Những Người Cha Can Trường
Nguyễn Diễm Nga
Trong lòng tôi, họ là những người cha can trường.
Có thể lúc ấy, họ vẫn là những chàng trai độc thân mang nợ nước trên vai và nợ tình trong tim, cầm súng lên đường xông pha vào chiến tuyến.
Có thể lúc ấy, họ đã là những người cha nhưng chưa hề biết mặt đứa con thơ của mình còn đang nằm trong bụng mẹ.
Họ đã mạnh mẽ gạt tình riêng, từ biệt vợ dại con thơ ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm” vang vang trong tâm tưởng của những người trai thời chiến.
Đã có lúc tôi từng muốn lịch sử ngủ yên!
Quay ngược dòng ký ức để làm gì khi lúc ấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ?
Không ai yêu thích chiến tranh, nhưng nếu hiểu rõ về một cuộc chiến, hiểu rõ được sự can trường của những người lính Việt Nam Cộng Hoà, hiểu rõ được “tầm vóc” của họ trong đôi mắt và suy nghĩ từ những ngòi bút chân chính khắp nơi trên thế giới, tôi tin mình sẽ trưởng thành hơn.
Hôm nay, tôi muốn viết về cảm xúc của mình khi đọc bài viết “Heroic Allies” của tác giả Harry F. Noyes III. Tác giả là một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Việt Nam trong quân chủng Không Quân. Sau cuộc chiến trở về, ông lấy được văn bằng cao học về Nghiên Cứu Á Châu từ trường Ðại Học Hawaii. Bài này (Heroic Allies) được đăng trong tạp chí Vietnam, số tháng 8, 1993.
“They were small, talked in sing-song squeaks, put a smelly fish sauce on their food, and often held hands with each other. “
Ông Noyes bắt đầu bài viết của mình bằng một câu như vậy: “Họ (người lính VNCH) vóc dáng nhỏ con, nói chuyện líu lo như chim hót, ưa thêm nước mắm vào mọi món ăn, và thường hay nắm tay nhau.”
Chính những điều lạ lẫm , thiếu hiểu biết về xứ sở, về văn hoá của một đất nước, một dân tộc với những con người xa lạ này đã khiến cho đa số những người lính viễn chinh Mỹ khó lòng thông cảm với những người mà họ bất đắc dĩ gọi là “đồng minh”, những người lính Việt Nam Cộng Hoà.
Và rồi từ sự thiếu thông cảm này dẫn đến những kỳ thị, những đánh giá thiếu công bằng cho Quân Đội Miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là hình thức bao biện cho sự bỏ rơi “đồng minh” một cách phũ phàng, nếu không muốn nói là “vô nhân đạo” của Quân Đội Hoa Kỳ.
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Tôi nhớ đến hai câu ca dao trên và bất giác mỉm cười chua chát.
Ôi, những câu ca dao Việt sao mà đúng từ ngàn xưa cho tới ngàn sau.
Những điều ông Noyes viết, không phải chúng ta chưa từng nghe, từng đọc trước đây về những tội danh mà truyền thông Mỹ đã “gieo tiếng dữ” cho Quân Đội Miền Nam Việt Nam như “bất tài, phản trắc và hèn nhát...vv...và vv...” Tuy nhiên, ông đã lập luận gãy gọn và đưa ra những bằng chứng hết sức xác đáng “từng quan điểm một” để so sánh và phân tích vị thế và khả năng tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với những đội quân khác trên thế giới bao gồm Quân Lực Hoa Kỳ thời chiến tranh Ðộc Lập của Hoa Kỳ (American War of Independence) với nước Anh Vĩ Đại (The Great Britain) vào cuối thế kỷ 18.
Theo ông Noyes, trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng (Revolutionary War) ấy, Quân Đội Mỹ đã có nhiều thuận lợi hơn Quân Đội Miền Nam Việt Nam ở những điểm sau:
• Quy mô của cuộc chiến ấy nhỏ hơn và dễ chi phối hơn (khác với Chiến Tranh Việt Nam tuy chịu tiếng là “nồi da xáo thịt” nhưng thực chất chính là một cuộc đối đầu giữa hai khối tư tưởng chính trị gây ảnh hưởng toàn cầu: Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Cộng Sản.)
• Quá trình thuộc địa Hoa Kỳ đã giúp hình thành được những chính quyền tự phát địa phương, cho phép đất nước này hun đúc nên những vị lãnh tụ tài ba thật sự (trong khi Miền Nam Việt Nam chỉ là một nền Cộng Hòa đang phát triển, mới vừa thoát khỏi ách thuộc địa Pháp lại phải lao đầu ngay vào một cuộc chiến sinh tử với một đối thủ hùng mạnh được cả một khối Cộng Sản hỗ trợ phía sau)
• Quân Anh không quá ngoan cố như Cộng Sản Bắc Việt.
• Quân đồng minh Pháp thời bấy giờ đã không bỏ rơi nước Mỹ non trẻ như kiểu người Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng với ông Noyes điểm qua một vài trận đánh sau đây để ngậm ngùi chịu tiếng oan “bất tài, phản trắc, và hèn nhát” cùng với những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà:
Trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, Cộng Sản Miền Bắc tưởng rằng sẽ đập tan được ý chí chiến đấu của Nam Việt. Tuy nhiên, thay vì bỏ cuộc, Quân Đội Miền Nam Việt Nam đã kháng cự mãnh liệt và hữu hiệu: không một đơn vị nào tan rã hay tháo chạy. Ngay cả cảnh sát cũng chiến đấu, họ đương đầu với quân chính quy đối phương trang bị bằng vũ khí hùng hậu với chỉ bằng những khẩu súng cầm tay. Dựa theo báo cáo, sau trận này, tinh thần chiến đấu của người miền Nam dâng cao, số người xin đăng lính cao đến nỗi chính quyền của quốc gia này phải đình hoãn bớt việc thu nhận thêm tân binh.
Trong cuộc Tổng Tấn Công năm 72, lực lượng trú phòng của Quân Đội Miền Nam Việt Nam bị vây hãm tại An Lộc đã giữ vững được vị trí của mình trước một lực lượng ghê gớm của quân thù cả về người lẫn hỏa lực kinh hồn của đại pháo và hỏa tiễn. Chúng ta đã đọc rất nhiều, đã nghe rất nhiều những hồi ký về Trận An Lộc từ những nhân chứng sống người Việt. Thiết tưởng nay dưới một góc nhìn khách quan của một nghiên cứu gia người Mỹ đã từng góp mặt trong cuộc chiến, liệu nỗi oan của họ có rửa được chăng?
Sau trận này, ông Noyes kể đã được tiếp xúc với một cố vấn Mỹ để nghe tường thuật lại mẩu chuyện một tiểu đội lính VNCH trong vùng được lệnh thanh toán ba chiến xa, đã hành động như thế nào. Họ hạ được một chiếc, rồi quyết định tìm cách bắt sống hai chiếc còn lại. “Theo tôi nhớ thì họ chộp được một chiếc còn một chiếc bỏ chạy, thế là mấy người lính chạy bộ rượt theo đến cuối đường.”
Ông Noyes cho rằng việc thi hành thượng lệnh của mấy người lính này có thể không đúng tác phong quân kỷ, nhưng lối hành xử cho thấy tinh thần chiến đấu cao của họ và thế chủ động mà mọi binh sĩ VNCH đều có.
Cho đến năm 1975 khi Quốc Hội Mỹ đã quyết định không ra tay cứu giúp VNCH thêm nữa về cả nhiên liệu lẫn đạn dược, thế mà một đơn vị quân VNCH tầm cỡ một sư đoàn đã cầm chân được bốn sư đoàn BV trong suốt hai tuần giao tranh ác liệt tại Xuân Lộc. Một chọi bốn! Theo ông Noyes, chỉ riêng một trận này thôi sự anh dũng còn nổi bật hơn bất kỳ một chiến công nào có thể tìm thấy trong chiến sử Hoa Kỳ. Nhưng... ngậm ngùi thay, đội quân Miền Nam sau đó đành phải lui binh vì Không Quân của họ không còn bom để yểm trợ.
Đến đây, tôi muốn bạn hãy đọc một đoạn bằng nguyên bản tiếng Anh của ông Noyes:
Remember: the United States had cut aid to South Vietnam drastically in 1974, months before the final enemy offensive. As a result, only a little fuel and ammunition were being sent to South Vietnam. South Vietnamese air and ground vehicles were immobilized by lack of spare parts. Troops went into battle without batteries for their radios, and their medics lacked basic supplies. South Vietnamese rifles and artillery pieces were rationed to three rounds of ammunition per day in the last months of the war.
The situation was so bad that even the North Vietnamese commander who conquered South Vietnam, General Van Tien Dung, admitted his enemy's mobility and firepower had been cut in half. Aside from the direct physical effect, we must take into account the impact this impoverishment had on South Vietnamese soldiers' morale.
Bởi vì tôi e sợ bạn sẽ không tin tôi nếu như lược dịch những điều này qua tiếng Việt.
Tôi đã khóc khi đọc đến đây!
Tôi đã khóc cho một quân đội bất hạnh khi hình dung ra ông ngoại tôi, bố tôi, các chú bác của tôi, hai cậu tôi cùng biết bao đồng đội của họ đã phải chiến đấu trong một hoàn cảnh tồi tệ như vậy. Bởi vì có hai thứ mà một người lính cần nhất trên mặt trận đó là vũ khí và tinh thần. Tinh thần thì vẫn cao ngất, nhưng vũ khí và sự hỗ trợ từ “đồng minh” thì cạn kiệt. Thương thay!
Hai luận điểm quan trọng nhất mà ông Noyes đã dùng để minh chứng cho ý chí chiến đấu kiên cường của quân nhân Miền Nam và để thấy rõ sự thất bại và đổ lỗi của người Mỹ tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất: Chiến tranh Việt Nam đã khởi sự khoảng bảy năm trước khi lực lượng Hoa Kỳ chính thức đổ bộ đổ và sau đó lại tiếp tục thêm chừng 5 năm sau khi quân Mỹ rút đi. Quân đội Miền Nam Việt Nam đã-vẫn-và luôn luôn kiên cường chiến đấu, không ai khác hơn!
Thứ hai: Quân đội Miền Nam Việt Nam bị thương vong một phần tư triệu binh sĩ trên chiến trường. Theo “tỉ lệ dân số” thì tương đương hai triệu lính Mỹ chết (một con số gấp đôi tổn thất của Mỹ trong tất cả các chiến tranh gộp lại).
Vì vậy, nếu cho rằng Quân Đội Miền Nam hèn nhát và không chịu chiến đấu thì tại sao họ lại hy sinh nhiều như vậy?
Tuy nhiên còn có một luận điểm nữa trong bài viết mà ông Noyes đã nói đến không chút tránh né khiến cho tôi vô cùng vì nể đó là khi ông phân tích về sự “bất tài và hoảng loạn, về động thái “bỏ chạy” trên chiến trường.
Ông dẫn chứng bằng những mẩu chuyện sau:
“Khi một phụ nữ Anh hỏi viên công tước xứ Wellington rằng lính Anh có bao giờ bỏ chạy trên chiến trường không?”
Viên công tước đáp, “Ngoài chiến trường người lính nào cũng có bỏ chạy cả, thưa bà.”
Cuộc Nội Chiến (Civil War) của nước Mỹ cũng đã cho thấy sự can trường lẫn sợ hãi liên tục trồi lên sụt xuống. Những đơn vị của cả hai phe Confederate lẫn Union đều có lúc xông pha rất hăng hái và rồi có lúc phải “bỏ chạy” trước hỏa lực kinh hồn trước khi tập hợp lại tiếp tục chiến đấu. Họ cũng có lúc giao động chạy tán loạn nơi một chiến trường quá đẫm máu.
Hoặc như trong Thế Chiến Thứ Hai, khi cảm tử quân Nhật vừa tấn công vừa hò hét đã khiến cho một đơn vị bộ binh Hoa kỳ hoảng hốt “bỏ chạy”, trong khi đơn vị thứ hai trụ lại quyết chiến và sau khi tiêu diệt đội cảm tử quân Nhật gồm 10 tên thì mới biết đa số quân Nhật không có vũ khí.
Ông kết luận rằng, nếu một biến cố đơn thuần không thể đem ra mà gán cho cả quân lực Hoa Kỳ là hèn nhát, thì thỉnh thoảng có sự tan hàng của một vài người lính hay tướng lãnh VNCH cũng không có nghĩa là tất cả chiến binh miền Nam đều hèn nhát.
Riêng tôi, tôi tự hỏi: tấm gương của Ngũ Hổ Tướng tuẫn tiết trong giờ phút thứ 25 cùng với biết bao Quân Dân Cán Chính Miền Nam Việt Nam kiên cường ở lại cùng quê hương, sẵn sàng đối mặt với sự trả thù hèn hạ của Cộng Sản trong các trại tù từ Nam ra Bắc, những điều này mang ý nghĩa gì đối với truyền thông một chiều của nước Mỹ?
.....
Văng vẳng đâu đây lời tình ca ai viết sao tôi nghe như một câu hỏi day dứt:
Văng vẳng đâu đây lời tình ca ai viết sao tôi nghe như một câu hỏi day dứt:
Em ru gì, lời ru cho đá núi
Đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian...
Biết bao giờ thời gian mới xoá nhoà và xoa dịu vết thương chiến tranh trong lòng họ, những người cha can trường của thế hệ chúng tôi?
Nguyễn Diễm Nga
Tưởng niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - 19 tháng 6, 2019.
------------------------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Nguyên bản: “Heroic Allies” by Harry F. Noyes III. Tạp chí Vietnam, số tháng 8, 1993.
http://www.vietamericanvets.com/page-records-heroicallies.htm
Bản dịch: “Đồng Minh Can Trường” - Khuyết Danh
Bản dịch: “Đồng Minh Can Trường” - Khuyết Danh
https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2013/10/27/harry-f-noyes-iii-dong-minh-can-truong/
No comments:
Post a Comment