Saturday, September 22, 2018

Tiếng gọi thiêng liêng từ vùng đất thánh Fatima, Bồ Đào Nha.
  
Trịnh Thanh Thủy 

Tôi đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima, vào một sáng tháng Sáu, sau khi viếng thủ phủ Lisbon của Bồ Đào Nha. Vùng đất thánh thiêng liêng này mỗi năm đón tiếp không biết bao nhiêu triệu du khách trong con số 12.7 triệu du khách ghé Bồ Đào Nha năm 2017, theo báo cáo của hãng thông tấn Reuters. 
Như lệ thường, mỗi năm khoảng ít nhất 6 triệu du khách viếng thăm Fatima. Tuy nhiên, năm rồi là năm  kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, con số người nghe theo tiếng gọi của Đức Mẹ Mân Côi đã cùng nhau hành hương về vùng đất thánh, khiến con số du khách tăng vọt. 
Vừa bước vào quảng trường rộng mênh mông đầy người, điều gây ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là hình ảnh một dãy dài những người có lòng thành kính vừa quỳ, vừa lê gối trượt trên con đường xi măng dài hàng trăm mét dẫn vào cửa Vương Cung thánh đường. Họ vừa lần chuỗi, vừa thành khẩn cầu nguyện và cứ kiên nhẫn lết như thế, từng người, từng người một. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, thiếu nữ nối đuôi nhau dưới ánh nắng tháng sáu, trong giọt mồ hôi lóng lánh trên gương mặt thể hiện đức tin kính ngưỡng đến tột độ. 
blank
Pic 1 Qùy, lết, lòng thành khẩn và đức tin 
blank
Pic 2 Tượng Đức Giáo Hoàng John Paul II 
blank
Pic 3 Nhà Nguyện 
blank
Pic 4 Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi 
Tôi thấy một người đàn ông vừa quỳ lết, vừa đẩy chiếc xe có một em bé bên trong, về phía trước. Một cô gái khoảng 18 tuổi, ăn mặc trẻ trung, đặt chiếc túi xách xuống, lấy ra hai miếng vải đệm bông may sẵn, đeo vào đầu gối rồi bắt đầu nghi lễ quỳ lết của mình. Số người mang đệm bông mà quỳ không nhiều. Đây đó vài cụ già, người dựa vào con cháu vừa quỳ vừa đọc kinh, đôi mắt đượm nét vui tươi, có lẽ vì thoả được ý nguyện đã đến chốn này, đã thực hiện được giấc mơ nhiều năm ấp ủ. 
Đằng sau nhà nguyện là nơi đốt nến, khói, lửa và mùi sáp cháy lan toả, bao trùm cả một khoảng không gian rộng. Hàng người xếp hàng mua nến và chờ để đốt, dài dằng dặc. Những cây nến rất to, mà có người mua và ôm một lúc cả đến năm sáu cây, nên khu đốt nến biến thành khu sinh hoạt vừa đông, vừa nóng. 
Tôi phải len qua đám đông trước nhà nguyện mới nhìn được buổi hành lễ ở bên trong. Nhà nguyện (Chapel of the Apparition) là trung tâm của Đền thánh Fatima. Nhà nguyện này đã được xây theo ước vọng của Đức Mẹ Fatima trong lần xuất hiện cuối trước mặt 3 em bé chăn chiên (cừu). Đây là nơi Đức mẹ đã hiện ra và cũng là nơi an táng ba em bé ấy- Francisco, Jacinta và Siostra Lucia. 
Người dẫn đoàn bắt đầu câu chuyện kể từ hàng trăm năm trước về lịch sử của cái tên Fatima và những huyền thoại Đức Mẹ hiện ra. Fatima là tên một vùng đất được mang tên của một nàng công chúa người Moor đạo Hồi. Fatima xưa, vào thế kỷ thứ 12 thuộc người Moor, Hồi giáo, sau Fatima thuộc Thiên Chúa Giáo. 
Ông ta bảo, bạn tin hay không là quyền của bạn nhưng nếu bạn có đức tin như những người đã lặn lội hành hương đến đây thì đó là phép lạ, là sự nhiệm màu thiêng liêng. Đức Mẹ hiện thân tất cả 6 lần từ ngày 13 tháng 5 cho tới 13 tháng 10 năm 1917. Vào ngày 13 tháng 5 năm đó, ba đứa trẻ nhìn thấy một phụ nữ áo trắng hiện ra với một chuỗi hạt Mân Côi đang nắm trong tay và đã mời ba đứa trẻ quay trở lại nơi này mỗi tháng cho đến tháng Mười và luôn luôn vào ngày 13. Bà bảo chính vì các em ngoan đạo, chịu khó đọc kinh, đi lễ thường xuyên và có niềm tin cao cả nên bà mới hiện ra. Bà kêu các em đi rao truyền tin bà tức Đức Mẹ đã xuống trần. 
blank
Pic 5 Bản sao chụp 1 trang của báo Ilustração Portugueza ngày 29.10.1917 cho thấy đám đông dân chúng đang ngẩng nhìn Phép lạ Mặt trời, khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima 
blank
Pic 6 Hàng chữ Việt trên bức tường của Basilica of the Holy Trinity 
blank
Pic 7 Lúcia Santos (trái) và hai người em họ Francisco and Jacinta Marto, năm 1917 
blank
Pic 8 Khu đốt nến 
Ngày ấy Bồ Đào Nha là một quốc gia thuần Thiên Chúa Giáo khoảng 99%, không phải như ngày nay chỉ còn khoảng 87%, nên đức tin rất mạnh mẽ. Các em chỉ cần đi rỉ tai một vài người và chẳng bao lâu tin ấy loan truyền khắp nơi. Các em đã trở lại nơi này vào mỗi tháng, cho đến ngày 13 tháng 10 năm 1917, thì tin đồn đã khiến có khoảng 70 ngàn người kể cả giới truyền thông tụ tập tại Fatima. 
Lần xuất hiện cuối này, mưa như trút nước, họ chứng kiến một vầng hào quang rực sáng chỉ ngay sau sự xuất hiện của ba đứa trẻ. Mưa ngưng rơi, mặt trời lộ rõ  trên bầu trời xanh biếc. Hiện tượng lạ là mặt trời đột nhiên xoay tít, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Phép màu cũng hiển linh, tỷ như người mù bỗng sáng mắt, người què đi được, người bệnh đột nhiên khỏi bệnh.  
Tuy nhiên không ai thấy người phụ nữ tức Đức Mẹ Mân Côi đó trừ 3 em bé. Người ta chỉ thấy các em đứng nói chuyện với cái cây Sồi. Việc lạ xảy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy. Sau hai em Francisco và Jacinta mất sớm trong một dịch cúm còn Lucia dos Santos sau này đã trở thành nữ tu của Dòng Kín Chân Đất (Dòng Cát Minh). 
Ông thêm, sau này có những hoài nghi và chỉ trích rằng những hiện tượng xảy ra ngày đó là hiện tượng ảo giác của đám đông và hiện tượng cực quang thường xảy ra ở những vùng núi cao này hoặc có thể do sự xuất hiện của đĩa bay. Còn huyền thoại Đức Mẹ hiện ra chỉ là sự đặt điều hay gian trá của gia đình 3 đứa bé chăn chiên. 
Người dẫn đoàn cũng kể thêm về 3 bí mật của Fatima được ghi chép trong hồi ký của nữ tu Lucia. Bí mật đầu tiên là một thị kiến về hỏa ngục. Thứ hai là bí mật tiên tri. Đức Maria nói với các trẻ chăn cừu rằng nếu con người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ xảy ra. Mẹ cũng thông báo về sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản, và hệ quả là Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng bị sát hại. Bí mật thứ ba gồm một thị kiến khác. Các mục tử thấy một đức giám mục trong trang phục màu trắng vốn ám chỉ Đức Giáo Hoàng bị giết cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong nhiều tầng lớp của xã hội. Việc Đức Giáo Hoàng John Paul II bị ám sát và thoát chết được giải thích là sự kiện hiển linh cho bí mật thứ ba. Giáo Hoàng tin Đức Mẹ đã cứu ngài nên Fatima đã đón tiếp ngài đến thăm 3 lần và tượng của ngài cũng được tạc ở đó. 
Ông tiếp, như các bạn thấy đó, bên Thiên Chúa Giáo chúng tôi niềm tin mãnh liệt đã tạo nên lời thề. Khi gặp khó khăn người ta hay cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima và khi được như nguyện người ta đến đó đọc kinh và tạ ơn. Họ hay đến thắp nến, mỗi cây nến tượng trưng cho một thành viên của gia đình nên có người mua và thắp cả ôm nến. Tỷ như mẹ vợ của tôi chẳng hạn, bà già lắm rồi. Khi vợ tôi sanh đứa đầu lòng ra hay bị bệnh, bà khấn nguyện với Đức Mẹ nếu em bé lành bệnh bà sẽ đi bộ tới Fatima, dù từ nhà đến đó rất xa. Em bé hết bệnh thế là bà đã thực hiện lời thề đó. Bà nói như một phép lạ, khi tới được Fatima bao nhiêu nhọc mệt tan biến và bà đã đi hành hương đền thánh mỗi năm.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

No comments:

Blog Archive