Monday, August 5, 2019

KHI TRỌC PHÚ ... CHƯA HIỂU.
02-08-2019 
Trần Nhật Phong
Cách đây nhiều năm, tôi nghĩ khoảng hơn 20 năm, lúc nhà văn Đỗ Vẫn Trọn tổ chức buổi Du Thuyền Hội Ngộ Trùng Dương lần đầu tiên, thời điểm đó tôi vừa làm Radio cho Quỳnh Trang và Đinh Xuân Thái, vừa làm bên truyền hình Văn Nghệ Việt Nam của bác Lương Văn Tỷ, bác Tỷ nhờ tôi phỏng vấn danh ca Lệ Thu để quảng bá chương trình cho anh Đỗ Vẫn Trọn.
Sau khi phỏng vấn xong, ngồi chơi tâm tình, chị Lệ Thu mới chia sẻ kinh nghiệm của chị cho tôi nghe, xem như dạy dổ một đứa đàn em mới vào nghề tập tễnh làm MC.
Chị kể rằng khi mới qua Mỹ, sự săn đón của khán giả và báo chí, đã khiến cho chị trở nên ….chảnh hơn, thời điểm những năm 80 mà chị “hét” giá “cát xê” lên đến $3,000 cho một show, bầu lớn nổi tiếng thì chị còn nghe điện thoại, chứ bầu nhỏ “cắc ké” thì đừng mong nói chuyện với chị.
Và kết quả, chỉ sau vài năm, các “bầu lớn”, lớp vào tù vì các tội phạm pháp, lớp thì bỏ nghề, lớp thì…về hưu, rồi đám bầu “cắc ké” lên ngôi, làm trùm bầu show xuyên bang, chị mất sạch show, không một tên “bầu cắc ké” nào gọi chị hát show.
Câu chuyện dậy dỗ cho thằng đàn em mới vào nghề, đừng khinh thường bất cứ một ai, vì định mệnh sẽ không bao giờ dừng lại ở ánh hào quang.
Năm 2001, tôi nổi hứng ra tự mở một đài Radio riêng, tiếp xúc nhiều tầng lớp khán giả khác nhau. Những đại gia chủ chợ thời bấy giờ như chú Trần Dũ hệ thống siêu thị Vanco, rồi anh Trần Kia hệ thống siêu thị Viễn Đông, là những đại gia đương thời, lợi tức mỗi tháng thu về vài trăm ngàn Mỹ kim là chuyện bình thường, họ hào phóng, luôn bảo trợ cho các chương trình dự án trong cộng đồng, từ văn hóa đến các sinh hoạt khác kể cả chính trị.
Thời điểm đó đài radio của tôi phát thanh vào buổi tối, tôi vẫn có những đứa em trong cộng đồng thường xuyên ghé đài thăm tôi, có đứa vừa ra tù sau thời gian làm băng đảng, có đứa mới qua Mỹ được vài tháng, chân ướt chân ráo chả biết gì.
Có đứa xin vài chục để ăn cơm, có đứa lúc xin vài trăm trả tiền nhà, có đứa nhờ tôi xin việc làm để bắt đầu lại cuộc sống.
Hôm nay vật đổi sao dời, chú Trần Dũ từng một thời được đám báo chí tung hô, sau thời gian thất bại trong các dự án xây nhà, hùn hạp với đám Tàu Hồng Kông mua lại khu shopping Bamboo ở ChinaTown hơn chục triệu Mỹ kim bị thua lỗ, gần như trắng tay, hôm nay đám báo chí và những kẻ tung hô đã gần như quên mất ông là ai, từng đóng góp gì cho cộng đồng gốc Việt.
Anh Trần Kia, chủ nhân của hệ thống siêu thị Viễn Đông (6 ngôi chợ), và 3 công ty xuất nhập cảng, nghe lời chiêu dụ của đám CS mang hơn 40 triệu Mỹ kim về Việt Nam mở vựa nuôi tôm ở Bạc Liêu, quê hương của anh, kết quả mất trắng tất cả, các siêu thị của anh tại Mỹ phải bán rẽ lại cho người em là Trần Hiếu (chủ nhân của 16 ngôi chợ mang tên Thuận Phát) để trả nợ ngân hàng, hôm nay Bolsa còn ai nhắc tới tên của anh? Những kẻ nhận ân huệ của anh lúc đương thời, giờ chắc gì biết đến Trần Kia là ai?
Còn những đứa em khi xưa xin tiền của tôi để độ nhật qua ngày, hôm nay có những đứa là triệu phú, đứa thì làm chủ vài chục tiệm Nail khắp nơi, đứa thì có chuỗi hệ thống thức ăn nhanh, đứa thì giờ đây là ông trùm bán dược thảo, thu nhập cả trăm ngàn Mỹ kim mỗi tháng. Lâu lâu gọi về cho tôi hỏi “anh cần gì không”, tôi chỉ cười, cuộc đời ai biết được khi định mệnh con người bước qua một khúc ngoặc khác.
Kẻ cơ hàn, chưa chắc đã vĩnh viễn cơ hàn, người có tiền của, chưa chắc cả đời ấm no, cuối cùng cái giá trị để lại, chính là những di sản mang tính trừu tượng: lịch sử, công trạng, đóng góp, đó mới là giá trị lâu dài và sẽ không mai một theo thời gian.
Nhưng sự đóng góp nó xuất phát từ lý tưởng, từ tấm lòng, không phải là từ mục đích, quảng cáo cho bản thân, hay theo đuổi với những động cơ chính trị đen tối, hoặc buộc người khác phải thần phục dưới gót chân của mình, dùng đồng tiền rồi nghĩ rằng sẽ thống trị được thiên hạ.
Bolsa đã có một quá trình xây dựng bằng máu, mồ hôi, nước mắt của bao người gốc Việt, nhiều năm trước nó chỉ là những vườn cam, bãi dâu, bãi rác, nay nó phồn thịnh sầm uất, không phải trên trời rơi xuống, muốn xóa sổ những con người đã làm nên kỳ tích này chỉ là ảo tưởng của những kẻ bệnh hoạn, cầm vài triệu bạc xuống Bolsa chỉ nhát được những kẻ tham tiền trong giai đoạn, làm sao uy hiếp được những nền móng lâu dài của khu phố Việt này?
Trọc phú thì vẫn là trọc phú, thích ba hoa chích chòe để khoe khoang thì cứ thoải mái, nhưng để hiểu được giá trị của cuộc sống, triết lý của nhân sinh, thì đầu óc suốt ngày chỉ nghĩ tiền là giá trị nhất của trọc phú, vĩnh viễn sẽ không hiểu được, tại sao mình là tỷ phú, mà nhắc đến mình thì thiên hạ chửi thề hơn kính trọng? Một kẻ làm ăn trong môi trường giáo dục của Cộng Sản nhiều năm, đương nhiên vĩnh viễn là … chưa hiểu.
Các bạn trẻ! Giá trị của cuộc sống chính là những di sản các bạn để lại sau này được người đời kính trọng, không phải là cái giá trị của “già dịch”, “hám gái”, “kiêu căng”, “thợ chửi”, tự suy nghĩ và chọn cho bản thân một hướng đi đứng đắn và nghiêm túc.  

No comments:

Blog Archive