Monday, September 17, 2018

Tâm Sự Một Kẻ Lưu Vong Bất Đắc Dĩ



viet ve nuoc My
Miệng nói “hòa giải hòa hợp” nhưng Cộng sản dựng bia cổ võ hận thù.

***
Hơn bốn mươi bốn năm về trước tôi háo hức đặt chân đến xứ Mỹ như là một sinh viên Việt Nam Cộng Hòa du học, tràn đầy sức sống, tương lai nhuộm màu hồng rạng rỡ.

Không ai ngờ ngày quốc nạn năm 1975 xảy ra như cơn lốc xoáy đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc đời chàng sinh viên trẻ cũng như vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam. Biến cố xảy ra quá đột ngột, khủng khiếp và tàn nhẫn. Người Việt Quốc Gia đã làm gì nên tội đến nỗi phải trả bằng một giá quá cao, bằng máu xương và nước mắt? Xa quê hương, mọi liên lạc với gia đình đều bị cắt đứt, các du sinh lúc bấy giờ lạc lõng nơi xứ người, ngơ ngác như con chim lạc bầy trong cơn dông bão, ngỡ rằng mình đang sống trong cơn ác mộng. Từ đấy họ trở thành những kẻ lưu vong.

Hơn bốn thập niên sau, khi mái tóc xanh đã bạc màu, có nhiều lúc chạnh lòng, tôi hướng tâm về quê cũ hồi tưởng lại đời mình sao thấy như một giấc mơ, vẫn thấy mình bơ vơ lạc lõng như ngày nào khi mới vừa đặt chân đến xứ Mỹ. Có khác biệt chăng là con chim non lạc bầy ngày xưa bây giờ là con chim già mõi cánh nhìn về chân trời xa xăm và tự hỏi: Đâu là quê hương tôi? Là nơi đây hay ở tận bên kia bờ đại dương, nơi mặt trời đã tắt? 

Xứ Mỹ là vùng đất hứa. Người Mỹ đã mở động tầm tay đón nhận những người ty nạn với tấm lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm của một đồng minh và mặc cảm của một người anh phụ bạc. Họ chia sẻ một phần chiếc bánh phồn vinh mà họ được thừa hưỡng từ ông cha và không ngừng xây dựng cho đến ngày nay. Họ cho người ty nạn tất cả mọi cơ hội để trở thành như họ, công dân của một quốc gia phồn thịnh phú cường nhứt thế giới. Cũng nhờ vậy chúng ta và con cháu chúng ta mới có được được ngày hôm nay. Tôi biết mình may mắn và biết ơn.

Ngày xưa người Mỹ biết quí trọng ân nghĩa đã vinh danh ngày Thanksgiving là một quốc lễ để tạ ơn những người da đỏ ân nhân. Người Việt lưu vong phải chăng còn một món nợ ân tình phải trả đối với người Mỹ ân nhân đã giúp chúng ta có được ngày?

Nước Mỹ từ lâu là một đại cường quốc đứng đầu thế giới nhờ là một hợp chủng quốc, nơi phối họp tinh hoa của nhiều sắc dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đang đi vào lịch sử Mỹ. Bàn tay và khối óc của người Mỹ gốc Việt đã và đang góp phần xây dựng sự phồn vinh cho nước Mỹ.

Nhớ ngày nào, vừa được nhập quốc tịch Mỹ, tôi cầm lá cờ hoa trong tay mà sung sướng trong lòng, tự nguyện rằng tôi sẽ yêu thương quê hương mới mà tôi đã nhận là đất mẹ; tuy biết rằng mình còn xa lạ lắm đối với người mẹ mới, còn ngỡ ngàng trước những người anh em mũi lõ, mắt xanh, nhưng tôi đã nguyện với lòng là sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để xứng đáng là một công dân Mỹ.

Tôi làm việc như Mỹ, nói tiếng Mỹ, ăn hamberger, xem football, treo cờ Mỹ trong những ngày lễ lớn. Tôi tập nói “Thank you”, “I am sorry”, “Excuse me”, “Hi” và “Good morning”, những câu xã giao thông thường mà trước đây tôi không quen sử dụng nhưng bây giờ thấy đó là văn hóa.

Nhưng dẫu có cố gắng thế nào đi nữa tôi vẫn bị các con cháu sửa lưng vì dưới mắt chúng tôi vẫn còn quá nhiều “chất Mít” hơn là “chất Mẽo”! Tuy mang quốc tịch Mỹ nhưng trong cùng tận đáy lòng, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình thật sự là một người Mỹ. Tuy nhiên tôi sẽ binh vực người Mỹ đến cùng trong các cuộc cãi vã. Ai chửi Mỹ tức là họ chửi tôi.

Nếu có người ngoại quốc hỏi tôi “where are you from”, cách hỏi quốc tịch, tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ: “I am an American” để không bị lôi thôi phải trả lời những câu hỏi kế tiếp. Nhưng nếu có người nghi ngờ hỏi có phải tôi là người Việt Nam không, tôi sẽ lựng khựng không biết phải nói sao cho ổn. Tôi miễn cưỡng trả lời tôi là người Mỹ gốc Việt. Sở dĩ tôi không nhận mình là người Việt vì đối với người ngoại quốc khi nói đến người Việt họ có thể nghĩ ngay là tôi là công dân của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đó là cái tên một đất nước bất hạnh còng đang bị kềm kẹp trong ách độc tài của cộng sản cuối mùa, nổi tiếng là tham nhũng, chà đạp nhân quyền, đàn áp tôn giáo, ăn cắp vặt ở Nhật Bản, Hồng Kông, phơi vi cá mập trên nóc nhà Đại sứ quán ở Chile làm hôi thối cả vùng! Tôi không muốn mình bị “quơ đũa cả nắm”.

Con người ai cũng có cội có nguồn và hãnh diện về nguồn cội của mình. Người Mỹ da đen nhất định đòi được gọi là “Người Mỹ gốc Phi châu” vì họ hãnh diện cái gốc Phi châu nô lệ của họ. Từ nghìn xưa, người Việt Nam đã bảo vệ cái gốc của mình bằng xương trắng máu đào. Ta phải hãnh diện và trân quí nó.

Người Việt hải ngoại ngày nay đã tạo được một thế đứng vững vàng, nếu không nói là nổi bật trong xã hội Mỹ nói riêng, trên thế giới nói chung. Tuy xứ Mỹ là một “melting pot” nhưng trong cái nồi xào bần nầy vẫn thấy nhiều nhóm trắng, đen, đỏ, nâu, vàng. Người Việt chúng ta như đàn kiến vàng mất tổ nên rủ nhau đến xây tổ mới. Trong cái tổ mới ấy, không ai còn mặc cảm mình là người ngoại quốc nữa, sống thoải mái trong cái thế giới của mình.

Mọi người Việt, dù đang trên đất Mỹ, đều có chung một màu da, một tiếng nói, cùng phong tục, tập quán, nhứt là ăn uống giống nhau. Ngày nay, hầu hết các nhu cầu, các dịch vụ và nhu yếu phẩm đều tìm thấy trong tầm tay. Tiếng Việt lại là ngôn ngữ chính để giao tiếp giữa các đồng hương nên tiếng Mỹ không còn cần thiết nữa nếu sống trong cộng đồng. Cũng vì vậy nhiều người quên bẵng đi là mình là người Mỹ, đang sống trên xứ Mỹ nên hành sử như người Việt Nam, đang sống ở Việt Nam.

Trước năm 1975 có rất ít người Việt ở Mỹ nên khi gặp nhau là một dịp quí hiếm, ai nấy đều vui mừng vồn vã tay bắt mặt mừng, khác hẳn với ngày nay. Vì cộng đồng Việt trên đất Mỹ hiện đã trên dưới hai triệu, đông nên đồng hương gặp nhau không còn là chuyện hiếm, cũng không còn thắm thiết như trước. Mặc dù vậy, từ khi về sinh sống trong khu Sài Gòn Nhỏ tôi vẫn thấy mình hạnh phúc hơn, cái cảm giác ấm áp, an toàn, khi con sâu được chui ngược vào nằm gọn trong cái kén quen thuộc mà ngày xưa nó cố vùng vẫy cắn phá để thoát ra. Tuy nhiên “ở xa mỏi chân ở gần mỏi miệng”, sống chung chạ khó mà tránh khỏi những va chạm phiền toái đến bực mình.

Tuổi trẻ đam mê với công việc làm, bận rộn với cuộc sống xô bồ, nên dễ quên quá khứ; nhưng một khi được trở lại nằm yên trong cái kén một mình, sống với nội tâm, vết thương vong quốc tưởng đã nguôi ngoai bỗng thấy lại ray rứt  khi nhớ về quê, tiếc thương một thời đã mất.

“Trẻ sống cho tương lai, già sống trong quá khứ” nên khi lớn tuổi tôi thường mơ về cuộc sống đạm bạc ngày xưa với nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ căn nhà lá ven sông nơi mấy anh em tôi thường lặn hụp tắm sông câu cá, nhớ cây chôm chôm sai quằn trái đỏ, nhớ hương vị tô canh chua tép đất nấu với bông sua đủa (so đũa), rau cải trời chấm với mắm kho cá linh. Tôi nhớ tuổi học trò với những mối tình ấp ủ, những tà áo trắng thẹn thùng trên sân trường rụng đầy hoa phượng đỏ, hay cùng song bước trên vỉa hè đại lộ Catinat những chiều thứ bảy hẹn hò. Tôi nhớ cha mẹ, nhớ anh em, nhớ bạn bè và mong sao được gặp lại người thân.  Không thể kể hết từng nỗi nhớ da diết.

Khi bang giao Việt-Mỹ được thành lập năm 1995, tôi quyết định trở về Việt Nam thăm gia đình sau 25 năm xa cách. Về Việt Nam lúc ấy (1998) là một quyết định mạo hiểm. Nhiều người còn trăn trối trước khi đi. Tuy đã chuẩn bị tư tưởng trước nhưng tôi vẫn bị “shock” khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất tràn ngập thứ cờ quạt màu đỏ, mầu máu làm tôi thấy rùng mình. Tôi được tiếp đón bằng những gương mặt vô cảm, những cặp mắt hận thù, đố kỵ và bằng nhiều hành động khiếm nhã của những “người anh em” mà tôi từng nghĩ là đồng bào của mình; nhưng sao họ trông xa lạ quá, từ hành động, giọng nói, cho đến ánh mắt nhìn.

Tôi sinh trưởng ở quê hương “Đồng khởi” tỉnh Bến Tre trong thời chiến tranh nên không lạ gì với cộng sản nhưng vẫn còn có lúc từng ngây ngô nghĩ rằng, một khi khi chiến tranh chấm dứt, anh em trên hai miền chiến tuyến, dù có bất đồng chánh kiến, nhưng cũng là ruột thịt thì làm sao nỡ giết hại lẫn nhau. Nhưng tôi đã lầm. Dưới mắt những người cộng sản, người Việt quốc gia từng bị chụp cái mũ “Việt kiều” muôn đời là kẻ thù, là bọn “Mỹ ngụy”  vong bản, đáng bị nguyền rủa và trừng phạt!

Nhưng ai mới thật là “ngụy”, là “khát máu”, là “vong bản” đáng bị nguyền rủa và trừng phạt?

Ai đã “khát máu” đấu tố xử bắn 15,000 địa chủ miền Bắc trong phong trào cải cách ruộng đất 1953-1956.

Ai là “ngụy” chạy theo chủ thuyết cộng sản vô thần đưa Việt Nam vào cuộc chiến cốt nhục tương tàn? Ai đã đẩy hơn 2.0 triệu dân vô tội và 1.5 triệu lính hai miền là những thanh niên rường cột của quốc gia vào chỗ chết. Ai đã “ngụy” dùng chiêu bài “cách mạng”, “giải phóng dân tộc” để đẩy dân miền Nam vào địa ngục trần gian khiến cho hai triệu người phải liều chết vượt biên tìm lẽ sống, khiến ít nhất 400,000 người phải chôn vùi thân xác dưới đáy biển sâu hay trong rừng thiêng núi thẳm. Ai đã giam cầm cả triệu quân cán chính VNCH trong các nhà tù  mang  “Trại cải tạo”. Ai đã đã hèn hạ trả thù hàng triệu gia đình bị xem là “thành phần có tội với cách mạng”, cướp tài sản, tước đoạt các quyền tự do rồi cưỡng bức họ đi “vùng kinh tế mới” sống chết mặc bây?

Ai đã “vong bản” hèn với giặc, ác với dân? Bán đất, bán biển, bán đảo? Bán dân làm nô lệ dưới hình thức “xuất khẩu lao động”? Bán phụ nữ  cho ngoại bang? “Tàu lạ” nào độc quyền biển đảo, bắn giết ngư dân nhưng chính quyền run sợ không dán nói tên? Ai cho phép các nhà máy xả thải bừa bải gây ô nhiễm môi trường, tiêu diệt môi sinh, giết lần mòn cả dân tộc Việt Nam?

Máu đã chảy thành sông. Xương đã chất thành núi. Chừng ấy đau thương vẫn chưa thỏa lòng, CSVN còn cho dựng bia đá hận thù để cho thế giới biết rằng hận thù của họ “ngàn đời ngàn kiếp không quên.” trong khi ngoài miệng hô hào “hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù”!

Cả một dân tộc với 97 triệu dân đang bị hy sinh để nuôi dưỡng 3.6 triệu đảng viên cộng sản. Tài nguyên quốc gia họ mặc tình cướp phá. Cả nước thành bãi rác của Tàu. Biển cá chết. Rừng trụi cây. Sông nhiễm mặn. Đất cằn cỗi. Tài nguyên quốc gia cạn kiệt. Bốn ngàn năm văn hiến bây giờ là một xã hội rối banh. Còn gì nữa Việt Nam ngày nay?!

Tôi theo đoàn người hồi hương về Việt Nam thăm mẹ già tuổi đã trên trăm tuổi, đang trải qua những năm tháng cuối đời, thống khổ nhất của kiếp nhân sinh với bịnh Alzheimer.

Trong thời gian ở Việt Nam tôi đã có cơ hội để tìm hiểu và khám phá thêm về xứ sở mình sau nhiều năm xa cách.

Không biết nên buồn hay vui khi một xứ nghèo như Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người chỉ có $2000/năm lại mang một bộ mặt lộng lẫy xa hoa với các tượng đài nghìn tỉ, các công thự với kiến trúc đồ sộ. Trong khi ấy, những vùng đất đai đẹp nhất, quí giá nhất của quốc gia đã lọt vào tay ngoại quốc biến thành các trung tâm du lịch, trung tâm sinh thái khổng lồ, các khách sạn, resources sang trọng tương phản với những vùng tạp nhạp, ngập lụt, rác rưởi ở những khu dân nghèo.

Dân chúng vì được thoát khỏi địa ngục trần gian của thời bao cấp nên dễ thấy là mình khá hơn; nay lại được tiếp cận với đời sống văn minh, tuy chậm trễ hàng chục năm, nhưng vẫn có thể cảm thấy như được đổi đời.

Nhìn bề ngoài, tại Việt Nam hiện nay, bất kể giàu hay nghèo, già hay trẻ, thuộc thành phần nào, mọi người đều như vô tư hưỡng thụ, ăn chơi. Ăn uống, nhậu nhẹt ì xèo khắp mọi nơi, từ các trung tâm ẩm thực khổng lồ, các nhà hàng sang trọng, khách sạn năm sao cho đến tận thôn xóm hay các hang cùn hẻm cụt vừa đủ chen cái bàn nhỏ và vài cái ghế thấp tè tè. Con gì nhúc nhích là bị bắt hết làm “mồi” nhậu. Họ nhậu sạch láng đến nỗi ngày nay thú vật hoang dã không thấy nữa trong thiên nhiên. Nhiều giống đã bị diệt chủng.

Mức độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng top 5 ở Á châu và top 25 của thế giới. Quan chức, đại gia thì nhậu rượu nhập, hàng xách tay, tính tiền bằng đô la. Giới bình dân thì nhậu rượu đế công xi, giá bèo 12,000 đồng một lít (nửa đô la), đủ say xỉn để về nhà quậy vợ chửi con.

Hình như người ta nhậu vì không có cái gì hấp dẫn hơn để làm, một lý tưởng gì để theo đuổi, nhậu để “xỉn”, để xả “xì trết”, để quên hết. Bốn thập niên sống với cộng sản, người dân đã học được bài học: Muốn sống yên phải chịu sống hèn, biết nói dối và vô cảm: Ai chết mặc ai. Đừng  dại gì lên tiếng,  tự mình làm con vật tế thần. Cách tốt nhất là cứ câm như hến mà ăn  nhậu cho qua.

Cả một dân tộc bị dồn đến mức ấy, đã tưởng là hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng rồi ngay trong các bàn nhậu trong nước, khi hơi men lâng lâng, họ công khai bàn luận chánh trị, đem sự thối nát của chế độ ra mà chỉ trích. Đề tài chính trong câu chuyện quanh bàn nhậu thường xoay quanh vấn đề tham nhũng, chuyện dài cảnh sát giao thông ăn hối lộ, công an ăn hiếp dân, và sự bất lực vô tài kém đạo đức của giới quan chức lãnh đạo. Họ xì xầm với nhau cho đã nư sự phẫn uất trong lòng.

Ai cũng biết tổng số bọn đảng quyền ở Việt Nam, dù có là dăm ba triệu đảng viên,  so với 90 triệu dân vẫn chỉ là thiểu số. Một chế độ độc tài có thể tồn tại được, ấy là nhờ  sự tuyên truyền lừa bịp, bưng bít.

Trẻ con thì chỉ được dạy và tin tưởng ở sự toàn hảo của chế độ, tôn sùng nhà nước và giới lãnh đạo như được huấn luyện, nhưng khi lớn khôn bắt đầu biết suy nghĩ hai chiều, và ngày nay đã thoát ra khỏi sự kềm kẹp tư tưởng nhờ sự quảng bá của internet. Nghiên cứu mới nhất do Google và tập đoàn tư vấn Boston (BCG) vừa công bố cho thấy, các hộ gia đình có kết nối internet tại Việt Nam đang chiếm tỷ lệ cao và có tới 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Cộng sản sống được nhờ dối trá, bưng bít sự thối nát của chế độ nhưng ngày nay, “mèo càng dấu cứt” càng lộ sự gian giối đến trơ trẽn. Dân chúng đã chai lỳ, không còn run sợ CS như xưa. Lịch sử đã chứng minh rằng những thể chế chính trị đi ngược lòng dân sẽ không thể tồn tại.

Thế sự có thăng trầm, quê hương tuy nay đã trở thành cố hương dưới mắt những người Việt hải ngoại, ngày nào hình ảnh quê hương còn sống trong tim ta, ngày ấy đất nước Việt Nam vẫn còn.

Một nghìn năm đô hộ bởi giặc Tàu, một trăm năm đô hộ bởi giặc Tây Việt Nam còn không mất thì xá gì cộng sản! Ngày tàn của CSVN đã cận kề. Mầm móng chống đối từ dân  chúng trong nước đang tới độ chín muồi.

Chiều nay, con chim già mỏi cánh nhìn về chân trời xa xăm, nhớ bài hát “Chiều Tây Đô” của  nhạc sĩ Lam Phương: 

Tàu đưa ta đi, tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương *

Chú Chín Cali

No comments:

Blog Archive