Tôi bị cái bệnh lệch tinh hoàn, bên to, bên nhỏ, và vì thế nên nó kéo cả người tôi lệch theo, khiến việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, bất tiện. Tôi đã tới nhiều bệnh viện, và sau khi khám, các bác sĩ đều chỉ định mổ. Tôi đồng ý. Đúng ngày hẹn, tôi đến, nằm lên giường mổ, bác sĩ gây mê, và tôi thiếp đi. Tỉnh dậy, tưởng là đã xong, ai ngờ, bác sĩ bảo không thể mổ được. Lý do là bởi dù toàn thân đã hôn mê, tê liệt, nhưng riêng cái chỗ đó của tôi nó vẫn không liệt, mà cứ ngọ nguậy, ngẩng lên cụp xuống, quay ngang quay ngửa các kiểu. Nếu bác sĩ vẫn cố tình làm thì khả năng cắt phải thứ không nên cắt trong quá trình mổ là rất cao.
Thất bại trong việc can thiệp bằng y học hiện đại, tôi đành tìm đến các nhà thuốc đông y. Thầy đông y khám xong thì cũng lắc đầu bảo rằng chỗ họ chỉ có thuốc uống cho cái hòn đó to lên, hoặc nhỏ đi, chứ còn thuốc mà uống để một hòn to lên còn hòn kia nhỏ đi thì họ chưa tìm ra.
Có người mách tôi cách chữa mẹo là lấy dây buộc vào bên hòn to rồi vòng dây vắt lên vai; lại có người khuyên nên lấy viên gạch buộc vào bên nhỏ cho cân… Tất nhiên là tất cả những cách ấy đều không ổn.
Đang lúc chán nản, tuyệt vọng, thì tôi nghe được thông tin về khả năng chữa bệnh thần kỳ của cô lang Giẫm. Tôi quyết định tìm đến cô. Thôi thì: “Có bệnh phải vái tứ phương. Biết đâu trời độ, trời thương thân mình”.
Còn cách cả cây số nữa mới tới nhà cô lang, nhưng đã thấy nhiều người đi lại, đứng ngồi ngổn ngang, ô tô xếp thành hàng, hai bên đường san sát những nhà trọ, những quán cơm, những dịch vụ đi kèm, khiến tôi có cảm giác rằng quanh đây hẳn phải có một khu công nghiệp đồ sộ với quy mô hàng chục ngàn công nhân, hoặc không cũng phải năm bảy trường đại học hoành tráng, sinh viên nhung nhúc…
Bước vào nhà cô lang Giẫm, một cảnh tượng khá lạ lẫm hiện ra trước mắt tôi: cả một cái sân rộng nằm la liệt những người không mặc áo, quần tụt quá nửa mông, trắng phau như lợn vừa cạo lông. Cô lang đi từ đầu đến cuối sân, giẫm lên vai, lên lưng từng người, hệt như kiểu bà con nông dân đi giẫm cỏ ngoài đồng…
Đợi nửa ngày vất vả, mỏi mệt, rồi cũng tới lượt tôi được giẫm. Tôi hào hứng cởi áo, tụt quần, nằm ra chờ đợi cô lang. Ở đầu hàng, cách chỗ tôi một đoạn, là một nữ sinh tầm mười sáu, mười bảy tuổi gì đó, cũng tới đây khám. Nhưng chắc vì xấu hổ nên vẫn ngập ngừng chưa muốn cởi quần áo. Cô lang Giẫm thấy vậy thì giọng có vẻ không vui:
– Bệnh gì?
– Dạ! Cháu bị lệch đốt sống đít ạ!
– Vậy có định chữa không? Sao còn chưa cởi quần áo ra?
Nữ sinh nghe thế thì cuống quýt ngồi dậy, run rẩy lần cởi từng cúc áo. Đám đàn ông, cả đang nằm, cả đang ngồi xung quanh sân đều há hốc mồm, hồi hộp, nín thở đợi chờ. Và sự chờ đợi đã được đền đáp xứng đáng: khi những lớp áo mẹ, áo con trên người cô nữ sinh được trút ra trơn trụi, rồi những lớp quần trong quần ngoài được kéo xuống ngang mông, thì cả một kiệt tác thiên nhiên mơn mởn đã hiện ra, những thứ mà tưởng chỉ thấy trên ảnh, trên mạng, trên Phây, thì nay đã có tại đây, giữa ban ngày, nơi thanh thiên bạch nhật. Nữ sinh ấy cởi đồ và tụt quần xong thì đầu cúi rạp, hai chân quỳ xuống chiếu, mông chổng lên. Cô lang Giẫm bực mình quá, lại quát:
– Nằm thẳng xuống như mọi người kìa! Ai bảo chổng mông vậy hả? Cứ chổng vậy bảo sao chả lệch đốt sống đít!
Nữ sinh lại ngoan ngoãn như con mèo, duỗi đôi chân ngọc ngà, nằm thẳng xuống. Dù đang nằm sấp, nhưng tôi vẫn ngoái đầu lên xem được cảnh đó từ đầu đến cuối, và giờ người tôi vẫn đang rạo rực, toàn thân nóng hổi. Tôi thấy cơ thể mình hình như bị đẩy lên cao hơn, chênh vênh, nghiêng bên này, ngả bên kia. Có lẽ tôi đang nằm đè lên một cái vỏ chai bia ai uống xong vứt lung tung thì phải, dù rõ ràng là lúc đầu nằm xuống tôi không hề thấy cái vỏ bia đó.
Có lác đác vài gã – dù chưa tới lượt được cô lang giẫm lên người, nhưng đã lồm cồm bò dậy, mặc áo, kéo quần, lủng lẳng bước ra phía ngõ. Tôi đoán là mấy gã ấy tới nhờ cô lang chữa bệnh liệt dương, nhưng chưa kịp chữa thì bệnh đã khỏi rồi, nên mới ra về sớm.
Cô lang Giẫm bắt đầu chữa từ đầu hàng. Mỗi người đều được cô giẫm cho vài ba phát vào lưng, vai, đùi, mông, bất kể là bệnh gì. Trong lúc nằm chờ tới lượt giẫm, tôi có trò chuyện với một bác trai bên cạnh. Bác kể rằng nhà bác ở tít trên miền núi xa xôi, nhưng nghe danh cô lang đã lặn lội xuống đây. Bác cũng bị cái bệnh lệch hòn dái giống tôi. Bác bảo khi leo lên núi rất dễ bị trượt chân. Như người ta trượt thì với tay bám vào mỏm đá là xong, còn bác mà trượt thì nếu không nhanh tay sẽ lập tức bị hòn dái lệch ấy nó lôi xuống vực ngay! Mấy bận suýt chết rồi…
Cô lang Giẫm đã giẫm tới chỗ chúng tôi! Theo thứ tự thì xong bác dái lệch đó là sẽ đến lượt tôi. Khi cô lang Giẫm hỏi bác ấy bệnh gì, thì bác ấy khá ngại ngùng, cứ ấp úng, ngập ngừng:
– Có cần thiết phải nói tên bệnh không cô? Tôi thấy bệnh nào thì cô cũng giẫm giẫm vài cái lên người thôi mà! Có khác gì nhau đâu!
Nghe vậy, cô lang Giẫm có vẻ không vui, nhưng vẫn cố kìm giọng:
– Tuy động tác giẫm giống nhau, nhưng tác dụng lại khác nhau đó bác! Như cậu này bị tiêu chảy thì tôi giẫm cho cứt thụt vào; anh kia bị táo bón, thì tôi giẫm cho cứt chui ra. Giẫm bao nhiêu cái, mạnh hay nhẹ đều phải tính toán khoa học cả. Giẫm nhẹ quá cứt sẽ không sợ, sẽ gan lì nằm im một chỗ; giẫm mạnh quá thì cứt sẽ lại vãi luôn ra…
Bác dái lệch nghe cô lang phân tích hay quá thì không dám ý kiến gì nữa, ngoan ngoãn vạch dái cho cô lang xem rồi mô tả cụ thể bệnh tình của mình. Cô lang sau một hồi quan sát và vần vò thì mới nhẹ nhàng hỏi nhỏ:
– Giờ tôi sẽ chữa cho hai viên bằng nhau. Bác muốn cho viên nhỏ to lên, hay viên to nhỏ xuống?
– Dạ! Cho viên nhỏ to lên được thì tốt quá!
Cô lang nghe vậy thì bảo bác dái lệch nằm ngửa, dạng chân ra. Rồi dặn dò:
– Bác cố chịu đau tí nhé! Giờ tôi sẽ giẫm chân đạp liên tục vào hòn nhỏ để cho nó sưng lên bằng hòn to thì thôi.
Dứt lời, cô lang Giẫm giơ chân lên và đạp liên hồi. Bác dái lệch bị hai anh trợ lý lực lưỡng của cô lang giữ chặt nên ra sức vùng vẫy, gào thét dữ dội. Cô lang mặc kệ, vẫn đạp thật lực. Bỗng bác dái lệch rú lên, và liền sau đó, tiếng gào thét của bác im bặt, ứ lại, như thể bị ai đó chẹn vào họng…
– Thọt dái lên cổ rồi! Thọt dái lên cổ rồi! – Tiếng ai đó hô thất thanh.
Quả đúng vậy! Hòn dái nhỏ của bác dái lệch bị đạp mạnh quá đã chạy lên cổ từ lúc nào. Mọi người đều hoảng sợ, nhưng cô lang Giẫm thì không, bởi kinh nghiệm nhiều năm chữa bệnh khiến cô luôn giữ được một sự điềm tĩnh đến lạnh lùng ngay cả khi nguy cấp nhất. Cô lang không đạp dái nữa mà đi vòng lên trên, rồi giơ chân đạp túi bụi vào cổ của bác dái lệch. Thật kỳ diệu, hòn dái lại chui xuống phía dưới. Cô lang lại đi vòng xuống, lại đạp. Bác dái lệch không vùng vẫy, kêu than gì nữa, bác đã ngất lịm, nằm thẳng cẳng rồi…
Tôi bừng tỉnh, vùng dậy, cuống cuồng kéo quần, mặc áo, chạy vụt ra ngoài, vừa chạy vừa ngoái loại xem hai anh trợ lý lực lưỡng kia có đuổi theo tôi không. Bệnh của tôi không khác gì bệnh của bác dái lệch, và không có lý do gì để cô lang Giẫm phải sử dụng hai phương pháp chữa bệnh khác nhau cho cùng một loại bệnh.
Thực ra, những người tìm đến với cô lang Giẫm không đáng trách. Bởi hầu hết họ đều là những người mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ chết. Với những người đó thì họ (hoặc gia đình họ) sẵn sàng bám víu và làm tất cả để có được một niềm tin, một tia hy vọng sống. Người đáng trách ở đây là những kẻ đã kiếm tiền dựa vào sự tuyệt vọng của những người chờ chết. Người đáng trách ở đây là những người đáng ra phải hành động, phải lên tiếng để cho đồng bào của mình hiểu rằng đâu là là sự thật, và đâu là sự mù quáng!
Nếu đã biết chắc rằng đó là một sự viển vông, thì tôi tin, sẽ không còn nhiều người lao theo nữa!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
No comments:
Post a Comment