Những kẻ “đi lại” lịch sử
Nước Mỹ đang ở ngã rẽ để hướng tới một tương lai vô định mới: xã hội chủ nghĩa?
Nghị sĩ Bernard Sanders và các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ đều theo nhau nói như vậy khi cuộc bầu cử 2020 đang tới gần. Trong một cuộc vận động tranh cử, ông Sanders đã tuyên bố rằng bình minh của dân chủ xã hội chủ nghĩa đã ló dạng trên bầu trời nước Mỹ khi ông ta nói rằng đây là lúc để Hoa Kỳ vượt qua những quyền tự do được quy định trong Hiến Pháp và nhìn nhận những nhân quyền mới mà ông ta hứa hẹn với cử tri bao gồm một nền giáo dục cấp đại học miễn phí, y tế miễn phí, bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người và phúc lợi tốt hơn khi nghỉ hưu.
Cụ Sanders, một triệu phú 77 tuổi ở Vermont, được xếp hạng hai trong 24 ứng cử viên của đảng Dân Chủ sẽ bắt đầu những cuộc tranh luận trong hai tuần nữa để chọn một người thay mặt đảng ra tranh cử, chống lại Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa, giành lại tòa nhà trắng trên đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington cho đảng Dân Chủ.
Trong bài diễn văn tranh cử đọc tại Trường Đại Học George Washington ở Hoa-Thịnh-Đốn ngày 12 tháng 6 vừa qua, ông Sanders đã so sánh việc cầm quyền của Tổng thống Trump với sự nổi dậy của… Hitler và chủ nghĩa Quốc xã tại nước Đức vào thập niên 1930(?). Ông ta nói cũng giống như “New Deal” của Tổng thống Franklin Roosevelt vào lúc ấy đã là đáp ứng cho sự bành trướng của độc tài toàn trị, ngày nay dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là sự trả lời như vậy. Ông ta nói:
“Thông điệp của tôi hôm nay gửi tới các bạn là nếu đã có một lúc nào đó trong lịch sử đất nước chúng ta trong đó sự tuyệt vọng không phải là một lựa chọn, đây là lúc như vậy. Nếu đã có một khoảnh khắc chúng ta cần có một viễn kiến mới để đem lại sự đoàn kết trong nhân dân chúng ta trong cuộc tranh đấu cho công lý, nhân cách và phẩm giá của con người, đây là lúc đó.
Ông Sanders đang cố rút ngắn khoảng cách khá xa với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người dẫn đầu cuộc chạy đua trong đảng Dân Chủ, và cố tách ra khỏi đám đông đang rút lên gần, trong đó có Nghị sĩ cánh tả Elizabeth Warren.
Bà Warren đã tự dán nhãn hiệu dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong lúc ông Sanders nói rằng đó là lý tưởng ông ta đã theo đuổi trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình và ông ta đang cố thuyết phục cử tri rằng xã hội chủ nghĩa không phải là thứ đáng sợ như mô tả của cánh hữu.
Mê xã hội chủ nghĩa từ lúc còn trẻ, Sanders đã đưa vợ sang Liên-Sô hưởng tuần trăng mật sau ngày cưới. Ông ta từng ca tụng việc người dân trong các nước cộng sản phải xếp hàng cả ngày để mua một ổ bánh mì vì ông ta cho rằng đó là chuyện “rất tốt, chứng minh nơi thiên đường cộng sản, ai cũng có bánh mì để ăn, trong khi tại các nước tư bản chỉ nhà giàu mới có bánh mì ăn, dân nghèo chết đói la liệt đầy đường”!
Cụ xã nghĩa Sanders nói rằng những thất bại của “chủ nghĩa tư bản không bị xiềng xích” là bằng chứng nếu người Mỹ muốn tìm bằng chứng. Ông ta chỉ ra rằng tuổi thọ của một người đàn ông tại McDowell County, West Virginia, là 64 năm, so sánh với một người đàn ông tại Fairfax County trù phú, Virginia, là 82 năm.
Ông ta giải thích: “Trong khi người giàu trở nên giàu hơn, họ sống cuộc đời lâu dài hơn. Trong khi người nghèo và những gia đình lam lũ phải vật lộn về kinh tế và thường thiếu chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tuổi thọ của họ bị suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử tân thời đại của nước Mỹ.”
Ứng cử viên Sanders chủ trương miễn phí tất cả mọi thứ cho dân Mỹ: y tế, giáo dục, nhà giữ trẻ, vân vân, và đánh thuế nặng giới nhà giàu. Với đường lối như vậy, ứng cử viên Sanders là thần tượng của các cô cậu Mỹ chỉ biết ăn, biết chơi mà không biết suy nghĩ. Vì vậy mà ông ta đã chọn trường Đại Học George Washington để gửi đi cái “thông điệp” đã thai nghén từ nhiều năm qua tới cho giới cử tri đang sống trong viễn mơ để họ dồn phiếu cho ông trở thành tổng thống Mỹ.
Nhờ tên tuổi tạo được do cuộc bầu cử năm 2016, nay ra quân lần nữa ông Sanders đã được xếp đứng đầu bảng ứng cử viên của phe Dân Chủ, cho đến khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhập cuộc, thì ông Sanders bị tụt xuống hạng hai.
Ông Sanders tự coi mình như người nối tiếp công việc bỏ dở mà TT Franklin Roosevelt đã bắt đầu từ thập niên 1930 với chủ nghĩa xã hội dân chủ nhưng vì TT Roosevelt chết sớm nên đã không thể hoàn tất. Ông ta nói:
“Hôm nay tôi đề nghị chúng ta hoàn thành công việc dở dang ấy của Franklin Roosevelt và đảng Dân Chủ bằng cách thúc đẩy một bộ luật về quyền kinh tế của Thế kỷ 21.”
Sáu quyền mà ông Sanders muốn thêm vào “Bill of rights” của TT Franklin là: “được chăm sóc sức khỏe tốt”, “được học hành tới mức mà mỗi người cần để thành công”, “một công việc làm tốt với đồng lương đủ sống”, “nhà ở có thể mua”, “trợ cấp khi nghỉ hưu”, và “một môi trường sống trong sạch”.
Ông ta đặt những câu hỏi: “Bạn có thực sự tự do không nếu bạn không thể đi tới một bác sĩ khi bạn bị bệnh?” “Bạn có thực sự tự do không khi bạn không thể vào một trường đại học vì gia đình bạn thiếu lợi tức?”
Nghe thì không có gì “nghịch nhĩ”, nhưng cần hỏi thêm một câu: “Lấy tiền đâu ra để trả tất cả những thứ ấy cho mọi người để họ ‘thực sự cảm thấy tự do’?” Câu hỏi này thực sự đã được đặt ra khi ông Sanders xuất hiện trong một chương trình của CNN ngày hôm sau.
Và, đây là câu trả lời của ông Sanders: “Tôi cho rằng rất nhiều người trong đất nước này sẽ vui lòng trả thêm tiền thuế nếu họ hiểu rằng chăm sóc sức khỏe là một quyền của con người. Tôi sống tại nơi cách biên giới Canada 50 dặm. Nơi đó, bạn đi gặp một bác sĩ bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn không cần đem theo cái ví. Bạn mổ tim, thay ghép tim, bạn ra khỏi bệnh viện, bạn không phải trả tiền gì cả. Con bạn tại nhiều quốc gia trên thế giới có thể đi tới các trường đại học công không phải trả học phí, lương tiền trong nhiều trường hợp có phần cao hơn.”
Thật là lý tưởng! Cụ xã nghĩa Sanders giải thích: “Như thế là một sự trao đổi, nhưng cuối cùng tôi nghĩ mọi người sẽ tin rằng họ sẽ có đời sống tốt đẹp hơn khi con cái họ có cơ hội được giáo dục tốt mà không phải móc túi trả tiền, khi họ có bảo hiểm sức khỏe như một nhân quyền, khi họ có nhà ở vừa với túi tiền, khi họ có phúc lợi hưu dưỡng đầy đủ, tôi nghĩ hầu hết dân Mỹ sẽ hiểu rằng đó là một ‘good deal’.”
Charles Payne, chuyên gia kinh tế tài chánh của Fox Business Network nói rằng cụ xã nghĩa Sanders “nghe như một sinh viên ngây thơ” với sự bào chữa không biện giải của ông ta về chủ nghĩa xã hội Dân Chủ. “Nó trông tốt đẹp trên mặt giấy đấy. Ông ta đã đi hưởng tuần trăng mật ở Liên-Sô. Có lẽ ông ta tin tưởng xã hội chủ nghĩa nặng tới nỗi đui mù trước lịch sử và những thời sự đang xảy ra ngày nay. Ông ta không nói về Venezuela, ông ta lại càng không hề nói điều gì tiêu cực về Venezuela.”
Dưới tựa đề “Giấc mơ không thể thực hiện với Bernie bất khả thành công” (Impossible dreaming with the impossible Bernie), Wesley Pruden, trong mục phiếm luận “Pruden on Politics” trên tờ The Washington Times ngày 14.6.2016, đã viết những lời châm biếm và lật mặt nạ Bernard Sanders qua bài vận động tranh cử ngày hôm trước tại Trường Đại Học George Washington, và kết luận như sau:
“Bernie đã là một tin đồ chủ nghĩa xã hội khi xã hội chủ nghĩa tại Mỹ chưa có nổi chút hơi ấm, ngoại trừ một thời gian ngắn được thổi lên do Norman Thomas, ứng cử viên tổng thống với nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa mà người ta còn có thể nhớ. Bernie là thị trưởng một tỉnh nhỏ ở Vermont và ông ta đã không bao giờ cố gắng một cách nghiêm túc để đô thị hóa tài nguyên của sản phẩm kỹ nghệ tại Vermont, như là xúc tuyết hay chăm sóc những cây phong đường, ông ta luôn luôn tìm những cơ hội để nói một lời tốt đẹp về hệ thống kinh tế quyến rũ những cái đầu trứng và đôi khi cả lũ trẻ nhỏ...
Vài đối thủ của Bernie trong đảng Dân Chủ, nhận ra sự điên rồ của ông ta, đã vội tìm cách tránh xa để khỏi vạ lây, như Dân biểu John Delaney ở Maryland, một trong đám ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ mà chưa ai nghe tên, đã nói: “Xã hội chủ nghĩa, hay bất cứ tên mới nào mà Nghị sĩ Sanders đưa ra, đều là câu trả lời sai.”
“Bernie tự hiểu điều ấy. Ông ta giải thích bằng cách nào ông ta đã trở thành một triệu phú: ‘Khi bạn viết một cuốn sách bán chạy, bạn hái ra tiền. Tôi ngờ rằng trong vài năm nữa tiền lương của tôi sẽ trở về mức cũ là 173 ngàn đô một năm, số tiền mà một nghị sĩ tại Quốc Hội được lãnh.’ Nhưng mơ tưởng một giấc mơ không thể thực hiện, truyền rao một giản đồ không thể thực hiện và giao tình với những tội phạm (đòi cho tù nhân được quyền bỏ phiếu) chỉ là trò chơi trong giây lát.” (ngưng trích)
Theo “poll” của Gallup thì hầu hết dân Mỹ nghĩ rằng xã hội chủ nghĩa là sai lầm cho Hoa Kỳ nhưng đa số những người Dân Chủ ngả theo chủ thuyết này , nhất là thời gian gần đây với những mặt mới non choẹt trong Hạ Viện Mỹ. Họ đang lớn tiếng hô hào đưa nước Mỹ “đi lại” con đường Liên Sô và các nước Đông Âu đã đi qua trong thế kỷ trước mà tất cả đã sụp đổ tan tành trước mắt mọi người, để lại dọc đường hàng núi xương trắng của hơn 100 triệu nạn nhân vô tội.
Tại thủ đô Washington có một tượng đài nhỏ để tưởng niệm những người đã chết oan trên thế giới vì chủ nghĩa xã hội điên rồ. Tượng đài này được dựng lên vào năm 2007, bằng tiền đóng góp của tư nhân nhiều nước, trong đó có người Việt hải ngoại.
Tại lễ khánh thành tượng đài ngày 12.6.2007, Tổng thống George W. Bush đã long trọng tuyên bố: “Tại nơi thiêng liêng này, những nạn nhân vô danh của cộng sản sẽ được ghi khắc trong lịch sử và sẽ được tưởng nhớ mãi mãi.”
Từ đó, mỗi năm tổ chức VOCMF (Victims of Communism Foundation) đều chọn một ngày trong tháng sáu để làm lễ tưởng niệm những nạn nhân cộng sản trên thế giới và trao tặng Huy Chương Tự Do (Truman-Reagan Medal of Freedom) cho một người có đóng góp quan trọng trong cuộc tranh đấu cho Tự Do trên mặt đất.
Năm nay, năm thứ 12, Huy chương Tự do Truman-Reagan được trao tặng cho Đại tá Gail S. Halvorsen (còn được gọi là “Oanh tạc cơ Kẹo”), một sĩ quan Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, một trong những phi công đã thực hiện những chuyến bay tiếp tế nhu yếu phẩm cho Tây Bá-Linh bị Liên-Sô phong tỏa trong thời Chiến tranh Lạnh.
Trong 15 tháng không vận, các phi công Mỹ và Anh đã chuyên chở hơn hai triệu tấn tiếp liệu cho những người dân bị cô lập tại Tây Bá-Linh. Nhưng, Đại tá Halvorsen đã quyết định thả kẹo xuống cho trẻ em khiến ông được gọi là “The Candy Bomber”.
Năm nay, kỷ niệm 30 năm “Bức Tường ô nhục” Bá-Linh sụp đổ cùng với cái chết của Khối Cộng sản Đông Âu, và cũng đánh dấu 30 năm vụ thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4.6.1989.
Trong buổi lễ ngày 14.6.2019 tại Đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, nhiều vòng hoa đã được đặt dưới chân bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ”, tác phẩm điêu khắc mô phỏng bức tượng “Goddess of Democracy” mà sinh viên thanh niên ở Bắc Kinh đã dùng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ tự do của họ và đã bị tàn sát dã man với xe tăng và vũ khí hạng nặng.
Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản tại Hoa-Thịnh-Đốn chính là mô phỏng của bức tượng “Goddess of Democracy” ở Thiên An Môn năm 1989 vừa mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người về tội ác của cộng sản, vừa nói lên khát vọng Tự Do Dân Chủ của con người ở mọi nơi trên mặt đất này.
Thật mỉa mai và đáng kinh tởm khi chỉ cách nơi “tượng đài thiêng liêng” ấy vài khu phố, hai ngày trước, Bernard Sanders, ứng cử viên tổng thống Mỹ, đã hùng hồn ca ngợi chủ nghĩa xã hội và nói rằng đó là con đường tươi sáng cho nước Mỹ trong tương lai!
Thật đúng như có người nói “xã hội chủ nghĩa trỗi dậy từ đáy mồ” (Socialism rises from the grave).
Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 21.6.2019)
No comments:
Post a Comment