Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa
“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa…” Câu hát này năm nay đặc biệt thấm thía đối với tôi.
Xuân này là California đất Mỹ. Xuân xưa là Sàigòn. Năm mươi năm là một quãng thời gian dài đến không thể tưởng tượng nổi đối với đứa bé ngày ấy. Thường thì người ta chẳng nhớ được những điều xảy ra vào lúc năm, bảy tuổi. Vậy mà tôi vẫn nhớ mọi chuyện một cách lạ lùng.
Trừ khi gặp những biến cố quá lớn, khắc lại một dấu quá đậm trong trí óc còn non dại. Những sự việc đó có thể được ghi lại mãi như một khúc phim sẵn sàng chiếu lại. Đó là kết luận của tôi sau bao tháng ngày suy ngẫm về những điều tôi còn nhớ rõ về Tết Mậu Thân năm 1968, và nhất là về Diễm Hồng.
Tôi và Diễm Hồng cùng ở đường Tự Đức. Con đường này chạy suốt từ Hai Bà Trưng, qua ba ngã tư lớn Mạc Đĩnh Chi, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm và những con đường nhỏ khác như Phùng Khắc Khoan, Phạm Đăng Hưng, Phan Kế Bính, rồi xuống tận bờ sông. Sau này tôi mới biết đó không phải là sông mà là con rạch Thị Nghè chảy từ Tân Bình qua cầu Bông, cầu Sắt, cầu Thị Nghè rồi đổ vào sông Sài gòn. Từ góc đường Tự Đức, đi bộ khoảng mười lăm phút là đến ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hồng Thập Tự, nơi đặt trụ sở của Đài Phát Thanh Sài gòn.
Tuy chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng nhà tôi và nhà Diễm Hồng thuộc hai xóm khác nhau.
Nhà trong xóm tôi thường có tường cao, rào kín, còn khu xóm gần bờ sông của Diễm Hồng thì gồm nhà gạch và cả nhà sàn trên sông. Căn nhà của Diễm Hồng khá khang trang, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nó hơi âm u, buồn buồn. Có lẽ vì lúc nào trong nhà cũng mờ mờ tối. Cửa chính cách mặt đường một mái hiên dài nên mặt trời không thể chiếu thẳng vào trong nhà. Cánh cửa lúc nào cũng khép kín nên cảnh vật trong nhà càng thêm xa cách với xung quanh.
Gia cảnh của Diễm Hồng cũng có vẻ khác biệt với khu xóm. Tôi không bao giờ nghe nhắc tới ba của Diễm Hồng; trong nhà chỉ có ba người nữ gồm một bà cụ là bà ngoại của Diễm Hồng và hai mẹ con Diễm Hồng. Bà cụ có vóc người nhỏ bé, mỏng manh như chiếc lá, và giọng nói cũng nhẹ như gió thoảng. Điều đặc biệt là bà còn giữ nguyên vẹn hình dáng của các bà miền Bắc di cư với răng đen, áo cánh trắng, thêm chiếc khăn thâm quàng đầu khi trời trở lạnh. Mẹ của Diễm Hồng tên là cô Tú. Cô trắng bóc như người lai Âu, vóc dáng không cao nhưng tròn lẳn. Tóc cô nâu, mắt cô cũng màu nâu. Diễm Hồng giống Mẹ, cũng da trắng, tóc hung hung và đôi mắt nâu trong suốt như mắt chó con. Cả ba người trông rất khác với những người lao động da đen xạm sống phần lớn ở những căn nhà sàn ven sông. Gia đình Diễm Hồng sống hiền lành và lặng lẽ, tách hẳn với cái ồn ào của khu xóm bờ sông.
Ngày Diễm Hồng đến nhà tôi học luyện thi thì tôi mới tập tẹ học làm văn. Trước năm 1975, sau lớp Năm, học sinh ở miền Nam phải thi tuyển khá gay go để được vào lớp Sáu trường công. Mẹ tôi là cô giáo chuyên dạy lớp luyện thi, ngoài học trò từ xa đến, trẻ con hàng xóm cũng học rất đông. Đối với người trong xóm, trò nào không có tiền trả thì Mẹ tôi “bảo trợ” luôn học phí, miễn là chịu học. Tuy nhiên, tôi đoán Diễm Hồng không phải là diện “bảo trợ” vì cô Tú có đi làm và gia đình Diễm Hồng tuy đơn giản nhưng không có vẻ thiếu thốn.
Diễm Hồng rất thích chơi với chị em tôi. Ngày xưa, học trò phải gọi con của thầy là “anh, chị”, ngay cả khi học trò nhiều tuổi hơn. Tới thời của chúng tôi thì khuôn phép đó chỉ còn lại ở trong đầu của những người rất cổ, tuy vậy, con của thầy cô vẫn được một chút quý trọng đặc biệt. Có lẽ vì thế Diễm Hồng coi tôi như bạn ngang hàng, và tôi chỉ gọi Diễm Hồng bằng tên, mặc dù tôi nhỏ hơn tới mấy tuổi. Sau giờ học, Diễm Hồng thường ở lại chơi với chị em tôi. Gần một năm trời, ngày nào chúng tôi cũng vui vẻ đùa giỡn bên nhau…
Ngày hai mươi tám Tết Mậu Thân, tuy đã được nghỉ học nhưng hôm đó Diễm Hồng vẫn ghé chơi. Hôm đó, mái tóc bóng mượt của Diễm Hồng được chải gọn, chẻ đường ngôi giữa thẳng tắp, hai bên tóc được giữ bằng hai cái kẹp bướm điệu đà. Thấy tôi thích thú ngắm cái kẹp, Diễm Hồng gỡ một cái gài lên tóc tôi và nói là cho tôi. Tôi nói thôi, em chỉ muốn giữ chơi vài ngày, sau Tết khi nào Diễm Hồng trở lại học em sẽ đưa lại.
Rồi Tết tới, trong sự háo hức mong chờ của bầy trẻ chúng tôi…
*
Mùng hai Tết, ở nhà tôi, mâm cúng sáng vừa được hạ xuống. Trên mâm đầy thức ăn ngon: bánh chưng, giò, chả, măng, miến, và mứt. Cả nhà tôi bắt đầu quây quần ngồi xuống dùng bữa.
Bỗng có tiếng pháo nổ thật to, thật giòn. Lạch tạch, lạch tạch, lạch tạch, lạch tạch tạch…
Pháo nổ liên tiếp. Trong khi đám trẻ con hào hứng reo lên thì Bố Mẹ tôi chau mày nhìn nhau
“Pháo ở đâu mà nhiều vậy kìa?” Tiếng lạch tạch lại vang lên, to hơn, không dứt. Mẹ tôi nhớn nhác đứng bật dậy trong khi Bố tôi nói to “Súng rồi!”
Tiếp ngay sau lời Bố là hai tiếng nổ lớn “ầm! ầm!” Mẹ tôi kêu thét lên rồi đẩy chúng tôi xuống gầm giường. Bố tôi chụp lấy cái radio rồi cùng Mẹ nằm xấp xuống đất, lắng tai nghe ngóng.
Tiếng súng nổ càng lúc càng nhiều. Từ phía xóm bờ sông có tiếng nhiều người gọi nhau. Giọng họ đầy khẩn cấp, vang vang đáng sợ, rồi tiếng chân chạy rầm rập về phía đầu đường.
Ầm! ầm! ầm! Lại một loạt tiếng nổ xé tai. Vách tường quanh nhà run lên, vôi rớt lạo xạo như tường sắp xập xuống.
“Có người bị thương rồi!” Tiếng la thảng thốt từ xóm bờ sông vọng lên, rõ mồn một, và đọng lại mãi trong trí nhớ của tôi. Người ta la. Người ta gào khóc.
Chúng tôi càng rúc sâu vào gầm giường, mặc cho mặt mày lấm lem vì bụi. Từ đó nhìn qua khe cửa trước nhà, tôi thấy rất nhiều chân người chạy qua. Tiếng súng và tiếng nổ cứ nối tiếp, nối tiếp như không bao giờ dứt.
Không biết chúng tôi nằm đó bao nhiêu lâu, nhưng sau cùng thì tiếng súng cũng ngưng. Radio phát lệnh di tản. Cùng lúc đó có người chạy lại đập cửa nói to “Lính cộng hòa đây! Bà con đi khỏi khu này ngay!”
Mẹ tôi chụp cái mấy cái áo len mới mua dịp Tết, lập cập mặc vào cho mấy đứa lớn rồi xốc em bé út lên tay. Bố Mẹ tôi líu ríu dắt bốn đứa nhỏ - đứa lớn nhất mới đi học, đứa nhỏ nhất chưa biết đi - ra khỏi nhà. Hai người lính, một Mỹ, một Việt chạy lại bế dùm hai đứa em tôi, rồi chúng tôi nhập theo giòng người đang hoảng hốt chạy ra đầu đường.
Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy Diễm Hồng.
Diễm Hồng nằm trên tay một người lính. Cả người Diễm Hồng quấn trong một cái chăn màu đen trùm lên tới đầu, chỉ lòi ra chút mặt trắng toát như bức tượng. Cô Tú vừa khóc, vừa chạy lúp xúp theo sau. Ngực áo cô loang những đốm máu đỏ lòe. Rồi bà ngoại của Diễm Hồng vừa chạy vừa ôm ngực như sắp té xỉu. Cảnh tượng đó quá lạ lùng với trí óc của tôi, họ lại chạy vụt qua khá nhanh cho nên tôi bàng hoàng, tưởng như mình đang nằm mơ.
Khi ra tới đầu đường chúng tôi phải dừng lại tìm đón xe. Người lính bế Diễm Hồng cũng đang đứng chờ ở đó, trong khi những người lính khác xôn xao dùng điện đài nói chuyện.
Tôi không thể rời mắt khỏi Diễm Hồng, tôi nhìn trân trân như bị thôi miên. Mọi chuyện diễn ra trước mắt tôi như một cuốn phim chiếu chậm. Tôi thấy một cánh tay của Diễm Hồng bỗng rớt xuống, lủng lẳng như một cành cây vừa bị gẫy. Tôi thấy người lính cúi xuống nhìn Diễm Hồng rồi quay đầu nhìn cô Tú đang khóc nức nở trên vai của bà ngoại Diễm Hồng. Ánh mắt chú lính đó rất lạ, tuy không hiểu được nhưng tự nhiên tôi nghĩ ngay rằng một điều gì ghê gớm lắm vừa xảy ra. Rồi một chiếc xe Jeep chạy tới, dừng lại. Hai người lính nhảy xuống nhường chỗ cho chú lính bế Diễm Hồng và cả nhà Diễm Hồng lên xe. Xe chạy vọt đi trong khi tôi vẫn sững sờ ngó theo…
*
Sau một lúc lâu, cuối cùng chúng tôi cũng đón được một chiếc taxi để chạy qua nương náu ở nhà Bác tôi, nơi không có giao tranh lớn. Đầu óc tôi có lẽ đã mệt nhoài nên tôi không nhớ những gì xảy ra sau đó, ngoại trừ một sự kiện đặc biệt: đó là tối hôm đó ông anh họ tôi bị mắng một trận lớn.
Cũng như những ngày Tết khác, họ hàng tụ tập trong rất đông ở nhà Bác tôi. Nhưng lần này mọi người không nói cười, không chúc Tết, mà chỉ thì thào nho nhỏ. Không khí nặng nề, người lớn ai cũng đăm chiêu. Những anh chị trẻ hơn cũng tụm lại bàn bạc, có mấy chị lo lắng trường phải đóng cửa lâu, sẽ không kịp học hết chương trình trước kỳ thi Tú Tài cuối năm.
Một chị than thở:
- Tụi VC đã đồng ý ngưng bắn rồi mà còn tấn công ngay ngày Tết! Gian ác quá!
Ông anh họ tôi, em út trong nhà, cười cười:
- Chiêu đánh vào ngày Tết là chiêu xưa dùng lại. Vua Quang Trung cũng đánh quân Thanh ngay ngày Tết đó mà…
Bác tôi ngồi gần đó, cau mặt:
- Nói bậy! Ngày xưa quân Thanh vào chiếm nước mình, cướp của, giết người, ăn Tết trên xương máu dân mình. Vua Quang Trung ra quân ngày Tết là để đuổi giặc xâm lăng, cứu dân lành càng nhanh càng tốt. Bây giờ, Bắc, Nam đã chia làm hai nước, người dân miền Nam chỉ muốn bình an mừng năm mới. Đám lãnh đạo Bắc Việt đồng ý ngưng bắn rồi mà vẫn nuốt lời, bất chấp ngày lễ thiêng liêng. Thời điểm giống nhau nhưng tính chất hoàn toàn khác! Con lớn rồi, nói phải nghĩ, đừng so sánh hồ đồ như vậy!
Bác tôi còn nói nhiều thứ nhưng tôi không nhớ được. Tuy vậy, cảnh các anh chị tôi ngồi im thin thít và nét mặt giận dữ của Bác tôi là điều tôi mãi không quên.
*
Chúng tôi đã nương náu ở nhà Bác khoảng một tuần. Khi chính quyền cho phép về lại nhà, Bố Mẹ tôi về ngay để thăm dò rồi vài ngày sau đem cả gia đình chúng tôi trở lại.
Tôi về. Gặp khu xóm đổ nát, tan hoang.
Dãy nhà cách nhà tôi chỉ một con hẻm nhỏ nay là một đống gạch vụn. Dọc bờ sông là những bức tường lởm chởm. Cũng may là nhà tôi và năm căn sát vách vẫn còn đứng đó nhưng đầy thương tích. Ở ngay phòng khách nhà tôi, trên cao gần trần nhà có hai lỗ thủng to bằng cái nón lá trên hai vách tường đối diện nhau. Từ dưới ngó qua lỗ thủng, tôi thấy trời xanh và lá cây. Bố tôi giải thích là nhiều đạn đại liên đã bắn xuyên suốt năm căn nhà. Cánh cửa sắt kiên cố trước nhà tôi bấy giờ lỗ chỗ đầy vết lủng tròn bằng đầu đũa, và ở góc trái có một lỗ to bằng bàn tay người lớn.
Sắt quanh lỗ thủng cháy đen thui, cong queo, nhọn hoắt như răng nanh của một con quái vật.
Bà con hàng xóm cũng lục tục kéo về. Mọi người bắt đầu tìm nhau để chia sẻ.
Từ tin tức gom góp được từ các phương tiện truyền thông cũng như lời kể của nhiều nhân chứng, chúng tôi hiểu được chuyện gì đã xảy ra ngay cạnh nhà tôi. Khu xóm bờ sông là nơi dấu vũ khí của Việt Cộng để đánh vào Đài Phát Thanh Sài gòn. Việt Cộng đã chuyển vũ khí bằng đường sông để tránh sự khám xét gắt gao trên đường bộ. Vũ khí đã được cất trong vài căn nhà của bọn “nằm vùng” trên bờ sông. Ngày mùng hai Tết, lực lượng địch từ xóm bờ sông kết hợp với nhóm đặc công ém sẵn trong một ngôi nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tiến chiếm Đài Phát Thanh.
Lực lượng Cộng Hòa đã kéo đến bao vây khu đó tới tận bờ sông. Sau khi lính Cộng Hòa mở đường cho dân chạy, hai bên đã đụng độ dữ dội ngay trong xóm tôi. Đủ loại súng đã nã đạn trong suốt mấy tiếng đồng hồ, tàn phá khu xóm yên bình của chúng tôi.
Đó cũng là lúc tôi nghe tin Diễm Hồng đã chết vì một miểng đạn ghim vào thái dương. Ngay khi nghe tin đó, tự nhiên tôi biết là Diễm Hồng đã lìa đời trước khi chú lính bế chị ấy lên xe Jeep.
Tôi tin chắc là Diễm Hồng đã ra đi ngay khoảnh khắc chú lính hướng cái nhìn kỳ lạ về phía cô Tú. Ánh mắt đó hằn một dấu trong đầu tôi, mãi mãi. Cái nhìn đó ám ảnh tôi, và mãi nhiều năm sau tôi mới hiểu đó là cái nhìn đầy thương xót nhưng hoàn toàn bất lực. Và, rất lâu về sau, tôi mới liên tưởng được rằng đó là cái nhìn của một người phải bó tay khi thấy một người khác bị lừa một cú trí mạng ngay trước mắt mình.
Sau này, tôi thường nghĩ rằng đám trẻ con chúng tôi cũng bị lừa một cú rất nặng vào Tết Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi bị lừa mất một phần tuổi thơ.
Từ đó về sau chúng tôi không còn được đốt pháo ngày Tết. Chị giúp việc trở lại sau thời gian về Huế đáng lẽ để ăn Tết, phờ phạc như mất hồn, dắt theo hai đứa cháu mồ côi trạc tuổi tôi. Những mấu sắt cong queo, nhọn lểu quanh lỗ thủng trên cánh cửa sắt trước nhà được đập cho thẳng bớt ra, nhưng lỗ thủng vẫn ở đó, như một vết thương sâu hoắm. Cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, Bố Mẹ tôi mua mấy chục bao cát xếp thành một cái hầm nhỏ ngay trong phòng ngủ làm căn nhà vừa thêm người càng chật chội, bí bức.
Riêng tôi, từ sau Tết Mậu Thân, tôi đã biết thế nào là đau khổ. Tôi đã chứng kiến chết chóc, chia ly khi chưa tới mười tuổi đầu. Tôi đã biết nhận xét rằng gia đình của Diễm Hồng như mất đi sức sống. Tôi chỉ dám len lén nhìn cô Tú từ xa nhưng vẫn thấy được nét đau đớn câm nín trên gương mặt mệt mỏi, trên mí mắt lúc nào cũng ưng ửng đỏ của cô. Tôi thường tránh mặt cô Tú và bà của Diễm Hồng. Không phải vì cái kẹp tóc đã bị mất trong những ngày loạn lạc (tôi biết, dù cái kẹp có còn cũng chẳng có ai để trả), nhưng vì tôi sợ nhìn thấy tôi họ sẽ nhớ Diễm Hồng. Trong trí óc non dại nhưng nhạy cảm, tôi cảm thấy gần như… có lỗi với họ vì tôi may mắn được sống.
*
Bây giờ, tôi thấy rõ rằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân mà cao điểm là cái chết của Diễm Hồng từng là một biến cố rất khốc liệt đối với tôi. Rất nhiều năm sau đó, tôi vẫn nghĩ đến những chuyện đã xảy ra. Tuy nhiên, ở nước nghèo trong thời chiến, săn sóc tâm lý cho con nít là điều xa xỉ và hầu như không ai nói tới. Cũng may tôi đã thường xuyên tự nhủ tôi đang được ở bên cha mẹ, và nhận thức rõ ràng rằng tôi sung sướng hơn rất nhiều trẻ con ở xung quanh. Ý nghĩ đó đã an ủi tôi và giúp tôi lấy lại thăng bằng.
Tâm hồn tôi đã lành, nhưng ký ức năm xưa vẫn lưu lại một vết sẹo đậm. Tôi nhớ mãi hình thù của lỗ thủng trên cánh cửa sắt và ánh sáng chói lòa, thảng thốt trong căn phòng khách thiếu mái, thiếu tường ngày tôi trở lại. Và trên hết, tôi vẫn không quên từng chi tiết trong khoảnh khắc cánh tay của Diễm Hồng rơi xuống, như một nhánh cây vừa bị chặt đứt, ngay trong ngày mùng hai Tết.
Cầu xin ơn trên dẫn đường cho xương máu người Việt không phải đổ ra vì tham vọng của các thế lực quốc tế, để trẻ con Việt được sống trọn vẹn tuổi thơ.
Khôi An
No comments:
Post a Comment