Saturday, September 15, 2018

Lời ai điếu cho mô hình Trung Quốc?


Arvind Subramanian và Josh Felman
NguồnBlog Phạm Nguyên Trường / Project syndicate
Sau mấy thập niên tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, Trung Quốc đã nổi tiếng vì ổn định về kinh tế, ngay cả khi các khoản nợ ở trong nước đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng triển vọng xuất cng giảm, cùng với việc đồng tiền đang ngày càng yếu đi, có thể làm cho nước này trật khỏi quỹ đạo phát triển bất chấp nợ nần của mình.
Từ Argentina đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nam Phi đến Indonesia, các thị trường mới nổi lại bị những sự hỗn loạn trên thị trường tài chính làm cho bối rối. Nhưng xin hãy đừng quên nước lớn nhất và có thể là rắc rối nhất: Trung Quốc.
Trong mấy thập niên vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dường như trái với những quy luật kinh tế cơ bản. Ví dụ, quy luật Stein nói rằng nếu một cái gì đó không thể đi mãi mãi, thì nó sẽ dừng lại. Nhưng, các khoản nợ của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng.
Thật vậy, theo Quỹ tiền tệ quốc tế, trong thập niên vừa qua, nợ công ty, nợ chính phủ và nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 23 nghìn tỷ USD, và tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng khoảng 100%, tức là hơn 250%. Thông thường, đó là mức mà vượt qua nó thì khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra.
Chắc chắn là, một số khoản nợ của Trung Quốc đã được sử dụng nhằm mở rộng cơ sở công nghiệp và cơ sở hạ tầng của nước này. Nhưng phần lớn trong số đó cũng được sử dụng nhằm giữ cho bằng được các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ và đầu tư không ngừng nghỉ vào các công trình công cộng và nhà ở với hiệu quả rất thấp.
Sự mất cân bằng ở trong nước của Trung Quốc cho thấy một quy luật kinh tế khác mà nó đã tìm cách phá vỡ. Đối với bất kỳ quốc gia bình thường nào, xây dựng năng lực quá dư thừa sẽ dẫn đến sụt giảm mạnh trong đầu tư và tăng trưởng GDP. Và đến lượt nó, điều đó sẽ làm kiệt quệ về tài chính, kéo theo cuộc khủng hoảng, nếu các dấu hiệu cảnh báo bị lờ đi. Nhưng ở Trung Quốc thì khác. GDP tăng chậm lại, nhưng đầu tư vẫn mạnh, và hệ thống ngân hàng không hề căng thẳng.
Một cách giải thích phổ biến về việc khả năng không bị thương tổn thấy rõ của Trung Quốc là nước này có khoản tiết kiệm lớn ở trong nước và dự trữ ngoại hối khổng lồ (trên 3 nghìn tỷ USD), đấy là những khoản có thể được chi tiêu nhằm khắc phục khủng hoảng tài chính. Và bởi vì cân đối của chính phủ vẫn mạnh, đủ sức cứu các công ty tài chính không còn khả năng chi trả, chính phủ có thể giải quyết tất cả các nguồn gốc căng thẳng mới xuất hiện trong lĩnh vực quan trọng này.
Cách giải thích phổ biến khác là chính trị. Quá trình ban hành quyết định tập quyền hóa cao độ tạo điều kiện cho người ta thực hiện những hành động tức thời, có phối hợp, ví dụ, kiểm soát dòng ngoại hối đi ra. Và trong xã hội được kiểm soát – và có thể kiểm soát – có một không hai như thế - những căng thẳng xã hội sinh ra từ những vụ đổ vỡ về kinh tế có thể được quản lý một cách dễ dàng.
Dù những luận cứ này có đúng đến mức nào thì cũng đã đến lúc cần phải xem xét lại. Tính chất đặc biệt của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bị cơn bão của những căng thẳng hiện nay đe dọa - cụ thể là quá trình tích tụ nợ ở trong nước - và những rắc rối mới, trong đó có các rào cản thương mại của Mỹ, sự phản đối về mặt địa chính trị trước dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, nhất là ở Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã chuyển mô hình kinh tế ra khỏi xuất cng và hướng về các nguồn tăng trưởng ở trong nước. Nhưng việc tái cân bằng đòi hỏi phải vay thêm và đầu tư thêm, và do đó, rủi ro sụp đổ cũng lớn hơn. Kết quả là, chính phủ đã phải thận trọng, họ chỉ tạo ra những kích thích vừa phải, khi cần. Không có hướng dẫn cách thức quản lý hoạt động cân bằng này. Chính sách can thiệp tưởng như vừa phải một lúc nào đó có thể trở thành can thiệp quá mức. Một lúc nào đó, quy luật của Stein sẽ có hiệu lực.
Đe dọa trước hết đối với tăng trưởng của Trung Quốc là chính sách thương mại của Mỹ. Cho đến nay, chỉ có khoảng 50 tỷ USD giá trị hàng xuất cng của Trung Quốc bị chính quyền Trump tăng thuế mà thôi. Nhưng trong tháng 7, Trump đã công bố vòng thuế mới nhắm vào số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất cng của Trung Quốc vào Mỹ. Thấy được khả năng bị tổn thương ngày càng tăng, phản ứng của Trung Quốc trước những đe dọa liên tục của Trump là đặc biệt nhẹ nhàng.
Đe dọa thứ hai trước các đòi hỏi từ bên ngoài là do chính sách trọng thương (mercantalist policies - Chính sách làm giàu bằng thương mại, chủ trương tăng quyền lực kinh tế của nước nhà bằng việc làm suy giảm sức mạnh kinh tế của các nước đối địch - BBT) của Trung Quốc đã kiệt lực. Trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã phát triển công nghiệp xuất cng đặc biệt lớn, một phần là do họ đã để đồng tiền của mình bị đánh gia thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nước này tiếp tục cải cách tiếp cận như thế bằng những phương tiện khác, mà cụ thể là Một Vành Đai, Một Con Đường – tài trợ cho những hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc. Gọi là "Chủ nghĩa trọng thương Trung Quốc 2.0" (Chinese Mercantilism 2.0).
Vấn đề là Chủ nghĩa trọng thương 2.0 hiện đang bị tấn công, cả về chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, các nước nhận các khoản vay của Trung Quốc - từ Sri Lanka đến Malaysia, rồi Myanmar - đã và đang phản đối Một Vành Đai, Một Con Đường và mùi đế quốc chủ nghĩa tân thời của nó. Về kinh tế, các điều khoản tài chính Một Vành Đai, Một Con Đường nặng nề đã dẫn đến những khoản nợ lớn, ít nhất là ở tám nước, đấy là theo số liệu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development).
Ví dụ, Malaysia đã hủy bỏ các dự án được Trung Quốc hậu thuẫn, trị giá tới 22 tỷ USD. Sri Lanka đã quay sang IMF nhờ giúp đỡ, đấy là do nước này đã nhập cng quá nhiều hàng hóa của Trung Quốc. Và có thể chẳng bao lâu nữa Pakistan cũng sẽ bị buộc phải làm như vậy. Khi nhiều quốc gia cảnh giác với Một Vành Đai, Một Con Đường, họ sẽ vay và nhập ít hơn hàng hóa từ Trung Quốc.
Trong khi đó, lãi suất ở Mỹ gia tăng liên tục là cú sốc thứ ba. Khi lãi suất ở Mỹ lớn hơn lãi suất ở Trung Quốc, vốn sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc, cũng như chảy ra khỏi những thị trường mới nổi khác trong năm nay. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử kinh điển của thị trường mới nổi. Nếu để đồng nhân dân tệ yếu, trong ngắn hạn, họ có thể làm trầm trọng thêm việc tuồn vốn ra nước ngoài và Mỹ sẽ tung ra những cáo buộc về thao túng tiền tệ. Nhưng nếu muốn giữ giá đồng tiền, họ có thể phải chi một ngàn tỷ USD dự trữ nữa, như đã từng làm vào năm 2015.
Ngoài ra, chính phủ có thể sử dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn khắt khe. Nhưng, làm như thế là bóp nghẹt nhu cầu từ bên ngoài, phá hoại ngầm công tác quản lý kinh tế rộng lớn hơn, và làm mất niềm tin vào tuyên bố về vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của nước này (trong đó có quốc tế hoá đồng nhân dân tệ).
Giữa cơn bão do những thách thức kinh tế gây ra, càng ngày người ta càng nghi ngờ về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm chủ được các sự kiện - ông ta muốn mọi người nghĩ như thế. Tập Cận Bình nên nhớ không chỉ quy luật Stein, mà cả quy luật Rüdiger Dornbusch nữa – Luật này nói rằng, “Cuộc khủng hoảng mất nhiều thời gian để tới hơn là bạn nghĩ, và sau đó nó xảy ra nhanh hơn hẳn, chứ không như bạn nghĩ”.
Trước sau gì, mô hình đặc biệt Trung Quốc cũng sẽ nhường chỗ cho các quy luật kinh tế. Thế giới nên tự chuẩn bị. Hậu quả có thể nghiêm trọng - và khác hẳn những hiện tượng đã xảy ra trong lịch sử gần đây.
***
Tác giả Arvind Subramanian, là cựu cố vấn trưởng về kinh tế của chính phủ Ấn Độ, là giáo sư thỉnh giảng tai Harvard’s Kennedy School of Government. Ông là tác giả cuốn Eclipse: Living in the Shadow of China’s Economic Dominance.
Tác giả Josh Felman là giám đốc công ty tư vấn JH.
Dịch giả Phạm Nguyên trường từ bải  R.I.P. Chinese Exceptionalism?

No comments:

Blog Archive