post a Comment