Một bé thơ không thể tự ăn uống được và thức ăn phải là đồ lỏng. Một cụ già ăn uống cũng phải có người đút và cụ cũng không thể ăn thức ăn cứng được nữa.
Một em bé cần phải mặc tã thì một cụ già cũng cần phải mang cái thứ đó khi không còn khả năng kiềm chế bộ phận tiểu tiện của mình.
Một em bé ăn rồi lại nhắm mắt ngủ li bì thì một cụ già cũng y hệt như vậy.
Một em bé trước khi biết đi thì phải biết bò, di chuyển bằng 2 chân và 2 tay. Còn một cụ già sau khi đi đứng mấy chục năm thì lại cần thêm cái gậy cho đủ 3 chân. Có khi cụ phải đi bằng cái xe 4 chân, vị chi là cụ có tới 6 chân lận! Một em bé thường hay hờn hay dỗi, có khi còn giả vờ đau đớn để được mẹ vỗ về an ủi. Các cụ đến tuổi về già tính nết cũng y hệt như vậy, động một tí là hờn là dỗi, bỏ cơm không chịu ăn, bắt cụ bà năn nỉ muốn đứt hơi mới chịu ăn trở lại. Có những cụ đau yếu được các con thay phiên săn sóc. Hôm nào đứa con khó tính coi cụ thì cụ vào khuôn vào phép, chẳng dám kêu ca, bảo ăn là ăn, bảo uống là uống, không thở dài thở ngắn. Còn hôm nào gặp cô con gái có tính nuông chiều một tí là y như thể ra mặt nhõng nhẹo, giận hờn, đòi này đòi kia đủ thứ, hỏi gì cũng chỉ nhắm mắt, không thèm trả lời, ra điều mệt mỏi lắm.
Mỗi độ hè về các anh em bên bà xã tôi đều về tụ hợp đông đủ. Phân nửa gia đình về xum tụ từ Mỹ. Ông bố và bà mẹ vợ rất sung sướng vào những dịp hiếm có này. Nhưng cũng là lúc ông bà làm nũng với con cháu. Bà chị họ ở Montreal mời tất cả gia đình và dòng họ, hơn 50 người đến dự ăn tối. Ông bố vợ tôi gọi phone yêu cầu bà chị họ làm buổi ăn trưa vì ông tuổi đã trên tám mươi sức khỏe và mắt yếu nên không tiện ăn tối. Hôm tiệc đến chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy mặt ông. Bà chị họ phải đổi bửa ăn cũng vì lời yêu cầu của ông. Thế mà hôm đó ông không đến, mọi người tỏ ra thất vọng. Sau này tôi mới biết là ông làm nũng muốn con cái phải tự lái xe đến mời ông thì ông mới đi. Người già rất cần sự quan tâm của con cái…
Tuổi già gắn liền với bệnh tật. Phật giáo nói rằng trên đời có 4 cái khổ: Sinh, Lão, Bệnh,Tử. Nhưng thực ra có Lão thì tất nhiên có Bệnh và rồi dẫn tới Tử. Khi phải đối diện với đau khổ, con người cố gắng tìm cách xa lánh nó, hoặc có tôn giáo dạy cách diệt trừ nó. Nhưng hỏi rằng xưa nay đã có ai trên đời diệt được Sinh, Lão, Bệnh,Tử chưa?
Cách đây 5 năm tôi thường bắt xe bus đi làm mỗi sáng sớm ở đầu đường, không xa nhà tôi lắm. Bà hàng xóm, tuổi độ 60 vừa dọn về cùng xóm với tôi, bà cũng đi cùng chuyến xe bus với tôi. Thỉnh thoảng tôi bắt chuyện với bà, hỏi han cuộc sống gia đình bà. Tôi mới biết là chồng bà lớn hơn bà 5 tuổi đang về hưu. Đứng chờ xe bus bênh cạnh nhà bà thấy vườn tược xung quanh tươm tất và sạch sẽ, thấy mà ham. Vì chồng bà hằng ngày chăm sóc từng li từng tí. Cách đây một tháng tôi tình cờ đi xe đạp ngang nhà bà, sau khi ăn tối xong thì thấy ông đang đi xe lăn. Tôi ngừng lại gợi chuyện và thăm hỏi chia buồn cùng bà. Bà cho biết là ông bị tai biến mạch nảo cách đây vài tháng và từ đó ông phải đi xe lăn…Thật tội nghiệp, cuộc đời quá đổi ngắn ngủi, mới đó ông hàng xóm còn làm việc hùng hục ở nhà bây giờ ra thế đó.
Cảm nghiệm cuối cùng của tuổi già là hay tủi thân và sợ cô đơn. Tại sao lại hay tủi thân? Vì lúc trước mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, cái gì mình cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa thì phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả chúng nó thì nó không chịu làm hoặc nếu có làm thì làm một cách miễn cưỡng, lại còn la mắng mình. Ngày xưa mình lái xe chở con đi học bao nhiêu năm trời. Nay mình không lái xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ đi chùa hay đi shopping thì chúng nó nói ở nhà tu thân tâm cũng đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ hay chùa chiền hoặc shopping dạo này không có sale hấp dẫn. Thế là tủi thân. Buồn ơi là buồn!
Tình trạng này chắc chắn phải xảy đến, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được. Chúng ta phải nghĩ tới, phải chuẩn bị, để có một ngày, một ngày không xa, chúng ta phải đương đầu với nó. Tôi nhấn mạnh, chúng ta không thể trốn tránh nó được, nhưng phải chuẩn bị để đương đầu với nó. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có biết bao nhiêu biến cố tôi nghĩ còn khó khăn, kinh khủng hơn cái cảnh tuổi già buồn tủi và cô đơn này, có những nơi chúng ta đã sinh sống còn khiếp đảm hơn các Viện Dưỡng Lão nhiều, mà chúng ta đã vượt qua được tất cả. Vậy thì với niềm tin cậy vững chắc, chúng ta hãy vì thương con cháu không nên làm phiền con cháu nhiều hơn vì chúng cũng có gia đình và cuộc sống riêng tư. Một ngày nào đó khi chúng ta thấy viện Dưỡng Lão là nơi thích hợp cho tuổi già chúng ta thì hãy tình nguyện chọn nơi đó để sống những ngày cuối đời.
Có lẽ có một chút gì đó tương tự theo tôi về sự chia sẻ tuổi già: đó chính là sự hy sinh. Tôi cảm thấy trong những lời nói người già luôn có một chút gì đó ngậm ngùi, nhưng điều đó không làm giảm nhẹ yếu tố rất thật của cuộc sống. Cuộc sống đòi hỏi phải hy sinh không ngừng. Bậc làm cha làm mẹ phải hy sinh cho con cái và sẽ không ngừng hy sinh cho chúng cho đến khi nhắm mắt lìa đời..
Nhiều người không sợ hy sinh, nhưng họ sợ không ai (con cháu) nhận ra sự hy sinh đó và rồi cuối cùng họ sẽ trở về với sự quên lãng. Tuy nhiên, nó sẽ được giải quyết bằng niềm hy vọng và tin tưởng vào cuộc sống đời sau. Nơi đó không có sự hy sinh nào là vô nghĩa cả…
Nguyễn Hồng Phúc
No comments:
Post a Comment