Friday, March 30, 2018

Việt cộng “quản chế”

Phạm Hồng Ân


Tháng 6 năm 1975, tôi bị “xúc” vào tù, ngồi gỡ một hơi tới 6 cuốn lịch, bởi tội danh: “sĩ quan ngụy”. Năm 1982, trại tù Xuyên Mộc tuyên bố thả ra, sau khi nhét vào tay tôi một tờ giấy tạm tha, có dòng chữ đánh máy cỡ lớn: “tiếp tục quản chế tại địa phương”.

Cầm tờ giấy tạm tha mong manh và sần sùi, thua tấm giấy chùi đít trước năm 1975. Tôi cảm thấy số phận mình cũng mong manh và xấu xí như nó. Địa phương là quê vợ, xã Phú Lít tỉnh Bến Tre, nơi lạ hoắc lạ huơ, chưa bao giờ tôi đặt chân tới. Chỉ nghe vợ tôi kể loáng thoáng: “Phú Lít là quê hương của em, nhưng em cũng chẳng biết đến nó. Vì đó là vùng xôi đậu, đầy việt cộng. Gia đình em phải tản cư ra sinh sống ở Mỹ Tho, từ lúc Mẹ còn bồng em trên tay.”

Chẳng còn con đường nào để lựa chọn, tôi chuẩn bị tinh thần lẫn cả thể xác, hối hả về trình diện công an xã Phú Lít.

Phú Lít hoang tàn, xác xơ bởi chiến tranh. Hố hầm ngổn ngang. Mìn, lựu đạn…- do việt cộng gài bẫy – vẫn nằm dầy đặc đây đó, sẵn sàng chờ đợi bước chân xấu số vô tình vướng vào. Cỏ, cây, lùm, bụi…ngút ngàn. Rắn, rít, chuột, chồn…tung hoành khắp nơi. Ruộng vườn hoang dã, khô cằn. Không ai có đủ khả năng để thu dọn, tài bồi. Trong chiến tranh, người dân bỏ làng, tản cư tứ hướng. Sau 1975, họ lũ lượt trở về, vội vã cất lên mái lá đơn sơ làm nơi tạm dung.

Tôi bám gót chân vợ về Phú Lít, nương tựa trong căn bếp của người anh vợ. Buổi sáng, thức dậy, ngó xuyên qua đỉnh mùng, tôi bỗng hoảng hồn khi thấy hai con rắn dài thượt nằm phơi bụng, khoanh tròn trên cây đòn tay. Nhìn xuống đất, thấy con rít to bằng sợi dây thừng cột ghe, ung dung bò từ góc giường này sang góc giường nọ.

Ngày trình diện công an xã cũng là ngày đáng ghi nhớ suốt đời. Từ nhà, tôi lội bộ trên hai cây số đường đê, sình lầy trơn trợt. Trời mưa, đất ở đây như thoa mỡ bò. Mỗi bước đi, người ta phải quắm các ngón chân lại, bấm sâu xuống đất để giữ thế thăng bằng. Không cẩn thận từng bước, dễ trượt ngã như chơi. Mà khi đã trượt ngã, nằm dài dưới sình, quần áo lấm lem, chỉ có nước lầm lũi trở về nhà. Đã vậy, muốn tới xã, phải trèo qua gần 10 cây cầu khỉ. Cầu nào cầu nấy chỉ có một cây tre bắt ngang, đi trên đó tròng trành trong tranh như đi trên dây biểu diễn xiếc.

Công an xã nằm phía sau chợ Phú Lít. Đó là một căn nhà nhện giăng ruồi bám, vắng tanh đến rợn người. Xung quanh bàn ghế ngổn ngang, tàn thuốc vung vãi, chứng tỏ có một cuộc cãi cọ hay một độ nhậu vừa xảy ra tại đây. Tôi đứng chờ ngoài hiên, chờ đến mặt trời lên cao tận đỉnh đầu, vẫn chưa thấy bóng dáng của ông công an nào ló dạng. Ngóng chờ gần tuyệt vọng, mãi lát sau, mới có ông cao niên vác bẫy chuột đi ngang.
-         Cậu đứng đây làm gì? Chờ ai?
-         Dà, cháu cải tạo mới về. Chờ, trình diện công an.

Ông cao niên bập bập điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, rồi lầm lì ngó tôi từ đầu tới chân.
-         Ngụy hả? Ở đâu?
-         Dà, ấp Phú Ly.
-         Dìa đi, mai tới. Bữa nay, tụi nó đi nhậu ngoài cồn. Chắc tới khuya…

Tôi lại lội trở về. Dưới ánh nắng ban trưa, bụng đói cồn cào. Mồ hôi vã ra, nhễ nhại.

Ngày mai. Rồi ngày mai nữa. Đứng đợi gần hóa đá, mới gặp một ông lè phè đi tới.
-         Ê, kiếm công an, phải không?
-         Vâng, tôi muốn trình diện…

Gã công an cao lêu khêu khom lưng xuống, cúi người nhìn thẳng vào mặt tôi. Mùi rượu, mùi mồ hôi… xông nồng nặc.
-    Tù mới ra hả? Đâu? Đưa giấy coi…

Tôi vuốt vuốt tấm giấy tạm tha, nhẫn nhục trao cho gã. Gã cầm tấm giấy xoay qua xoay lại, xoay tới xoay lui.

-    Đại úy hả? Chà, nợ máu nhân dân nhiều quá!

Tôi cười gượng gạo:
-  Dà, xin lỗi. Anh cầm tấm giấy ngược, đọc nhầm. Cấp bậc tôi là trung úy, đâu phải đại úy?

Gã bắt đầu sừng sộ, mở tung các hột nút trên áo, phanh trần:
-         Mẹ, trung úy. Trung úy cái con c…

Gã cởi toạc áo, nhấc nó lên tay, rồi ném xuống mặt bàn. Bụi tung mịt mù. Bụi bay vào mặt, vào mũi tôi, khiến tôi hắt hơi một tràng dài.

-      Trình diện? Trình diện…mà giờ này mới tới? Về đi, ngày mai có mặt sớm. Nhớ, thật sớm. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm đấy nhé!

Tôi lại lủi thủi về nhà. Và cứ thế, đi lên đi xuống vài lần nữa, mới gặp được trưởng công an xã. Vậy là, đời tôi bị quản chế từ đấy. Người ta ban lệnh cấm, cấm tôi đủ thứ. Cấm không rời khỏi xã. Cấm đi đêm. Cấm ra bờ sông. Cấm tụ tập. Cấm tiếp xúc với người lạ. v… v…

Một hôm, chi bộ ấp mời tôi đến chi bộ họp. Khi nhận lời mời, tôi cảm thấy có chuyện không may sẽ xảy đến cho mình. Chi bộ họp, sao lại có trung úy “ngụy” tham dự? Họ đang âm mưu, tính toán chi đây? Tên du kích dẫn tôi đi vòng vèo một đỗi, cuối cùng dừng lại trước căn nhà lá mục nát, bên cạnh trường sơ cấp.

-         Mời ông vào đây, họp với chúng tôi. Chúng tôi đang cần anh.

Tôi rón rén bước vào bên trong, ngồi xuống một cái ghế trống. Một ông đứng lên, tiến về phía tôi, dõng dạc giới thiệu

 Đây là anh Trung, giám hiệu trường cấp 1. Đây là các đồng chí nhân dân, trong tập đoàn ruộng đất Phú Ly. Chúng tôi vừa họp xong, bằng lòng cắt 2 công ruộng của tập đoàn cho ban giám hiệu cấp 1 để họ gây quĩ học đường. Hiện tại, ruộng chưa cày, vì không có trâu. Trâu bận cày khẩn cấp cho tập đoàn vào vụ mùa. Chúng tôi quyết định nhờ anh giúp giùm. Anh sẽ cày 2 công ruộng cho nhà trường. Đó là một việc làm tình nghĩa, vừa làm lao động xã hội chủ nghĩa, vừa giúp đỡ các em học sinh trong ấp.

Tôi lúng ta lúng túng:
-     Nhưng tôi không có trâu, làm sao cày? Ruộng, tôi cũng chưa quen, làm sao giúp?

Gã chi bộ cười khục khặc:
-         Chúng tôi sẽ chỉ cho anh cách làm. Anh thay trâu. Dễ ợt.


Nói xong, họ lôi tôi ra ruộng. Họ đẩy tôi xuống 2 công đất bạc màu, đầy cỏ dại. Rồi, họ tròng vào vai tôi một sợi dây thừng, nối ở phía sau là một cái cày to tổ bố. Trời lúc đó đang mưa. Mưa tràn xuống ruộng, nước săm sắp tới mắt cá. Tôi lội bì bõm trong mưa, kéo cái cày đi vòng quanh ruộng. Tên du kích lui cui phía sau. Hắn có nhiệm vụ chổng mông, dùng hết sức lực ấn cái cày lún sâu xuống đất. Sức nặng của cái cày và tên du kích làm tôi vã mồ hôi hột. Hai ống chân như đeo đá nghìn cân, nặng nề đến đỗi muốn ngã quỵ. Đôi vai tôi căng lên, đau nhức dữ dội. Rồi, tôi cảm thấy đầu nặng, mắt hoa…cho đến khi choáng váng… lăn nhoài xuống nước.

Lần đầu tiên dùng sức người thay trâu, trong chế độ quản chế của việt cộng, quả thật đã để lại một ấn tượng khó phôi pha trong đời tôi. Bây giờ, đã 15 năm trôi qua, chẳng biết những cảnh nhục hình như thế có còn diễn ra trên quê hương của chúng ta nữa không? 

Phạm Hồng Ân

No comments:

Blog Archive