Friday, March 1, 2019

Một Tinh Thần Minh Mẫn





Gần nhà tôi có một công viên. Mỗi lần chạy xe ngang qua thường thấy người lớn con nít lố nhố. Một ngày nọ, tôi ngừng xe quẹo vô bãi đậu để coi cho rõ, a... thì ra đây là loại công viên chung, mà riêng. Chỗ dành cho con nít có xích đu cầu tuột và chỗ cho người lớn thì để những dụng cụ tập thể dục. Hèn chi, họ tụ họp đông vui.

Tôi tới gần, thấy những dụng cụ tập thể dục được chôn hẳn xuống cát. Tôi tới cái máy nâng tạ tập vai, nâng lên hạ xuống  thử thì thấy độ nặng rất vừa tầm cho mình. Thích quá thích quá. Từ nhà đi bộ tới “phòng tập lộ thiên” cỡ 8 phút, vừa tập vừa nhìn xe cộ qua lại, quên thời gian, được làn gió mát thỉnh thoảng phe phẩy, mồ hôi vừa ra là khô liền. Lai rai có vài người đồng hương tới, cũng tập như tôi.

Một hôm, tôi nghe hai người kia nói chuyện với nhau.

Bà đang ngồi tập hai chân nâng lên hạ xuống, thấy ông đi ngang bà gọi:

- Này này cho tôi hỏi tí.

Ông dừng lại trước mặt bà. Bà nói:

- Anh à, sao lâu nay không thấy hai vợ chồng nhà ấy, có đứa con nhỏ thường đậu qua đêm ngủ trong xe đấy. Anh có biết gì về họ hay không?

Ông trả lời:

- Chết rồi. Vợ chồng hai đứa con chết rồi.

Bà chưng hửng, tròn mắt:

- Úi giời chết rồi sao? Vì sao mà chết? Ủa, chỉ thấy có một đứa con thôi mà.

-  À, hình như sinh thêm đứa nữa. Đi khỏi chỗ nầy tụi nó đậu xe đâu trên thành phố Anaheim rồi chết trong xe. Chắc là tối lạnh ở trong xe đóng kín cửa rồi mở máy sưởi lên, ngủ, ngộp khí độc mà chết luôn cả nhà đó. Báo có đăng mà.

- Úi giời tội quá.

- Hồi đó thấy hai vợ chồng còn trẻ lại có con nhỏ, tội nghiệp, sống tại Mỹ mà sao khổ quá. Thằng chồng người Lào, tiếng Anh hổng rành còn con vợ thì nói tiếng Anh được lắm chớ. Tụi này mới qua Mỹ không lâu. Con nhỏ bỏ học theo trai nên bị gia đình đuổi đi. Tui dặn tụi nó xài phòng vệ sinh đừng thảy tã dơ tùm lum, phải biết giữ sạch sẽ vệ sinh chung không thôi người ta đuổi không cho đậu ở đây nữa đó. Đúng ra chỗ này đâu có cho đậu xe qua đêm. Biểu tụi nó ra bộ xã hội xin thì nó nói sợ bị bắt con. Biết có người quen cần người tui còn chỉ chỗ cho thằng chồng tới xin việc làm. Làm đâu chỉ qua bữa thứ hai nó đánh lộn rồi nghỉ ngang, thà là đi lượm lon, ve chai kiếm tiền. Thời gian sau tụi nó qua đậu ở công viên trên thành phố Anaheim rồi chết trong xe luôn. 

Nghe lóm câu chuyện thương tâm, về nhà, tôi mở máy điện toán lên mạng tìm thì thấy có tin đại khái như sau:

VBF-Gia đình gốc Á có thể là gốc Lào tại Mỹ đã sống và nay chết thảm trong chiếc xe van. Được biết họ nghèo và là người vô gia cư. Họ không xin trợ cấp vì có thể sợ đợi lâu hoặc sợ chính phủ giữ hai đứa nhỏ.

Nguyên nhân tử vong có thể là do ngộ độc khí carbon monoxide, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Sáu. Khí độc có thể phát ra từ việc xe mở máy để sưởi ấm. Cảnh sát không thấy có dấu hiệu án mạng và tin rằng bốn nạn nhân đã chết vì ngạt khí độc trong xe.

Sở Cảnh Sát Garden Grove cho biết hai nhân viên chuyên giải quyết các sự việc liên quan đến người vô gia cư của họ chưa hề gặp gia đình này trước đây. Nếu người đàn ông hoặc người phụ nữ tìm đến cảnh sát, họ có thể sẽ được giúp tìm chỗ ở rất nhanh chóng, vì có hai con nhỏ. Quận Cam có 120 chỗ ở khẩn cấp cho các gia đình có con nhỏ, có thể cho cư trú từ 30 ngày đến 6 tháng, tùy theo chương trình.

Trời ơi, đọc tới đâu nước mắt tôi chực ứa tới đó. Đã qua được đất nước thiên đàng này rồi mà sao để cho tính mạng của cả gia đình phải chết tức tưởi đáng thương tới vậy?
...

Mới đây, tôi được hãng bảo hiểm sức khỏe gởi thư mời vô một trung tâm tập thể dục miễn phí suốt đời. Thế là tôi tới đó ghi danh và từ giã công viên.

Vô phòng thể dục nghe tiếng máy chạy rầm rầm, điệu nhạc dồn dập kích động trẻ trung, người người đều tập, một môi trường tràn đầy sức sống, một nguồn lực mạnh mẽ cuốn hút tôi theo. Lên máy đi bộ cố sức chạy như bị ai rượt, mím môi nâng, đẩy, kéo mấy cái tạ, hì hụt tập hết máy nầy qua máy nọ, lưng bụng chân tay vai vế. Khi mồ hôi túa ra, cơ thể đã mỏi nhừ, bước vô bồn nước nóng cho nhữn149giãn ra, ôiii...  ta nói nó đã làm saoooo... rồi qua tắm nước lạnh, bao nhiêu tế bào lười biếng từ đỉnh đầu xuống tới chân như bừng tỉnh dậy.  

Một hôm, vừa bước vô khu vực có hồ bơi, hồ nước nóng, phòng hơi khô và hơi nước thì nghe có tiếng phụ nữ oang oang.

Tiếng nói thâm hậu với 10 thành công lực phóng ra, đố ai có trốn góc nào của khu này chắc cũng nghe rõ tiếng nàng. Người này mà đi hát thì khỏi cần cái loa.

Nhìn qua góc hồ nước nóng thấy “cô đào chánh” ngồi ngâm chân trong nước. “Nàng” kể chuyện cho đám khán giả đang ngâm trong bồn nghe:

- Tôi sống vô gia cư vì lương tâm nhân đạo, vì thương 2 con chó. Mướn phòng 6, 7 trăm một tháng mà nó không cho nuôi thú vật. Một con cũng không, nói chi đến hai con. Thế là tôi thành “homeless” những 4 năm cơ. 4 năm sống ngoài ấy tôi biết quá nhiều rồiii... Tôi làm thẻ thành viên vào đây bơi lội hàng ngày cho sạch sẽ. Tôi quen một cô người Tàu làm nhà hàng cũng sống trong xe. Có lẽ qua đây lậu không giấy tờ hay sao mà đã bị thằng bảo vệ của khu chung cư lạm dụng tình dục ấy. Hắn cũng đã tò vè với tôi đã bị tôi mắng cho một hơi. Nầy nhé, đừng có ỷ thế là nhân viên mà ăn hiếp bà nhé. Không cho đậu thì thôi, sao có hành vi đáng khinh thế, bà không phải là con Tàu kia đâu nhé, bà là bà không tha đâu nhé!

Nó gọi cảnh sát đuổi, tôi đã mách với cảnh sát tội sách nhiễu tình dục của nó nhưng không chứng cớ nên cảnh sát bỏ qua. Đòi hỏi không được cho nên nó kiếm chuyện nhưng cảnh sát có bắt tôi đâu, chỉ bảo tôi ra khỏi bãi đậu xe này, còn  tặng tôi 5$ mua quà ăn trưa nữa chứ. Tôi biết the right của tôi. Tôi biết luật, chẳng phải lơ mơ đâu nhá, không cho đậu chỗ này thì tôi qua chỗ khác.

Tôi cũng gặp một anh chàng người Mỹ trẻ tuổi đẹp trai cũng sống trong xe vì có con chó. Anh ta bảo nếu tôi không muốn nuôi nữa thì đến viện thú y kia đóng 50$ để chích cho nó chết. Ai nỡ lòng làm thế. Nuôi chó thương nó như con mình rồi, ai nỡ giết con chứ?

Có thời gian tôi làm nghề bỏ báo sợ nhất là chó, thế mà tôi lại nuôi chó thương chó mới chết chứ.  Tôi ôm hai con chó làm kẻ không nhà, ai cười mặc ai.

Có tiếng hỏi:

- Thế bây giờ chị ở đâu?

- Tôi có phòng rồi, tôi trả 300$, trợ cấp gia cư, là housing đấy, nó trả 900. Tôi xin và đợi gần 7 năm mới được đấy. Khi có giấy chấp thuận, hàng ngày tôi lên internet tìm phòng. Đâu phải có liền.

- Vậy chắc chị qua lâu rồi?

Tiếng nói của “nàng” tăng lên cao:

- Lâu lắm rồiii... Lúc mới qua tôi ở bên North Carolina làm hãng giết gà, lạnh ghê cơ. Chịu không nỗi tôi cùng hàng xóm dọn về đây. Lúc ấy xin việc không ai nhận, có người quen giới thiệu tôi làm nghề bỏ báo hết 8 năm giời đấy. Khách hàng Mỹ trắng hay cho tiền típ nhé còn tụi da mầu thì không bao giờ đâu, mà họ cho cũng lịch sự lắm, bỏ tiền 5, 10$ vào bao thư đàng hoàng. Khoảng đầu thập niên 90 tôi cũng đã có thời gian đi làm “neo” nữa đấy.

- Ủa, thời đó mà chị làm móng tay chắc là nhiều tiền lắm há?

- Nhiều gì, tôi làm chỉ vài tháng thôi vì sợ. Tôi vào tiệm là chịu không nỗi cái mùi hóa chất pha bột nên tôi thà đi tìm nghề khác. Tôi chỉ làm tay chân nước thôi nhưng được típ nhiều lắm nhé đôi khi tiền công chỉ 10$ mà họ cho thêm 20$, tôi tưởng họ đưa lộn tiền đấy. Tôi hỏi -ấy ấy bà đưa lộn à, họ nói -không không, không lộn đâu, đây là tôi tip chị, chị làm rất tốt...

Mấy người bạn tôi theo nghề, về sau có người bị nám da mặt có người chết vì ung thư, là ung thư phổi đấy nhá.

- Ờ ờ nghe nói lúc đó người ta chưa biết cái hại của hóa chất, bây giờ thì các nhà sản xuất rút kinh nghiệm, đã khá hơn xưa rồi, họ chế tạo thuốc mới, lọc bỏ chất độc hại rồi. Bạn tôi nhiều người cũng làm nghề neo, có ai chết đâu, còn giàu sụ nữa kìa, người mua hai ba căn nhà.

- Ấy là không bài bạc mới thế. Nhiều người làm nghề này giàu cũng có mà tàn gia bại sản gia đình phân tán cũng có.

- Chị nói đúng, tui biết ông bạn này bị ung thư chết đi, bà vợ mê bài bạc hai ba tiệm “neo” bán tháo, nhà cửa mất hết. Còn cái con kia được chồng qua bển cưới rinh về đây nó đi làm “neo” hoang dâm với thằng khác đoạt luôn tài sản, thằng chồng như điên như khùng... Úi giời là cái con đê tiện xấu xa khi còn ở bển đã làm nghề này mấy năm rồi qua đây phá giá. Tôi biết nhiều con bẩn thỉu lắm chỉ biết có tiền tôi làm neo cũng bị mấy con chơi xấu giành khách chán lắm, tôi nghỉ tìm việc khác...

- Cũng có nhiều người khi làm có tiền không biết để dành, bây giờ về hưu tiền xã hội đâu đủ mà xài. Cho nên những người sau nầy họ bắt đầu biết chuyện đóng thuế, mua bảo hiểm sức khỏe, nhưng ba cái vụ không đồng lòng, hạ giá cạnh tranh thì vẫn còn.

Chỉ một buổi thôi mà tôi đã biết cả cuộc đời của “nàng”.

Hôm khác tôi vô hồ bơi trái giờ, không gặp “người homeless nhưng biết quá nhiều” thì gặp nhóm khác. Tôi đặt tên là nhóm “thầy lang vườn”.

Tiếng một bà nói:

- Này, lúc trước bị cao máu, tôi xay cần tây hai cọng mỗi ngày uống vào, một thời gian sau đi khám, máu hạ xuống và không cần uống thuốc gì hết.

- Còn tui thì mỗi ngày ăn hai trái táo, hổng biết bịnh là gì.

- Ngày mà xực hai trái gì nổi, bà? Cứ lấy trái tắc chưng đường phèn mỗi ngày dích một muỗng uống là tốt nhứt.

- Mấy tháng trước có người cho tôi loại thuốc nầy trị nhức mỏi, hay như thuốc tiên, tôi uống liên tục bây giờ không còn đau lưng nhức tay nhức chân nữa. Có người bị ung thư bác sĩ đã bó tay, cũng uống nữa, bây giờ nghe nói ung thư đã ngưng phát triển rồi.

- Đâu hôm nào bà cho tôi hiệu thuốc mua ở đâu tôi uống thử xem.

- Đ.M. Vụ này thì cần coi lại nghen vì tôi nghe nói ung thư mà bác sĩ bó tay có nghĩa là chỉ còn đường tiêu diêu nơi miền cực lạc mà thôi. Đ. M. Thuốc gì mà hay vậy bà nội?

- Mấy người nhớ đi bầu nhá. Năm nay nhiều người Việt ra ứng cử quá. Lựa người có khả năng chớ đừng bầu cho mấy con cắc kè bông hay trở cờ theo hoàn cảnh nha.

- Cứ chống cộng thật sự chứ chẳng phải chống bằng cái miệng xoen xoét là tôi bầu.

- Thứ bảy tuần tới tôi đi nấu ăn làm thiện nguyện ai muốn tới phụ một tay thì cho tôi biết sớm nhé. À nhà chị có đu đủ xanh thì thứ năm nhớ hái cho tôi vài trái để tôi làm món gỏi nhé.

- Sáng mai con nhỏ bán áo tắm tới ai muốn mua nhớ tới sớm 9 giờ nha toàn đồ hiệu không mà rẻ rề hà. Tui mua của nó cả chục bộ rồi. 

- Có ai muốn trồng rau ngót không? Tôi cho vài nhánh cắm xuống đất là sống dễ lắm.

- Tôi thích ăn nhưng ở phòng mướn, đất đâu mà trồng.

- Vậy để mai tui tuốt một mớ lá cho bà nấu canh. Mai mấy giờ bà tới?

- Cái nhà tui cho thằng cháu đứng tên ở bển đang tranh chấp. Nhà kế bên xây thêm lấn qua đất tui cả thước. Thưa ra mà thắng thì nó phải dỡ nhà.

- Thôi thưa gởi làm chi, điều đình bán mẹ thước đất cho nó cho rồi. Anh ở đây làm sao làm lại nó. Vả lại, coi chừng nhà đất cho bà con họ hàng đứng tên nay mai nó giựt luôn đó. Tui có thằng bạn về xây cái khách sạn mini cho cháu đứng tên, vài năm sau trở về thì nó giựt luôn. Bởi vì, nó từ dưới đất mình đem lên giường dễ dàng quá hổng cướp luôn sao được.

- Tôi mới gặp một bà, chưa từng thấy ai đánh ghen mà cao tay như bả. Nầy nhé, bả bắt gặp thằng chồng đưa con bồ nhí vào khách sạn, không thèm bù lu bù loa đánh đấm chi cả, bả lẵng lặng ra về.

- Rồi sao nữa?

- Thì bà ta bỏ thằng chồng cà chớn chứ sao. Đ. M. Tội chi mà níu kéo? Người ta không còn yêu mình nữa thì cho nó đi phứt cho rồi.

Cả nhóm ừ à đồng ý và cười ha hả...

Mỗi lần vào đây tôi sống lại cảm giác như hồi nhỏ ở quê nhà, ngày ngày sau buổi cơm chiều, đám con nít túa ra sân chơi đánh đáo, nhảy dây thì mấy bác hàng xóm cũng bắt ghế ra sân trò chuyện với nhau. Tình hàng xóm láng giềng như thế của người Việt mình tìm đâu thấy trên đất Mỹ, khi nhà nhà đều đóng cửa.

Bỏ ngoài tai những tiếng chửi thề thô bỉ, được nghe tiếng Việt, lọc lựa đủ thứ chuyện chằng chịch nhau, theo kịp những thay đổi của xã hội, bên nầy bên kia, có nhiều điều để học hỏi... tôi cảm thấy đời sống quá yên tịnh của người về hưu vui hẳn lên. 
 
Để giúp cho những người không có phương tiện, chính phủ đã xây dựng và bảo trì những công viên thể dục cho mọi người xử dụng. Một quốc gia mà chính phủ luôn lo cho dân, từ chi tiết nhỏ, quả thật mình đã tu bao nhiêu kiếp mới được qua sống trên xứ sở nầy.

Cám ơn những vị dân cử, nhứt là, trên tấm bảng danh sách nhóm người đã tranh đấu, hỗ trợ, thành lập công viên, có tên của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn làm tôi cảm thấy hãnh diện lây. Mong sao có nhiều công viên nữa mọc lên cho dân chúng nhờ. Nếu chỗ bạn ở chưa có thì nên yêu cầu những vị dân biểu, tranh đấu và đòi hỏi cho mình.

Nhìn những cuộc đời trước mắt, tôi thấy sao quá chênh lệch.

Hai cuộc đời vô gia cư hai kết quả khác nhau. Người thì biết xử dụng quyền lợi từ xã hội, thoát khỏi đời vất vưởng bên đường, người thì vẫn còn bị ảnh hưởng của thành kiến, bởi vì đã lớn lên trong xã hội cộng sản tối tăm, luôn bị chèn ép, vu oan ghép tội, cho nên hay nghi ngờ chính phủ, qua Mỹ rồi mà sao sống thống khổ và chết thảm như vậy.  
...
 
Gần hết một đời người làm việc cho tiểu bang, nhiều lần phải nhịn nhục, “chuyện nhỏ bỏ qua chuyện lớn làm cho nhỏ lại”, về hưu tôi được “đền bù” bằng hưu bổng và cái thẻ thành viên tập thể dục săn sóc sức khỏe, miễn phí mãn đời nầy.

Tuy không còn tới công viên nữa nhưng tôi vẫn nhớ làn gió mát, tâm trạng thoải mái tự do, nghe chuyện thiên hạ, mỗi lần ra đó tập thể dục.

Không mong gì bận trở lại áo quần nhỏ như cỡ Small, tôi ráng tập cẩn thận tùy theo sức mình để không bị lọi tay trặt chân.

Nhờ công viên ấy và trung tâm thể dục này, bây giờ lưng tôi bớt nhức tay chân bớt mỏi, đầu óc hết căng thẳng, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt tích cực, thật không uổng hai tiếng đồng hồ đi tập gần như mỗi ngày để luyện cho mình đúng với câu đã thuộc lòng từ lúc mới học tiểu học:

“Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”.

Năm mới tôi kính chúc tất cả mọi người được hạnh phúc và nhiều sức khỏe./. 

Trương Ngọc Bảo Xuân

No comments:

Blog Archive