Nhà giàu Trung Quốc di cư, tiếng chuông cảnh tỉnh lỗ hổng pháp lý Canada
Tóm tắt bài viết
- Cuộc truy ráp lớn của chức trách Canada đã phơi bày một vụ án gian lận di trú lớn nhất trong lịch sử nước này.
- Công ty tư vấn bất hợp pháp đã kiếm được hơn 7 triệu USD từ dịch vụ Nhà đầu tư di trú cho di dân Trung Quốc giàu có.
- 860 khách hàng Trung Quốc đã lọt vào danh sách đen của Cục di trú Canada bởi các trò gian lận.
- Những người Trung Quốc giàu có nhập cư tận hưởng các ưu đãi xã hội Canada, trên thực tế họ sống tại quê nhà.
- Câu chuyện nhắc tới những mánh khóe trong vụ án tương tự làm rung chuyển pháp lý Canada thập niên 80, khi dân giàu Hồng Kông muốn chạy trốn khỏi quốc đảo này bởi Anh trao trả thuộc địa cho Trung Quốc.
Một nhà tư vấn đầu tư di trú trái phép cho các triệu phú Trung Quốc đã bị bắt giữ tại Canada. Vụ việc tiết lộ những lỗ hổng pháp lý Canada từ những năm 1980.
Sáng 17/10/2012, lực lượng biên giới Canada đồng tấn công các văn phòng tại trung tâm Vancouver và một ngôi nhà lớn trên một con đường huyết mạch đông đúc của thành phố. Họ tịch thu 90 thùng tài liệu, 18 máy tính, hàng loạt hộ chiếu người Trung Quốc được báo là “đã mất”, một số dấu cao su màu đỏ, nhiều bằng chứng khiến nhà chức trách mất hơn 1 năm để dịch và sắp xếp lại.
Mẻ lưới lớn
Chính phủ Canada đã thực hiện một mẻ lưới lớn, bắt giữ ông Xun “Sunny” Wang, một nhà tư vấn nhập cư trái phép đã tạo sóng trong thị trường Đầu tư di trú. Ông ta đã kiếm được khoảng 7,6 triệu USD bằng những trò gian lận. Bị kết án 7 năm, Wang vào tù từ năm ngoái.
Tờ SCMP đã tiến hành một cuộc điều tra, căn cứ trên hàng chục phiên toà nhập cư, cũng như phỏng vấn các luật sư, kiểm toán viên thuế, các quan chức. Cuộc điều tra của tờ báo này cho thấy vụ bê bối gian lận di trú trong lịch sử Canada còn đi xa hơn thế. Câu chuyện khởi đầu từ nhiều năm về trước.
“Đặc quyền” của các Thường trú nhân Canada – triệu phú Trung Quốc
Cục Biên giới Canada cho biết, ít nhất 860 khách hàng thuộc 2 công ty của Wang gồm: New Can Consultants và Wellong International Investments – đã bị mất quyền nhập cư. Những khách hàng này có khả năng bị trục xuất và cấm nhập cảnh 5 năm, hoặc bị liệt vào diện hoàn toàn không được chấp nhận.
Các điều tra cho thấy, các triệu phú Trung Quốc có một đặc quyền riêng, đó là sự hiện diện của họ tại Canada thông qua sự nhào nặn của Wang. Ông ta đã tạo ra các địa chỉ giả mạo và công việc, cho phép những triệu phú này duy trì tình trạng Thường trú nhân tại Canada, cho tới khi họ đủ thời gian nhận được quốc tịch, trong khi đó, trên thực tế, họ chủ yếu sinh sống tại Trung Quốc. Đã có những lỗ hổng pháp lý đối với loại hình Nhập cư di trú cho người giàu có, khiến Wang có thể phát triển một hệ thống lừa đảo.
Vụ án rung chuyển từ chương trình Nhập cư đầu tư Canada thập niên 80
Vụ việc của Wang, khiến người ta nhớ tới cựu luật sư di trú, ông Martin Sheldon Pilzmaker, một trường hợp làm rung chuyển vòng pháp lý Canada cuối thập niên 1980. Pilzmaker, một luật sư “phá vỡ mọi quy tắc” nhằm “sửa chữa” những rủi ro di trú cho khách hàng là những triệu phú nước ngoài. Một luật sư với hình ảnh lịch lãm, tuần du qua phố Bay, Toronto trong chiếc Rolls-Royce có tài xế riêng. Chiến thuật của ông ta và động cơ của những khách hàng Hồng Kông trong những năm đó đã mang lại mẫu hình gần như hoàn hảo cho Wang sau này. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của Pilzmaker trong thế giới di dân giàu có đã kết thúc cách đây 27 năm, bởi ông ta đã tự vẫn trong một khách sạn rẻ tiền.
Triệu phú di cư Trung Quốc không sống và làm việc tại Canada
Những làn sóng di dân giàu có đã giúp Canada thống trị ngành công nghiệp di cư triệu phú toàn cầu, và tái định hình các khu vực của đất nước, đặc biệt là thành phố Vancouver.
Sự xảo trá trong vụ án của Wang, với những xảo thuật “cổ lỗ”, theo một cựu binh 30 năm trong ngành công nghiệp di trú đã chỉ ra từ vụ bê bối Pilzmaker: “Nó đã xảy ra kể từ khi chúng tôi bắt đầu kinh doanh nhập cư”.
Cả 2 trường hợp Wang và Pilzmaker đều phơi bày một lỗ hổng cơ bản trong vấn đề di cư cho những người giàu: Những người chồng, người cha trong các gia đình đang sống và nộp thuế tại Canada lại không hề sống tại đất nước này. Bởi “đó là điều không tưởng” khi cho rằng những người nhập cư giàu có sẽ đến và làm rất nhiều việc tại đây. Họ không quan tâm đến điều đó. Họ chỉ muốn để vợ và con cái họ tại đất nước này.
Những câu chuyện biện minh
Các khách hàng cũ của Wang, tùy trường hợp sẽ có những câu chuyện thêm mắm dặm muối khác nhau, lý giải cho việc họ ở lại quê nhà trong khi vẫn là thường trú nhân Canada.
Một luật sư giàu có tại Bắc Kinh và gia đình ông ta trở về Trung Quốc chỉ 10 ngày sau khi kích hoạt thẻ Thường trú nhân tại Vancouver. Có nhà đầu tư sở hữu 5 ngôi nhà ở Canada nhưng vẫn sống tại đại lục với lý do phong tục Trung Quốc yêu cầu ông ta để tang mẹ trong ngôi nhà của bà trong 3 năm. Có triệu phú tuyên bố thu nhập toàn cầu 750 triệu C$ (đô la Canada) nhưng có tên trong danh sách hưởng Trợ cấp chăm sóc trẻ em Canada, cùng năm đó gửi con gái 61,000 C$ mua ô tô Mercedes-Benz.
Căn cứ theo danh sách 1.600 khách hàng của Wang đã được kiểm tra, một luật sư cho biết: “Bản chất của họ không có xu hướng ở lại Canada. Họ có cuộc sống và doanh nghiệp ở Trung Quốc”.
Câu chuyện về Martin Pilzmaker
Một ngày đầu thập niên 1990, một di dân Hồng Kông giàu có xuất hiện tại văn phòng của ông Lesperance, hỏi xem có ai biết làm thế nào để tìm Pilzmaker, người mà anh ta kỳ vọng sẽ giúp anh ta có được một hộ chiếu Canada.
Tuy nhiên, câu chuyện của Pilzmaker thực sự bắt đầu với “Tuyên bố chung Trung – Anh” năm 1984 về Hồng Kông, yêu cầu hòn đảo này trở lại lãnh thổ theo quy định của Trung Quốc từ năm 1977. Động thái này khiến người dân vội vã tìm kiếm tấm hộ chiếu nước ngoài, giúp Pilzmaker trở nên giàu có.
Pilzmaker là một trong những người đầu tiên nhận ra tiềm năng béo bở của việc di cư triệu phú ra khỏi Hồng Kông. Hoạt động đơn lẻ của ông ta đã nở rộ khi ông ta đặt tầm nhìn chiến lược vào mối quan hệ đối tác với một công ty tại phố Bay, Toronto, một công ty hàng đầu về pháp lý của người Canada.
Học giả Philip Slayton nhớ lại, khi Pilzmaker nộp hồ sơ xin việc tại công ty Blake Cassels & Graydon, nơi ông Slayton làm việc. Yêu cầu của Pilzmaker “thật khó tin”, Slayton viết trong cuốn sách “Lawyers Gone Bad”, ông mô tả Pilzmaker mặc một chiếc áo lông thú trị giá 20.000 C$.
“Pilzmaker muốn một phần lớn lợi nhuận và một góc văn phòng. Hãng Blakes cũng sẽ phải trả tiền cho tài xế chiếc Rolls-Royce Corniche của anh ta”. Với đòi hỏi này, Pilzmaker đã bị Blakes từ chối. Tuy nhiên, Pilzmaker đã được tuyển dụng bởi Lang Michener vào năm 1985. Lúc đó, Pilzmaker mới 37 tuổi, năm đầu tiên làm việc, ông ta được mức lương khởi điểm đáng kinh ngạc là 400,000 C$ – đồng nghiệp của ông ta tại công ty – thủ tướng tương lai Canada, ông Jean Chrétien lúc đó cũng chỉ nhận được 100.000 C$.
Thành công của Pilzmaker đến ngay sau đó, mang lại hơn 1 triệu C$ trong năm đầu tiên của ông ta làm việc tại công ty Lang Michener, theo Toronto Star. Đó đã là chuyện khó có thể tin được.
Ngành công nghiệp kinh doanh nhập cư di dân giàu có
Ban đầu, khách hàng Pilzmaker tới Canada thông qua chương trình Nhập cư doanh nhân. Sau đó, năm 1986, Canada khởi động Chương trình Nhà đầu tư Di trú (IIP), trong đó, người nộp đơn được lựa chọn theo tiêu chí giàu có, và họ chi trả cho thẻ Thường trú nhân thông qua các dự án đầu tư được chính phủ phê duyệt, ban đầu ở mức 150.000 đô la Canada. Ngành công nghiệp này nhanh chóng bùng nổ, và Canada đi đầu trong cuộc chạy đua nhập cư “vàng”. Năm 1996, IIP Liên bang và Quebec mang lại hơn 57.000 người nhập cư giàu có đến Canada, khoảng một nửa trong số họ từ Hồng Kông và thêm 20.000 người từ Đài Loan.
Sunny Wang với mánh khoé gian lận di trú tương tự Pilzmaker
Tuy nhiên, cả 2 trường hợp Pilzmaker và Sunny Wang cho thấy một lỗ hổng pháp lý Canada trong chương trình nhập cư di dân giàu có kéo dài trong nhiều thập kỷ. Mặc dù những người di cư muốn có quyền công dân và cư trú tại Canada như một lối thoát hiểm tiềm năng cho gia đình họ, nhưng họ không thực sự muốn sống và làm việc cũng như trả thuế cao tại Canada.
Pilzmaker đã đưa ra một giải pháp cho khách hàng. Ông ta mua 3 ngôi nhà tại Toronto nhằm tạo dựng “phông bạt” cho họ. Các địa chỉ của những ngôi nhà được sử dụng nhằm lấy giấy phép lái xe địa phương và tài khoản mang tên khách hàng.
Trong cuốn “Business & Professional Ethics for Directors, Executives, & Accountants”, đồng tác giả Leonard J Brooks và Paul Dunn, viết rằng: mánh khóe của Pilzmaker trở thành một trường hợp minh hoạ trong sách giáo khoa về sự gian lận di trú.
Những đàn em của Pilzmaker đã thú nhận trong năm 1986 với Tom Douglas, một đồng nghiệp cấp cao tại công ty Lang Michener, rằng Pilzmaker “đã sử dụng hộ chiếu đôi”.
“Những trò lừa đảo liên quan tới khai báo gian trá rằng khách hàng làm mất hộ chiếu tại Hồng Kông, trong thực tế, nó được giữ bởi Pilzmaker tại Canada”, theo cuốn sách.
“Trên hộ chiếu thay thế của họ, khách hàng có thể du lịch trong và ngoài nước theo ý muốn. Khi đến thời gian xin nhập quốc tịch, họ có thể cung cấp hộ chiếu “đã mất” từ ban đầu để cho thấy ít có sự vắng mặt tại Canada”.
Ngày 8/6/1988, Cảnh sát Liên bang Hoàng gia Canada đã đột kích các văn phòng First Canada Place của công ty Lang Michener, thu giữ các tập tài liệu của 149 khách hàng của Pilzmaker.
Pilzmaker bị buộc tội bởi hơn 50 vụ nhập cư trong tháng 7/1989, sau đó bị hoãn lại ngày 25/1/1990.
15 tháng sau, Pilzmaker được tại ngoại với 75.000 đô la Canada, với phiên tòa hình sự dự kiến 2 tuần sau đó, Pilzmaker đã tới khách sạn The Cromwell, trên đường Isabella trung tâm Toronto. Và người ta phát hiện Pilzmaker đã chết, bên cạnh hai lọ thuốc rỗng, vào ngày 19/4/1981.
Triệu Hằng
No comments:
Post a Comment