Monday, September 3, 2018

 VẦN QUỐC NGỮ – CHỮ NƯỚC TA

 NGUYỄN KHẮP NƠI.

Di cư vào Nam vào Tháng 7 năm 1954, sau một thời gian chờ đợi, đám con nít chúng tôi đã được sắp xếp cho đi học trở lại. Tôi ở Thị Nghè, nên được học tại “Trường Tiểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II”, mượn cơ sở của trường Tiểu học hiện có tại đó, là Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây.

Tôi còn nhớ rất rõ, bài học đầu tiên của Lớp Nhì chúng tôi là bài Học Thuộc Lòng, mà Cô Giáo Đoan đã viết lên bảng để chúng tôi chép lại là bài:

 “Lên Sáu.

 Vần Quốc Ngữ, chữ nước ta,
 Con cái nhả, đều phải học.
 Miệng thì đọc, tai thì nghe,
 Đừng ngủ nhè, chớ láu táu.
 Con lên sáu, đang vỡ lòng,
 Học cho thông, thầy khỏi mắng.

Khi chép xong, cô Đoan đã dặn chúng tôi là về nhà phải đọc đi đọc lại nhiều lần để học cho thuộc, đến khi nào gập vở lại mà vẫn đọc lại được không thiếu một chữ nào mới xong. Lần sau, khi tới giờ “Học Thuộc Lòng”, cô gọi một vài đứa trong chúng tôi lên đưa vở cho cô xem, rồi ra đứng trước tấm bảng đen mà khoanh tay đọc lại bài “Lên Sáu”. Đứa nào đọc bài một cách trơn tru, không ngấp ngứng sẽ được điểm cao, đứa nào đọc ngấp ngứng sẽ bị trừ điểm và đứa nào không thuộc bài sẽ bị ăn zê rô kèm theo vài cây thước vào mông,

Ngoài những bài Học Thuộc Lòng, chúng tôi còn có giờ “Tập Đọc” nữa.
Cô Đoan viết một bài lên bảng, rồi đọc lại từng câu cho cả lớp nhắc lại. Bài Tập đọc mà tôi cũng còn nhớ đến ngày hôm nay là bài:

 “Tôi Đi Học.

Hằng năm cứ vào cuối thu, mỗi khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn:

Hôm nay tôi đi học.

Vừa đọc, cô giáo Đoan vừa giải thích những từ ngữ mới lạ hoặc khó hiểu cho chúng tôi, và gọi những từ ngữ đó là Ngữ Vựng.

Đối với những bài tập đọc, chúng tôi không cần phải học thuộc, mà khi được gọi lên bảng, chúng tôi phải đọc cho đúng giọng, phát âm cho đúng chữ là xong.

Những giờ mà chúng tôi ớn nhất, bị phạt, bị ăn đòn nhiều nhất là giờ Viết Chính Tả, giờ Tập Làm Văn và Văn Phạm.

Viết Chính Tả là viết lại những bài tập đọc trong đó có rất nhiều ngữ vựng mới lạ, nhiều chữ khó đọc, khó viết… mỗi khi nghe cô giáo đọc là phải hiểu chữ đó và biết cách viết thì mới viết được. Ví dụ: Khi cô đọc

Tổng Thống Ngô Đình Diệm hiệu triệu quốc dân”

Chữ “Triệu” cô không uốn lưỡi, mà đọc xuông là “Chiệu”.
Do đó, đám học sinh phải hiểu danh từ kép “Hiệu Triệu” thì mới biết cách viết chữ đó bằng vần TR chứ không phải là CH.

Tập Làm Văn là để nhớ lại, để kết hợp những đoạn văn, những bài tập đọc, những bài chính tả và ngữ vựng lại làm khuôn mẫu viết thành một đoạn văn của riêng mình, về một đề tài cô giáo đã cho.

Khi viết, phải biết cách đặt câu, dùng chữ nào làm chủ từ, chữ nào làm động từ và Túc Từ…

Tóm lại, từ hồi còn học ở bậc Tiểu Học, chúng tôi đã được học đọc, học viết, và được học những câu thơ, những đoạn văn hay, để từ đó mà phỏng theo để biết cách viết một đoạn văn của riêng mình, cho đúng với văn phạm, với ngữ vựng, với cú pháp.

Không phải chỉ riêng chúng tôi, mà tất cả những học sinh (Tiểu học và Trung học), sinh viên ở Miền Nam Việt Nam đều được dậy dỗ những cách thức căn bản về cú pháp, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được nói, được viết, được đọc một cách toàn hảo, tiếng Việt càng ngày càng được chau chuốt thêm lên, cho đúng với lời tiên tri của học giả Phạm Quỳnh:

Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn.”

Đó là cách đào tạo những mầm non tương lại của một Quốc Gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa, trước năm 1975, để Tiếng Việt càng ngày càng phong phú, đa dạng, rõ nghĩa, xứng đáng mang danh Ngàn Năm Văn Hiến.

Tiếc thay, sau ngày 30 Tháng Tư Năm 1975, Nước Việt Nam Cộng Hòa đã không còn nữa!

Việt Cộng, bọn người vô văn hóa, vô thần, vô tổ quốc, từ Miền Bắc vào đã chiếm đóng Miền Nam Việt Nam, đã đặt cả một quốc gia dưới quyền hành của đảng Cộng sản Việt Nam. Bọn chúng đã tàn phá đủ mọi thứ, từ nền móng xã hội, nhân quyền cho tới văn hóa.

Cả một quốc gia còn không được coi trọng, nói chi đến nền văn hóa Việt, chữ viết và ngôn ngữ Việt Nam nữa.

Ngôn ngữ Việt Nam, chữ viết Việt Nam của Thời Cộng Hòa đầy trong sáng, đầy ý nghĩa bây giờ không còn nữa, thay vào đó là những chữ viết đảo lộn hết cả nguyên tắc văn phạm, những tiếng nói không còn tôn trọng quy luật ngữ vựng để không còn sự trong sáng và rõ nghĩa nữa.

Cách viết và phát âm I và Y đã không còn được tôn trọng, mà đã cố tình đảo lộn đi.

Câu văn đã không còn tôn trọng cách đặt câu có Chủ Từ Động từ nữa, mà dùng Động từ làm Chủ Từ.

Các Ngữ Vựng cũng đã bị cắt bớt đi, trở thành những từ ngữ tối nghĩa, vô nghĩa.

Hàng ngày, chúng ta đều đã được đọc trên báo, được nghe trên đài phát thanh, đài truyền hình, những câu văn, những câu nói mà sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, cũng vẫn không hiểu người viết đó muốn viết cái gì, người nói đó muốn nói cái gì.

NHỮNG CÂU NÓI, LỜI VĂN VÔ NGHĨA, TỐI NGHĨA.
Chúng ta hãy đọc những lời văn như sau đây:

Lãnh Đạo Triều Tiên đã đi họp hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo nhà trắng.
  
Có khả năng Tầu cá cài đặt hỏa tiễn săn ngầm đã đến cảng Phi.”

“Siêu sao sở hữu thân hình khủng”

Quan chức Bộ Ngoại Giao Mĩ cho biết…”

Đọc qua những câu văn đó, chắc chắn là chúng ta không hiểu rõ người viết muốn nói lên điều gì, phải dọc kỹ và đặt thêm những câu hỏi để có thể hiểu rõ hơn:

Lãnh Đạo Triều Tiên đã đi họp hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo nhà trắng.”

Lãnh Đạo Triều Tiên đã đi họp? Lãnh Đạo là một động từ, chỉ một hành động về lãnh đạo, quản trị, tức là một mệnh lệnh. Đã là một mệnh lệnh thì không thể đi họp được, vì nó không có mắt mũi tay chân và mồm miệng. Chỉ có người lãnh đạo, tức là cái người làm cái hành động lãnh đạo nước Triều Tiên đó mới có thể đi họp được mà thôi.

Câu văn nói trên rất tối nghĩa, không thể hiểu được, vì nó thiếu chủ từ, tức là thiếu người ra hiệu lệnh lãnh đạo.

Nếu nói cho đúng, viết cho đúng, chúng ta phải viết, phải nói lại câu văn đó như sau:

Nhà (hoặc Người) Lãnh Đạo Nước Triều Tiên. Chỉ có người lãnh đạo xứ Triều Tiên mới có thể đi họp với nhà lãnh đạo của một quốc gia khác được.

Cũng cùng một cách giải thích đó, chúng ta phải thêm chữ “Người” vào đằng trước chữ Lãnh Đạo Nhà Trắng mới rõ nghĩa. Nhà Trắng là gì? Là White House?

Nếu nói căn nhà, thì phạm vi của nó nhỏ lắm! Một căn nhà, giỏi lắm có hai tầng, ba tầng lầu, diện tích nhiều lắm là 1,000.00 m2. Nhà chỉ dùng để ở mà thôi, chứ không dùng để làm việc và tiếp khách. Nếu dịch White House là Nhà Trắng thì không đúng nghĩa. White House là nơi làm việc của Tổng Thống Mỹ, nơi này rất rộng, rộng lắm, bao gồm ba phần, phần chính và hai cánh gọi là West Wing là nơi làm việc, hội họp, tiếp khách của Tổng Thống và cũng là nơi mà toàn thể nhân viên của ông làm việc nữa. Còn East Wing là là nơi làm việc của Đệ Nhất Phu Nhân và các Cộng Sự Viên.

Hơn nữa, White House là một danh từ kép, để chỉ nơi làm việc của Tổng Thống Mỹ, cho nên, không thể tách riêng chữ “House” ở danh từ White House để dịch là “Nhà” được, mà phải gọi là dinh thự hoặc tòa nhà. Chữ dịch sát nghĩa nhất là Tòa Bạch Ốc.

Nguyên câu văn nói này, nếu muốn viết cho đúng, nên viết là: Nhà Lãnh Đạo của Triều Tiên đã đi họp hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo của Toài Bạch Ốc.”

Có khả năng Tầu cá cài đặt hỏa tiễn săn ngầm đã đến cảng Phi.

Có Khả Năng là một trạng từ chỉ một trạng thái có thể hoặc không có thể.
Nếu đã là Trạng từ, thì trạng từ chỉ dùng để làm rõ nghĩa cho một hành động mà thôi, chứ không thể đứng làm chủ từ được.

Cài đặt có nghĩa là gài, là một hành động nhẹ nhàng gài hoặc cài một vật gì vào một nơi nào đó một cách tạm thời không cần dùng một dụng cụ, một đồ nghề (tool) nào cả, để rồi khi không cần nữa, cũng sẽ nhẹ nhàng rút ra mà không cần dùng kìm búa gỉ cả.

Hỏa tiễn là một vật nặng, không thể… cài vào tầu cá để bắn đi được, mà phải Gắn vào tầu, tức là dùng ốc vít bù long kìm búa mà đục mà đẽo mà gắn chặt cái hỏa tiễn vào thành tầu.

Còn Tầu Cá! Tầu cá nghĩa là gỉ? Tầu làm bằng cá? Chế ra Tầu làm bằng cá để làm gì? Làm sao mà chạy được?

Hỏa tiễn săn ngầm là săn cái gì? Ngầm là những gì không thể thấy.
Vậy câu văn này có nghĩa là Hỏa tiễn đi săn không thấy! Một câu văn hoàn toàn vô nghĩa.

Suy nghĩ mãi, đọc qua phần giải thích bằng tiếng Anh: “Fishing ship with anti submarine rocket may reach Philipine shore.”

Thì ra, Tầu Cá là Tầu đi đánh cá. Săn ngầm có nghĩa là săn tầu ngầm.
Chỉ vì muốn đặt câu văn cho ngắn, nên thay vì viết Tầu Đánh Cá” người viết đã cắt đi chứ Đánh để thành Tầu Cá. Tầu Ngầm đã cắt chữ Tầu đi, chỉ để chữ Ngầm thôi. Viết văn như vậy ai mà hiểu cho nổi!

Câu văn nói trên, nếu viết cho đúng, sẽ là như vầy: Tầu đánh cá trang bị hỏa tiễn săn tầu ngầm có thể đến hải cảng của Phi Luật Tân.

Siêu sao sở hữu ngoại hình khủng”

Siêu Sao là dịch từ chữ Super Star, tức là Tài Tử Nổi Tiếng. Ngoại hình tức là thân hình. Còn Khủng thì… không hiểu là gì cả. Suy nghĩ mãi mới đoán chừng… khủng tức là khủng khiếp, tức là kinh khủng.

Diễn giải ra như vậy, cũng chỉ là đoán mò mà thôi, chứ cũng không hiểu người viết câu văn này muốn nói cái gì, muốn tả cái gì?

Quan chức Bộ Ngoại Giao Mĩ cho biết…

Quan chức là ai? Người làm Quan? Quan lại chỉ có vào thời Vua Chúa mà thôi, chứ thời nay làm gì có ai làm quan nữa! Thời Việt cộng, thì chỉ có bộ đội, cán bộ thôi, chứ làm gì có ai làm quan!

Mĩ là cái gì? Trong Tự Điển Anh Việt cũng như Việt Anh không có chữ này. Lại phải đi kiếm tờ báo tiếng Anh, đúng tin tức đó, kiếm hoài mới thấy câu: Officer of United States Secretary of State review that…

À thì ra… Quan chức tức là một nhân viên nào đó của chính phủ mà ngày xưa chúng ta gọi là Viên Chức. Còn Mĩ đây có nghĩa là Hoa Kỳ, là Mỹ, chứ không phải Mĩ.

Người viết câu văn này muốn chơi nổi, muốn gây sự chú ý của mọi người nên mới đổi chữ Y ra thành I.

TẠI SAO LẠI CÓ NHỮNG CHỮ VIẾT LẠ LÙNG NÀY?

Không phải đến bây giờ chúng ta mới nghe, mới thấy những chữ viết, những câu văn lạ lùng này. Ngay từ trước năm 1954, bọn Việt Cộng đã có dùng những loại chữ lạ lùng này rồi. Ngày đó, bọn chúng đã có ý định thay thế PH thành F – D thành Z – Y thành I

Khi bọn cán bộ vào thành, chúng cố gắng dùng loại chữ này để mong với quyền thế, với phương tiện tuyên truyền, chúng sẽ làm thay đổi cách viết của người Việt. Buồn thay, không một người dân nào viết theo cách thức của chúng cả.

Đến nay, lại có một số người đem cách thức viết chữ lạ lùng này ra dùng lại.

Ngày xưa, bọn Việt cộng thất bại trong việc chuyển ngữ này là vì thời đó còn là thời xôi đậu, bất cứ ai bắt chước dùng loại chữ viết này sẽ bị lộ hình tích là Việt Gian Cộng Sản, nên không ai dám xài. Còn bây giờ, chúng nó có cả một nước, muốn viết gì thì viết.

NHỮNG AI BẮT CHƯỚC DÙNG NHỮNG KIỂU CHỮ VIẾT LẠ LÙNG NÀY?

Nhiều! Nhiều lắm các bạn ạ!
Đọc báo Việt Ngữ hàng ngày, chúng ta thấy nhan nhản những chữ này. Lý do là vì có một số báo đã không có người dịch tin tức, không có người đi lấy tin, nên cứ lên internet, chôm chĩa những bản tin của các báo của Việt cộng ở trong nước mà đăng nguyên văn vào báo của mình. Mỗi lần dở tờ báo ra đọc, cứ dật mình thon thót, tưởng rằng mình vẫn còn ở Sài Gòn, vẫn đang bị đọc báo Sài Gòn Giải Phóng!

Mở đài phát thanh ra, rất buồn là đa số những đài phát thanh, từ Úc cho tới Hoa Kỳ, từ những đài tư nhân phát trên Youtube cho đến đài phát thanh của chính phủ, từ VOA cho tới đài BBC (BBC đã phải đóng cửa phần phát thanh Tiếng Việt rồi) cũng đều thâu nhận những xướng ngôn viên vừa có giọng nói giải phóng, vừa dùng những từ ngữ nghe không lọt tai này.

Lên internet, cũng toàn là những bài báo của Công An Nhân Dân, của Thanh Niên… của Việt cộng, chứ hiếm khi thấy một bài báo nào do chính những tác giả ở ngoại quốc viết tin.

Từ những tin tức, những bài bình luận mà các tờ báo, các đài phát thanh, các đài truyền hình này loan tải, mà người dân Việt hàng ngày đều phải nghe, phải đọc những loại chữ viết, những lời nói khó hiểu ghi trên.

LÀM SAO ĐỂ LẤY LẠI CHỮ VIẾT TRONG SÁNG CỦA NGƯỜI VIỆT?

Khó lắm, bạn ạ!
Học thói hư tật xấu thì dễ, chứ học cái tốt, hơi khó!
Hàng ngày, hàng giờ, những tờ báo, những đài phát thanh, những đài truyền hình đều phát tin, đều nhai nhải đọc những giọng văn vô nghĩa, khó hiểu như thế, nó sẽ in vào đầu con trẻ, tẩy não những người già (trong đó có chúng ta) thì làm sao mà chẳng quen với cách viết này cho được!

Tôi cũng có dịp nói chuyện với một số chủ báo, chủ đài phát thanh.
Một số cho biết, vì muốn lấy khách từ thành phần du học sinh, từ thành phần mới được bảo lãnh, được di dân qua Úc, qua Mỹ… nên phải dùng… tiếng của họ.

Một số khác trả lời: Tôi đâu có tuyển mấy người này đâu! Chính phủ họ tuyển, họ đưa vào làm chung với tụi tôi đó chứ! (SBS Tiếng Việt).

Làm sao bây giờ?

Thưa quý độc giả, quý chiến hữu, quý đồng hương,
Giữ cho Tiếng Việt được trong sáng, được rõ ràng hay không là do chính mình. Hãy đừng nghe, đừng viết, đừng phổ biến những loại chữ nghĩa đó nữa.

Thưa quý vị chủ báo, chủ đài phát thanh, đài truyền hình,
Hãy vì tương lai của dân tộc, vì tương lai của Chữ Việt, của Tiếng Việt,
Hãy đừng viết Lãnh Đạo Bắc Hàn nữa! hãy thêm chủ từ vào câu văn của mình để cho rõ nghĩa.
Hãy đừng cắt bớt ngữ vựng Việt để cho câu văn được dễ hiểu.
Hãy dịch cho đúng nghĩa những từ ngữ của Tiếng Anh, Tiếng Pháp để mọi nguòi được hiểu rõ bạn muốn nói gì.
Hãy đừng… quan chức nữa nhé!
Và cũng bất cứ lúc nào, đừng mở đầu câu nói của mình bằng câu… “Có Khả Năng”.
Hãy suy nghĩ những gì ta muốn viết, muốn nói trước khi viết ra báo, trước khi đọc bản tin.

Còn một điều nữa, thưa với quý xướng ngôn viên,
Khi quý vị gọi những người đến nghe chương trình nhạc hay bất cứ chương trình gì do mình làm xương ngôn viên. Nếu bạn đã gọi những khách này là QUÝ VỊ, tức là đã tôn trọng họ mà gọi như vậy. Thì khi nói với họ, nên THƯA QUÝ VỊ, để tỏ rõ sự tôn kính của mình đối với họ.
Chứ đừng… QUÝ VỊ ƠI…

ƠI chỉ dùng để gọi bạn bè: mày ơi, cháu ơi, con ơi… mà thôi.

XIN CÁM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ ĐỌC BÀI VIẾT NÀY.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

No comments:

Blog Archive