Sunday, September 30, 2018

Ông Trump đáng cười hay đáng khen?


Tóm tắt bài viết
  • Ông Trump bị chỉ trích vì từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu hóa được cánh tả thúc đẩy từ những năm 1990.
  • Ông cũng bị chỉ trích vì những khác biệt trong nhìn nhận về thỏa thuận hạt nhân Iran và một số vấn đề khác.
  • Trong thực tế, ông Trump không phải là người đầu tiên phản bác toàn cầu hóa.
  • Rốt cuộc toàn cầu hóa là gì? Và thỏa thuận hạt nhân Iran có nhất thiết cần phải theo đuổi?
Bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9 đã trở thành một chủ đề tranh cãi trong suốt tuần qua.
Có người cho rằng bài phát biểu của ông Trump thực sự đáng cười, vì nó cho thấy một thế giới quan quá khác biệt đối với phần còn lại của thế giới.
Nhưng cũng không ít người cho rằng đó là bài phát biểu trên cả tuyệt vời, thể hiện cách nhìn thẳng thắn của vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 vào những vấn đề then chốt và gai góc của thế giới ngày nay.

Toàn cầu hóa là lời nói dối?

Một trong những nội dung khiến ông Trump nhận nhiều chỉ trích, đó là tuyên bố Mỹ sẽ không ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu hóa. “Chúng tôi từ chối chủ nghĩa toàn cầu và theo đuổi lòng yêu nước, trên khắp thế giới các quốc gia có trách nhiệm phải chống lại các mối đe dọa đến chủ quyền”, ông Trump nói.
Những người chỉ trích cho rằng ông Trump đang dẫn dắt đất nước hùng mạnh nhất hành tinh đi ngược lại xu hướng của thế giới, và điều đó sẽ tạo ra nhiều rủi ro.
Chủ bút kinh tế tờ Guardian viết cho rằng mọi chính quyền không thể chống lại toàn cầu hóa, vốn thịnh hành từ thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Anh Tony Blair, vì các đảng trung tả như đảng Dân chủ ở Mỹ, Lao động ở Anh, Dân chủ Xã hội ở Đức cùng xác nhận toàn cầu hóa là một lực lượng không thể ngăn chặn.
Từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người ta tin rằng toàn cầu hóa đã giúp kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, toàn cầu hóa có thực sự là một hướng đi đúng đắn cho các nước trên thế giới? Thực ra, đây là một vấn đề còn đang tranh cãi. Những người theo cánh hữu bài xích toàn cầu hóa, trong khi các chính trị gia cánh tả lại ủng hộ nó.
Trump
Tổng thống Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 25/9. (Ảnh qua Euronews)
Một trong những nhà kinh tế đầu tiên cảnh báo chống lại toàn cầu hóa là Dani Rodrik của Đại học Harvard. Trong cuốn sách Có phải toàn cầu hóa đã đi quá xa? xuất bản năm 1997, Giáo sư Rodrik lập luận rằng toàn cầu hóa sẽ trao quyền cho các doanh nghiệp lưu động, họ sẽ chuyển đến bất kỳ đâu có chi phí rẻ nhất, và như vậy sẽ làm tổn hại việc làm ở nước quê nhà, đồng thời đe dọa phúc lợi xã hội.
Vào thời điểm đó, tuyên bố của ông đã gây nhiều tranh cãi. Trong suốt những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton đã đẩy mạnh toàn cầu hóa bằng việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đưa Mỹ gia nhập WTO. Ông kêu gọi người Mỹ “hãy thay đổi những người bạn của chúng ta” và “nắm lấy logic toàn cầu hóa không thể lay chuyển”.
Thomas Friedman, nhà vô địch toàn cầu hóa của tờ New York Times, cho rằng nhiều người tin bằng cách làm giàu người Mexico, NAFTA sẽ ngăn chặn dòng chảy của những người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ, và việc Trung Quốc gia nhập WTO sẽ thúc đẩy đất nước hướng tới nền dân chủ thị trường tự do. Trong khi đó, dòng chảy tự do vốn và tiền tệ sẽ bảo vệ chống lại sự bất ổn và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ngày nay, không có lập luận nào trong số đó trở thành hiện thực. Thay vì tạo ra một thị trường tự do toàn cầu ổn định và nhất quán, toàn cầu hóa tài chính đã góp phần gây ra một loạt cuộc khủng hoảng lớn. Từ năm 1945-1973, khi hệ thống Bretton Woods vẫn quy định giá trị tiền tệ, không có khủng hoảng xảy ra; nhưng kể từ những năm 1980, đã có ít nhất 13 cuộc khủng hoảng, đỉnh điểm là cuộc Đại suy thoái năm 2008. Dòng người di dân Mexico vần ồ ạt đổ vào Hoa Kỳ; Trung Quốc vẫn là nước phi thị trường và độc tài.
Toàn cầu hóa có giúp giảm bất bình đẳng không? Do sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ, toàn cầu hóa đã đóng góp vào việc suy giảm bất bình đẳng toàn cầu. Nhưng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo mở rộng, và cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới François Bourguignon đã lưu ý, ở Hoa Kỳ, cũng như phần lớn châu Âu, và thậm chí ở Trung Quốc và Ấn Độ, bất bình đẳng tăng lên trong giai đoạn 1990 và 2010.
Có phải toàn cầu hóa đã đi quá xa?
Trang bìa cuốn sách “Có phải toàn cầu hóa đã đi quá xa?”.
Với nỗ lực giữ chân và thu hút các công ty trong thời đại toàn cầu hóa, các nước tư bản tiên tiến đã đua nhau cắt giảm thuế. Trong những năm 1980, hầu hết có thuế suất doanh nghiệp cao hơn 46%. Đến năm 2011, 34 quốc gia OECD đã cắt giảm trung bình 25%.Dưới toàn cầu hóa, các tập đoàn đang cạnh tranh để tìm các quốc gia nơi họ có thể trả lương cho người lao động thấp hơn và trả ít thuế hơn. Như ông Trump đã chỉ ra trong chiến dịch năm 2016, Nabisco đã cắt giảm chi phí lao động của mình bằng cách di chuyển một nhà máy chế biến thực phẩm từ Chicago đến Salinas, Mexico, sa thải 600 công nhân. Năm 2011, Samsonite đã chuyển trụ sở chính từ Massachusetts đến Luxembourg để giảm thuế.
Khi thu thuế ít hơn, ngân sách chính phủ buộc phải tiết kiệm, các quan chức được bầu buộc phải cắt giảm chi tiêu công cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và môi trường. Như vậy, toàn cầu hóa đã bắt đầu làm suy yếu lời hứa cơ bản của nền dân chủ xã hội ở châu Âu và chủ nghĩa tự do sau Thỏa thuận Mới ở Mỹ, rằng sẽ cung cấp an ninh kinh tế và xã hội ngày càng tốt hơn cho người dân.
Có lẽ người dân khắp thế giới cũng đã nhìn thấy điều này, nên thời gian qua chúng ta chứng kiến những cuộc bỏ phiếu nơi người dân giành nhiều phiếu bầu cho những nhà chính trị/đảng phái có cam kết bảo vệ quyền lợi quốc gia/dân tộc hơn là thúc đẩy toàn cầu hóa.

Nước Mỹ lãnh đủ

Tác động của toàn cầu hoá đến Hoa Kỳ đặc biệt rõ rệt. NAFTA không chỉ khuyến khích các công ty ô tô Mỹ di chuyển ra khỏi vùng Trung Tây, mà như nhà kinh tế lao động Kate Bronfenbrenner đã lập luận, nó cho phép các nhà tuyển dụng dùng chiêu bài “dọa di chuyển đến Mexico” để cắt giảm công đoàn khu vực tư nhân.
Dưới sự bảo trợ của WTO, Trung Quốc đã có thể sử dụng các hành vi thao túng tiền tệ và trợ cấp xuất khẩu ngầm để đẩy các công ty Mỹ tới chỗ phá sản hoặc buộc phải lập nhà máy ở nước ngoài. Theo một Nghiên cứu được công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, việc tham gia WTO khiến người Mỹ mất khoảng 2,4 triệu việc làm từ năm 1999 đến năm 2011.
Mặc dù vậy, nhiều nhà trí thức chính trị đảng Dân chủ vẫn công kích ông Trump. Tháng 7 năm ngoái, khi ông Trump chỉ trích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vì họ “lo cho lợi nhuận của họ nhiều hơn cho nước Mỹ”, ông bị Aaron Rupar của Think Progress cáo buộc là “một lưu ý phát xít khi chỉ trích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vì không tiến hành nhiều hơn các giao dịch thương mại không công bằng”.
Và trong cuốn Đại Tây Dương, Annie Lowrey cáo buộc ông Trump khởi xướng một “vòng tròn vô nghĩa, tàn phá chủ nghĩa trọng thương”. Tuy nhiên, họ quên mất rằng với Trung Quốc, 8 năm kháng cáo quốc tế dưới thời chính quyền Obama hầu như chẳng làm được gì để ngăn chặn Trung Quốc làm suy yếu các ngành công nghiệp Mỹ.
Một số đảng viên Dân chủ, như lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, đã khuyến khích sáng kiến ​​thương mại của ông Trump và nỗ lực của ông để tăng cường Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ. Và thay vì bác bỏ những nỗ lực của ông Trump, các chuyên gia chính sách tại Viện Chính sách Kinh tế và Quỹ Công nghệ thông tin và Sáng tạo đã đưa ra những phản ứng của riêng họ đối với chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những giải pháp này hiếm khi được đưa lên đầu chương trình nghị sự chính trị của đảng Dân chủ, thay vào đó là nhấn mạnh vào sự mâu thuẫn cá nhân và chính sách xã hội nghiêm trọng nhất của ông Trump.

Thỏa thuận hạt nhân Iran tốt cho hòa bình?

Một số tờ báo cho rằng ông Trump đã “thất bại ngay trên sân nhà”, vì bài phát biểu của ông đã bị phản bác ngay tại chính cuộc họp Đại hội đồng LHQ bởi các vị nguyên thủ khác. Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu lên hàng loạt bất đồng với ông Trump trong các vấn đề Iran, hòa bình Trung Đông và biến đổi khí hậu.
Ông Macron khẳng định rằng trái ngược với Mỹ, Pháp và các cường quốc khác vẫn đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy các thỏa thuận phi hạt nhân hóa của nước này. “Sẽ không thể giải quyết được vấn đề chỉ bằng các lệnh trừng phạt. Chúng ta cần xây dựng một chiến lược dài hạn để xử lý cuộc khủng hoảng”, ông Macron nói.
Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) có thực sự tốt cho hòa bình thế giới?
Iran
Iran đã nhiều lần cố mua công nghệ hạt nhân và tên lửa phi pháp (Ảnh: businessinsider)
Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận JCPOA về cơ bản chỉ tạm hoãn tham vọng hạt nhân của Iran trong 10 năm, chứ không ngăn chặn nó. Trái lại, ông tin JCPOA đã giúp chính quyền Iran kiếm được “hàng tỷ USD” thông qua xóa bỏ cấm vận, từ đó đẩy nhanh cuộc đua vũ trang và làm bất ổn Trung Đông.
Chính cựu Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng giao kèo của mình khi xưa không đồng nghĩa với việc Iran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông vô tình tiết lộ điều đó trong câu nói phản bác ông Trump ngày 8/5: “Không có JCPOA, Mỹ thậm chí bị đặt vào thế lựa chọn giữa một Iran sở hữu hạt nhân và một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông”.
Nhiều nhà phân tích cũng đồng ý về vấn đề này. Điều khoản “hoàng hôn” (điều khoản hết hiệu lực) cho phép Iran được tự do rời khỏi thỏa thuận vào năm 2025. Khi đó, Tehran có thể chỉ đơn giản là chạy nước rút làm ngay một quả bom hạt nhân sau khi rời khỏi hiệp ước (và đã kiếm đủ tiền trong thời gian miễn cấm vận).
Một yếu điểm khác của thỏa thuận JCPOA, là nó không hề ngăn chặn Iran xây dựng một kho vũ khí tên lửa tầm cỡ thế giới. Như đã biết, năng lực hạt nhân phải đi kèm với việc phát triển tên lửa có thể mang một đầu đạn hạt nhân. Trong vài năm qua, Iran đã thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình mới, mỗi tên lửa đều thể hiện những bước nhảy vọt trong sự tinh tế và chính xác của công nghệ.
Iran có thể làm việc với Bắc Triều Tiên để một ngày nào đó triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tầm xa, có thể đưa vũ khí hạt nhân của Iran tới các mục tiêu ở châu Âu hoặc Mỹ.
Theo giới phân tích, thay vì phải mất nhiều năm thử nghiệm và hoàn thiện, Iran có nguồn lực tài chính đủ mạnh để mua bất kỳ công nghệ nào mà chính quyền Kim Jong-un đã phát triển. Và Bình Nhưỡng luôn sẵn sàng bán công nghệ tên lửa cho bất cứ ai có tiền mặt – kể cả Iran.
Một điểm yếu khác của JCPOA, là nó không ngăn chặn Tehran có những hành động gây bất ổn. Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tin rằng Iran sẽ trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế có trách nhiệm khi các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ.
Trong thực tế, với hàng tỷ đô la tiền dầu và khí tự nhiên chảy vào kho bạc của chính phủ Iran khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ trở nên hung dữ hơn – và có tiền mặt để làm như vậy.
Iran đã chi hàng tỷ đô la để gây rắc rối ở Syria, Yemen và Iraq; thậm chí tài trợ cho các nhóm khủng bố, điển hình là phong trào Hezbollah đã bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Theo một báo cáo của tờ Politico ngày 17/12/2017, chính phủ Obama đã cho phép các hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền của Hezbollah, một số diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ, để giúp đảm bảo đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để điều tra việc này.

Một mình lội ngược dòng

Trong thực tế, ông Trump bị cười nhạo không phải vì ông làm sai, làm dở, mà trái lại, ông đã làm rất tốt công việc của mình.
Hơn một năm kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đang tiến thẳng băng trên còn đường hoàn tất những lời hứa mà ông đã cam kết khi vận động tranh cử.
Ông đã mang lại công ăn việc làm cho người Mỹ, điều mà cựu Tổng thống Obama cho là không tưởng, và hỏi mỉa mai rằng “ông có cây đũa phép nào?”. Giờ đây, khi Tổng thống Trump thực hiện được điều kỳ diệu đó, thì người tiền nhiệm Obama lại tuyên bố “tranh công”.
Ngoài những tiến triển tích cực từ Triều Tiên, chính quyền Trump cũng làm những điều chưa từng được thấy đối với Trung Quốc. Bắc Kinh liên tục bàng hoàng trước những chính sách mạnh mẽ của ông Trump chống loại hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Những phân tích từ khía cạnh này cho thấy Bắc Kinh đã cạn chiêu bài và ông Trump thắng thế trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Phân tích mới đây của Business Insider cũng cho thấy chính quyền Trump đã tăng cường chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, và đã chiến thắng khi đảm bảo được những tuyến hàng hải, hàng không tự do trong khu vực. Điều này là một khác biệt lớn với Tổng thống Obama, người bị chỉ trích vì không cho phép hải quân Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012-2015, trong khi Trung Quốc ra sức xây dựng đảo nhân tạo.
Trump
Tổng thống Trump trước Đại hội đồng LHQ ngày 25/9/2018. (Ảnh: AP)
Không ngại chỉ trích, đó là phong cách Donald Trump khi ông thực hiện những lời hứa của mình với nhân dân. Ông không ngại “rước vạ vào thân” khi quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, theo đúng nguyện vọng của cơ quan đại biểu cho nhân dân – Nghị viện Hoa Kỳ – đã thông qua từ năm 1995, nhưng các tổng thống liên tục ký sắc lệnh hoãn thi hành.
Ông Trump cũng đối mặt với bão dư luận vì rời khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu, nhưng sau đó giới chỉ trích “nín lặng” vì Hoa Kỳ cắt giảm khí thải lớn nhất thế giới dưới thời Trump, dù không ký hiệp định Paris, theo phân tích của Sterling Burnett và Justin Haskins thuộc Viện Heartland.
Và giờ đây, ông không ngại đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa mà cánh tả cổ súy để lấy lại sự thịnh vượng cho nước Mỹ. Xét cho cùng, một nguyên thủ, nếu không vì quốc gia dân tộc thì vì điều gì?
“Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước các vị, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt ưu tiên quốc gia của quý vị lên trên hết”, ông Trump phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào năm ngoái.
Mỹ Khánh

No comments:

Blog Archive