Sunday, September 9, 2018

Father’s Day của Úc!

Tiếng Hán Việt gọi cha ruột là thân phụ, cha ghẻ là kế phụ, cha nuôi là dưỡng phụ, cha đỡ đầu, nghĩa phụ.
Úc nầy gọi cha ruột là: ‘dad, daddy, papa hay old man’. (Đông tây gặp nhau ở chữ ‘old man’ nghĩa là ‘ông già tao’).
Tiếng Việt gọi cha mình là ba, tía, bố, là thầy…
Dẫu gọi bằng tên gì thì cha mình là người quan trọng nhứt, người thương yêu mình nhứt và cũng được con cái, trai hoặc gái yêu kính lại…
Chớ còn cha ghẻ là chắc còn lâu; cha nuôi hay dưỡng phụ thì cũng còn tùy… Vì dưỡng tử Lữ Bố phóng một kích trúng ngay yết hầu dưỡng phụ Đổng Trác, ngã lăn ra chết ngắc vì giành gái, Điêu Thuyền.
***
Người Việt mình không có Father’s Day, chỉ một ngày; vì cái tình phụ tử 365 ngày một năm, theo truyền thống ‘dưỡng nhi đãi lão’. Nhỏ mình nuôi con; già con nuôi mình. (Bên ni, nhỏ mình nuôi con, dưỡng nhi rồi về già đãi lão… trong nhà dưỡng lão.)
Lịch sử Father’s Day ghi rằng: tháng Chạp, năm 1907, một tai nạn ở Monongah, West Virginia đã giết chết nhiều thợ mỏ và trong đó có rất nhiều người cha đi làm để kiếm bánh mì, bơ về nuôi sống vợ con mình.
Năm 1908, một lễ tưởng niệm những người cha đã chết gây ra nhiều xúc động ở Hoa Kỳ.
Rồi ngày 10 tháng Năm năm 1908, Anna Jarvis khởi xướng ngày vinh danh Mẹ: Mother’s Day. Còn thân phụ của Sonora Smart Dodd đã tự mình nuôi 6 người con khi mẹ cô đã qua đời. Điều đó rất hiếm vì một số người cha khác có hoàn cảnh góa bụa tương tự đã bỏ, không chăm sóc, hầu dễ đi thêm bước nữa.
Để tạ ơn sự hy sinh vô bờ bến nầy của cha mình, Sorona khởi xướng ‘Father’s Day’ đầu tiên vào tháng Sáu, năm 1910, tháng có sinh nhựt phụ thân mình.
Mãi tới năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon mới chánh thức công nhận ‘Father’s Day’, ngày chủ Nhựt thứ ba của tháng Sáu trên toàn liên bang Mỹ.
Nước làng giềng phương Bắc của Mỹ là Canada cũng làm y hịt như vậy.
Riêng nước Úc, xứ Miệt dưới nầym chơi khác thiên hạ ăn mùng Father’s Day vào ngày chủ Nhựt đầu tiên của tháng Chín; khi mùa Xuân Nam bán cầu vừa tới cửa.
***
Tháng Sáu ở Hoa Kỳ đang vào hạ. Ngày nóng (25 độ ở Little Sai Gòn), đêm mát chừng 16 độ C, nên những hoạt động vui chơi ngoài trời để ăn mừng ‘Father’s Day’ rất là thích hợp.
Nhưng tháng Sáu cũng bắt đầu mùa bão tố ở Đại tây Dương, bên bờ Đông Thái Bình Dương kéo dài cho tới tháng Mười Một.
Tháng Sáu cũng là mùa cưới ở Hoa Kỳ nhiều người sẽ làm cha vào tháng Sáu năm sau nếu không xơi cơm trước kẻng.
Vì là Chủ Nhựt nên sở sùng, trường học đều đóng cửa. Phương tiện di chuyển công cộng chạy theo lịch bình thường; tuy nhiên nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi đông khách hơn lệ thường vì có nhiều người con mời Tía mình đi ăn năm chỉ một ngày. Còn những ngày còn lại đói no tía rán chịu nhe.
Ăn đã rồi chơi ngoài công viên, đi xem hát, đi sở thú đi dã ngoại trong các công viên quốc gia.
Được dẫn đi ăn đi chơi, bậc làm tía còn được con cái tặng quà. Có thể là chocolate, quần áo, dụng cụ cờ lê, mỏ lết để sửa xe, sửa nhà… hay phiếu quà tặng vài trăm đô cho Tía muốn mua gì thì mua.
Đơn giản hơn chỉ là một cú gọi điện hay một thiếp chúc mừng cũng làm Tía vui rồi. Chớ đừng để Tía nhớ, cầm phone lên gọi cho con gái thì nghe trả lời là: “I’ll call you Later”. Tía tức qua hét lên đừng gọi Tía là ‘Later’. Hãy gọi Tía là Daddy!
Hãy hãnh diện vô bờ được làm con của Tía. Được Tía róc mía cho ăn hồi còn nhỏ. Được Tía đưa đi học đón con về và hai cha con mình đi ăn hủ tiếu bò vò viên bên vệ đường ngày ấy.
Tình phụ tử là một ân sủng tuyệt vời của Thương đế. Với tình yêu vô điều kiện, vô bờ bến, không cần đòi hỏi bất cứ sự đáp lại nào; Tía chỉ cần được yêu kính vậy thôi. Phận làm con xin đừng nói bận quá con quên…
Nhớ ngày xưa, Tía mình dẫu bận tối tăm mặt mũi đi kiếm tiền về đong gạo vẫn dành thời giờ để trả lời những câu hỏi ngây ngô của mình. Bạn có nhớ những lần ba mình làm giùm bài tập làm văn, bài tập toán do cô giáo cho về nhà chẳng hạn.
***
Daddy Tây hay Tía Việt ai cũng yêu thương con mình dẫu là trai hay gái đó thôi. Con gái thì Tía tìm thấy hình ảnh của em yêu, vợ của mình, tức là má nó. Con trai là hình ảnh của chính mình hồi thơ dại đó thôi.
Chuyện rằng: Mẹ John mất khi cậu còn rất nhỏ, cha nhứt định ở vậy nuôi con. Cùng thích túc cầu và người cha bao giờ cũng đến dự những trận đá bóng để ủng hộ, khuyến khích, hoan hô con mình.
Vốn nhỏ con nên ít khi được vào sân đá; tuy nhiên John luyện tập rất là chăm chỉ, huấn luyện viên thấy vậy nên đưa vào danh sách cầu thủ phòng hờ.
Một hôm, thứ Bảy, trên sân tập John nuốt nước mắt nói: “Ba con vừa mới mất rồi! Xin Thầy cho con nghỉ tập bữa nay!” Viên huấn luyện ôm lấy hai vai cậu rồi nói: “Nghỉ cả tuần đi và con không phải bận tâm về trận đấu vào ngày thứ Bảy tới!”
Ngày thứ bảy, đội bóng trường John bị đối thủ dẩn trước tới ba bàn. Viên huấn luyện và các cầu thủ không còn hy vọng gì thì thấy John tiến đến khẩn cầu được vào sân. Thoạt tiên huấn luyện viên không đồng ý. Tuy nhiên sau những lời John năn nỉ huấn luyện viên đã cho phép. Và khi được vào sân, John cùng đồng đội rút ngắn dần tỉ số, hai đội đang hòa nhau 3-3.
Rồi đón một đường chuyền của tả biên lốp vào, John nhẩy lên móc bóng ngược bóng về phía khuôn thành, thủ môn của đội bạn dù tung người hết cỡ nhưng bóng chỉ chạm được vào đầu ngón tay rồi bay luôn vào góc lưới. “Goal! Goal! Goal” khi chỉ còn 2 phút nữa là tàn trận đấu.
Cầu thủ đội nhà chạy ùa đến vây quanh John mừng rỡ. Huấn luyện viên nói: “Ta không thể nào tin được! Cút sút cuối cùng của con thật là tuyệt vời! Làm sao con có thể làm được một chuyện không tưởng được như thế chớ?”
John mặt đầm đìa những lệ; nhưng cũng rán nở một nụ cười: “Thầy đã biết ba con đã mất rồi nhưng thầy có biết là ba con bị mù hay không? Thị lực ngày một giảm, không còn nhìn thấy rõ ràng như trước nhưng bất cứ trận đấu nào có con tham dự ba đều đến reo hò cổ võ.
Hôm nay ba nghe được tiếng hò reo khi con ghi bàn; chắc ba vui lắm và con muốn cho ba thấy là con trai của ba cuối cùng đã làm được điều ba mong ước!”
***
Ngày mùng 2, tháng Chín tới đây, nước Úc ăn mừng Ngày Father’s Day.
Làm cha của hai thằng con; là ông của bốn đứa cháu nội, chắc tui sẽ được no cành hông. Ăn mà đứa khác trả là tui vui rồi.
Vui một mình buồn… nên tui cũng muốn bà con độc giả vui lây bằng cách kể một số chuyện vui.
Chuyện rằng: Tía đi hội chợ chơi ném bóng vào trong một cái lỗ. Đó là trò chơi có thưởng, và Tía thắng được một trái banh da.
Về nhà, Tía gọi bốn thằng con trai lại để hỏi coi đứa nào xứng đáng được món quà nầy.
“Ai luôn luôn nghe lời Mẹ; không dám cãi lại bao giờ? Ai làm bất cứ chuyện gì Mẹ đã bảo?”
Bốn đứa chụm đầu vào nhau bàn bạc, sau rốt đồng ý rằng: “Tía rất xứng đáng nhận phần thưởng đó!”
Rồi có lần, đứa con gái cưng hỏi: “Ai làm ‘boss’ trong nhà?” “Phải Tía là lãnh tụ trong nhà nầy phải không?”
Tía nghe vậy hểnh mũi, gật đầu: “Đúng thế cô công chúa nhỏ của bố.”
Ai dè đứa con gái thòng thêm một câu là: “Tía làm lãnh tụ trong nhà là do Mà giao nhiệm vụ phải không?”
Bài học rút ra là: Chúng ta nên thương thảo với em yêu là: Xin em kheo khéo một chút, đừng nạt nộ anh trước mặt mấy đứa con nhe. Hãy cho phép anh âm thầm mà sợ em nhé.
***
Người viết có thằng cháu nội năm nay lên 5 tuổi rất tò mò; gặp gì cũng hỏi. Hỏi nhiều câu ngặt, trẹo bảng họng làm ông Nội hổng biết trả lời sao?
Như hôm dắt nó đi sở Thú, nó hỏi: “Tại sao con người lại không có đuôi?” “Tại sao con cọp không chịu đi hai chân như mình?” “Hoặc con cá mập bơi lội trong bồn kiếng, tối nó sẽ ngủ ở đâu?”
Mấy câu hỏi nầy nói thật là tui bí lù. Làm ông, cháu hỏi cái gì cũng không biết coi kỳ quá hè.
Nên có lần nó hỏi: “Chiều mặt trời đi đâu?” Tui trả lời đại là: “Tối mặt trời đi nhậu!” Em yêu của tui, là bà nội nó, nghe được rầy tui quá xá: “Con nít bên nầy, mình biết thì trả lời; không biết thì nói không biết. Cái tánh trung thực còn quý hơn cái thói ngu mà hay dấu dốt đó nhe anh!”
Thằng Darren bạn Úc của tui ra chiều thông cảm: “Ôi tui cũng vậy thôi.
Thằng Bob con tui thì ít tò mò hơn cháu của anh nhưng nó làm biếng giống hịt tui hè.
Nhớ hồi lên 5 tuổi, từ trong phòng ngủ trên lầu gọi vọng xuống: “Bố ơi! Mang cho con ly nước!” Tui đang ngồi xem bóng đá trên truyền hình không thèm trả lời trả vốn gì hết.
Một lúc sau: “Bố ơi! Mang cho con ly nước!” Trận đấu đang hồi hộp, quyết liệt, bị quấy rầy, tui nói: “Nè chú mầy không câm miệng lại là bố leo lên lầu ‘đét’ đít mầy đó nhe!”
Một lúc sau trong buồng ngủ lại vọng ra: “Khi nào bố leo lên lầu để ‘đét’ đít con; xin bố nhớ mang cho con ly nước nhé!”
Nuôi nó trần ai khoai củ vậy đó. Tới 16 tuổi, nó thi đậu được bằng lái xe. Để ăn mừng sự kiện đặc biệt nầy, cả nhà chui vào chiếc xe chạy một vòng chơi.
Tui bèn ngồi ở băng sau, ngay sau lưng tài xế. Thấy vậy, thằng Bob con nói: “Daddy à! Daddy nên hãnh diện ngồi ghế trước, ghế danh dự cạnh con; vì Daddy đã bỏ biết bao nhiêu công sức dạy cho con tập lái.”
Tui trả lời: “Không! Daddy sẽ ngồi ngay sau lưng con và đá vào lưng ghế trong khi con làm tài xế; cũng giống hịt như con làm suốt 16 năm trời dài đăng đẳng đó thôi!”
Tui dạy đời thằng Darren rằng: “Làm cha là phần thưởng chớ không phải cực hình! Được con cái yêu thương là quý lắm nhe bồ.
Con mình nó sống với mình cùng lắm là 20 năm rồi cũng lấy vợ lấy chồng ra riêng. Lúc ấy vườn không, nhà trống chỉ có hai con khỉ già chừng đó mới biết tiếc thương ngày con còn thơ ấu, mà hở ra, cứ nạt nộ hăm bạt tai đá đít nó hoài hè!
Happy Father’s Day của Úc!
đoàn xuân thu.
melbourne

No comments:

Blog Archive