Friday, March 23, 2018

Ngọc Chánh và cuộc chơi hành xác, “Nhiếp Ảnh”

Trịnh Thanh Thủy

Những năm gần đây, môn nhiếp ảnh nghệ thuật bỗng dưng được ưa chuộng và nở rộ như hoa cỏ mùa xuân trong cộng đồng người Việt. Những lớp dạy nhiếp ảnh do người Việt tổ chức được mở ra ở các khu vực đông người Việt ngụ cư lúc nào cũng đầy kín lớp. Phần lớn những người tìm học và theo đuổi đều xem nhiếp ảnh như một thú vui tao nhã, công phu, có tính nghệ thuật, nhưng cực kỳ tốn kém. Tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh trong một buổi triển lãm nhiếp ảnh và từ đó cuộc tao ngộ với ông đã giúp tôi có những bài phỏng vấn về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ có lắm tài ba một thời vang bóng.

Hỏi: T được biết sau khi về hưu chú bước vào ngành nhiếp ảnh như một nhiếp ảnh gia, xin chú cho biết chú hoạt động được bao lâu rồi? Chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Nguyên nhân nào đã khiến từ một nhạc sĩ chuyên nghiệp chú bước hẳn sang lãnh vực nhiếp ảnh, chú có đam mê nó như đã đam mê âm nhạc không?

Đáp: Những ngày trước năm 1975, tôi thường nhờ các anh em bên nhiếp ảnh chụp hình các ca sĩ để làm bìa băng nhạc hay treo trong vũ trường để quảng cáo. Tình cờ năm 1981, ở San José, tôi được gặp lại anh nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh và nhân đấy nhờ anh chụp ảnh cho ban nhạc của vũ trường.  Sau khi chụp và đưa ảnh lại cho tôi, tôi rất khâm phục tài năng của anh và có nhờ anh hướng dẫn về nhiếp ảnh. Tôi bắt đầu học nhiếp ảnh từ nơi anh. Tuy nhiên, vì bận nhiều chuyện nên tôi không tiếp tục theo đuổi. Ngày đó, nhiếp ảnh chỉ có phim, chưa có kỹ thuật số. Sau khi về hưu năm 1998, tôi mới chuyên tâm về thú vui nhiếp ảnh. Tôi có tự học thêm trên mạng và you tube rất nhiều, rồi ngày càng đam mê. Bây giờ nhiếp ảnh đã trở nên niềm vui của tuổi xế chiều, tuy nhiên tôi không xem mình là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Nói đến niềm đam mê, tôi yêu âm nhạc từ thưở bé, bây giờ có tuổi, nghỉ hưu, tay bị cứng nên tiếng đàn không còn thánh thót nữa, do đó tôi phải dừng. Bước vào nhiếp ảnh, vốn có máu nghệ sĩ, tôi cũng mê không thua gì âm nhạc, nếu nói mê cái gì hơn, như nhau, tôi mê cả hai.
Để xem hình rõ và lớn xin nhấp chuột (click) vào tấm hình 
blank
Pic 1 Anza Borrengo Wildflowers, California, Xuân
 
blank
Pic 2 Monument Valley, UTah, Hạ
 
blank
Pic 3 Canyon Brook Ponds, Main, Thu

Hỏi: Nhiếp ảnh nghệ thuật có nhiều thể loại, chú chọn loại nào làm phong cách riêng của chú? Phong cảnh, đời sống hoang dã, chân dung, đời thường, trừu tượng v.v..? Phong cách chú chọn ấy có thể hiện được sự sáng tạo hay kỹ thuật chuyên môn cao như những gì chú từng làm trong âm nhạc trước đây?

Đáp: Ban đầu tôi chụp chân dung và hoang dã nhưng sau chuyển qua phong cảnh và thấy phong cảnh thích hợp với tôi hơn và dừng lại ở thể loại này. Nhiếp ảnh phong cảnh có thể hiện được sự sáng tạo không? Có chứ, tỷ như, cùng một địa điểm, cảnh vật, thời gian mà mỗi người chụp gần như không giống nhau. Cái nhìn mỗi người một khác, tùy theo, kinh nghiệm, cách nhìn, sự rung động, phong cách riêng và sự sáng tạo. Riêng tôi, khi đứng trước một cảnh vật mình thích, tự nhiên tôi nhìn và đoán trước được đường đi của ánh sáng. Điều này tự nhiên, kinh nghiệm lâu năm cũng chưa đủ, không biết ấy có phải là năng khiếu không? Trước tiên phải xem, từ đâu ánh sáng tới, hướng nào, rớt ở chỗ nào và phải đứng nơi nào, góc nào để đón nó. 

Theo tôi, điều cần nhất của người chụp ảnh là chụp một tấm ảnh có hồn. Phải làm sao để người nhìn vào tấm ảnh thấy nó có hồn. Điều này khó diễn tả. Nói đến sự sáng tạo. Theo tôi, muốn có một tấm ảnh nghệ thuật có tính sáng tạo, mình cần phải xem nhiều bức ảnh của các nhiếp ảnh gia quốc tế để học hỏi. Khi tất cả đã thấm vào óc mình lúc nào không biết, đúng lúc nó sẽ bung ra và hoà hợp với cái nhìn của mình để thành một phong cách riêng. Nếu một người có óc sáng tạo, bức ảnh sẽ không giống một bản sao của người khác, mà nó biến đổi đi, khác hẳn nhờ phong cách riêng để thành một tác phẩm sáng tạo.
 blank
Pic 4 Mono Lake Sunrise, California, Đông
 
blank
Pic 5 Salton Sea Star Trail, California
 
blank
Pic 6 A night in Joshua Tree National Park, California

Hỏi: Là một NAG chuyên về phong cảnh, đề tài chú thích và thường chọn là gì? Nơi nào chú thường lui tới để chụp ảnh và mùa nào thích hợp trong năm?

Đáp: Với phong cảnh, tôi thường chọn đề tài theo mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tỷ như mùa thu tôi chọn nơi nào có lá đẹp để đi chụp, mùa đông thì núi đồi tuyết giá gợi cho tôi nhiều hứng khởi, xuân thì hoa xuân, hoa dại là đề tài lôi cuốn ống kính của tôi. Mỗi bức ảnh tôi đều để kích thước và địa điểm nơi tôi chụp hình và tôi chụp rất nhiều nơi khác nhau.

Hỏi: Khi chụp xong một tấm ảnh, để có một tấm ảnh ưng ý chú có phải dùng thêm photoshop không? Quá trình để sửa chữa một tấm ảnh chú mất bao nhiêu thời gian?

Đáp: Một nhiếp ảnh gia cần phải nắm vững máy ảnh của mình để bắt được một tấm ảnh ưng ý. Đem về còn phải sửa chữa lại với kỹ thuật để tấm ảnh của mình hoàn hảo hơn. Tôi có dùng photoshop. Một máy ảnh không làm sao lấy hết được cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, phải nhờ photoshop để lấy lại cái hay, cái đẹp đã mất khi chụp. Thường thì thời gian sửa ảnh tùy theo tấm, trung bình khoảng 1 tiếng.

Hỏi: Xin cho biết loại máy, ống kính, chú sử dụng. Chú thích nhất và thường sử dụng loại ống kính nào? Đi chụp xa hay đi chơi chú mang gì theo?

Đáp: Tôi thường dùng máy Canon. Những ống kính dùng cho phong cảnh của Canon tôi đều có, 16-35 mm, 27-70mm, 70-200mm v..v..Tôi thường dùng nhất, ống kính góc rộng 11-24mm(full frame), vì nó rất rộng và rõ nét. Mỗi khi đi chụp nơi nào, tôi biết trước phải đem theo máy và ống kính nào cho nơi đó. Còn đi chơi xa du lịch thì tôi chỉ chú tâm vào du lịch nên không mang máy ảnh theo.

Hỏi: Trong ngành nhiếp ảnh, ai là người gây ảnh hưởng, được chú ngưỡng mộ và học hỏi nhiều?

Đáp: Như tôi đã kể, ban đầu vì khâm phục nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh mà tôi bước vào nhiếp ảnh. Còn bây giờ mỗi ngày tôi bỏ thời giờ để xem ảnh các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới, nên tôi không ngưỡng mộ ai cả vì người nào cũng có những bức là tuyệt tác nhưng cũng có những bức rất thường không vẹn toàn. Ngay đến Ansel Adams cũng có bức hay, bức thường.

Hỏi: Bước vào nhiếp ảnh, cái gì của ngành này chú thấy thú vị nhất? Chú nghĩ thế nào về những câu chuyện đằng sau giờ phút đi săn ảnh mà nhiều người gọi đùa là “đi hành xác” ấy? Tại sao họ gọi như thế? Xin chú chia sẻ những câu chuyện vui vui và những thành công hay thất bại của cuộc chơi vừa tốn kém vừa hành xác này.

Đáp: Có người nói, cuộc chơi nhiếp ảnh là cuộc chơi phá sản. Lại có người nói “Ghét người nào thì rủ người đó vào cuộc chơi nhiếp ảnh”. Tôi đã nghe những lời nói ấy, nhưng riêng tôi nhờ nhiếp ảnh nên giữ được sức khoẻ và trí nhớ còn tốt, có lẽ tôi sẽ mang nó đến cuối cuộc đời, hoặc cho đến khi tôi không còn chụp được nữa. Tôi rất hạnh phúc với nó vì bây giờ tay cứng không đàn được, nhưng cầm máy ảnh thì không sao. Mắt có mờ thì đeo kính hoặc đi mổ mắt vẫn chụp được. 

Điều thú vị nhất trong nhiếp ảnh à? Sự thú vị có thể gọi là vô tận, vì có sự thay đổi, sự khác nhau, khiến người ta không chán. Cũng chỗ đó, cảnh đó, thời khắc khác, hình ảnh chụp ra khác, ngày mai trở lại, thời tiết đổi. ánh sáng đổi, nó lại khác. Không gian, thời gian, thời tiết chuyển dịch, thành ra phong cảnh thiên nhiên biến hoá vô cùng. 

Gọi là cuộc chơi “hành xác” cũng không ngoa vì cực thiệt. Giờ hoàng đạo là sáng sớm và xế chiều, phải ra đi khi trời còn tối, lúc về thì cũng tối mịt. Nhất là đi chụp đèn đêm, hay chụp sao, hoặc chụp giải ngân hà, mò mẫm trong sa mạc hay đồi núi chỉ mang có cái đèn đâu đủ ánh sáng, có khi vấp đá, vấp rễ cây bị té, chưa kể bị lạc đường trong đồi núi mênh mông. Lại còn phải ngồi chờ bao nhiêu tiếng đồng hồ cho đến lúc sao mọc hay giải ngân hà hiện lên. Phải có cái đam mê mới làm thế được. Có khi trước lúc đi tính toán, kiểm soát thời tiết, trăng sao cả rồi, đến nơi thời tiết đổi, mây mù che phủ, thế là tiêu, đúng là mình tính không bằng trời tính. Có chỗ lái xe mười mấy tiếng mà không chụp được tấm nào, khi lái xe về nó mệt và buồn vô cùng. Ngược lại, chụp được cái ảnh thành công, tất cả những mệt nhọc tan biến hết. Chưa xong, được ảnh đẹp đem rửa lớn cũng tốn kém, rồi làm khung cả mấy trăm một tấm, treo đầy nhà, ai thích hỏi xin, tôi cho, xong làm tiếp tấm khác. Bạn bè rủ rê đem triển lãm còn tốn tiền hơn, in lớn, làm khung và trả tiền chỗ, chưa kể bán không được phải kiếm xe truck chở về. Đó là chưa kể máy móc và ống kính càng tối tân, càng mới, càng đẹp, càng bỏ ra nhiều tiền hơn. Cuộc chơi này đúng là cuộc chơi công phu, đầy tốn kém!

Trịnh Thanh Thủy

No comments:

Blog Archive